Để vú sữa được xuất ngoại

Ngày đăng: 2017-12-02 07:45:02


Nhiều loại trái cây của Việt Nam trong những năm gần đây đạt được năng suất và chất lượng khá cao, do bà con áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến và ngày càng có ý thức hơn trong sản xuất, lấy mục tiêu nông sản làm ra là để phục vụ cho thị trường, cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhiều loại trái cây được chấp nhận ở các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng vượt trội và an toàn thực phẩm khắc khe. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều bà con còn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học quá mức quy định cả khi trồng và cả trong quá trình bảo quản sau khi thu hoạch. Vì vậy nhiều mẫu trái cây khi đi phân tích đều phát hiện có tồn tại dư lượng thuốc sâu quá mức cho phép. Vú sữa 1 số vùng cũng nằm trong tình trạng này.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến an toàn của nông sản. Đây là thực tế của không ít các loại trái cây Việt Nam, khi mời chào thì mẫu mã đẹp, bắt mắt, chất lượng đảm bảo nên khách hàng ưa chuộng. Nhưng một thời gian sau đó, khách hàng lại từ chối do sản phẩm không đạt mức an toàn theo hợp đồng đã ký, sản phẩm buộc bị trả lại, bị phạt hợp đồng, gây thiệt hại kinh tế và thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin của người tiêu dùng đối với trái cây, nông sản cùa Việt Nam.

Muốn trái cây Việt Nam, trong đó có vú sữa có thể xuất khẩu 1 cách bền vững, trước hết người trồng phải nâng cao ý thức là luôn tạo ra sản phẩm an toàn, có chất lượng tốt nhất và xác định mình là người tiêu dùng trước khi mang sản phẩm đó bán ra thị trường. Chính điều này là bà con đã tự tạo lập lợi ích của nhà vườn gắn chặt với lợi ích của khách hàng một cách lâu dài. Khi xác định được điều này người trồng mới tham dự các lớp tập huấn về tiêu chuẩn sản phẩm trái cây an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời tổ chức sản xuất theo một gói kỹ thuật chung, mỗi hộ là một thành viên, hộ nào không tuân thủ đúng quy trình thì sẽ bị loại bỏ khỏi hệ thống, phải ký kết hợp đồng giữa người trồng với người thu mua sản phẩm xuất khẩu, hai phía căn cứ vào hợp đồng để thực hiện phần việc của mình. Nếu làm được điều này sẽ từng bước đưa người sản xuất vào guồng máy làm ăn theo kinh tế thị trường. Từ hình thức làm ăn nhỏ lẻ tiến lên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh, liên kết theo ngân hàng.

Để vú sữa xuất khẩu sang Mỹ và các nước EU một cách lâu dài thì việc tổ chức lại sản xuất là khâu cốt yếu cần phải thực hiện. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được những sản phẩm vừa chất lượng vừa an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, qua đó tăng cao thu nhập của bà con nông dân.


Theo Lê Quốc Phòng / Lao động





TIN TỨC KHÁC :