Nông nghiệp

Kỹ thuật bón phân cho cây Đậu Tương ở Miền Bắc

Ngày đăng: 2016-03-07 07:44:44


1. Giá trị kinh tế của cây đậu tương

Đậu tương (còn gọi là đậu nành), là cây trồng lấy hạt, lấy dầu quan trọng bậc nhất trên thế giới, đứng hàng thứ 4 sau cây lúa mì, lúa nước và ngô. Đậu tương là một cây công nghiệp và thực phẩm quan trọng trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc.
 

2. Một số đặc điểm cần lưu ý của cây đậu tương

- Bộ rễ cây đậu tương có rễ chính và rễ phụ. Rễ chính thường ăn sâu và phát triển triển rộng trong tầng đất canh tác từ 30-50cm do vậy làm đất trồng đậu tương cần phải tơi xốp, tầng dày, thoáng khí và thoát nước để bộ rễ phát triển triển tốt. Trên rễ chính và rễ phụ có nhiều nốt sần. Nốt sần ở rễ đậu tương thường tập trung ở tầng đất từ 0-20cm, càng xuống sâu nốt sần càng ít. Nốt sần hình thành là do hoạt động cộng sinh của một số loại vi sinh vật có tên khoa học là Rhizobium Japonicum với rễ cây đậu tương để tổng hợp ra đạm nuôi cây. 
 
Lượng đạm tổng hợp được cung cấp cho cây khá lớn vào khoảng 30-60 kg/ha/vụ (Nguyễn Danh Đông, 1982). Do vậy kỹ thuật canh tác hợp lý sẽ phát huy được vai trò của vi sinh vật cộng sinh, giảm chi phí bón đạm.
 
Kỹ thuật bón phân cho cây Đậu Tương ở Miền Bắc
 

3.Yêu cầu ngoại cảnh

- Đất: Cây đậu tương không yêu cầu nghiêm khắc về đất trồng, đất thích hợp nhất đối với cây đậu tương là loại đất có tầng canh tác sâu, giàu chất hữu cơ, canxi, kali và pH (độ chua) trung tính, mực nước ngầm sâu, giữ ẩm tốt, dễ thoát nước. Đậu tương chịu mặn và chua kém hơn nhiều cây trồng khác, độ pH thích hợp nhất là 6,0-7,0. 
 
- Nước: Ở giai đoạn nảy mầm và cây con, tỷ lệ sử dụng nước thấp. Nhu cầu nước của cây đậu tương tăng dần khi cây ở giai đoạn từ 3-5 lá kép, tăng nhanh và cao nhất ở giai đoạn từ khi cây ra hoa đến khi quả vào chắc.
 
- Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho sự nở hoa và đậu quả là 25-28oC, ẩm độ không khí 75-80%, ẩm độ đất 70-80%.
 

4. Giống đậu tương cho các tỉnh miền Bắc

Mỗi một vùng sinh thái có một bộ giống địa phương thích hợp. Ngoài các giống địa phương như Vàng Mường Khương, Vàng Mộc Châu, Cúc Lục Ngạn, Vàng Hà Giang, Xanh Tiên Yên, Ngọc Động, Thanh Oai, Nâu Thường Tín, Lơ 75, Cúc Hà Bắc, Cúc Nam Đàn, Cúc Thọ Xuân …bảng dưới đây là một số giống được lai tạo và tuyển chọn vừa cho năng suất cao vừa có tính thích nghi tốt với khí  hậu các tỉnh phía Bắc.
 

Giống

Thời gian sinh trưởng (ngày)

Năng suất ( tạ/ha)

Vụ gieo trồng

DT 2008

90-95

30-32

xuân, hè thu, đông

DT 2001

90-95

20-40

xuân, hè, thu đông

VX.93

90-95

18-25

xuân, đông

M.103

85-90

20-25

xuân muộn, hè

ĐT.93

80-90

15-18

xuân, hè, đông

DT.84

85-90

18-25

xuân, hè, thu đông

DT.95

90-103

20-30

xuân, hè, thu đông

ĐVN 5

85-90

22-30

xuân, hè, đông

 

 

5. Vai trò dinh dưỡng khoáng đối với đậu tương

Có 16 nguyên tố cần thiết cho sinh trưởng và phát triển triển của cây đậu tương. Trong đó, 3 nguyên tố Carbon (C), Hydro (H) và Oxy (O) là thành phần chủ yếu trong chất khô và được hấp thụ dưới dạng CO2, H2O và O2 tự do trong không khí. Những nguyên tố cần thiết khác là N, P, K, Ca, Mg, S, Fe, Mn Mo, Cu, B, Zn và Cl. Bên cạnh đó Coban (Co) là nguyên tố cần thiết cho việc cố định đạm (N) và cũng được coi là nguyên tố cần thiết (Ngô Thế Dân và cs, 1999).
 
Cây đậu tương phản ứng ít đối với phân đạm, tuy nhiên bón phân đạm vẫn làm tăng năng suất, tỷ lệ đạm trong hạt và hàm lượng protein chứng tỏ cố định N2 không đủ để cung cấp cho cây.
 
Lân đóng vai trò quan trọng hình thành và phát triển nốt sần ở đậu tương. Kali (K) tích lũy trong lá, đỉnh sinh trưởng và hạt tăng lên khi bón kali tăng, kali (K) rất cần cho sự phát triển của nốt sần. 
Theo Giáo sư Đỗ Ánh (1965) đối với đậu tương tỷ lệ Ca: P: K tối thích là 2: l: 1,5. Đậu tương có thể hấp thụ lân của các photphat khó tan như AlPO4, FePO4. Đậu tương có nhu cầu cao với S, vì vậy bón thêm S sẽ tăng năng suất đậu
 
Trên nền đất chua, bón vôi là cần thiết. Bón vôi có tác dụng giảm nồng độ các chất độc hại như: sắt (Fe), nhôm (Al), mangan (Mn) đồng thời cung cấp dinh dưỡng caxi cho cây.
 
Vai trò của các nguyên tố vi lượng thường thể hiện rõ hay không tùy thuộc vào đặc tính đất. Trên đất giàu caxi (Ca) có hiện tượng thiếu sắt (Fe), phun phân bón lá có chứa các chất vi lượng hòa tan ở dạng chellat có thể bổ sung sự thiếu hụt này, mangan cũng rất cần cho cây đậu tương nhưng nếu trong đất dư thừa hoặc bón quá nhiều sẽ có hiện tượng ngộ độc mà cụ thể là lá biến dạng, màu vàng và có những mô bị chết. 
 
Khi pH đất ở phạm vi 5,8 - 6,7; xử lý hạt với muối mo làm tăng năng suất đậu. Đậu tương có nhu cầu cao với vi lượng bo (B), đồng (Cu) và kẽm (Zn). 
 

6. Luân canh

Luân canh là biện pháp canh tác tiến bộ, thể hiện sự bổ sung cho nhau giữa 2 cây trồng ở 2 vụ kế tiếp  
 
Các công thức luân canh phổ biến ở phía Bắc:
 
Vùng núi phía Bắc:
 
+ Đậu tương xuân - lúa mùa - cây vụ đông (ngô đông). 
 
+ Ngô xuân - đậu tương hè (hoặc hè thu) - cây vụ đông (hoặc cày giữ ẩm) 
 
+ Lúa xuân - lúa mùa sớm - đậu tương đông,  nếu chủ động nước 
 
Trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ:
 
+ Đậu tương xuân - lúa mùa sớm - cây vụ đông. 
 
+ Ngô xuân  - đậu tương hè thu - cây vụ đông 
 
+ Lúa xuân - lúa mùa sớm - đậu tương đông 
 

7. Kỹ thuật bón phân bón 

Để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt thì đậu tương cần được bón đầy đủ phân hữu cơ và các loại phân khoáng khác, quy trình bón phân cho cây đậu tương như sau:
 

7.1 Liều lượng phân bón cho 1ha đậu tương trồng thuần là: 

* Phân bón hữu cơ: 10-12 tấn phân chuồng hoai mục, nếu được ủ bằng nấm Trichoderma thì rất tốt, vừa phân hủy tốt xác bã hữu cơ, vừa cung cấp một số chủng nấm đối kháng diệt một số nấm có hại trong đất trồng đậu tương. 
 
* Vôi bột: 400-500kg 
 
* Dinh dưỡng nguyên chất : l0-20 kg N,  30-60 kg P2O5, 40-70 kg K2O tùy theo giống và mùa vụ. 
* Phân bón khuyến cáo sử dụng: Đầu Trâu lạc-đỗ. Thành phần 10% N, 14% P2O5, 14% K2O, các chất trung vi lượng như Ca, Mg, S, Zn, Fe, Mn, Mo, Cl, chế phẩm Penac của Đức được cân đối sẵn trong phân bón bón rất phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây.
 

7.2 Cách bón: (tính cho sào 360m2)

- Bón lót toàn bộ phân chuồng (350-450 kg), vôi (15-18 kg) trước lúc bừa lần cuối cùng hoặc bón vào rãnh hoặc hốc toàn bộ phân chuồng và vôi + 6-8 kg Đầu Trâu lạc -đỗ, lấp kín toàn bộ phân dày 2-3 cm trước khi gieo hạt, tránh để phân tiếp xúc với hạt làm giảm tỷ lệ nảy mầm. 
 
- Bón thúc:
 
+ lần 1 : khi cây được 2 - 3 lá thật: 3-5 kg Đầu Trâu lạc- đỗ 
 
+ lần 2 : khi cây sắp ra hoa : 3-5 kg Đầu Trâu lạc-đỗ 
 
* Phân bón cho cây trồng xen:
 
Dựa vào tỷ lệ trồng xen cụ thể, phải tổng tính lượng phân cho cả đậu tương và ngô trên cơ sở qui ra diện tích trồng thuần. Phân của cây nào sẽ được bón cho cây đó 
 
- Nếu trồng xen ngô khoảng 5.000-10.000 cây/ha vào ruộng đậu tương thì lượng phân bón bón thêm khoảng 10-20% lượng bón cho ngô thuần, tức khoảng 1,7-2,3 kg Đầu Trâu ngô1 và 0,7-1 kg Đầu Trâu ngô 2/sào. Cách bón như bón cho ngô trồng thuần, nên kết hợp các lần chăm sóc cho ngô và đậu để giảm công chăm sóc.
 
- Nếu trồng xen đậu tương vào ngô, nên xen đậu tương với ngô xuân gieo tháng 2-3, dùng các giống chín sớm và chín trung bình, tương đối thấp cây, tán gọn để trồng trong hàng ngô như Cúc, Ml03, ĐH4, DT84, DT99 vv...
 
Cách xen: Xen một hàng đậu tương (cây cách cây 5-6 cm) giữa 2 hàng ngô (khoảng cách 70cm), hoặc gieo 2 hàng đậu tương (cách nhau 15-20cm ) giữa 2 hàng ngô (khoảng cách 80cm). Như vậy diện tích ngô vẫn đảm bảo mà diện tích trồng đậu tương tăng thêm khoảng 30-40% diện tích đậu tương trồng thuần. Do vậy, trồng xen kiều này sẽ phải bón thêm cho đậu trên ruộng ngô là: 3,5-5,5 kg Đầu Trâu lạc - đỗ /sào.
 

8. Phòng trừ sâu bệnh và cỏ dại

Đậu tương là một cây trồng bị nhiều sâu bệnh phá hại do thân, lá và hạt đều có hàm lượng dinh dưỡng cao đặc biệt là đạm. Một số hoạt chất có tác dụng phòng trừ tốt trên nhóm sâu và bệnh hại, tên thương mại trên thị trường là khác nhau và đa dạng do vậy người trồng đậu cần tìm hiểu và chọn thuốc cho đúng mới có hiệu quả phòng trị cao.
 


Theo Ths. Phạm Anh Cường / Phân Bình Điền





TIN TỨC KHÁC :