Nông nghiệp

Kỹ thuật trồng giống chanh không hạt

Ngày đăng: 2016-06-20 09:35:44


Untitled Document

Nói là chanh không có hột nhưng thực ra vẫn có những trái có hột, tuy số hột không nhiều (chỉ vài hột) nếu lấy số hột này làm giống thì hệ số nhân giống rất thấp. Vả lại cây cũng rất lâu mới có trái, mà cây con sau này chưa chắc đã giữ được những đặc tính tốt của cây mẹ như ít hột, cho nhiều trái… Vì thế, không nên áp dụng cách nhân giống này mà nên áp dụng phương pháp nhân giống vô tính.

 
 
 
        
  Trong nhân giống vô tính có 3 phương pháp thường được áp dụng cho chanh không hạt đó là chiết và giâm cành (cắm hom). Với phương pháp chiết tuy nhanh cho ra cây giống nhưng hệ số nhân giống thấp và cây giống sau này không đồng đều do khi chiết cành, có cành thì to có cành thì nhỏ.
          Với phương pháp ghép tuy cho hệ số nhân giống cao, nhưng đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm thì mới cho tỷ lệ ghép sống cao. Mặt khác sẽ lâu cho cây giống (vì phải mất một thời gian rất dài chờ cho cây làm gốc ghép có đủ độ lớn thì mới có thể ghép được).
          Với phương pháp giâm cành sẽ nhanh cho ra cây giống có độ đồng đều cao phù hợp với phương thức trồng đại trà trên diện rộng, mà cách làm không đến nổi phức tạp lắm, nếu có kinh nghiệm thì thường sẽ cho tỷ lệ thành công cao. Mặt khác, trong nhóm cây có múi thì chanh là loại cây nhân giống bằng cách giâm cành dễ thành công nhất.
 

1. Hướng dẫn cách chiết cành:

          Nếu số lượng cây giống cần không nhiều thì có thể áp dụng phương pháp này. Bằng cách chọn những cành có đường kính 1 – 1,5cm, dài 50 – 60cm. Dùng dao sắc khoanh hai vòng cách nhau khoảng 2cm, bóc bỏ lớp vỏ chỗ vừa khoanh rồi cạo sạch tượng tầng trên bề mặt lớp gỗ, để một ngày cho chỗ khoanh sẽ khô lại thì tiến hành bó bầu.
          Vật liệu để bó bầu là một hỗn hợp gồm ½ đất mặt trộn đều với ½ phân chuồng đã ủ mục hoặc sơ dừa, cũng có thể dùng rễ cây lục bình rữa sạch phơi khô. Lưu ý, là dùng chất liệu gì trước khi bó bầu cũng phải phun nước cho nguyên liệu vừa đủ độ ẩm.
          Dùng dây nilon để bó bằng cách cột chặt một đầu ở phía dưới của chỗ khoanh. Sau đó, đặt vật liệu làm bầu vào bên trong rồi cột chặt đầu trên cho kín lại. Sau khi chiết 2 – 3 tháng, khi thấy có nhiều rễ và rễ đã chuyển từ màu trắng sang màu vàng nâu là có thế cắt bầu đem giâm trong vườn ươm một thời gian cho ra thêm rễ là có thể đem trồng.
 
Kỹ thuật trồng giống chanh không hạt
 

2. Kỹ thuật giâm cành:

          Là giải pháp dùng cho số lượng giống cần nhiều để trồng trên diện rộng. Bằng phương pháp trên cây chanh mẹ chọn những cành bánh tẻ có độ lớn cỡ đường kính từ 1 - 1.5cm ở tầng tán giữa và phơi ra ngoài ánh sáng, không chọn cành na, cành dưới tán và các cành vượt.
          Dùng dao sắc cắt xéo cành thành từng đoạn hom dài 10 – 12cm (mỗi đoạn có khoảng 4 – 5 lá hoặc 4 – 5 mắt lá nếu lá đã rụng), vết cắt phải sắc gọn không bị dập nát. Chỉ lấy hom đoạn giữa của cành không lấy đoạn ngọn và gốc. Sau khi cắt đưa hom vào chỗ thoáng mát chờ nhựa khô ở chỗ vết cắt mới đem giâm hom. Trước khi giâm nhúng gốc hom vào dung dịch thuốc kích thích ra rễ (Có bán ở các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật).
          Chất liệu để giâm hom phải thật tơi xốp. Có thể dùng ½ trấu mục + ½ tro trấu, hoặc 2/3 trấu mục + 1/3 đất mặt vườn, hoặc 2/3 trấu mục + 1/3 phân chuồng mục. Để tăng khả năng ra rễ của cành giâm, có thể nhúng phần gốc hom giâm vào dung dịch chất điều tiết sinh trưởng như: NAA, IBA, IAA ở nồng độ 2000 - 4000 ppm trong vài giây hoặc ngâm phần gốc hom giâm vào các dung dịch trên ở nồng độ 20 - 40 ppm trong thời gian 10 - 20 phút rồi đem giâm.
          Vật liệu này có thể cho vào bầu nilon có kích thước 10 x 10cm dưới đáy có đục lỗ thoát nước, rồi xếp những bầu thành từng luống. Sau đó, cắm mỗi bầu một hom. Cũng có thể rải vật liệu này thành từng luống cao khoảng 15cm, sau đó cắm hom cách nhau 5 – 7cm (cắm hơi xéo), phía trên có mái che để tránh mưa, nắng trực tiếp.
          Sau khi giâm cành, dùng bình tưới vòi sen tưới giữ ẩm thường xuyên và tạo độ ẩm không khí mát mẻ cho giàn hom. Định kỳ 10 – 15 ngày một lần phun các loại thuốc như ROOTS-2 để kích thích cho rễ và chồi phát triển mạnh. Khi đọt phát triển dài khoảng 20cm là có thể đem cây giống đi trồng.
 
Kỹ thuật trồng giống chanh không hạt
 

3. Phòng trừ sâu bệnh chanh không hạt

          - Nhóm chích hút (như bọ xít, rầy, rệp): Dùng tay bắt giết hoặc phun Bi58 0,05-0,1%, Bassa 0,2%...
          - Sâu bùa vẽ: Phun Padan 95WP nồng độ 0,05-0,1%, hoặc dùng hỗn hợp 20ml Decis 25EC+1 lít Bi58 rồi pha loãng với nước nồng độ 0,05-0,07% để phun.
          - Nhện đỏ: Phun Polytrin 40EC nồìng độ 0,1%, Supracid 40EC 0,2%....
          - Bệnh đốm đen, bệnh loét, ghẻ: Phun Zineb 0,5%, clorua đồng 0,3-0,5%, Maneb 0,3-0,5%.
          - Bệnh Greening: Khi ghép không lấy gốc ghép và mắt ghép có biểu hiện bệnh. Chú ý phun thuốc diệt côn trùng truyền bệnh như rệp nâu, rầy chổng cánh... bằng Bi58 0,1%. Cần thiết phải thực hiện tất cả các công đoạn trong nhà lưới đạt chuẩn.
          - Cần phun thuốc sâu ngay sau khi lộc non vừa mới nhú để trừ sâu bùa vẽ và nhóm chích hút./.
 
 
 
Từ khóa: kỹ thuật sản xuất giống chanh không hạt, hướng dẫn trồng chanh không hạt, giống chanh không hạt, mô hình trồng chanh không hạt, cách trồng chanh không hạt, cung câp giống chanh không hạt, cây chanh không hạt, mua giống chanh không hạt


Theo kỹ thuật trồng cây ăn quả - Nông nghiệp Hậu Giang





TIN TỨC KHÁC :