Nông nghiệp

Giảm trồng lúa, tăng cây rau màu giúp nông dân An Giang thắng lớn

Ngày đăng: 2017-06-01 10:11:25


Một số vùng chuyên canh sản xuất rau, màu theo hướng liên kết tiêu thụ và sản xuất theo hướng công nghệ cao với diện thích khoảng 7.500 ha.

 

Nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; đồng thời giảm áp lực tiêu thụ lúa, gạo trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn cùng với biến đổi khí hậu hiện ngày càng gay gắt hơn, tỉnh An Giang hiện đang tập trung chuyển đổi cây trồng, đặc biệt phát triển cây rau màu an toàn.

Dù là một tỉnh có lợi thế về sản xuất lúa gạo, đứng đầu tại khu vực ĐBSCL, tuy nhiên những năm gần đây sản xuất ở An Giang gặp nhiều khó khăn, do thâm canh tăng vụ, cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Việc sản xuất lúa 3 vụ nhiều năm đã làm giảm dinh dưỡng trong đất từ đó dẫn đến giá thành chi phí cho sản xuất cao không mang lại lợi nhuận cho nông dân.

giam trong lua tang cay rau mau giup nong dan thang lon hinh 1
Trồng dưa ứng dụng công nghệ cao tại An Giang.

Từ những khó khăn này, cùng với bối cảnh thị trường tiêu thụ gạo đang gặp khó, để giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, An Giang đã chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng một số loại rau màu, chuyển lúa 3 vụ sang trồng cây ăn trái khác cho năng suất và lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt là những vùng có lợi thế về trồng rau màu như: huyện An Phú, huyện Tân Châu, huyện Chợ Mới…

Theo ông Trần Văn Chương một thành viên của Tổ hợp tác rau an toàn Kiến An, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, các loại rau màu ở đây chiếm hơn 50% diện tích của xã. Đây cũng là nơi có đất trồng màu lớn nhất ở Chợ Mới và toàn tỉnh. Trong 12 ấp thì 5 ấp đã hình thành khu vực chuyên canh. Sản xuất chủ yếu là trồng theo đơn đặt hàng và nhu cầu tiêu thụ thị trường,với khả năng tiêu thụ 1,5 - 2 tấn/ngày.

“Xã Kiến An đang sản xuất trên 20 chủng loại rau ăn lá và 15 chủng loại củ, quả. Hiện tại mặt hàng chủ lực có hành và hẹ với đầu ra rất ổn định giúp nông dân yên tâm sản xuất theo hướng nông sản sạch”, ông Chương cho biết thêm.

Hiện nay, để chuyển đổi trồng màu trên nền đất lúa không đơn giản là thay đổi giống cây trồng này bằng một giống cây trồng khác, đặc biệt là trồng rau màu an toàn thì càng khó khăn hơn. Bởi liên quy trình này còn quan tới nhiều yếu tố như kỹ thuật canh tác, vốn cho đầu tư chuyển dịch; cơ sở hạ tầng như thuỷ lợi nội đồng… cùng với đó là phải tìm được các loại giống cho hiệu quả kinh tế, đủ sức cạnh tranh cũng như khi quy hoạch sản xuất lớn đòi hỏi thị trường tiêu thụ cực kỳ quan trọng.

Nói về vấn đề này, ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, cây rau màu và cây ăn trái là những cây có thế mạnh sau cây lúa. Nhưng khi cây lúa không hiệu quả, muốn chuyển sang cây màu, người nông dân sẽ cần có thêm các yếu tố để quy hoạch lại sản xuất.

“Việc chuyển dịch từ cây lúa qua cây màu, cây ăn trái liên quan đến hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng, kinh nghiệm sản xuất cũng như các yếu tố khác. Cái khó khăn nhất của An giang hiện nay là đầu ra sản phẩm do đó cần phải tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông để sản xuất hiệu quả hơn”, ông Thông cho biết thêm.

Hiện tỉnh An Giang có khoảng hơn 260.000 ha đất trồng lúa. Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đến năm 2020 sẽ chuyển đổi 20% đất trồng lúa sang trồng màu và cây ăn trái.

Trong khi đó, diện tích cây rau màu của tỉnh chỉ đạt khoảng 16.000ha, nên theo kế hoạch, tỉnh sẽ chuyển đổi khoảng 26.000 ha diện tích chuyên trồng rau, màu, trong đó xây dựng 5 vùng chuyên canh sản xuất và cung ứng rau, màu cho các tỉnh phía Nam và hướng đến phục vụ xuất khẩu. Quy hoạch một số vùng chuyên canh sản xuất rau, màu theo hướng mô hình liên kết tiêu thụ và sản xuất theo hướng công nghệ cao với diện thích khoảng 7.500 ha.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là cây màu nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo phương châm lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, lấy ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ làm khâu đột phá, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu.

“Hiện nay tỉnh An Giang đang kết hợp với công ty nông nghiệp của Nhật để triển khai một số dự án để đầu tư sản xuất những nông sản, đặc biệt là trái cây và rau, quả để đua vào thị trường Nhật và xuất đi các nước khác. Hai quốc gia đã có hướng liên kết về đào tạo, đưa những người nông dân trẻ có tâm huyết, có năng lực đi đào tạo ở Nhật, sau 2 năm họ quay lại trở thành công nhân nông nghiệp được đào tạo về làm việc ở đây "

Việc chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng màu, nhằm giảm áp lực cho cây lúa trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn hiện nay là điều cần thiết phải làm. Tuy nhiên cần phải có giải pháp căn cơ, phải đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng cây màu rồi cũng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa, rớt giá như bao cây trồng khác ở ĐBSCL./.

 


Theo Phan Ánh/VOV-ĐBSCL





TIN TỨC KHÁC :