Nông nghiệp

Quá trình tích tụ ruộng đất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn

Ngày đăng: 2017-08-26 07:08:54


Quá trình tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là về nhận thức của người dân, luật pháp, cơ chế chính sách...

Hội đồng lý luận Trung ương vừa phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Tập trung và tích tụ ruộng đất phục vụ nông nghiệp: vấn đề và giải pháp".

qua trinh tich tu ruong dat nong nghiep van gap nhieu kho khan hinh 1
Quá trình tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định: thời gian qua, chính sách pháp luật đất đai đã có bước hoàn thiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung tích tụ đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất đai.

Trên thực tế, đã có nhiều ý tưởng, mô hình và phương thức tích tụ tập trung ruộng đất được tiến hành sản xuất kinh doanh với quy mô lớn, bước đầu nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa, đóng góp tích cực vào việc sản xuất nông nghiệp của nước ta.

Tuy nhiên, quá trình tích tụ ruộng đất hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn; nhất là về nhận thức của người dân, luật pháp, cơ chế  chính sách, quá trình tổ chức thực hiện, làm ảnh hưởng đến chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

PGS-TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận trung ương phân tích: Tích tụ, tập trung đất đai để có diện tích canh tác lớn, tạo điều kiện cải tạo đồng ruộng, tưới tiêu khoa học, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, năng suất cây trồng, vật nuôi…mua vật tư nông nghiệp với giá thành thấp, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, thuận lợi hơn trong quản lý và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Do đó, để hạ giá thành chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Thạo cho rằng, tích tụ tập trung ruộng đất là vấn đề phải làm nhưng trong điều kiện hiện nay không thể làm theo hành chính được mà phải phân tích cho người dân nhận thức được và tham gia tự giác. Bảo đảm hài hòa lợi lích nhà nước, doanh nghiệp và lợi ích của người dân. Đặc biệt phải quan tâm đến lợi ích của người dân vì họ là người dễ bị thiệt thòi nhất. Cùng với đó phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp.

Các đại biểu cũng nhận định, để tạo thuận lợi trong việc tích tụ, tập trung đất phục vụ cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, Nhà nước cần mạnh dạn thay đổi chính sách, pháp luật về quản lý đất đai để kịp thời điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển sản xuất của từng vùng, từng địa phương. Trong đó, khuyến khích việc chuyển đổi ruộng đất, cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để tập trung phát triển đất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; chú trọng tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả, không thuộc diện quy hoạch vùng lúa sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực sang nuôi trồng các loại cây trồng vật nuôi khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Từ thực tiễn địa phương, ông Phạm Văn Xuyên, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đề xuất, cần bổ sung chính sách như thế nào để rõ ràng cho doanh nghiệp thuê, thứ 2 là sửa nghị định 210 để phù hợp thực tiễn. Có chính sách kéo lao động ra khỏi nông nghiệp Thái Bình đã làm những cũng chưa được nhiều.

"Hàm lượng khoa học trong sản phẩm của nông dân chiếm nhiều, nông dân cạnh tranh ngoài xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường thì cần đưa hàm lượng khoa học trong sản phẩm cao", ông Xuyên nhấn mạnh./.


Theo Phương Thoa/VOV-Trung tâm Tin





TIN TỨC KHÁC :