Nông nghiệp

Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa mùa thơm - Đặc sản gạo Việt

Ngày đăng: 2016-04-18 08:19:37


1.  Chuẩn bị giống lúa mùa thơm

Có thể dùng một số giống như Nàng Thơm Chợ Đào, Tài Nguyên, Thơm Thanh Trà, Nàng Hương … việc nắm rõ các đặc tính (ưu, nhược điểm) của từng giống để có biện pháp canh tác phù hợp là rất quan trọng trong sản xuất lúa thơm. Sử dụng giống thuần, không lẫn hạt cỏ, tỉ lệ nảy mầm cao, ít nhiễm các loại bệnh qua hạt.

Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa mùa thơm - Đặc sản gạo Việt
Mùa lúa thơm

 

2. Cách làm mạ

Chuẩn bị liếp gieo mạ rộng 1,5-2m có rãnh thoát nước để dễ chăm sóc. Lượng giống 30-40 kg gieo đủ cấy cho 1ha, gieo thưa đều trên liếp mạ. 
Do thời gian sinh trưởng của mạ dài nên cần bón phân cho mạ đủ sức sinh trưởng: Cần bón lót khoảng 1kg Lân Văn Điển + 0,4kg ure + 0,4kg kali (cho 1 sào mạ =100m2), ở giai đoạn 7-10 ngày sau gieo. Nếu mạ sinh trưởng kém có thể bón thêm 0,2 kg ure/100m2 trước khi nhổ cấy khoảng 5-7 ngày. Tuổi mạ thích hợp từ 40-45 ngày. 
Để mạ già (trên 50 ngày), mạ vàng thân lá, sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sinh trưởng và năng suất sau này. Thông thường để mạ qua 1 đêm hôm sau mới cấy, sẽ nhanh chóng bén rễ hồi xanh, nên ngâm rễ mạ trong dung dịch lân hoặc phân vi lượng qua đêm để tăng năng suất và chất lượng gạo.

 

3.  Làm đất san sửa ruộng:

Sau khi thu hoạch xong lúa Hè Thu thì tiến hành cày ngay và trước khi cấy khoảng 5-10 ngày tiến hành trục 1-2 lần, khi trục đất cần trang phẳng ruộng để dễ điều khiển nước, vệ sinh đồng ruộng, phát sạch cỏ dại để tiêu diệt nơi ẩn trú của sâu bệnh.

 

4. Kỹ thuật cấy mạ

Ruộng cấy nên có mực nước xâm xấp (3-5cm), nên cấy 2-3 tép/bụi, với khoảngcách 25x25 cm, chú ý cấy nông tay, thẳng hàng để lúa phát triển tốt, dễ chăm sóc.

 

5. Hướng dẫn cách chăm sóc lúa thơm

5.1 Bón phân: Trong quy trình canh tác rất cần thiết phải bón phân hữu cơ, vi lượng để duy trì và tăng cường tính thơm của lúa.
Công thức bón cho 1ha (A): 60N +45 P205 + 30 K20 + 400-500kg phân Hữu Cơ Sinh Học.
Chia ra các thời kỳ:
-     Lót (trước khi trục lần cuối): 100% phân hữu cơ + 300kg lân + 50kg ure + 25kg kali.
-     Thúc 1 (12 ngày sau cấy): 40kg ure.
-     Thúc 2 (nuôi đòng): 40kg ure+ 25 kg kali.
Phụ chú: Nên sử dụng các loại phân lân không gây chua (Văn Điển, Ninh Bình).
Khi bóc thân lúa ra ở giai đoạn này thấy có tim đèn mới tiến hành bón thúc nuôi đòng.
Nếu sử dụng các loại phân bón tổng hợp NPK thì tính toán lượng bón theo công thức (A).
Khi bón phân (đặc biệt đợt 3) cần chú ý các điều kiện sau:
-     Căn cứ vào điều kiện sinh trưởng của ruộng lúa: Ruộng xấu có thể bón sớm lên vài ngày, ruộng quá tốt có thể lui thời gian bón lại từ 3-5 ngày.
-     Trời âm u lui lại 3-5 ngày.
-     Trong một ruộng lúa chỗ tốt cần bón thêm ure để đảm bảo dinh dưỡng nuôi đòng.
-     Khi ruộng có sâu bệnh cần trị kịp thời mới bón phân.
5.2  Làm cỏ sục bùn: Phòng trừ cỏ dại bằng các loại thuốc Sirius, Sofit…theo khuyến cáo, hoặc tiến hành làm cỏ tay sau các đợt bón phân. Việc làm cỏ sau bón phân còn có tác dụng “vùi” đạm và chất hữu cơ vào đất (đây là một khâu kỹ htuật canh tác tốt rất phổ biến ở một số địa phương có trình độ thâm canh cao).
5.3  Phòng trừ sâu bệnh: (tham khảo thêm tài liệu phòng trừ sâu bệnh). Các giống lúa thơm đặc sản dễ nhiễm nhiều loại sâu bệnh hại như rầy nâu, đục thân, bệnh cháy lá, vàng lùn …Vì vậy cần thường xuyên theo dõi để phát hiện nhằm có biện pháp phòng trừ kịp thời. Ruộng thừa đạm, thiếu lân, kali làm cây lúa phát triển rậm rạp, mềm yếu, dễ bị sâu bệnh tấn công gây hại, cần ghi nhớ đối với sâu có thể trị nhưng bệnh thì phòng là chính.
a/ Phòng trừ rầy nâu: Khi mật độ rầy còn ít có thể sử dụng các biện pháp như lùa vịt con dưới một tháng tuổi vào ruộng cho ăn rầy hoặc dùng dầu, nhớt trộn cát rải xuống ruộng khua cho rầy rớt xuống nước. Khi mật số rầy lên cao có nguy cơ cháy rầy thì mới dùng thuốc hóa học, nhưng phải tuân theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng cách, đúng lúc, đúng liều lượng. Khi phun xịt cần chú ý xịt vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, tránh đi ngược hướng gió.
b/ Phòng trừ sâu đục thân, cuốn lá: Thời kỳ sâu non, mới nở rất dễ mẫn cảm với thuốc. Những đêm nào có nhiều bướm sâu đục thân vào đèn thì đêm đó có nhiều trứng được đẻ, vì vậy cần kiểm tra bướm sâu đục thân trên ruộng và sau 5-7 ngày thì tiến hành phun xịt, lúc này sâu non mới nở chưa chui vào trong thân lúa để phá hại, vì vậy phòng trừ ở giai đoạn này sẽ có hiệu quả cao.

 

6.  Thu hoạch lúa thơm

Nếu có điều kiện, có thể tháo cạn nước trước khi thu hoạch từ 7-10 ngày, khi lúa đã vào chắc, đỏ đuôi. Thu hoạch ở thời điểm 85-90% độ chín, các hạt đầu bông chín vàng, các hạt trong cậy còn xanh nhưng đã no là được. Thu hoạch ở giai đoạn này sẽ cho năng suất cao và phẩm chất tốt nhất (độ thơm tốt nhất)./.


Theo Thạc sĩ Đỗ Khắc Thịnh / Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam.





TIN TỨC KHÁC :