Phòng trừ một số sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi

Ngày đăng: 2016-04-04 09:53:02


1. Bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis Hood) – còn gọi là rầy lửa, bù lạch

a. Đặc điểm nhận dạng bệnh Bọ trĩ 

Trưởng thành: Có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 1,1 mm, trưởng thành cái có kích thước lớn hơn trưởng thành đực, cơ thể có màu vàng nhạt đến màu vàng đậm, phần bụng đậm hơn phần đầu và ngực. Mắt kép màu nâu đen, cánh hẹp thon dài, hai bên rìa cánh có nhiều sợi lông nhỏ dài.

Trứng: Hình bầu dục, mới đẻ có màu trắng trong, sau chuyển thành trắng ngà, sắp nở màu trắng đục. Trứng được đẻ trong mô của cánh hoa, mô lá.

Ấu trùng: Râu có 7 đốt, không cánh.

Nhộng: Có màu vàng sậm, mắt kép và mắt nhỏ có màu đỏ, mầm cánh xuất hiện, râu đầu ngắn.

b. Tập tính sinh sống và gây hại bệnh bõ trĩ

Sống trên các bộ phận như cánh hoa, đài hoa, nụ hoa, cuống hoa, lá non, quả non. Bọ trĩ sống và gây hại chủ yếu trên hoa quả non. Trưởng thành ít bay, hoạt động mạnh vào buổi sáng và chiều mát.

Cả trưởng thành và ấu trùng bọ trĩ màu vàng, đều cắm vòi hút dinh dưỡng từ hoa, quả non. Nếu bị nặng hoa sẽ bị táp, nhanh tàn, cánh hoa rụng sớm, giảm tỷ lệ đậu quả.

Trên lá non, bọ trĩ làm lá bị biến màu, cong queo.

Trên quả, bọ trĩ tạo ra những mảng xám hoặc những phần lồi màu bạc trên vỏ quả.

 

Phòng trừ một số sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi Phòng trừ một số sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi, Bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis Hood) – còn gọi là rầy lửa, bù lạch,

Triệu chứng gây hại của bọ trĩ

c. Biện pháp phòng, trừ Bọ trĩ 

Biện pháp thủ công:

– Tỉa cành tạo tán thông thoáng tránh ẩm độ cao.

– Thu nhặt những quả bị hại đem tiêu hủy.

– Phun nước lên cây.

Biện pháp sinh học: Bảo vệ và lợi dụng thiên địch tự nhiên.

Biện pháp hóa học: Phun diệt bọ trĩ bằng dầu khoáng hoặc các loại thuốc như: Abamectin, Sagolex, Bassan, Trebon, Confidor, Cypermethrin khi cây bắt đầu ra nụ nếu bọ trĩ có mật độ cao và sau khi hoa rụng 15 ngày theo liều khuyến cáo ghi trên bao bì.

 

2. Nhện đỏ (Panonychus citri)

a. Đặc điểm nhận dạng bệnh nhện đỏ

Trưởng thành: Con cái có thân dài khoảng 0,4 mm, màu đỏ đậm, chân nâu vàng nhạt, trên cơ thể có lông cứng. Con đực trưởng thành có cơ thể nhỏ hơn nhưng chân dài hơn con cái, thân dài 0,2 – 0,3 mm.

Trứng: Hình cầu dẹt, giống củ hành, có cuống dài, được đẻ ở gân chính của mặt trên lá.

Nhện non: Nhện non mới nở có màu trắng vàng, tuổi 2 màu nâu đỏ, tuổi 3 màu đỏ sẫm.

b. Tập tính sinh sống và gây hại bệnh nhện đỏ

Nhện đỏ phát sinh quanh năm, hại lá là chính. Nhện đỏ rất nhỏ, màu đỏ, thường tụ tập thành những đám nhỏ ở dưới mặt lá, hút dịch lá làm cho lá bị héo. Trên lá nơi nhện tụ tập thường nhìn trên mặt lá thấy những vòng tròn lá bị bạc hơn so với chỗ lá không có nhện và hơi phồng lên nhăn nheo. Những cây cam quýt gần với nương chè thường hay bị nhện đỏ phá hoại.

Nếu có nhiều nhện đỏ, lá cây xuất hiện nhiều đốm bạc, cành lá non bị vàng. Khi cây thời kỳ quả non (tháng 1, 2) nếu bị nhện đỏ ăn vào phần vỏ quả sau này quả bị rám (màu xám đen).

c. Biện pháp phòng, trừ bệnh nhện đỏ

Trong tự nhiên, nhện đỏ có rất nhiều thiên địch tấn công, do vậy cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để bảo vệ thiên địch.

* Biện pháp phòng:

Bón phân cấn đối, tưới nước đầy đủ hợp lý trong mùa nắng để làm tăng ẩm độ vườn, chăm sóc cho cây khỏe, tăng sức chống chịu.

Biện pháp canh tác: Cắt tỉa cành tạo tán cho vườn thông thoáng.

Biện pháp sinh học: Bảo vệ và lợi dụng các loại thiên địch tự nhiên.

* Biện pháp trừ:

Dùng một trong các thuốc sau: Comite 73EC, dầu khoáng SK hoặc Ortus 5SC, Pegasus 500SC, Nissorun 5EC, Sokupi 0.36AS + dầu khoáng pha nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc thuốc có chứa hoạt chất Abamectin kết hợp với dầu khoáng trừ sâu… phun ướt cả mặt dưới lá. Nếu đã bị nhện phá hại nặng phải phun liên tục 2 – 3 lần với các loại thuốc khác nhau tránh hiện tượng nhờn thuốc đối với nhện đỏ, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày.

 

 

3. Rầy chổng cánh cây ăn quả(Diaphorina citri)

a. Đặc điểm nhận dạng rầy chống cánh

Trưởng thành: Có thân dài 2,5 – 3,0 mm kể cả cánh, màu xám tro, đỉnh đầu nhọn nhô về phía trước, mắt có màu đỏ. Chân có màu xám nâu. Cánh cùng màu với cơ thể nhưng có các đốm đen.

Ấu trùng: Mới nở có hình tròn dài màu vàng tối, mắt kép đỏ.

Ấu trùng tuổi lớn dẹt mỏng, màu vàng đất hơi xanh, có các đốm màu đen.

b. Tập tính sinh sống và gây hại của rầy chống cánh

Trưởng thành khi đậu thường chúc đầu và cánh chổng cao hơn phần đầu, thường đậu ở các đọt non để chích hút nhựa cây, ít bay và thường bay gần, ấu trùng di chuyển chậm chạp, sống tập trung ở đọt và lá non.

Ấu trùng và thành trùng chích hút dinh dưỡng của lá và đọt non làm cho đọt non lụi dần, sần sùi, lá non bị hại phiến lá nhỏ và xoăn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và sự ra quả. Thời gian xuất hiện từ tháng 2 – 11, mật độ quần thể cao thường trùng vào các đợt lộc của cây ăn quả có múi.

c. Biện pháp phòng, trừ rầy chống cánh

* Biện pháp phòng: Không nên trồng các cây cảnh thuộc họ Cam quýt gần các vườn cam quýt.

Biện pháp canh tác: Cắt tỉa cành tạo bộ khung thông thoáng, ẩm độ thấp. Bón phân cân đối, tưới nước hợp lý, điều khiển cho cây ra các đợt lộc tập trung để hạn chế sự phát triển và gây hại của rầy chổng cánh. Nhổ bỏ những cây bị bệnh vàng lá Greening trong vườn đem tiêu hủy để giảm nguồn bệnh lây lan sang những cây khỏe.

Biện pháp sinh học: Bảo vệ và tạo điều kiện cho các loài thiên địch (kiến vàng, bọ rùa, bọ cánh cứng, nhện bắt mồi…) trong vườn phát triển.

* Biện pháp trừ:

Biện pháp hóa học: Phun thuốc lúc cây ra đọt non tập trung khi rầy xuất hiện, có thể dùng các loại thuốc: Oshin 20WP, Elsin 10EC, Trebon 10EC, Sherpa 0,2%, Anvado 100WP, dầu DC-Tron Plus, Isoprocarb (Mipcide), Buprofezin (Applaud), Isoprocarb (Bassa…) hoặc dầu khoáng theo liều khuyến cáo.

 

4. Ruồi đục quả (ruồi vàng) (Bactrocera dorsalis)

a. Đặc điểm nhận dạng ruồi đục quả

Trưởng thành: Có cơ thể dài 7 mm, dang cánh 13 mm. Trưởng thành cái lớn hơn trưởng thành đực. Đầu hình bán cầu, phía trước đầu nâu đỏ, có vệt đen nhỏ. Mặt có 2 đốm đen tròn to ở dưới chân râu đầu. Phía sau đầu có nhiều lông nhỏ. Phần ngực nâu đỏ, nâu tối, mảnh lưng nâu đen có vân vàng bên sườn ngực.

Mảnh lưng có vân vàng chữ U.

Chân có đùi nâu đỏ, chày và bàn màu vàng.

Trứng: Hình quả dưa chuột, dài 1 mm, mới đẻ màu trắng sữa sau chuyển thành màu vàng nhạt.

Nhộng: Nhộng nằm trong vỏ kén giả, có hình trứng dài.

Nhộng mới lột xác có màu vàng nâu, sắp vũ hóa có màu nâu đỏ.

b. Tập tính sinh sống và gây hại ruồi đục quả

Trưởng thành cái dùng ống đẻ trứng châm qua vỏ quả, đẻ vào nơi tiếp giáp vỏ quả và thịt quả. Dòi ăn thịt quả, tuổi càng lớn đục vào phía trong. Đẫy sức chúng rời khỏi quả, rơi xuống đất và chui vào đất ở dưới tán cây để hóa nhộng. Ruồi đục quả thường thích vườn cam um tùm, rậm rạp, nhất là vườn cam gần ven rừng.

Vào tháng 5 trưởng thành bắt đầu xuất hiện trong các vườn cam. Từ tháng 7 trở đi ruồi hoạt động mạnh trong các vườn cam, chúng tìm quả cam chín sớm để đẻ trứng, có thể đây là lứa đầu tiên trên cam. Đến tháng 8, 9 khi cam bắt đầu chín, mật độ ruồi gia tăng rõ rệt, đỉnh cao mật độ ruồi vào cuối tháng 10 đầu tháng 11. Thu hoạch cam xong, ruồi chuyển sang cây trồng khác.

c. Biện pháp phòng, trừ ruồi đục quả

* Phòng bệnh ruồi đục quả:

– Đốn tỉa cành tạo cho vườn thông thoáng.

– Dùng túi giấy bao quả từ sau thời kỳ rụng quả sinh lý trở đi, khi quả chín thì thu hoạch kịp thời, không để lâu trên cây.

– Thu nhặt quả bị hại đem tiêu hủy để diệt dòi ở trong quả.

* Trừ ruồi vàng đục quả:

– Biện pháp sinh học: Sử dụng bả protein để diệt ruồi đực, tẩm 2 ml hợp chất dẫn dụ (ME hoặc CuE + 20% thuốc trừ sâu) vào bẫy. Treo bẫy lên cây nơi râm mát ở độ cao 1,5 – 2 m. Mỗi hécta treo 20 – 30 bẫy, cứ sáu tuần thay bả một lần. Còn nếu dùng bả để phun phòng thì chỉ cần pha 50 ml bả protein + 10 ml Pyrinex 20EC + 0,95 lít nước để trừ. Khi phun cần phun theo điểm đối với cây ăn quả, mỗi điểm phun 50 ml hỗn hợp tương ứng 1 m2/cây vào dưới tán lá, phun định kỳ 5 – 7 ngày/lần.

Phòng trừ một số sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi,Ruồi đục quả (ruồi vàng) (Bactrocera dorsalis)

– Biện pháp hóa học: Thuốc diệt ruồi vàng đục quả Vizibon D: Hộp nhỏ chứa 2 chai thuốc gồm 1 chai lớn chất dẫn dụ ruồi và 1 chai nhỏ chất diệt ruồi. Khi sử dụng mở nắp 2 chai thuốc. Đổ hết thuốc diệt ruồi vào chai chất dẫn dụ, đậy nắp kín, lắc đều. Sau đó tẩm khoảng 1 ml hỗn hợp thuốc đã trộn vào bẫy, treo lên cây. Treo từ 2 – 3 bẫy cho 1.000 m2. Sau 20 ngày treo, đổ hết xác ruồi chết, tẩm thuốc mới vào bẫy, tiếp tục treo lên cây.

Thuốc đã hỗn hợp nếu không dùng hết, đậy nắp kín, để nơi thoáng mát và có thể sử dụng trong vòng 6 tháng.

Dùng thuốc rắc xung quanh gốc cây để trừ nhộng của ruồi.

 

5. Sâu vẽ bùa cây ăn quả (Phyllocnistis citrella)

a. Đặc điểm nhận dạng sâu vẽ bùa

Trưởng thành: Có kích thước nhỏ bé, thân mảnh khảnh dài 2 mm. Chân màu vàng nhạt pha màu trắng bạc. Cánh trước hình lá liễu, phần gốc cánh trước tối màu hơn phần ngọn cánh, ngọn cánh có điểm màu đen lớn. Lông viền mép cánh dài, màu tro. Cánh sau hẹp hình kim, màu xám đen, lông mép cánh rất dài.

Trứng: Có hình gần tròn, dẹt, phẳng, giống giọt nước nhỏ. Mới đẻ màu trong suốt, sắp nở màu trắng đục.

Sâu non: Dạng dòi, không có chân, màu xanh vàng hoặc xanh nhạt, mới nở có màu xanh nhạt trong suốt, sâu non đẫy sức có màu vàng dài khoảng 4 mm.

Nhộng: Hình thoi, màu vàng nhạt hoặc nâu đậm, dài khoảng 2,5 mm.

b. Tập tính sinh sống và gây hại sâu vẽ bùa

Trưởng thành hoạt động ban đêm, ban ngày đậu trong tán lá, giao phối lúc chập tối. Trưởng thành cái đẻ trứng rải rác ở mặt dưới lá non, sát gân lá chính, trứng nở ra sâu non, sâu non đục vào biểu bì mặt dưới lá tạo thành đường hầm ngoằn ngoèo. Sâu non chủ yếu gây hại ở lá non.

Sâu phá hoại ở tất cả các tháng trong năm, mạnh nhất từ tháng 2 – 10.

Nếu bị sâu vẽ bùa gây hại cây quang hợp kém, ảnh hưởng đến sức sinh trưởng đồng thời tạo ra những vết thương cơ giới, là cơ hội để bệnh loét xâm nhập.

Phòng trừ một số sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múim, Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella)

Triệu chứng gây hại của sâu vẽ bùa

c. Biện pháp phòng, trừ sâu vẽ bùa

– Biện pháp canh tác: Bón phân cân đối, tưới nước, chăm sóc hợp lý để cho cây ra lộc tập trung.

Tỉa cành, tạo tán cho thông thoáng để tránh ẩm độ cao.

– Biện pháp sinh học: Bảo vệ kẻ thù tự nhiên, nuôi kiến vàng, bọ rùa, bọ cánh cứng…

– Biện pháp hóa học: Phun thuốc 1 – 2 lần trong mỗi đợt cây có lộc non, hiệu quả nhất lúc lộc non dài < 1 cm.

Khi chồi non dài < 1 cm phun lần 1, sau phun lần 1 từ 6 – 7 ngày thì phun lần 2.

Phun dầu khoáng SK hoặc dùng nhóm thuốc có hoạt chất Abamectin (như Ababetter 1.8EC; Abagro 4.0EC; Abakill 3.6EC, 10WP; Abamine 1.8EC; Abasuper 1.8EC, 3.6EC, 5.55EC; Abatox 1.8EC, 3.6EC…) liều lượng, nồng độ pha theo khuyến cáo của nhà sản xuất để phòng trừ. Phun ướt hết mặt lá

 


Theo TTKNQG





TIN TỨC KHÁC :