Một doanh nghiệp cam kết thu mua 10.000 tấn vải thiều Lục Ngạn

Ngày đăng: 2018-06-18 07:29:13


Hôm nay 17.6, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường với UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn về tình hình tiêu vụ vải thiều, một doanh nghiệp là Công ty CP Thực phẩm xuất nhập khẩu Đồng Giao (Doverco) cho biết: Sẽ cam kết thua mua tới 10.000 tấn vải thiều của vùng vải Lục Ngạn.

 
 

Tham gia đoàn công tác còn có ông Phan Xuân Dũng- Chủ nhiệm Ủy Ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, các lãnh đạo của Bộ NNPTNT, Ủy Ban KHCN và Môi trường của Quốc hội...

mot doanh nghiep cam ket thu mua 10.000 tan vai thieu luc ngan hinh anh 1

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm vườn vải thiều của gia đình ông Hoàng Ngọc Hiền, đại diện Hiệp hội trồng vải thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn

Xuất khẩu 4.000 tấn vải tươi sang Nhật Bản

Theo đó, ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, một trong những doanh thu mua vải thiều tươi số lượng lớn, cho biết, năm nay, doanh nghiệp có kế hoạch thu mua của nông dân trồng vải Lục Ngạn khoảng 10.000 tấn, cao gấp nhiều lần năm 2017. Hiện công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu vải tươi khoảng 4.000 tấn với đối tác Nhật Bản, số còn lại sẽ xuất tươi và chế biến cho các thị trường Anh, Đức.

“Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã đặt 10 điểm cân trên địa bàn huyện và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thu mua nguyên liệu. Chúng tôi tin tưởng, với sự quyết tâm của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân, sản lượng thu mua sẽ đạt và vượt kế hoạch, giá thành vải thiều cũng được thu mua ổn định ở mức cao”, ông Khuê nói.

Đánh giá cao kết quả sản xuất và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung đến thời điểm này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tỉnh Bắc Giang đã phát huy rất tốt kinh nghiệm trong tiêu thụ vải thiều từ những năm trước, làm tốt công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại ở cả thị trường trong và ngoài nước.

“Việc tổ chức các hội nghị, diễn đàn kinh tế tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, xúc tiến thương mại thị trường Trung Quốc, hay Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội, … là những minh chứng cho thấy tỉnh Bắc Giang rất năng động trong khâu tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Do đó, năm nay, dù vải thiều được mùa, sản lượng lớn, song giá bán vẫn đảm bảo cho người nông dân”, Bộ trưởng nói.

mot doanh nghiep cam ket thu mua 10.000 tan vai thieu luc ngan hinh anh 2

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chia vui với người trồng vải.

Niềm vui kép của người trồng vải: Được mùa, được cả giá

Trước đó, phấn khởi báo cáo tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều của gia đình, ông Hoàng Ngọc Hiền, đại diện Hiệp hội trồng vải thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay, diện tích 3ha vải của gia đình ông hoàn toàn được trồng theo tiêu chuẩn này. Sản lượng ước tính có thể đạt từ 35-40 tấn quả.

“Hiện chúng tôi đang bán với giá từ 15.000-25.000 đồng/kg, tùy chất lượng, cho thương lái Trung Quốc và một số doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Mỹ và các nước EU. Nhìn chung, từ khi triển khai trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng quả vải được nâng lên, giá bán cũng ổn định ở mức cao, giá trị gia tăng từ quả vải hơn nhiều lần trước đây”, ông Hiền nói.

Trao đổi về tình hình địa phương, ông Bùi Huy Tình – Chủ tịch UBND xã Hồng Giang cho biết, toàn xã có hơn 520ha vải thiều, hầu hết toàn bộ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 32 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU… Năm 2017, Hồng Giang có tới hơn 300 tấn vải thiều được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật.

“Năm 2018, sản lượng vải toàn xã ước khoảng trên 5.000 tấn, với giá bán vải bình quân đạt khoảng 15.000 đồng/kg, ước tính doanh thu từ vải thiều khoảng 80 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn xã có 22 điểm cân thu mua vải”, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang cho hay.

Báo cáo tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 15.290ha vải thiều. Trong đó, có hơn 11.000ha được nông dân sản cuất theo hướng VietGAP, với trên 41.000 hộ trồng vải tham gia, trong đó huyện đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 21.000 hộ ở 331 thôn bản, HTX đảm bảo sản phẩm đủ điều kiện chất lượng, mẫu mã xuất khẩu vào tất cả các thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, huyện có hơn 200ha vải đã được cấp chứng nhận GlobalGAP và mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường có yêu cầu như Mỹ, Úc, EU.

Để tăng cường liên kết, hỗ trợ nhân dân trong sản xuất,tiêu thụ vải thiều, toàn huyện đã hướng dẫn thành lập 375 tổ liên kết, tổ hợp tác với 2.700 thành viên; thành lập 30 chi hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều tại 30 xã, thị trấn.

Đáng chú ý, năm 2018 này cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông, huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức thành công 3 hội nghị xúc tiến: Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Bằng Tường, Trung Quốc; Diễn đàn về vải thiều và 52 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang; Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội. 

mot doanh nghiep cam ket thu mua 10.000 tan vai thieu luc ngan hinh anh 3

Người dân phân loại vải thiều để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ

 Về tình hình tiêu thụ, ông Bình cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 464 điểm cân vải. Tại thời điểm này, trên địa bàn huyện có 152 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các DN trong nước có hợp đồng tiêu thụ với các đối tác Nhật Bản, Mỹ, EU… cũng xúc tiến các điều kiện để có thể nhập nguyên liệu trong thời gian sớm nhất.

“Năm 2018, ước sản lượng vải thiều của huyện đạt trên 140.000 tấn. Tính đến hết ngày 16.6.2018, tổng số lượng vải đã thu hoạch tiêu thụ là trên 41.000 tấn. Cụ thể, số lượng vải tiêu thụ qua các hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op, Big C là hơn 240 tấn. Đối với thị trường nước ngoài, vải thiều chủ yếu được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, qua 2 cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai là 21.762 tấn. Ngoài ra xuất sang thị trường Mỹ 1,1 tấn; Hà Lan 0,6 tấn; Úc 2 tấn; Nhật Bản 1,5 tấn...” – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện Bắc Giang mới thu hoạch xong được vải sớm, còn vải chính vụ bắt đầu bước vào tâm điểm thu hoạch vải, do vậy tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng cần tiếp tục tập trung các nhóm giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến vải đến các dịch vụ đi kèm trong mùa thu hoạch vải thiều, đảm bảo giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn, đảm bảo một vụ vải thiều “được mùa, được giá”.

Biến vùng trồng vải Lục Ngạn thành địa điểm du lịch sinh thái

“Về sản xuất, tôi đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát lại diện tích, chọn những mũi nhọn đột phá về cây ăn quả để xứng danh là vựa trái cây miền Bắc. Ngoài ra, trong việc tái cơ cấu, tỉnh cũng cần quyết tâm và có những giải pháp đồng bộ để hướng đột phá mũi nhọn của Lục Ngạn sẽ trọng tâm vào ngành kinh tế cây ăn quả chứ không chỉ đơn thuần là trồng cây vải thiều. Theo đó, cần triển khai đồng bộ các các giải pháp tổ chức, thực hiện bao gồm cả sản xuất, tiêu thụ, chuyển giao kỹ thuật cũng như phát triển du lịch sinh thái”.

(Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường)

 


Theo Thu Hà / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :