Nông nghiệp

hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò

Ngày đăng: 2017-09-11 10:31:57


 PHẦN I: GIỐNG VÀ CÔNG TÁC GIỐNG

  I. GIỚI THIỆU MỘT SỐ GIỐNG BÒ:

    1. Giống bò nội:

    Là bò vàng Việt Nam, còn gọi là bò cóc hay bò cỏ.

    - Nguồn gốc: từ bò Bostaurus, nhánh châu Á.

    - Đặc điểm: nhỏ con, u, yếm kém phát triển, tai nhỏ, màu lông từ vàng nhạt đến vàng sậm.

    - Ưu điểm: là thích nghi lâu đời với khí hậu nhiệt đới, chịu được kham khổ khi thức ăn thiếu thốn và nuôi dưỡng kém, chống chịu bệnh tật tốt, khả năng sinh sản cao, thịt ngon.

    - Nhược điểm: tầm vóc và khối lượng nhỏ (khối lượng bò đực bình quân 250 kg, bò cái 180 kg), sức cày kéo kém, sản lượng sữa thấp (sản lượng sữa 300 – 400 lít/chu kỳ 6 – 7 tháng, chỉ đủ cho bê bú), tỷ lệ thịt xẻ kém (43 – 44%).

    Chủ yếu làm sức kéo, không có hướng sản xuất rõ rệt, không có tên riêng mà gọi theo địa danh. Dùng bò đực giống Zebu cho lai với bò cái vàng Việt Nam để tạo ra con lai có tầm vóc khá hơn và sức sản xuất cũng khá hơn.

2. Các giống bò Zêbu:

    Bò Zebu có nguồn gốc ở Ấn Độ và Pakistan. Giống bò này có khả năng chống chịu tốt với điều kiện và môi trường nuôi dưỡng nhiệt đới, do đó cũng phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng của nước ta. Bò Zebu có nhiều giống: Sahiwal, Red Sindhi, Ongole, Brahman,…, trong đó giống Sahiwal và Red Sindhi là 2 giống bò nhiệt đới có sản lượng sữa khá. Nhiều nước nhiệt đới đã dùng giống bò này để lai cải tạo nhằm nâng cao tầm vóc, khối lượng, khả năng cho sữa, cho thịt của giống bò địa phương. Dùng bò lai Zebu làm bò nền cho lai với các giống chuyên dụng sữa, thịt, để tạo thành các giống bò cho sữa, cho thịt.

    a. Bò Red Sindhi (Sind): Có màu lông đỏ cánh gián, trán dô, u vai cao, yếm rộng, âm hộ có nhiều nếp nhăn. Khối lượng bò cái khi trưởng thành 350 - 400 kg, bò đực 500 - 550 kg. Tỷ lệ thịt xẻ 50 - 55%. Sản lượng sữa biến động từ 1.400 – 1.500 kg/chu kỳ vắt sữa. Tỷ lệ bơ trên 5 %.

    b. Bò Sahiwal: Có màu lông vàng nhạt đến đỏ nâu, thể chất chắc chắn, ngoại hình đẹp, u vai to, yếm cao, bò cái bầu vú phát triển hơn bò Sind. Trọng lượng bò cái trưởng thành 400 - 450 kg, bò đực 500 - 600 kg. Tỷ lệ thịt xẻ 50 -55%. Sản lượng sữa bình quân 1.600 - 2.700 lít/chu kỳ vắt sữa 300 ngày. Tỷ lệ bơ 5%.

    c. Bò Brahman: Là giống bò nhiệt đới, có nguồn gốc từ Ấn Độ, thuần hóa ở Mỹ, được nuôi rộng rãi nhiều nơi trên thế giới. Có 2 loại:

    - Brahman trắng: Toàn thân có màu lông trắng, trừ 4 chân, phần đầu, ở u vai có màu lông trắng đến đen nhạt

    - Brahman đỏ: Lông màu vàng đến đỏ sậm.

    Nhìn chung bò Brahman có ngoại hình thể chất chắc chắn, to con, khoẻ mạnh, hệ cơ phát triển, cổ dài, u vai cao, tai to và cụp xuống, ngực sâu, lưng phẳng, chân dài, yếm lớn, sức kháng bệnh tốt. Bò cái trưởng thành nặng 400 - 450 kg, bò đực 500 - 600 kg. Tỷ lệ thịt xẻ 56 - 58%

    d. Bò Ongole :Màu lông từ trắng đến xám, chân cao, phần mông và ngực nở, trán vồ, u vai cao, yếm to, tai nhỏ, hơi lép mình hơn bò Sind. Trọng lượng lúc trưởng thành bò cái 300 – 350 kg, bò đực 400 – 450 kg.

    3. Giống bò chuyên thịt:

    a. Giống Charolais: Là giống bò gốc ở Pháp, bò to con, nặng cân, mình dài, ngực sâu, lưng phẳng, đầu ngắn, lông màu trắng ánh kem sữa. Nhược điểm lớn nhất của bò Charolais là đẻ khó ở lứa đầu. Bò đực trưởng thành nặng 1000 - 1200 kg, bò cái 680 - 770 kg. Tỷ lệ thịt xẻ 60 - 62%. Sản lượng sữa 1.700 – 1.900 kg/chu kỳ.

    b. Bò Limousin: Có nguồn gốc ở Pháp. Bò khá nặng cân, xương thanh và cơ phát triển. Lông màu đỏ, sáng, ở phía bụng nhạt hơn, sừng và móng chân màu trắng, đầu trắng, trán rộng, ngực tròn nhưng không sâu, cơ phát triển. Bò đực trưởng thành nặng 1000 - 1100 kg, bò cái 540 - 600 kg. Tỷ lệ thịt xẻ 70%. Sản lượng sữa 1.500 – 1.800 kg/chu kỳ.

    c. Bò Hereford: Có nguồn gốc tại Anh, thích hợp nuôi chăn thả. Lông màu đỏ với đốm trắng ở đầu, ức, bụng và khấu đuôi. Thân hình vạm vỡ đặc trưng cho hướng bò thịt: đầu ngắn, cổ dày, tròn và ngắn, u vai rộng, lưng hông thẳng, mông dài và nở, chân thấp, bộ xương vững chắc. Bò cái trưởng thành nặng 600 - 750 kg, bò đực 800 - 1100 kg. Tỷ lệ thịt xẻ 58 - 62%.

4. Các giống lai :

    a. Bò lai Sind: Là con lai của bò đực Sind với bò cái vàng Việt Nam. Bò lai Sind có đặc điểm: đầu dài, trán dô, lông màu vàng, vàng đậm hoặc vàng cánh gián, tai cúp, yếm phát triển, u vai cao, chân cao, mình ngắn, bầu vú phát triển vừa phải, âm hộ có nhiều nếp nhăn. Bò đực nặng 400 – 450 kg, bò cái nặng 250 – 300 kg, bê sơ sinh nặng 18 – 25 kg. Tỷ lệ thịt xẻ 48-49%. Sản lượng sữa bình quân  800 – 1.200 lít/chu kỳ vắt sữa 240 ngày, có con cho đến 2.000 lít. Tỷ lệ bơ sữa 5,1 – 5,5%.

    Bò cái lai Sind đã khắc phục được nhược điểm của bò vàng, tập trung những điểm quí của cả 2 giống. Bò này đủ điều kiện để phối với đực của giống chuyên sữa, chuyên thịt cao sản, tạo ra con lai có khả năng cho sữa, cho thịt cao

    b. Bò lai Charolais: Là kết quả lai kinh tế giữa đực giống Charolais với bò cái lai Sind để tạo bò F1 nuôi lấy thịt. Đây là phẩm giống có tỷ lệ thịt xẻ rất cao trên 53%. Bò nuôi 22 tháng đạt 225 kg, đến 27 tháng đạt 293 - 300 kg.

 

II. CÁCH CHỌN GIỐNG:

    1. Chọn bò cái giống:

    Có lông da bóng mượt, sinh sản tốt, thân hình cân đối, 4 chân thẳng vững chắc, đầu cổ thanh, phân mông và khung chậu to, phát triển, có lý lịch rõ ràng, da bầu vú mỏng, núm vú lộ rõ, nhìn từ phía sau bầu vú có nhiều nếp nhăn.

    2. Chọn bò đực giống:

    Tầm vóc to lớn, ngoại hình cân đối, thể trọng khoảng 350 – 500 kg, 4 chân vững chắc, dịch hoàn to, lộ rõ và phát triển cân đối, u vai cao, yếm rộng, mông nở nang, dài, bụng thon, linh hoạt, nhảy khỏe. Nên sử dụng bò lai có 75% máu Zebu trở lên.

    3. Chọn bò cày kéo:

    Thân hình hơi dài, trước cao hơn sau, vạm vỡ, 4 chân đều nhau và cao. Đầu to, miệng rộng, ngực và vai nở nag, bụng tròn và phát triển cân đối. Thường chọn bò lai nhóm Zebu.

    4. Chọn bò nuôi thịt:

    Bò nuôi thịt cơ thể phải nở nang “vai u thịt bắp”, hình có dạng chữ nhật, ngực sâu rộng, mông đùi nở nang, chân thấp. Có khả năng tăng trọng nhanh trong thời gian vỗ béo, trọng lượng xuất chuồng và tỷ lệ thịt cao.

 

III. CÁCH PHỐI GIỐNG:

    1. Đặc điểm sinh sản của bò cái và những biểu hiện động dục:

    a. Đặc điểm sinh sản:

    - Tuổi bắt đầu phối giống từ 18 – 24 tháng

    - Thời gian mang thai 280 ngày (9 tháng 9 ngày).

    - Chu kỳ động dục 21 ngày (dao động 18 – 24 ngày).

    - Thời gian động dục lại sau khi sanh 2 – 2,5 tháng.

    b. Các giai đoạn biểu hiện động dục ở bò cái:

    Động dục là thời điểm bộ máy sinh dục của bò cái sẵn sàng tiếp nhận tinh trùng, rụng trứng và mang thai. Thời gian động dục thường kéo dài 24 - 48 giờ. Khi bò động dục, thường có một số biểu hiện như: bỏ ăn, kêu rống, nhớn nhác, nhảy chồm lên lưng bò khác hoặc để bò khác nhảy lên lưng nó. Âm hộ sưng đỏ, chảy nước nhờn. Đối với bò nuôi nhốt, cầm cột thì việc phát hiện bò động dục khó khăn hơn bò chăn thả và không cầm cột, đòi hỏi người chăn nuôi phải quan tâm, chú ý quan sát những biểu hiện khác thường của bò cái. Người chăn nuôi là người nắm vai trò quan trọng nhất trong việc phát hiện bò động dục. Có thể chia chu kỳ động dục của bò sữa làm 3 giai đoạn:

    - Giai đoạn trước chịu đực: Bò thường có các biểu hiện như ngửi, hít các bò khác, nhảy chồm lên con khác nhưng không chịu cho bò khác nhảy chồm lên lưng nó. Đây là một dấu hiệu quan trọng để phân biệt khi bò động dục thật sự, bồn chồn hiếu động, âm hộ hơi ướt bóng, đỏ và hơi sưng (đôi khi ra dịch nhầy nhưng không dính, loãng), giai đoạn này thường kéo dài khoảng 3 - 8 giờ.

    - Giai đoạn chịu đực: Bò cái thường có biểu hiện như hiếu động nhiều hơn, kêu rống, âm hộ ướt bóng, đỏ và bớt sưng hay són đái, ra dịch nhầy trong suốt và keo đặc; dính. Biểu hiện quan trọng nhất để chọn thời điểm phối tinh thích hợp là phản xạ đứng yên (chịu cho bò khác nhảy chồm lên lưng nó). Phối tinh lúc này thì tỷ lệ thụ thai cao nhất. Giai đoạn này thường kéo dài từ 6 - 18 giờ.

    - Giai đoạn sau chịu đực: Bò không còn phản xạ đứng yên nhưng vẫn còn nhảy lên con bò khác, dịch nhầy vẫn còn ra và thường sau 1 - 2 ngày có thể quan sát thấy máu lẫn trong niêm dịch. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 12 giờ.

    c. Thời điểm phối giống thích hợp:

    - Phối trực tiếp: Dùng bò đực tốt đã được chọn lọc để phối trực tiếp với bò cái sau khi phát hiện lên giống 12 giờ.

    - Thụ tinh nhân tạo: Có thể phối giống cho bò  ở thời điểm 12 - 18 giờ kể từ khi bò có biểu hiện động dục. Nếu có điều kiện nên phối kép 2 lần để tăng khả năng thụ thai. Lần 1 phối sau khi phát hiện động dục 6 giờ, lần 2 nhắc lại sau 10 - 12 giờ.

    Đối với bò nuôi chăn thả, không cầm cột thì thời điểm phối giống tốt nhất là khi bò có phản xạ đứng yên (chịu đứng yên cho bò khác nhảy lên). Theo kinh nghiệm thực tế, có thể quan sát tình trạng dịch nhầy để chọn thời điểm phối giống. Khi dịch nhầy keo đặc lại (kéo dài như chiếc đũa) thì phối tinh là tốt nhất. Thông thường khi bò động dục vào lúc sáng sớm thì phối tinh vào buổi chiều cùng ngày, bò động dục vào buổi trưa hoặc chiều thì phối tinh vào buổi sáng ngày hôm sau.

    2 Phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT):

    Phương pháp này sử dụng tinh các bò đực giống đã được chọn lọc dưới dạng tinh viên hoặc tinh cọng rạ để phối cho bò cái. Ưu điểm của phương pháp này là tạo được bò lai có phẩm chất cao từ các bò đực đã được kiểm tra, ngăn ngừa hiện trạng đồng huyết, giảm lây lan các bệnh truyền nhiễm. Phương pháp này đòi hỏi phải có kỹ thuật cao (dẫn tinh viên) người nuôi bò phải biết cách phát hiện đúng thời điểm bò động dục và báo kịp thời cho dẫn tinh viên để tiến hành TTNT cho bò. Hiện nay tỉnh Bình Thuận đã có đội ngũ dẫn tinh viên đã được đào tạo cơ bản, có tay nghề. Người nuôi bò có thể liên hệ với Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm giống Vật nuôi để biết thêm chi tiết.

    3. Phương pháp phối giống trực tiếp (phối tự nhiên):

    Đây là phương pháp sử dụng bò đực giống tốt đã được chọn lọc để phối trực tiếp cho bò cái nền trong chương trình cải tạo đàn bò, chăn nuôi bò sinh sản và chăn nuôi bò thịt.

 

IV. XÁC ĐỊNH TUỔI VÀ TRỌNG LƯỢNG CỦA BÒ:

    1. Cách xác định trọng lượng bò: Xác định chính xác nhất là dùng cân. Trong thực tế và nhất là trong điều kiện chăn nuôi nông hộ thì điều này khó thực hiện.

    Có thể xác định khối lượng bò bằng cách dùng thướt dây đo một số chiều và tính theo công thức:

Khối lượng bò (kg) = [Vòng ngực (m)]2 x [Dài thân chéo (m)] x 90.

    Vòng ngực: chu vi vòng đo sau xương bả vai.

    Dài thân chéo: chiều dài từ mỏn xương bả vai đến u xương ngồi.

    2. Giám định tuổi bò: Có nhiều phương pháp giám định tuổi bò. Tuy nhiên giám định tuổi qua răng là tương đối dễ và chính xác nhất.

    Răng của bò có 2 loại: Răng sữa và răng vĩnh viễn. Sau khi đẻ 1 tháng bò có 8 răng sữa, bò từ 2 tuổi trở lên căn cứ vào việc thay răng và độ mòn của răng để đoán tuổi. Có thể chênh lệch nữa năm tuổi.

    - Bò 2 năm tuổi thay 2 răng (cặp răng ở giữa).

    - Bò 3 năm tuổi thay 4 răng (cặp áp giữa).

    - Bò 4 năm tuổi thay 6 răng (cặp áp gốc).

    - Bò 5 năm tuổi thay 8 răng (cặp răng ở gốc).

    - Bò 6 năm tuổi đã thay 8 răng.

    - Bò 7 năm tuổi 2 răng cửa mòn hình sợi chỉ.

    - Bò 8 năm tuổi 2 răng cửa mòn hình chữ nhật.

    - Bò 9 năm tuổi 2 răng cửa mòn hình vuông.

    - Bò 10 năm tuổi 2 răng cửa mòn hình tròn

    - Bò 11 năm tuổi 4 răng cửa mòn hình tròn.

    - Bò 12 năm tuổi 6 răng cửa mòn hình tròn.

    - Bò 13 năm tuổi 8 răng cửa mòn hình tròn.

 

PHẦN II: CHUỒNG TRẠI

    Chuồng nuôi rất cần thiết để che mưa, che nắng, chống nóng, chống lạnh cho bò, đảm bảo dễ dọn vệ sinh, không gây hôi thối làm ô nhiễm đến môi trường xung quanh.

    Chuồng nuôi nên hướng về phía Nam hoặc Đông Nam, đủ ánh sáng, khô ráo, sạch sẽ.

    Cột làm bằng cây hoặc bằng xi măng. Nền chuồng làm bằng xi măng phải phẳng nhưng không được trơn, hơi dốc về phía rãnh thoát nước (2 – 3%) và có lỗ thoát nước khi dọn vệ sinh. Mái có thể lợp bằng lá hoặc bằng tôn, mái tôn nên phủ lá bên trên, chiều cao từ cuối mái lá đến mặt đất khoảng 2m.. Có đủ máng ăn, máng uống  cho bò.

    Mật độ nuôi, đối với bò mẹ nuôi con, cứ 2 gian bò mẹ kèm một gian chen vào giữa cho bê đến 6 tháng tuổi để khi cần bê sang chuồng bò mẹ để bú sữa. Nếu mỗi gian bò mẹ nuôi 2 - 3 con thì bê nuôi ở gian giữa 4 - 6 con. Diện tích cho mỗi bò mẹ 4 - 5 m2/con, cho bê sơ sinh đến 6 tháng tuổi 1,5 - 3 m2/con. Đối với bê nuôi thịt đến 24 tháng tuổi, mỗi gian chuồng có thể nuôi 5 - 9 con, nên nuôi đực riêng, cái riêng, mỗi gian chuồng có thể nhốt nhiều bò thịt cùng lứa tuổi.

 

PHẦN III: THỨC ĂN

    Thức ăn của bò chủ yếu là thức ăn xanh thô. Một ngày đêm bò có thể ăn 20 - 60 kg thức ăn thô xanh tùy theo lứa tuổi và khối lượng cơ thể của chúng. Thức ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ cho nhiều sữa, thịt hơn

 

I. NHU CẦU DINH DƯỠNG

    1. Protein: Năng suất thịt đạt cao hay thấp là do lượng protein quyết định. Nếu thiếu prôtêin bò sẽ gầy yếu và tăng trọng kém. Những thức ăn giàu prôtêin là cỏ non, cỏ họ đậu, khô dầu đậu tương, bột cá, bã bia...

    2. Bột đường và mỡ (glucid và lipid): Là những chất dinh dưỡng cần thiết cung cấp năng lượng cho bò hoạt động và cho sản phẩm. Chất bột đường có nhiều trong bột bắp, cám, gạo,tấm, khoai lang... Chất mỡ cấp năng lượng nhiều nhất, thường gấp 2,5 lần so với protein và bột đường.

    3. Chất khoáng: Canxi và phốtpho là 2 chất không thể thiếu của bò để tạo xương và tiết sữa. Cho bò ăn thêm bột xương, bột sò,... có thể bổ sung thêm một lượng canxi, phốt pho. Ngoài ra bò còn cần một số nguyên tố vi lượng khác như sắt, đồng, kẽm, coban... , những chất trên thường có trong cỏ xanh, thân cây bắp, rau, đậu...

    4. Vitamin: Bò cần Vitamin nhóm A, B và D. Vitamin A rất cần thiết để duy trì sức khỏe và cho sữa. Vitamin A, B có nhiều trong cỏ xanh, cỏ ủ chua....Vitamin D có nhiều trong các loại thức ăn ủ men, cỏ khô, bã rượu bia... Bò cần chăn thả ngoài đồng để có điều kiện tổng hợp vitamin D.

    5. Nước uống: Bò cần nước để vận chuyển các chất dinh dưỡng, điều chỉnh thân nhiệt và để sản xuất sữa. Hàng ngày bò cần một lượng nước khá lớn bằng 1/10 trọng lượng cơ thể, vì vậy cung cấp đầy đủ nước uống cho bò là rất cần thiết.

 

II. NGUỒN THỨC ĂN

    Thức ăn cho bò thịt không cầu kỳ như các loại gia súc khác, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng như đạm, khoáng, mỡ..., bò mới cho năng suất thịt cao. Nguồn thức ăn chủ yếu cho bò thịt là cỏ tươi ở bãi chăn thả, cỏ khô, rơm rạ... và một số loại thức ăn thô xanh khác như ngọn mía, thân cây bắp....Ngoài ra cần cho ăn thêm thức ăn tinh như cám, bột bắp, bột gạo..., phụ phế phẩm ngành thực phẩm như khô dầu phụng, khô dầu dừa,... thức ăn củ quả như khoai lang, bí đỏ... và thức ăn nhiều nước.

    1. Trồng cỏ và chế biến cỏ:

    a. Giống cỏ voi (Penisetum purpureum): Là loại cỏ thảo, trông giống như cây mía, thân cứng có lóng và cao đến 2m. Sinh trưởng nhanh, năng suất cao, chất lượng tốt, bò thích ăn vì đường nhiều và ngọt. Cắt cỏ cho ăn tươi hay ủ đều tốt. Cỏ sinh trưởng tốt ở đất cao, chịu được mức phân bón cao. Không chịu được đất ngập úng, đất phèn, đất mặn, khả năng chịu hạn kém.

    Thời vụ: Trồng thích hợp vào đầu mùa mưa.

    Chuẩn bị đất: Cày sâu, bừa kỹ 2 lượt, vơ sạch cỏ dại, san đất phẳng. Rạch hàng sâu 15-20 cm, hàng cách hàng 50 - 60 cm.

    Phân bón: Tùy theo ruộng tốt, xấu, trung bình mà điều chỉnh lượng phân bón cho thích hợp. Có thể bón với lượng phân như sau (tính cho 1 ha): Phân hữu cơ 10-15 tấn, phân urê  400-500 kg, Super lân 250-300 kg, Kali đỏ (KCl) 100-150 kg (nếu dùng Sulfat kali 150-200 kg). Bón lót toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, phân kali theo hàng. Phân urê dùng cho bón thúc và sau mỗi lần cắt.

    Giống: Cỏ voi trồng bằng hom, dùng thân cỏ có độ tuổi 80-100 ngày. Chặt vát dài 25-30 cm, có 3-5 mắt mầm. Số lượng cần 8-10 tấn hom/ ha.

    Cách trồng: Trồng hom đơn, đặt hom theo lòng rãnh, chếch 45°. Hom này cách hom kia 30-40 cm, lấp đất sau cho hom nằm 20 cm dưới mặt đất, 10 cm chìa lên trên.

    Chăm sóc: Sau khi trồng 10-15 ngày, mầm cỏ nhô lên mặt đất, trồng dặm những chỗ hom bị chết, làm cỏ, xới xáo nhẹ phá váng. Dùng 100 kg urê bón thúc khi cỏ được 25-30 ngày. Sau khi thu hoạch cỏ đợt đầu, cỏ ra lá thì tiến hành bón thúc phân urê  40-50 kg/ ha; các đợt tái sinh tiếp theo cũng bón phân như trên.

    Thu hoạch: Đợt đầu thu hoạch vào lúc cỏ 50-60 ngày sau khi trồng, không thu hoạch non đợt đầu sẽ ảnh hưởng đến năng suất cỏ các lứa sau. Các đợt tái sinh tiếp theo khoảng 40 - 45 ngày. Độ cao cắt gốc để lại là 5 – 10 cm, cắt sạch không để lại cây mầm, để cỏ lứa sau mọc lại đều. Trồng, chăm sóc và thu hoạch đúng kỹ thuật thì trồng một lần có thể thu hoạch được 3 - 4 năm. Mùa khô tưới được thì thu hoạch quanh năm.      Một năm có thể thu hoạch 8 lứa, năng suất khoảng 255 tấn/ ha cỏ tươi. Nếu có đủ phân, nước tưới và chăm sóc kỹ thì năng suất cỏ có thể đạt 400 tấn/ha/năm, đủ nuôi 25 – 30 bò sữa. Nên chia thành nhiều lô nhỏ để cắt cho bò ăn theo dạng cuốn chiếu.

    b. Cỏ sả còn gọi cỏ Ghinê (Panicum maximum): Là giống cỏ thảo, thân bụi như bụi sả. Cỏ sả có 2 giống là cỏ sả lá lớn và cỏ sả lá nhỏ. Cỏ sả lá lớn có năng suất cao, trồng để cắt ăn tươi hoặc ủ. Cỏ sả lá nhỏ năng suất thấp hơn, nhưng chịu hạn, chịu dẫm đạp, dùng để chăn thả thích hợp hơn. Cỏ sả nói chung sinh trưởng mạnh, năng suất cao, chịu hạn khá, chịu  nóng, chịu bóng râm, chất lượng tốt và dễ trồng. Phù hợp với chân ruộng cao, đất pha cát, không chịu được úng ngập. Có thể nhân giống bằng hạt, hoặc thân gốc.

    Thời vụ: Trồng tốt nhất là đầu mùa mưa.

    Chuẩn bị đất: Như đối với cỏ voi, nếu trồng bằng hạt thì phải làm đất kỹ hơn. Rạch hàng khoảng cách 40-45 cm sâu 15 cm nếu trồng bằng khóm và sâu 10 cm nếu trồng bằng hạt.

    Phân bón: Trồng 1 ha cỏ có thể bón phân hữu cơ 10 - 15 tấn, phân urê 350-400 kg, phân Super lân 200-250 kg, phân kali đỏ (KCl) 100-150 kg (nếu dùng Sulfat kali 150-200 kg). Bón lót toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, phân kali theo hàng. Phân urê chia đều dùng cho bón thúc và sau mỗi lần cắt.

    Giống: Nếu trồng bằng hạt cần 5-6 kg, nếu trồng bằng bụi cần 5-6 tấn khóm. Khóm cỏ sả cắt bỏ phần ngọn, phần gốc còn lại cao 25-30 cm. Dùng cuốc đánh gốc cỏ lên, rũ sạch đất, cắt bớt rễ già. Khi trồng tách thành cụm nhỏ, có 3-4 nhánh tươi để trồng.

    Cách trồng: Sau khi đã rạch hàng, bón phân lót thì tiến hành đặt các cụm giống tựa vào thành hàng và ngã về cùng phía sau cho vuông góc với lòng rãnh, khoảng cách 30-40 cm, lấp đất ½ độ dài thân giống dậm chặt đất phần gốc rễ. Nếu trồng hạt thì lấp đất mỏng 3-5 cm.

    Chăm sóc: Sau khi trồng 15-20 ngày, kiểm tra mầm chồi để trồng dặm. Làm cỏ dại cho đến khi cỏ sả mọc cao. Dùng phân urê bón thúc sau khi làm sạch cỏ dại.

    Thu hoạch: Lứa đầu thu hoạch khi cỏ 55 - 60 ngày, các lứa sau khoảng 30-45 ngày. Cắt cao cách mặt đất 10 cm. Nếu dùng nước rửa chồng tưới cỏ thì chỉ tưới sau khi cắt một tuần và không được tưới trực tiếp lên gốc cỏ, sẽ làm cỏ bị chết. Cỏ trồng một lần có thể thu hoạch được 2 -3 năm. Nếu trồng cỏ sả để chăn dắt thì lứa thứ 1, thứ 2 phải cắt, đến lứa thứ 3 mới đưa gia súc vào gặm cỏ, chu kỳ chăn thả khoảng 25 – 35 ngày (mùa mưa) hoặc 35 - 45 ngày (mùa khô) và thời gian chăn thả liên tục trên 1 khoảnh không quá 4 ngày. Cỏ sả lá lớn trồng thâm canh năng suất tương đương cỏ voi, có thể thu hoạch 8-10 lứa, có thể đạt năng suất từ 250-300 tấn/ha/năm.

    c. Chế biến cỏ

    Mục đích: Để dự trữ và làm tăng khả năng tiêu hóa cho bò. Cỏ tự nhiên, cỏ trồng, ngọn mía, thân bắp, vỏ thơm khóm, rau, … là thức ăn xanh đang được sử dụng rộng rãi để làm thức ăn cho bò. Việc chế biến thức ăn thô xanh, thức ăn thô khô để dự trữ là một biện pháp cần thiết để đảm bảo đủ thức ăn quanh năm cho bò, bằng các phương pháp chế biến sau đây:

    * Phơi khô: Sau khi cỏ được cắt phơi 1 - 2 nắng cho héo, để tránh bị mốc, có thể phun sương nước muối 1%, rồi chất thành đống 4 - 5 ngày lên men, phơi nhẹ và dự trữ. Ưu điểm: Bò thích ăn nhưng mất nhiều vitamin.

    * Ủ xanh: (còn gọi là ủ chua) Nguyên liệu để ủ gồm các loại cỏ tự nhiên, cỏ trồng, thân cây bắp tươi, … phơi héo 6 – 12 giờ, cắt ngắn 10 -15 cm, rồi đem ủ.

    - Hố ủ: Có thể xây gạch hoặc đào đất lót nilon xung quanh và đáy hố ủ, với thể tích tùy lượng cỏ, có thể 6 x 1 x 1,2 m.

    - Cách ủ: Lót 1 lớp rơm ở đáy dày 10 cm, sau đó cho cỏ vào hố ủ, đầm nén thật chặt dày 20 - 30 cm, sau đó rải 1 lớp muối 1 - 2%, rỉ mật đường 2 - 4%  (có thể bổ sung 0,25 – 0,5% urê) so lượng cỏ, cứ làm như vậy cho đến khi đầy hố ủ, xong phủ 1 lớp rơm bên trên, đậy kín nilon lên trên miệng hố, dùng đất đá chèn ép chặt các mép lại, phía trên hố cần có mái lá hay che nilon để tránh mưa.

    Sau 3 tuần ủ, lấy cỏ cho bò ăn, lấy từng lớp một từ trên xuống, sau mỗi lần lấy cỏ đậy kín nilon lại.

    Cỏ ủ tốt: Có màu vàng xanh, mùi thơm, không mềm nhũng, không quá chua.

    2. Sử dụng một số phụ phẩm

    a. Rơm rạ: là thức ăn khô thô cho bò ở những vùng trồng lúa. Rơm rạ có giá trị dinh dưỡng thấp, vì thế để tăng hiệu quả sử dụng, tăng độ tiêu hóa, rơm rạ cần được xử lý thông qua việc ủ rơm rạ bằng urê, rỉ mật,...

    * Ủ rơm khô:

    - Hố ủ: có 2 ngăn, có thể xây bằng gạch (như ô chuồng heo) hoặc quây bọc bằng vải nhựa, kích thước hố ủ tùy theo số lượng bò.

    - Cân rơm: Cân từng bó 10 kg rơm rồi rãi mỏng xuống nền hố. Số lượng rơm sao cho đủ bò ăn trong 1 tuần. Trung bình một bò ăn 7 - 8 kg rơm/ngày, như vậy cần 50 kg rơm ủ/bò/tuần.

    - Lượng nước: Nếu rơm khô, thì tỷ lệ rơm, nước là 1/1, nếu rơm còn ẩm thì giảm lượng nước.

    - Lượng Urê: Tỷ lệ Urê so với rơm là 4%, nếu rãi một lớp rơm khô 10 kg, thì cần 400g Urê pha 10 lít nước, tưới đều và chậm để nước Urê ngấm đều vào rơm.

    - Nén rơm: Trong quá trình tưới nước Urê lên rơm phải giậm nén thật chặt cho rơm xẹp xuống, càng nén chặt càng tốt, đặc biệt là ở các góc của hố ủ.

    - Che phủ hố ủ: Tiếp tục cho rơm vào hố ủ cho đến khi đầy hố ủ hoặc đủ lượng rơm cần ủ, rồi che phủ kín hố bằng 1 tấm bạt nhựa, hoặc nilon, bên trên hố cần làm mái che.

    - Cách sử dụng rơm ủ Urê: Sau 7 ngày ủ lấy rơm cho bò ăn. Rơm ủ đạt chất lượng nếu có màu vàng tươi, hơi ướt, nóng 40 - 45oC và có mùi khai rất nồng, khi trên bề mặt có lớp meo trắng là có thể sử dụng được, nếu là mốc đen hoặc xanh thì phải bỏ đi. Mở một mặt của tấm phủ để lấy rơm, lấy từng lớp rơm một, lấy từ trên xuống dưới và đậy hố ủ thật kín sau mỗi lần lấy rơm. Chú ý tập cho bò ăn rơm ủ vài ngày đầu trước khi thay thế các loại thức ăn mà bò đã quen.

    - Rơm ủ Urê có tỷ lệ đạm tăng 6 - 8%, tỷ lệ tiêu hóa tăng 45 - 50%, lượng rơm ủ cho bò ăn tăng lên 7 - 10 kg/con/ngày.

    * Ủ rơm tươi: Cách làm giống như trên, nhưng không cần nước vì là rơm tươi, tỷ lệ urê và rơm tươi là 4%.

    * Ủ rơm khô với Urê và rỉ mật đường: Tỷ lệ rơm, nước, rỉ mật đường, Urê: 100: 100: 4: 4. Cách ủ giống ủ rơm Urê, nhưng chú ý sao cho urê và rỉ mật đường tan đều trong nước.

    b. Rỉ mật đường: Là phụ phẩm của quá trình sản xuất đường từ mía. Chứa nhiều đường, vị ngọt là yếu tố gây ngon miệng, là chất kết dính tốt khi tạo thức ăn viên hay bánh dinh dưỡng, nó kích thích hoạt động của vi sinh vật dạ cỏ và là nguồn cung cấp chất khóang. Rỉ mật có thể cho ăn từ 1 – 2kg/con/ngày.

    3. Thức ăn tinh:

    Bò ăn thức ăn tinh giúp tăng khả năng tiêu hóa thức ăn thô, bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết.

    Thức ăn tinh có hàm lượng dinh dưỡng cao nhiều đạm, đường, béo, khoáng, Vitamin, xơ thấp, tỷ tệ tiêu hóa cao. Thức ăn tinh chia làm nhiều loại:

    - Thức ăn tinh cung năng lượng: năng lượng cao, nhiều chất bột đường, đạm thấp hơn 20%. Gồm các loại ngũ cốc, sản phẩm ngũ cốc: bắp, cám, lúa mì,..

    - Thức ăn cung đạm: có hàm lượng Protein cao hơn 20% như: hạt đậu, khô dầu, bột cá, bột thịt,…

    Có thể dùng 1 loại nhưng tốt nhất nên kết hợp 2- 3 loại thức ăn, có điều kiện thì kết hợp thêm bột cá, bánh dầu,.. Cho ăn bột hoặc trộn vào rơm cỏ,…

    Công thức phối hợp khẩu phần thức ăn tinh

Số

TT

Nguyên liệu

Bò dưới 6 tháng

Bò trên 6 tháng và vỗ béo

CT 1

CT2

CT 3

CT4

CT5

1       

  Bột khoai mì

-

-

70

85

65

2       

  Bột bắp

40

50

10

-

25

3       

  Cám gạo

20

15

-

-

-

4       

  Bột đậu nành

32

 

-

-

-

5       

Bánh dầu đậu phụng

 

20

7

10

5

6       

  Bột cá

5

12

3

7       

  Rỉ mật

-

-

5

 

 

8       

  U rê

-

-

3

3

3

9       

  Premix

2

2

-

-

 

10   

  Bột xương (sò) 

1

1

1

1

1

11   

  Muối

-

-

1

1

1

Tổng

100

100

100

100

100

 

    Trên thị trường có bán nhiều loại thức ăn tinh trộn sẵn của các hãng sản xuất thức ăn gia súc như An Phú, Con Cò,...

    4. Sử dụng đá liếm:

    Bò thường thiếu hụt chất khoáng, vì vậy cần bổ sung các loại khoáng đa lượng, vi lượng bằng đá liếm. Có thể bổ sung cho các đối tượng bò nhưng tốt nhất là bò con, bò sinh sản, bò thịt, bò vỗ béo. Nhờ đó giúp bò tăng khả năng tiêu hóa chất xơ và cung cấp một số chất cần thiết, đề phòng một số bệnh sinh sản, bại liệt sau khi đẻ, còi xương,....

    Công thức chế biến bánh dinh dưỡng (đá liếm)

Số

TT

Nguyên liệu

Công thức

1

2

3

4

1

Rỉ mật, mật mía

40 - 45%

52%

31

35

2

Urê

10

3

10

10

3

Muối ăn NaCl

5

2

5

5

4

Vôi bột

3

8

5

10

5

Xi măng

5

-

2

-

6

Cám gạo

10

-

20

39

7

Bột khoai mì

-

26

-

8

Bột bã mía

27 - 30

14

 

-

9

Bột dây đậu phụng khô

20

 

-

10

Premix khoáng

-

1

1

1

 

Cộng

100%

100%

100%

100%

 

 

PHẦN VI: KỸ THUẬT NUÔI

    I. CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG BÒ MẸ

    1. Chăm sóc nuôi dưỡng bò cái có chửa:

    Sau khi phối giống 21 ngày, nếu không có biểu hiện động dục trở lại thì có thể xác định bò cái đã có thai. Bò cái có chữa cần được cho ăn uống đầy đủ, mỗi ngày 30 - 35 kg cỏ xanh, 2 kg rơm ủ u rê, 1 kg thức ăn tinh (hoặc 2 – 2,5 kg cám gạo), 40 - 60 gam muối, bột xương, bột sò. Không bắt bò làm việc nặng, tránh xô đẩy, đánh đuổi bò trong các tháng chửa thứ 3, 7, 8 và 9. Chuồng trại cần khô, sạch, thoáng mát, nền phẳng, thoát nước nhưng không trơn trợt. Vào những tháng cuối của thời kỳ mang thai không nuôi bò quá mập để việc sinh sản dễ hơn. Trước khi đẻ 2 – 4 tuần nên bổ sung thêm vitamin A,D,E,... giúp bò mẹ khỏe hơn và sinh sản tốt hơn.

    2. Chăm sóc nuôi dưỡng bò đẻ, bê con:

    a. Đỡ đẻ bò: Thời gian mang thai của bò là 280 ngày, cần ghi lại ngày phối giống để dự đoán ngày sinh.

    Cần chuẩn bị chỗ đẻ, các dụng cụ như cồn sát trùng, kéo cắt, bông băng, dây cột,... khi bò có dấu hiệu chuyển dạ.

    Trong trường hợp bò đẻ bình thường, không cần can thiệp chỉ cần hỗ trợ cho bò cái dùng tay kéo nhẹ thai ra. Bò mẹ đẻ liếm và chăm sóc con, rốn tự đứt. Khi bò đẻ sẽ vỡ ối, ta có thể hứng lấy nước ối, thêm ít muối và nước ấm cho bò mẹ uống để kích thích bò đẻ nhanh hơn. Bò yếu người chăn nuôi phải can thiệp vào, dùng khăn lau sạch và khô, dùng tay móc nhớt trong mũi, mồm bê giúp bê thở sau đó để bò mẹ tự liếm con. Dùng chỉ cột rốn cách thành bụng 5 – 7 cm, dùng kéo cắt ngang và sát trùng bằng cồn Iôt 5%. Bóc móng để bê con đỡ trơn trợt khi mới tập đi. Cân bê, vệ sinh phần sau và phần vú bò mẹ. Cho bê bú sữa đầu ngay, giá trị dinh dưỡng sữa đầu rất cao để bê chống được lạnh và nhận được nhiều kháng thể mẹ truyền sang. Trường hợp đẻ khó phải gọi thú y đến can thiệp kịp thời.

    b. Chăm sóc bò đẻ: Sau khi đẻ xong cần cho bò mẹ uống nước cám hoặc cháo pha ít muối và quan sát nhau có ra không. Có thể bổ sung thêm vitamin A,D,E,... giúp bò mẹ nhanh phục hồi và cho sữa nhiều hơn. Những ngày đầu sau khi đẻ, cho bò mẹ ăn cháo (0,5 - 1 kg thức ăn tinh/con/ngày và 30 - 40 gam muối ăn), có đủ cỏ non, xanh tại chuồng. Những ngày sau, trong suốt thời gian nuôi con, một ngày cần cho bò mẹ ăn 30 kg cỏ tươi, 2 - 3 kg rơm ủ, 1 - 2 kg thức ăn hỗn hợp hoặc 2 – 3 kg cám gạo) để bò mẹ phục hồi cơ thể, nhanh động dục trở lại để phối giống sớm.

    c. Chăm sóc bê: Từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi, nuôi tại nhà, cạnh mẹ, luôn giữ ấm cho bê, chỗ bê nằm khô sạch, và tránh gió lùa. Trong tuần đầu nên bổ sung thêm vitamin A,D,E,...  Tập cho bê ăn cỏ non phơi tái, nên pha một ít nước miếng của bò mẹ để khi bê ăn cỏ sẽ nhanh phát triển hệ vi sinh vật dạ cỏ giúp sự tiêu hoá chất xơ được sớm hơn. Trên 1 tháng tuổi, chăn thả theo mẹ ở gần bãi chuồng, tập cho bê ăn thức ăn tinh.

    Bê từ 3 - 6 tháng tuổi: cho ăn 5 - 10 kg cỏ tươi; 0,2 kg thức ăn hỗn hợp (không có urê). Cai sữa bê lúc 6 tháng tuổi.

    Bê từ 6 - 12 tháng tuổi: chăn thả là chính, mỗi ngày cho bê ăn 15 - 20 kg cỏ tươi, cho ăn thêm ngọn mía, cây bắp non, củ, quả, 0,2 - 0,4 kg rỉ mật đường (nếu có), có điều kiện thì cho ăn 0,3 kg thức ăn tinh, 1 – 2 k g rơm ủ urê. Xỏ mũi cho bê lúc 6 – 8 tháng tuổi. Tắm chải cho bê hàng ngày và cho uống nước đầy đủ.

    Bê từ 12 - 21 tháng tuổi: Ngoài việc chăn thả là chính, cần cho bê ăn cỏ (20 – 40 kg/con/ngày), rơm, ngọn mía, cây bắp non, củ, quả,... và có thể cám gạo 1 – 2 kg/con/ngày. Đối với bò cái tơ cần đạt trọng lượng 200 kg trở lên mới cho phối giống. Bò dùng làm cày kéo nên tập lúc 14 tháng tuổi trở đi và thiến lúc trên 18 tháng. Sau khi cày kéo cho bò ăn một ít thức ăn tinh, khi bò làm việc nhiều có thể bổ sung vitamin A,D,E,... 

    II.  NUÔI BÒ VỖ BÉO:

    1. Đối với bê nuôi giết thịt: Tuổi thích hợp là 18 - 24 tháng tuổi. Tiến hành vỗ béo bê từ 3 tháng trước khi xuất chuồng. Thời gian vỗ béo bắt đầu lúc 22 tháng tuổi. Đối với bê nuôi vỗ béo, để đạt 220 - 240 kg hơi lúc 24 tháng tuổi, cần cho bê ăn 15 - 25 kg cỏ tươi, cây bắp non, ngọn mía tươi và rỉ mật (nếu có) với 3 - 4 kg thức ăn tinh hỗn hợp 14% đạm/ ngày. Ăn liên tục trong 60 ngày trước khi xuất bán (tăng trọng 0,8 - 0,9 kg/con/ngày).

    2. Đối với bò gầy yếu: Bò già loại thải cần vỗ béo trước khi giết mổ bằng 3 - 4 kg thức ăn tinh hỗn hợp, 2 - 4 kg rơm ủ urê, 20 - 30 kg cỏ tươi, ngọn mía..../ngày

    Cho bò, bê uống nước sạch thoả mãn trong những ngày vỗ béo đồng thời phòng trị kí sinh trùng cho bò bê để mức tăng trọng đạt trung bình 0,7 - 0,8 kg/con/ngày).

    3. Quy trình vỗ béo bò thịt:

    Chọn bò dùng vỗ béo là bò già, bò loại thải bò gầy yếu nhưng có bộ khung cơ thể càng lớn càng tốt. Tẩy giun, sán và ngoại kí sinh trùng trước khi vỗ béo. Phối hợp thức ăn tinh có năng lượng và đạm cao cung cấp cho bò, chăn thả gần chuồng hoặc nuôi nhốt để hạn chế tiêu hao năng lượng và tích lũy mỡ. Thực hiện chế độ ăn tự do đối với bò già, bò gầy, lượng thức ăn tinh hỗn hợp tăng dần lên hàng ngày nhưng không được quá 4 kg/con/ngày. Chuồng trại sạch sẽ, vệ sinh thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Thời gian vỗ béo từ 2 - 3 tháng tùy theo từng cá thể, tùy theo yêu cầu vỗ béo. Trong điều kiện chăn nuôi gia đình có 2 cách vỗ béo thích hợp là:

    - Vỗ béo bằng chăn thả: Chăn thả trâu bò trên bãi chăn 8 – 10 giờ mỗi ngày để tận dụng cỏ tươi mà không tốn công thu cắt và vận chuyển về chuồng. Ban đêm bổ sung thêm thức ăn tinh và muối ăn. Cách vỗ béo này áp dụng cho những nơi có đồng bãi chăn thả rộng và năng suất cỏ tương đối khá, bảo đảm cho trâu bò mỗi ngày thu lượm được 20 –25 kg cỏ.

    - Vỗ béo bằng hình thức nuôi nhốt tại chuồng theo phương pháp chăn nuôi thâm canh: Áp dụng cho những nơi ít bãi chăn, mùa khô. Bò được cung cấp thức ăn hoàn toàn tại chuồng nuôi.

    Dù áp dụng phương thức vỗ béo nào và với đối tượng bò nào, việc đảm bảo đủ nước uống cho trâu bò là rất cần thiết, đặc biệt là vào mùa khô hanh. Luôn luôn phải bảo đảm cho trâu bò có nước uống sạch sẽ và cho uống không hạn chế. Thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và dẫn đến giảm khối lượng cơ thể.

    V. NUÔI DƯỠNG BÒ ĐỰC GIỐNG:

    Bò đực 2 năm tuổi mới được đưa vào sử dụng, 1 con đực phụ trách phối từ 30 – 35 bò cái sinh sản. thời gian sử dụng từ 8 – 10 năm, không dùng cho cày kéo nặng.

    Nên cho bò đực ăn nhiều thức ăn xanh và khoảng 1 – 2 kg thức ăn tinh mỗi ngày. Cần thay đổi đực giống sau 1 thời gian sử dụng tránh để hiện tượng đồng huyết.

    Về quản lý: Thái độ người nuôi bò đực giống phải ôn hòa, bình tĩnh không nên đánh đập thú vì tránh hiện tượng làm thú hung dữ. Từ 6 – 8 tháng nên xỏ mũi. Tập cho bò làm quen với việc phối giống ở 20 – 25 tháng tuổi, thời kỳ đầu cho phối 1 lần/tuần và sau đó tăng lên 4 lần/tuần. Không nên cho bò làm việc nhiều để có thể sử dụng lâu dài.

    Tránh để bò đực giống quá mập vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

    Cần chủng ngừa và kiểm tra các bệnh truyền nhiễm theo định kỳ.

 

 

 

 

PHẦN V: MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở BÒ THỊT.

    * Những dấu hiệu chỉ ra tình trạng bò bị bệnh:

    - Thể trạng gầy ốm. Những bò có vấn đề về sức khỏe thì gầy ốm. Tuy nhiên một con bò cao sản vừa sanh bê giảm trọng lượng thành gầy là điều bình thường.

    - Tư thế đi đứng của con vật có thể không bình thường vì bị đau chỗ nào đó trong cơ thể, rõ ràng nhất là khi bị đau móng. Trong trường hợp này ta thấy bò đi khập khiễng.

    - Mắt con vật cũng có thể cho ta một biểu hiện về tình trạng sức khỏe. Vật yếu thì ánh mắt không sống động

    - Da của con vật khỏe mạnh thì mềm mại dễ kéo lên. Bộ lông phải mượt và bóng. Trong trường hợp thiếu máu, nhiễm ký sinh trùng, thiếu vitamin lông trở nên thô, khô và không bóng.

    - Niêm mạc ở mắt, mũi, âm hộ phải có màu hồng đến đỏ và phải ẩm. Khi con vật bệnh thì các niêm mạc này trở nên quá đỏ hoặc quá nhạt.

    - Vật khỏe thì ăn ngon miệng và ham ăn. Phân và nước tiểu thải ra theo luật thường và phân có độ chắc vừa phải. Khi ta không nhìn thấy bò nhai lại, khi bò nằm nghỉ điều đó là dấu hiệu của sự xáo trộn tiêu hóa.

    - Con vật khỏe mạnh thì nhịp thở theo luật thường. trong trường hợp náo  động, lo âu, sốt, lao động nặng, mệt mỏi, nhiệt độ môi trường cao thì tần số hô hấp tăng lên. Nhịp thở bình thường của bò mùa nóng từ 30-70 lần/phút, ở bê khoảng 100 lần/phút.

    - Nhịp tim của bê khoảng 100lần/phút và bò khoảng 60 - 70 lần/phút. Khi sốt, lao động nặng, xáo động làm nhịp đập tăng lên.

    - Thân nhiệt trung bình của bò: 38.0 - 39.50C; bê 39,5 - 400C; những con vật có thân nhiệt cao hơn giới hạn bình thường gọi là sốt. Những con vật khỏe cũng có sự tăng nhiệt độ cơ thể ví dụ như sau khi lao động nặng, bị stress nặng hoặc đứng dưới nắng trong ngày nắng. Thân nhiệt được đo bằng cách đặt nhiệt kế vào trực tràng trong vài phút.

    - Khi con vật ốm, sản lượng sữa giảm. Giảm nhiều hay ít còn phụ thuộc vào loại bệnh.

 

    * Nguyên nhân gây bệnh:

    Mỗi con vật đều được sống trong một môi trường mà môi trường đó có thể thích hợp hoặc bất lợi đối với chúng. Cơ thể con vật có những phương tiện để kháng lại các sinh vật gây ra bệnh. Mức độ đề kháng của cơ thể phụ thuộc vào yếu tố di truyền và các yếu tố môi trường. Nếu các yếu tố môi trường bất lợi thì mức độ của con vật chống lại các tác nhân gây bệnh giảm đi và do vậy cơ hội bị bệnh tăng lên. Những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sức khoẻ bò:

    - Thiếu không khí trong lành, thiếu thức ăn, nước uống. Trong một số trường hợp bê bị ỉa chảy chết thường do mất nước.

    - Trường hợp cơ thể phải làm việc quá nặng nhọc trong một thời gian dài.

    - Những yếu tố khí hậu bất lợi như: nhiệt độ, mưa, gió, áp suất không khí và tia phóng xạ. Nhiệt độ cao có thể dẫn đến làm tăng thân nhiệt. Con vật có thể nhiễm lạnh khi bị lạnh đột ngột một phần cơ thể. Điều này có thể dẫn đến ỉa chảy hoặc viêm phổi.

    - Ăn phải những chất gây độc có thể làm rối loạn các hoạt động trong cơ thể và thậm chí có thể dẫn đến chết.

    - Nhiễm bệnh nguy hiểm do vi khuẩn gây ra.

    *  Lợi ích của việc chích ngừa vaccin cho bò:

    Chích ngừa là biện pháp chủ động ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm trên trâu bò. Khác với bệnh ký sinh trùng, bệnh truyền nhiễm là do virus, vi khuẩn gây ra. Bệnh có tính lây lan mạnh và gây nên các triệu chứng, bệnh tích giống nhau ở cùng một loài gia súc.

    Chích ngừa là biện pháp phòng bệnh chủ động. Người ta đưa vào cơ thể mầm bệnh đã chết hoặc đã được làm cho yếu đi làm cho cơ thể sản xuất ra kháng thể nhằm chống lại mầm bệnh đó.

    Chích ngừa là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu và rẻ tiền nhất. Chúng ta cần phải chích ngừa cho gia súc một cách triệt để và theo định kỳ để bảo vệ đàn gia súc theo quy định của cơ quan thú y khu vực.

    Ở trâu bò vaccin được đưa vào bằng cách tiêm. Sau khi vaccin được tiêm vào, con vật cần thời gian tạo ra miễn dịch (1- 2 tuần). Miễn dịch này được duy trì từ một tháng đến vài năm phụ thuộc vào sự đề kháng mà vaccin đưa vào và loại vaccin sử dụng.  Tuy nhiên không phải tất cả các bệnh truyền nhiễm đều có thể kiểm soát bằng vaccin, vaccin thường chỉ áp dụng để chống lại một số bệnh nguy hiểm (thí dụ bệnh FMD, tụ huyết trùng, lao..).

    *  Tại sao bò đã chích ngừa mà vẫn bị bệnh:

    Chúng ta có thể hiểu vấn đề này trên các cơ sở như sau:

    - Thông thường có 90% số gia súc được chích ngừa là có đáp ứng miễn dịch (có kháng thể chống lại bệnh), 10% còn lại vẫn còn nguy cơ bị bệnh.

    - Trong khoảng 14-21 ngày sau khi chích ngừa hoặc giai đoạn vaccin hết hiệu lực thì bò có thể phát bệnh.

    - Chích ngừa bệnh này nhưng bị bệnh khác.

    - Khi gia súc đang mang mầm bệnh (thời kỳ nung bệnh), nếu đưa vaccin vào có thể làm cho bệnh bùng phát nhanh hơn. Chính vì thế mà tại những ổ dịch người ta có thể sử dụng vaccin để dập dịch nhằm phát hiện những con mang mầm bệnh một cách sớm nhất và hạn chế lây lan mầm bệnh.

    Ngoài ra con đường cấp vaccin vào cơ thể, tuổi của thú, chất lượng và việc bảo quản vaccin trước khi sử dụng, chăm sóc nuôi dưỡng cũng có ảnh hưởng đến hiệu quả tạo miễn dịch của vaccin.

    * Những trường hợp nào thì không nên chích ngừa:

    Thông thường những trường hợp sau đây thì không nên chích ngừa:

    - Bò chửa ở các tháng thai thứ 1,2 và 8,9.

    - Bê con dưới 4 tháng tuổi.

    - Bò bị nhiễm kí sinh trùng nặng hoặc suy dinh dưỡng nặng.

    - Bò bị bệnh đang điều trị (ngoại trừ ổ dịch).

    Thông thường các nhà bào chế ra vaccin đều có chỉ định là nên dùng cho đối tượng gia súc nào và không nên dùng cho đối tượng gia súc nào trên nhãn của sản phẩm. Cách tốt nhất là bà con nên đọc kỹ trước khi sử dụng.

 

 

    I. BỆNH TỤ HUYẾT TRÙNG:

    1. Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pasteurella multocida gây bệnh.

    2. Triệu chứng: Sốt cao 40,5 - 41,5oC, giảm ăn hoặc đột ngột bỏ ăn, mắt đỏ, chảy nước mũi, nước bọt, sưng hầu, khó thở, phân táo bón, nước tiểu vàng, bụng có thể chướng hơi, ngừng nhai lại. Bệnh cấp tính thú chết rất nhanh.

    3. Điều trị: Streptomycine 15 – 20 mg/ kg trọng lượng (P) (tiêm bắp), liên tục 3 - 5 ngày; hoặc Tetracycline 10 mg/ kg P/ngày, liên tục 3 - 5 ngày; hoặc Ampiciline 10 mg/ kg P. Kết hợp với thuốc trợ sức như: Cafein 1 – 2 g/ngày, vitamin C 15 – 20 ml/ngày, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.

    4. Phòng bệnh: Tiêm vaccin tụ huyết trùng cho bò, bê khoẻ mạnh, liều 2ml/con, sau 14 ngày có miễn dịch, thời gian miễn dịch 9 tháng. Tiêm cho bê 5 - 6 tháng tuổi, bò trước phối giống 15 - 30 ngày. Chú ý: Vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng trại, tắm rửa cho bò. Định kỳ tẩy uế và tiêu độc chuồng trại.

    II. BỆNH SẨY THAI

    1. Nguyên nhân: Do vi trùng sẩy thai truyền nhiễm (Brucella abortus), hoặc nhiễm xoắn trùng (Leptospira), nhiễm vivus dịch tả heo, …

    - Do ký sinh trùng như: Tiêm mao trùng, Lê dạng trùng, …

    - Do các yếu tố cơ học: Bò bị trượt, té, đụng nhau, vận chuyển.

    - Do dinh dưỡng: Thức ăn không đảm bảo về số và chất lượng dẫn đến rối loạn trao đổi chất. Thông thường do thiếu đạm,khoáng: Ca, P, Mn, Fe, I và vitamin A, D, E, …

    - Do thức ăn bị nhiễm nấm, mốc;

    - Do thuốc: Khi bò có chửa dùng thuốc để điều trị có nhóm Corticoit như: Prednisolone, Hydrocortisone, hoặc thuốc Oxytocine, Pilocarpine, Dipterex, Levamysone, …

    2. Triệu chứng: Gần đến ngày đẻ, bò đau bụng, đi lại nhiều, chảy nước dịch nhờn trắng đục, có máu, bê đẻ ra yếu, hoặc chết.

    3. Phòng bệnh: Khám thai sau 3 tháng có mang, để có chế độ nuôi dưỡng thích hợp đồng thời bổ sung thêm các chất khoáng và các loại vitamin thường thiếu trong thức ăn và cho bò tắm nắng sáng. Khi bò động thai cần tiêm bắp thuốc Progesterol liều 75 – 125 mg/con/ngày, 3 - 5 ngày liên tục. Lưu ý Cách ly bò bệnh.

    III. BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG (FMD)

    1. Nguyên nhân: Bệnh do một loại siêu vi trùng gây nên. Các loại thú như: trâu, bò, dê, ngựa, heo đều có thể mắc bệnh. Tốc độ lây lan rất nhanh, nên khi một nơi có thú phát bệnh thì sẽ phát thành dịch.

    2. Triệu chứng: Sốt cao 40 - 41oC, miệng mũi khô, bỏ ăn, nằm ủ rũ, dáng lờ đờ, bò bỏ ăn, ngừng nhai lại, lượng sữa giảm nhanh, xuất hiện các mụn nước ở giềng mũi, khóe miệng, môi, kẽ móng, bầu vú, và vỡ ra tạo các vết loét màu đỏ tươi, bò rất khó ăn uống do đau miệng, đi lại khó khăn, bàn chân sưng lên, móng bong ra, con vật nằm yên một chỗ. Diễn biến bệnh từ 10 - 20 ngày.

    3. Phòng bệnh: Tiêm vaccin cho bò khoẻ mạnh, bò cái mang thai ở tháng thứ 7, bê  trên 6 tháng tuổi. Vaccin có thời gian miễn dịch cho bò sau khi tiêm là 8 - 12 tháng, và liều tiêm 2 ml/con

    4. Điều trị: Cách ly bò bệnh. Những con mới mắc bệnh dùng một số chất chua như: khế, chanh, dấm trộn với muối chà vào miệng lưỡi, dùng nước muối rửa sạch kẽ chân, lau khô, bôi lên các vết loét ở chân bột phèn chua với dầu hôi hoặc acid boric. Có thể tiêm kháng sinh chống phụ nhiễm.

    Nhốt bò nơi khô ráo, cho ăn cỏ non, cháo bắp, uống nước sạch. Không vận chuyển gia súc ra vào hoặc đi qua vùng có dịch. Khi phát hiện có dịch phải báo ngay với ngành thú y gần nhất đến kiểm tra xác minh, khoanh vùng có dịch, cách ly những con mắc bệnh để xử lý, tiến hành tiêm phòng toàn đàn bằng vaccin lở mồm long móng.

    IV. BỆNH GIUN ĐŨA BÊ NGHÉ

    1. Nguyên nhân: Do giun đũa sống ký sinh trong ruột gây ra.

    2. Triệu chứng: Bê nghé từ 15 - 90 ngày tuổi thường mắc bệnh: đi phân sống, xù lông, chậm lớn, lưng cong, bụng to, dáng đi lờ đờ, hay đau bụng, đi phân khi lỏng khi đặc.

    3. Điều trị: Dùng Piperazin, uống 2 g/10 kg thể trọng, chỉ dùng 1 lần. Hoặc Levamisol 10% tiêm bắp 5 ml/100 kg thể trọng, cũng tiêm 1 lần.

    4. Phòng bệnh: Khi bê nghé mới sinh nhốt trong chuồng khô ráo, sạch sẽ,bú sữa mẹ, uống nước sạch, hạn chế chăn thả ngoài đồng cỏ.

    V. BỆNH SÁN LÁ GAN

    1. Nguyên nhân: Do sán lá ký sinh ở gan có tên là Fasciola gigantica và F. hepatica. Sán non ký sinh trong tế bào gan. Sán trưởng thành ký sinh trong ống dẫn mật, túi mật. Ký chủ trung gian chính là ốc Lymnaca sống ở ao, hồ đầm lầy.

    2. Triệu chứng: Tiêu chảy, gầy yếu, thiếu máu, lông da khô, giảm sản lượng sữa cả về số và chất lượng, bệnh lâu ngày thú bị phù thủng ở phần thấp của cơ thể, hoàng đản (vàng da).

    3. Điều trị: Có thể dùng 1 trong các loại thuốc sau: Dovenix (nitroxynil), liều 12 – 15 mg/ kgP, uống; 1,5 ml/30 kgP, tiêm dưới da, chỉ dùng một lần, Bò đang mang thai và cho sữa vẫn dùng được. Triclabendazol (fasinex), liều 10mg/ kgP, tiêm; Albendazol liều 7,5mg/ kgP, uống; Fasciolid, liều 0,4ml/10 kgP, tiêm 1 lần dưới da cổ; Dertine – B, liều 1 viên/50 kgP, uống chỉ 1 lần, không được quá 12 viên/con.

    4. Phòng bệnh:

    - Đối với thú: nơi có bệnh nên định kỳ dùng thuốc xổ 3 tháng/lần, khi nhập gia súc nên kiểm tra phân.

    - Đối với môi trường: Phân: tập trung đem ủ; trên đồng cỏ: luân phiên chăn thả, cắt cỏ phơi khô; diệt ốc.

    IV. BỆNH KÝ SINH TRÙNG ĐƯỜNG MÁU

    1. Nguyên nhân: Do nhiều loại ký sinh trùng gây ra, đặc biệt có 4 loại thường gặp là: Trypanosomiasis, Babesiasis, Theilesiasis, Anaplasmosis. Vật trung gian gây bệnh là ve, ruồi, mòng.

    2. Triệu chứng: Bò sốt cao và gián đoạn, bỏ ăn, tiêu chảy phân hôi thối, cơ thể suy nhược dần, gầy, nước tiểu đỏ hồng, thiếu máu, hoàng đản, niêm mạc tái, da tái rồi chết.

    3. Điều trị: Có thể dùng các loại thuốc sau:

    Naganon: Liều 0,1 – 0,15 mg/ kgP tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, tiêm 2 ngày liên tục nghỉ 1 ngày, tiêm lại vào ngày thứ ba. Tổng lượng thuốc cho mỗi đợt điều trị là 9 – 12 g. Liều phòng: bằng1/2 liều trị.

    Heamospiridin: liều 0,3 mg/ kgP, pha thành dung dịch 10% tiêm bắp. Liều phòng: bằng 1/2 liều trị

    Trypamidium: liều 0,15 – 0,2 mg/ kgP, pha thành dung dịch 10% tiêm bắp. Hoặc uống: 1 g Trypamidium + 25 ml nước cất/1 bò. Kết hợp tiêm thuốc trợ lực, trợ sức. Liều phòng: bằng 1/2 liều trị

    4. Phòng bệnh: Diệt côn trùng hút máu: ve, mòng … trên thân thể bò và trên đồng cỏ. Cho bò ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Thả gia súc lúc trời có nắng. Kiểm ta thường xuyên, nhất là xuất nhập gia súc.

    VII. BỆNH VE

    Đây là một bệnh khá phổ biến ở bò, nhất là bò sữa nuôi chăn thả ngoài đồng. Tốc độ lây lan rất nhanh, khả năng sinh sản của ve rất lớn.

    1. Tác hại của ve:  Hút máu bò. Là vật chủ trung gian truyền một số bệnh ký sinh trùng đường máu như: Biên trùng, Lê dạng trùng, các bệnh truyền nhiễm. Nên diệt trừ ve ngay từ lúc mới xuất hiện vì khi để phát tán trên đồng cỏ diệt trừ chúng rất khó khăn và tốn kém.

    2. Cách diệt trừ:  Pha dung dịch Negunol 1,25 – 2,5 g/lítnước + 0,5 muỗng xà phòng + 0,3 lít dầu ăn lắc và bôi đều. Hoặc Bayticol: liều dùng 10ml cho 15-20 lít nước để phun. Bắt ve, chải ve. Biện pháp sinh học: Dùng chim, động vật khác để ăn ve, nấm ký sinh trên ve.  Định kỳ phun thuốc diệt ve: 1 tuần hay 1 tháng/lần.

    VIII. BỆNH CHƯỚNG HƠI DẠ CỎ

    1. Nguyên nhân: Do ăn nhiều cỏ non đầu mùa mưa, thức ăn ôi chua, mốc, thối, thay đổi thức ăn đột ngột, ăn nhiều cây họ đậu.(Đặc biệt là cây non) hoặc do kế phát từ bệnh tụ huyết trùng, bệnh viêm phổi.

    2. Triệu chứng: Bụng trái phình to, thú đứng không yên, không nhai lại. - Khó thở, niêm mạc tím tái do tim đập yếu. Nếu nặng phổi bị ép manh, bò không đứng được, nằm nghiêng thè lưỡi để thở, bốn chân bơi bơi, bí tiêu tiểu giãy giụa rồi chết.

    3. Phòng trị: Cho thú đứng ngẩng cao hai chân trước; Kích thích cho nôn: dùng tàu lá chuối đập dập, thấm muối đưa vào cuống họng để gây nôn. Hoặc dùng thuốc Pilocarpine 50 – 100 ml tiêm dưới da (phải có chỉ dẫn của cán bộ thú y). Cho uống các thứ chống lên men như: nước dưa chua 0,5 - 1 lít, dấm ăn 200 - 400 ml, hoặc rượu 300 ml trộn với tỏi  200 g và 300 g gừng, 1 –2 chai bia. Kết hợp dùng rơm, cỏ khô, hoặc muối rang bọc giẻ để xoa bóp vùng da cỏ. Khi các phương pháp trên không kết quả, thú càng bệnh nặng thì phải dùng Trocart đâm thẳng vào lõm hông trái (lưu ý cho thoát hơi ra từ từ để tránh bò bị sốc và chết).

    IX. BỆNH TIÊU CHẢY

    1. Nguyên nhân: Do bò ăn nhiều cỏ non đầu mùa mưa, hoặc ăn phải thức ăn bị chua, mốc, thiu thối, hoặc thay đổi thức ăn đột ngột, nước uống bị nhiễm bẩn. Nếu là bê nghé có thể do bú sữa mẹ quá no hoặc do lượng muối (NaCl) trong thức ăn của bò chiếm trên 1%, bò sẽ tiêu chảy.

    2. Điều trị: Cần xác định rõ nguyên nhân để áp dụng cách điều trị thích hợp. Có thể điều trị bằng một trong các bài thuốc sau:

    - Lấy lá ổi, trà rửa sạch, giã nát, bóp với nước rồi gạn bỏ bã cho bò uống.

    - Cho uống nước vôi trong, ngày 2 lần, mỗi lần 2 chén.

    - Cho uống Sulfaganidane 30 – 40 viên, 2 lần/ngày.

    - Tiêm bắp Teramycine, liều 8 ml/100 kgP.

    - Tiêm dưới da Atropine, liều 8 mg/100 kgP, làm giảm nhu động ruột.

    Nên tiêm thuốc trợ sức: Vitamine C, Canxi, Gluconate, Bcomplex … để bò mau hồi phục sức khỏe.

    Chú ý: Nếu bò tiêu chảy mà kèm theo sốt, bỏ ăn thì cần chẩn đoán kỹ để xác định bệnh ghép. Có thể lúc đầu chỉ là tiêu chảy, sau đó kế phát bệnh khác

 


Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Thuận





TIN TỨC KHÁC :