Lâm nghiệp

Vùng đất dân vào rừng sâu tìm loài sâm quý ươm thành giống

Ngày đăng: 2018-10-17 06:25:33


Vài năm trở lại đây, nhiều người dân nghèo ở xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đã chọn các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm (sâm dây) để làm cây trồng chủ lực. Từ chỗ bà con trồng nhỏ lẻ chỉ vài sào, đến nay, toàn xã Ngọc Linh đã trồng được hơn 100ha, bao gồm 1,2ha cây sâm Ngọc Linh, 70ha sâm dây và còn lại cây đương quy.

 
 

Nhà A Ben –1 trong 15 thành viên của một nhóm hộ ở thôn Tu Chiêu đang có vườn sâm Ngọc Linh với tổng số 50 cây sâm 5 năm tuổi. A Ben cho biết, năm 2014, những ngày đầu đi làm rẫy trồng mì nhưng cho thu nhập chỉ 6-7 triệu đồng/5 sào đất, không đủ nuôi sống gia đình 4 người.

Tình cờ anh A Ben được người thân mách cho việc vào rừng sâu tìm cây sâm Ngọc Linh về trồng, cho giá trị kinh tế cao. Theo anh Ben, đã có người ở làng khá giả lên nhờ trồng cây sâm này.

vung dat dan vao rung sau tim loai sam quy uom thanh giong hinh anh 1

Chị Liên và vườn sâm dây đã trồng được 6 tháng. Ảnh: M.T

Thế là từ cuối năm 2014 đến nay, anh và người thân, bạn bè đã lập thành nhóm 15 người, vào thời gian từ tháng 6 – 8 hàng năm, họ cùng nhau đi rừng tìm cây sâm tự nhiên đưa về. Nhóm ruyền nhau kinh nghiệm ươm giống cây trong tự nhiên, rồi gieo trồng và chăm sóc cho diện tích gần 1 sào sâm Ngọc Linh tươi tốt dưới tán rừng sâu. Từ tháng 7-9 vừa qua, vườn cây đã bắt đầu cho hoa, kết trái để lại cả trăm hạt giống thu hoạch cho nhóm của anh Ben.

Theo anh Ben, ròng rã nhiều năm qua, cứ mỗi tháng, 3-4 hộ thay nhau vào tận rừng sâu để bảo vệ, vun trồng cho từng cây sâm Ngọc Linh quý phát triển mỗi ngày. Nhất là tầm tháng 6-8, khi bước vào vụ thu hoạch hạt cây sâm, gần như các thành viên của nhóm đều có mặt để bảo vệ sự “đột kích” phá hoại của các loại chim chóc, thú rừng nhỏ…

Mọi người chờ cho đến khi hạt sâm của cây chín đủ khô mới hái cho vào các bì đất dinh dưỡng có sẵn cho ươm mầm, gieo trồng tại chỗ. Trường hợp các hộ trong xã có nhu cầu đầu tư vườn sâm Ngọc Linh mới như mô hình của nhóm, các thành viên sẵn sàng bán lại một số lượng hạt cho bà con. Anh Ben hy vọng cây sâm Ngọc Linh sẽ giúp cho nhóm sớm có thu hoạch, bán ra thị trường với giá trị cao, để mỗi gia đình thành viên được cải thiện cuộc sống tốt hơn, trong một ngày không xa.

Qua tìm hiểu từ A Ben, ở 17 thôn của xã, hầu hết, bà con đều có các tổ, nhóm tự phát trồng, ươm giống cây sâm Ngọc Linh tại chỗ rất nhiều. Các đoàn công tác của lãnh đạo các cấp cũng đã về thôn khảo sát, nắm danh sách hộ tham gia trồng cây dược liệu quý này.

Tại đây, cán bộ các cấp động viên nhân dân tích cực chăm sóc cây dược liệu quý; nhiều hộ nghèo còn được hỗ trợ cấp miễn phí cây giống sâm Ngọc Linh.

Ngoài các vườn sâm Ngọc Linh quý đang chờ ngày thu hoạch, thì ở xã Ngọc Linh, bà con còn đầu tư mạnh cây hồng đẳng sâm (sâm dây) cũng có giá trị kinh tế cao. Điển hình như chị Y Liên (thôn Tu Chiêu, xã Ngọc Linh), qua 3 năm trồng 3,6 sào sâm dây, mỗi năm thu về ổn định 70 triệu đồng, đã giúp gia đình thoát khỏi danh sách hộ nghèo địa phương.

Cụ thể từ lời kể của chị Liên, đầu năm 2015, gia đình chị được xã quan tâm cấp kinh phí khoảng 3 triệu đồng (bằng cây giống hồng đẳng sâm) từ chương trình hỗ trợ giống cây trồng dành cho hộ nghèo.

Cạnh đó chị Liên vay thêm 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua cây giống đẳng sâm trồng trên diện tích 3,6 sào đất sản xuất của gia đình. Đến cuối năm 2015, chị Y Liên đã thu hoạch sâm dây mùa đầu tiên được 33 triệu đồng. Hai  năm kế tiếp (2016, 2017), chị tiếp tục trồng mới 3,6 ha hồng đẳng sâm cho thu nhập 70 triệu đồng/2 vụ/năm.

Theo chị Liên, cây hồng đẳng sâm rất dễ trồng, kỹ thuật không khó. Chủ yếu người trồng chịu khó cày xới, tưới tắm nước cho đất tơi xốp khoảng 1 tuần trước khi xuống giống cây trồng. Sau đó chờ thời tiết mát mẻ, từng đất trồng được đào sâu chừng 50 cm để vùi từng củ sâm dây giống đúng vào thời kỳ gieo trồng. 

Mỗi củ sâm dây giống được chị Liên lấp đất cách nhau khoảng 60 - 80 cm nhằm chừa khoảng trống cho cây phát triển vươn rộng trên mặt đất sau này. Quá trình chăm sóc cây sâm dây cũng không đòi hỏi tốn phân bón hóa học để kích thích phát triển. Ngược lại người trồng phải chịu khó làm cỏ thường xuyên, tạo rãnh theo luống trên mặt đất, nhằm giúp vườn cây thông thoáng, lấy được ánh sáng trải đều trong không gian.

Ông A Hen - Chủ tịch HĐND xã Ngọc Linh cho biết, từ chỗ nhân dân tự phát trồng các loại dược liệu quý là sâm Ngọc Linh, sâm dây và đương quy, thì 3 năm trở lại đây, xã thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện vận động bà con tập trung vào loại cây trồng trên.

Cạnh đó, hàng năm, từ các nguồn vốn phân bổ của chương trình phát triển kinh tế, xã hội dành cho xã đặc biệt khó khăn, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được phân cấp về địa phương gần 2 tỷ đồng, xã Ngọc Linh đều quan tâm mua giống các loại dược liệu quý để hỗ trợ 10 – 20 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn, có cơ hội phát triển sản xuất, tiến tới cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Chủ tịch HĐND xã A Hen phấn khởi thông tin thêm, với cách làm trên, đến nay, ở 17 thôn có khoảng 200 nhóm, hộ đã trồng được gần 100 ha các loại cây dược liệu quý. Trong đó, bà con đã trồng được khoảng 1,3 ha sâm Ngọc Linh; còn lại là diện tích cây sâm dây, đương quy. Mặt khác, địa phương cũng đang có văn bản xin chủ trương huyện Đăk Glei định hướng chỉ đạo, liên kết để xã tập trung tạo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu mang giá trị kinh tế cao trong nhân dân, nhằm góp phần cho công tác giảm hộ nghèo trên địa bàn vững chắc, trong thời gian tới.

 


Theo Mai Trâm (Báo Kon Tum)





TIN TỨC KHÁC :