Nông nghiệp

Quy trình kỹ thuật thâm canh cà chua trái vụ

Ngày đăng: 2015-12-11 07:58:00


1. Đặc điểm chính của chính của qui trình:

1.1. Chọn đất trồng

Chọn đất thịt nhẹ, giàu mùn, tơi xốp, tưới tiêu thuận lợi.

1.2. Thời vụ

Vụ xuân hè:

Gieo hạt giữa tháng 1, đầu tháng 2, thu hoạch vào tháng 5 tháng 6.

Vụ hè:

Gieo hạt tháng 2 đến tháng 3, thu hoạch tháng 5 tháng 6.

Hai thời vụ này cần dùng các giống chịu nóng, thường có thời gian sinh trưởng ngắn, quả nhỏ 50-70g. Cần tránh mưa cho cây con thời kỳ vườn ươm, tránh ngập úng thời kỳ ruộng sản xuất. Chú ý trừ bọ phấn, rệp để phòng bệnh xoăn lá.

- Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, do các tháng mùa đông nhiệt độ rất thấp đôi khi có sương giá, trời thường xuyên có mây, ánh sáng yếu. Vì vậy, vụ xuân hè gieo vào cuối tháng 1 đến giữa tháng 2. Cần xử lý thúc mầm khi gieo hạt, tăng cường bón phân hữu cơ, phân kali và lân cho cả vườn ươm và ruộng sản xuất.

1.3. Kỹ thuật làm đất, gieo hạt, chăm sóc

1.3.1. Giai đoạn trong vườn ươm

- Làm đất kỹ, lên luống có kích thước 80-100cm, chiều cao luống 20-25cm.

- Bón phân: Dùng phân chuồng đã ủ mục 3-4 kg /m2, rải đều lên mặt luống, gieo 2g hạt/m2.

- Ngâm hạt giống trong nước nóng 540C, sau 4 tiếng vớt ra để ủ đến khi nứt nanh thì đem gieo.

- Hạt có thể được gieo trên mặt luống hoặc rạch hàng, gieo ở độ sâu 0,5-1cm.

- Sau khi gieo hạt cần phủ một lớp rơm rạ băm ngắn hoặc vỏ trấu trên mặt luống. Khi hạt nhú mầm lên khỏi mặt đất phải lập tức lấy rơm rạ ra, nếu phủ trấu thì không cần giỡ.

- Khi cây con mọc được 1-2 lá thật tiến hành tỉa bỏ cây xấu để mật độ 3x4cm.

- Khi cây giống có 5-6 lá thật thì đem trồng (25 - 35 ngày sau gieo tùy từng vụ).

- Cây giống đủ tiêu chuẩn là cây có thân cứng, mập, khoảng cách lá ngắn, không bị sâu, bệnh hại. Tuyệt đối không được trồng những cây đã có triệu chứng bệnh xoăn lá

- Ngừng tưới nước trước khi trồng khoảng 1 tuần.

1.3.2. Giai đoạn ngoài ruộng sản xuất

- Xử lý đất kỹ để diệt nguồn bệnh bằng cách ngâm nước ruộng với vôi bột ít nhất 1 tuần (20- 25kg vôi bột/1 sào BB), sau đó tháo cạn nước và phơi ải đất.

- Làm đất kỹ, dọn sạch tàn dư cây trồng trước và cỏ dại.

- Lên luống: Chiều rộng mặt luống từ 1,1 - 1,3m, cao 25-30cm.

Kỹ thuật trồng

+ Trồng 2 hàng/luống với khoảng cách hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 35 - 40cm. Mật độ 35.000 - 40.000 cây/ha = 1200 cây/1 sào BB = 3,5 cây/m2.

1.3.3. Bón phân

Chỉ sử dụng phân chuồng ủ mục và phân vô cơ, tuyệt đối không dùng phân tươi. Lượng phân bón cho 1 ha là: 25 tấn phân chuồng mục (700-800kg/sào BB), hoặc 10 tấn phân gà ủ hoai mục (400kg/sào) + 150kgN + 100kgP205 + 150kgK20 (10kg urê, 20kg supelân, 10kg kalisul phát/sào BB). Nếu đất chua thì bón thêm 10-15 kg vôi bột/sào hoặc ủ với phân chuồng).

• Kỹ thuật bón

- Bón lót toàn bộ phân chuồng + lân + 20% đạm + 30% phân kali;

- Bón thúc:

         đợt 1: khi cây hồi xanh: 10% đạm;

         đợt 2 : khi cây ra nụ : 20% đạm, 20% kali ;

         đợt 3: khi cây ra quả rộ: 30% đạm, 30% kali;

         đợt 4: sau khi thu quả đợt 1: bón nốt số phân còn lại.

1.3.1. Xới vun: Số lần xới vun TB/vụ từ 2-3 lần

Lần 1: sau khi cây bén rế hồi xanh;

Lần 2: sau trồng 25-30 ngày, kết hợp vun đất vào gốc cho cây đứng vững;

Lần 3: sau trồng 35-40 ngày trước khi làm giàn.

1.3.5. Tưới nước

• Trong vườn ươm

- Tưới nước để đảm bảo độ ẩm khoảng 70%.

• Ngoài ruộng sản xuất

         - Tưới ngày 2 lần khi cây con mới ra ngôi cho đến khi bén rễ

- Trước khi bón thúc phải làm cỏ, xới xáo, vun luống, vun gốc kết hợp tưới nước vào các thời kỳ nụ, hoa, quả rộ và quả đang lớn cần đảm bảo đủ nước, nếu có thể thì tưới rãnh. Sau khi mặt luống đã thấm nước đều thì phải tháo hết nước đọng trong rãnh.

- Khi có mưa lớn cần tiêu nước kịp thời.

1.3.6. Làm giàn, tỉa cành, tạo hình

- Làm giàn sau trồng từ 35-40 ngày, làm theo kiểu chữ A. Dùng dây mềm buộc cây lên giàn

- Với giống vô hạn: Cây cao, nhiều nhánh, lá nhiều cần làm giàn, tỉa nhánh và tạo tán. Chỉ nên để 2 nhánh/cây (thân chính và nhánh phụ dưới chùm hoa thứ nhất).

- Trên thân chính để 4 chùm, nhánh phụ 3 chùm (7 chùm/cây; 4-5 quả/chùm)

- Khi trên cây đạt đủ số chùm thì bấm ngọn, khi bấm ngọn cần giữ lại một số lá để che cho chùm hoa cuối cùng không bị ánh sáng trực xạ chiếu vào.

1.1. Phòng trừ sâu, bệnh

- Sâu hại:

- Sâu xám: Cần cày bừa kỹ, phơi ải đất, luân canh với cây trồng nước để phòng; Tại chỗ gốc cây bị hại, đào bắt sâu hoặc dùng Basudin 5G/10G để trừ

- Sâu đục quả: (sâu xanh, sâu khoang, sâu hồng) nếu xuất hiện ở giai đọan sâu non, cần phun ngay. Các loại thuốc có thể dùng là Bt, NPV, Delfin 32BIU, Sherpa 25EC, Dencis...

Bệnh hại:

- Bệnh xoăn lá: Do virus gây ra. Bệnh lan truyền do rệp, bọ phấn trắng.

+ Cần nhổ bỏ cây bệnh để tránh lây lan và phun thuốc trừ môi giới truyền bệnh.

- Bệnh thối rễ - Rhizoctonia solani, Pythium spp, và Fusarium spp: Bệnh hại chủ yếu trên cây con làm cho cây yếu ớt, chậm phát triển, lùn do rễ bị thối, lở cổ rễ. Thông thường bệnh làm chết rạp từng đám, từng chòm cây trong vườm ươm hoặc từng vùng rải rác phân tán trên đồng ruộng.

         + Nhổ bỏ cây bệnh sau đó xử lý đất bằng vôi bột. Cần tỉa nhánh vô hiệu để đảm bảo độ thông thoáng trên đồng ruộng.

- Bệnh héo xanh vi khuẩn - Ralstonia solanacearum: Cây bị hại đột nhiên héo rũ, lá vẫn còn màu xanh.

+ Biện pháp phòng trừ:

         + Để phòng trừ bệnh cần luân canh với lúa nước. Có thể dùng kỹ thuật ghép cà chua trên gốc cà tím để tăng khả năng chịu úng và giảm bệnh héo xanh vi khuẩn trong vụ sớm.

+ Khi bệnh phát triển cần hạn chế tưới nước, đặc biệt là tưới rãnh. Nhổ bỏ cây bệnh, sau đó dùng vôi bột rắc quanh hốc cây bệnh. Thuốc hóa học để phòng trừ bệnh này thường kém hiệu quả.

- Bệnh đốm vũng - Alternaria solani: Bệnh xuất hiện khi ẩm độ và nhiệt độ cao. Vết bệnh trên lá là những đốm nhỏ dạng hình tròn màu nâu thẫm, có nhiều vòng đồng tâm. Vết bệnh trên thân và cuống lá là những vệt hình bầu dục màu nâu, làm thân dễ gẫy. Vết bệnh trên quả to có màu tối thẫm lan rộng ở vùng đài quả và phần trên của vai quả gây thối quả.

+ Nếu bệnh nặng có thể phun Boocđô 1%, ZinebWP, Mancozeb...

1.5. Thu hoạch và bảo quản

         Cà chua, ngoài mục đích phục vụ cho nhu cầu ăn tươi còn để phục vụ chế biến và xuất khẩu.

         + Tùy theo mục đích sử dụng mà thu hái vào từng thời kỳ cho thích hợp. Nếu phải vận chuyển đi xa thì có thể thu hái ngay ở thời kỳ chín xanh (3/4 quả chuyển màu), nếu ăn tươi thì thu hái ở thời kỳ chín, nếu để làm giống thì thu hoạch ở thời kỳ chín hoàn toàn.

         + Thu hái cà chua nên cẩn thận, nhẹ nhàng, tránh để quả bị va đập, xây xát trong khi thu hái và vận chuyển.

         + Thu hái về cần để quả ở nơi thoáng mát, không được chất đống.

2. Địa bàn đã triển khai:

Qui trình đã được triển khai thử nghiêm và áp dụng tại khu vực thí nghiệm của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, các vùng chuyên canh rau tại thành phố Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, huyện Hữu Lũng Lạng Sơn và huyện Nguyên Bình Cao Bằng.

3. Địa bàn có thể áp dụng:

Qui trình có thể áp dụng cho các địa bàn canh tác cà chua có địa hình và khí hậu tương tự như tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng.       

 

Tác giả: Tiến sỹ Nguyễn Thị Mão, khoa Nông Học, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên.

Xuất sứ của công nghệ: Qui trình là kết quả nghiên cứu thực tế trên 4 năm liên tục của tác giả và tập thể các nhà Khoa học: GS.TS Trần Ngọc Ngoạn, GS.TS. Trần Khắc Thi.

Đại học Thái Nguyên






TIN TỨC KHÁC :