Cách nuôi dưỡng và chăm sóc Bonsai

Ngày đăng: 2015-04-14 15:37:07


Bonsai, cũng như Lan rất dễ trồng nhưng rất khó giữ nếu chúng ta trồng không đúng cách và không có thì giờ săn sóc. Bonsai càng khó hơn Lan vì cách trồng trong châu cạn, đất rất mau khô. Phân bón nhiều quá cây se mọc um tùm mất dạng Bonsai, phân ít, cây không đủ dinh dưỡng sẽ chết. Nước và ánh sáng cũng thế, cái gì cũng vừa đủ không thừa không thiếu.

Chậu Bonsai:

Một trong các yếu tố quan trọng nhất sau chính loại cây được chọn là chậu. Chậu phải thích hợp với loại cây, chậu tròn, chậu vuông, chậu hình chữ nhật, hình đa giác, hình bầu dục. Màu sắc của chậu phải đồng điệu với cây tạo thêm sự duyên dáng cân bằng với cây. Nếu cây có dáng cổ thụ mà chậu thì "trẻ" quá cũng thiếu "môn đăng hộ đối".

Có một chuyện vui về Bonsai là một du khách Mỹ đến trại cây mua một Bonsai, sau khi đồng ý giá cả, người Mỹ trả tiền ngay. Nhưng khi vừa bước chân ra khỏi cửa người bán hàng mới nhận ra giá bán chỉ tương xứng với cây Bonsai mà thôi, ông bèn chạy theo đòi tiền cái chậu; trước sự ngạc nhiên của người bán hàng, người Mỹ quay lại nhổ trả cây Bonsai và quay lưng bước nhanh với cái chậu trên tay... Câu chuyện thì có ý chê bai người Mỹ nhưng đáng để chúng ta ngẫm nghĩ, vì trong các cuộc triển lãm Bonsai tôi có quan sát, các chậu đựng Bonsai nhiều cái là đồ cổ trên trăm năm.

Ngoài chậu đựng, Bonsai còn phải đi kèm với rêu, nó tạo nên sự cổ phong và người Nhật thường thích để đá đẹp chung với Bonsai hoặc để riêng bên cạnh để tăng lên sự nhịp nhàng (accent) của cây.

Rêu thì có nhiều loại nhiều màu khác nhau: đa số rêu nhung xanh là thông dụng hơn cả; tôi đã được thấy tận mắt rêu vàng, rêu nâu, rêu vàng đỏ, và có lần cả rêu màu tím thật lãng mạn.

Một cây Bonsai đẹp phải phơi cả rễ, có cây rễ phủ quanh cục đá (on the rock). Nếu một cây Bonsai mà gốc "cấm dùi" thẳng vào mặt đất thì chẳng còn gọi là Bonsai được.

Như đã đề cập ở trên, môi sinh của Bonsai không được giàu quá cũng không nên nghèo quá. Trong kỹ thuật Bonsai hình như hai chữ "quân bình" và "hòa điệu" (balance and harmony) là luôn luôn phải được nghĩ đến trước khi, đang lúc và sau khi hoàn thành một cây Bonsai có tầm vóc.

Trong khuôn khổ của bài này tôi chỉ có thể tóm lược mà không thể nào đi sâu vào chi tiết kỹ thuật pha trộn đất, cắt rễ, quấn giây. Nó đòi hỏi chúng ta phải theo các lớp huấn luyện chuyên biệt về Bonsai. Muốn đạt nghệ thuật Bonsai phải thực hành, vọc tay càng nhiều càng khéo, trăm hay không bằng tay quen chỉ đúng một phần, phải thêm trăm hay không bằng hên. Cách hay nhất là gia nhập một hội Bonsai địa phương, hiện có trên khắp các thành phố lớn, họp hàng tháng để thực hành kỹ thuật Bonsai, có diễn giả khách được mời (guest speaker) để thuyết minh và phê bình từng dạng thức (style) được thực tập, dần dần, tham gia triển lãm liên hội vùng và triễn lãm quốc tế.

Cách pha trộn đất trồng Bonsai:

Một hỗn hợp pha trộn đất trồng Bonsai chung chung cho mọi thứ là: 3phần đất thịt (loam) + 1 hay 2 phần cát thô hay perlite + 1phần lá mủn hay Peat moss + 1/2 phần phân chuồng (cow manure) + 1/2 thức ăn bằng xương nghiền nát (bone meal).

Không bao giờ dùng potting soil pha chế sẵn.
Ngoài ra tùy loại cây chịu acid hay loại cây chịu tính kiềm mà chúng ta nên thêm vôi vào hổn hợp.

Nước và ánh sáng chiếm phần quan trọng còn lại trong việc săn sóc Bonsai.
Thường Bonsai loại xanh muôn thuở (evergreen), loại thông (coniferous) đều thích ở ngoài trời, tưới bằng vòi nước cho thật ướt cả cây lẫn đất.

Loại theo mùa (deciduous) cần phải đem vào nhà vào mùa đông. Ðể lên một cái khay tưới thật chậm, đợi cho nước thấm rồi lại tưới nữa, vừa tưới vừa "quán niệm" cho đến khi nào thấy nước chảy tràn ra khay hãy thôi.

Những người theo trà đạo thiền tập có thể áp dụng bài quán niệm hơi thở:

Thở ra thở vào
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang


...sẽ tìm thấy được một hạnh phúc khó tả, một nguồn vui thanh khiết mang đến từ những đứa con tinh thần mà chúng ta nuôi dưỡng bằng nước và bằng tình thương do ta tưới tẩm.

Kết luận: Bộ môn nghệ thuật nào cũng vậy, không thoát khỏi vài vấn nạn. Có người cho là ép buộc cây đang tăng trưởng bị sống gò bó chật hẹp trong một cái chậu đẹp, rồi con bị quấn giây để tạo hình tạo dáng là ác độc đối với cây. Phe chống này điển hình là phim Karate Kid III trong đó ông Pat Morita bắt buộc đệ tử phải leo ghềnh thác cheo leo để trả cây về với môi sinh thiên nhiên; hay nhà văn Quí Thể với "Cây Cổ Thụ Lùn" đề nghị đem trồng bonsai ra đất để có bóng mát.

Phe mê Bonsai thì biện hộ là cây làm Bonsai được chăm sóc ưu ái, được chiều chuộng, được ngưỡng mộ, được coi như gia bảo, được coi là quốc bảo làm tặng vật giữa quốc gia và quốc gia. Vì thế có cây sống cả hàng mấy thế kỷ, nếu để ngoài thiên nhiên cây có thể đã chết từ lâu rồi.

Cây ơi cây, ước gì cây biết nói để loài người nhiều chuyện thôi cãi nhau nữa, và để cho các nghệ nhân Bonsai được bày tỏ lòng ưu ái, thương mến cây một cách tự do mà không bị ai trách móc, và được thực hành "nghệ thuật sống" cho quả đất này tròn hơn , vui hơn.

Trích nguồn: yêu cây xanh






TIN TỨC KHÁC :