Nông nghiệp

Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Tập trung cho 3 trục sản phẩm

Ngày đăng: 2018-12-26 07:04:53


Kết thúc năm 2018, sản xuất nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng đạt trên 3,6%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn để phát triển bền vững.

 
 
bo truong nnptnt nguyen xuan cuong: tap trung cho 3 truc san pham hinh anh 1

Nhân dịp này, PV Báo NTNN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (ảnh).

Đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản

Xin Bộ trưởng cho biết khái quát về những kết quả đã đạt được trong năm 2018 vừa qua?

- Thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ NNPTNT đã chủ động xây dựng phương án tăng trưởng ngành cho từng quý và cả năm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM, đồng thời đã xác định cụ thể các giải pháp thực hiện cho từng lĩnh vực và phân giao nhiệm vụ cho các đơn vị để tập trung thực hiện.

Nhờ đó, toàn ngành đã đạt và vượt cả 5/5 mục tiêu kế hoạch đề ra; trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như tăng trưởng ngành, kim ngạch xuất khẩu, xây dựng NTM và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn.

Năm nay là lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 40 tỷ USD trong khi bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến rất phức tạp. Để đạt được kết quả trên, ngành nông nghiệp đã triển khai những giải pháp như thế nào, thưa Bộ trưởng?

bo truong nnptnt nguyen xuan cuong: tap trung cho 3 truc san pham hinh anh 2

Mô hình trồng rau công nghệ cao tại Hà Nội. Ảnh: KNHN

- Trong bối cảnh thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thị trường nông sản lớn của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn có sự vươn lên khá mạnh mẽ, ước tính cả năm sẽ đạt vượt mức kỷ lục 40 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).

"Thực tế kết quả xây dựng NTM cho thấy, chúng ta không chỉ đạt được mục tiêu về số lượng, mà chất lượng các tiêu chí NTM cũng được nâng lên rất rõ rệt”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Xuân Cường

Có được điều này là do, thị phần xuất khẩu đều duy trì, củng cố và mở rộng, 5 thị trường XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc tiếp tục có sự tăng trưởng. Các thị trường mới nổi, thị trường ngách (Trung Đông, châu Phi, Đông Âu) đều được lựa chọn phát triển bài bản. Mặt thứ hai là, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng, điển hình như lúa gạo, rau, quả, thủy sản…

Tuy nhiên, thị trường nông sản thế giới năm qua ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu khiến cho nguồn cung tăng nhanh, trong khi nhu cầu thế giới giảm hoặc tăng chậm.

Đạt mục tiêu số xã nông thôn mới trước 1 năm

Theo mục tiêu, đến năm 2020, cả nước phải có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM. Bộ trưởng có thể cho biết, kế hoạch để đạt được mục tiêu trên?

- Sau hơn 8 năm thực hiện, tính đến tháng 12.2018, cả nước có 3.787 xã (42,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã; cả nước chỉ còn 21 xã dưới 5 tiêu chí; 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Đây là những con số hết sức ấn tượng, là một thành quả to lớn, cho thấy xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã thực sự trở thành một phong trào cách mạng mạnh mẽ, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân ủng hộ.

Đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 43 tỷ USD

Năm 2019 là năm cuối trong việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch dài hạn đến năm 2020. Bộ NNPTNT sẽ đặt ra những chỉ tiêu, kế hoạch gì và giải pháp để thực hiện, thưa Bộ trưởng?

- Từ các kết quả đã đạt được, trong năm 2019, ngành nông nghiệp đặt ra một số chỉ tiêu sau: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 43 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt khoảng 50% và 70 huyện đạt tiêu chí NTM; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, toàn ngành sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp, nhiệm vụ như sau:

Phát triển nông nghiệp Việt Nam năm 2018

Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 3,65% (cao nhất từ 2012 đến nay)
và cao hơn so với mục tiêu giao cả năm là 2,8-3,0%
Giá trị sản xuất toàn ngành dự kiến tăng khoảng 3,8%
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến đạt trên 40 tỷ USD

Trước tiên, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; có chính sách và giải pháp mở rộng quy mô, sức cạnh tranh để bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng NTM ở địa phương theo mô hình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Mặt khác, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình MTQG xây dựng NTM nhằm đạt mục tiêu cuối năm 2018 cả nước có 50% số xã và 70 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Đồng thời, phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản: Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Cũng cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác để thu hút đầu tư xã hội vào tam nông.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Theo Ngọc Lê / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :