Nông dân đổ xô trồng cây ăn trái trên đất lúa: Nên hay không?

Ngày đăng: 2019-02-18 06:42:51


Cùng với đào ao nuôi, ương cá tra, nông dân vùng Đồng Tháp Mười (Long An) đang đổ xô trồng cây ăn trái trên đất lúa, trong đó nhiều diện tích sai quy định.

 
 

Xây dựng cánh đồng lớn cây ăn trái

Khó ai ngờ, vùng đất vẫn còn phèn chua nặng như Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) giờ mọc lên hàng trăm ha vườn cây ăn trái theo hướng công nghệ cao với hệ thống tưới phun sương và bón chế phẩm sinh học.

Ông Trần Văn Thành – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạnh Hóa, dẫn chúng tôi đi xem bà con nông dân xã Thuận Bình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.  Dọc theo con đường lót đan thuộc ấp Gãy, xen lẫn rừng tràm là những mảnh vườn cây ăn trái rộng hàng ha đang mọc lên. Hầu hết diện tích này là chanh không hạt. Nhiều diện tích cây ăn trái đã trang bị hệ thống tưới ngầm, tưới phun sương và sử dụng bón phân sinh học.

Tại khu vực này, ông Sáu Thành có đến 14ha, trong đó 9ha đã trồng chanh không hạt và đu đủ. Ngoài đầu tư hệ thống tưới phun sương, tưới ngầm cho vườn cây ăn trái, ông Sáu Thành còn trang bị 2 bình chuyên dùng để pha chế chế phẩm sinh học tưới cho vườn cây. “Bón chế phẩm sinh học khiến năng suất vườn cây kém hơn nhưng cho trái chất lượng hơn” - ông Thành đánh giá.

nong dan do xo trong cay an trai tren dat lua: nen hay khong? hinh anh 1

Một khu đất lúa đã được chuyển sang trồng sầu riêng ở xã Mỹ Đức (huyện Đức Huệ, Long An). Ảnh: T.Đ

Ông Sáu Thành thông tin, hiện khu vực xã Thuận Bình có khoảng 350ha cây ăn trái đã hình thành. Hội Nông dân tại đây đang lên kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn cây ăn trái cho bà con nông dân, bước đầu với 40ha. Ông Thành nhận xét, so với cùng diện tích lúa, thu nhập từ chanh không hạt cao gấp 5 – 10 lần. “Với 1ha chanh không hạt, mỗi năm tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng” - ông cho biết.

Theo ông Sáu Thành, hiện huyện Thạnh Hóa có khoảng 1.000ha đất lúa, tràm đã chuyển sang trồng cây ăn trái. Nhiều diện tích này đang làm theo hướng công nghệ cao. Và cũng nhiều diện tích nông dân chuyển đổi cây trồng sai quy định mục đích sử dụng.

Trong khi nông dân Thạnh Hóa chủ yếu chuyển đổi cơ cấu cây trồng dựa vào cây chanh không hạt làm chủ lực, thì tại huyện Tân Thạnh diện tích chuyển đổi cây trồng tập trung vào các loại cây như: Mít, xoài, chanh, thanh long, dừa, sầu riêng…

Ông N.V.L – một nông dân đang chuyển đổi hơn 1ha đất lúa sang trồng sầu riêng tại xã Tân Lập cho biết, do đất phèn ảnh hưởng đến năng suất và nhất là giá cả thấp, bấp bênh... nên ông cho chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, bất chấp sai quy hoạch của chính quyền.

Không nên làm ồ ạt

Hoạt động kinh tế huyện Tân Thạnh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với trên 70.000ha diện tích đất trồng lúa. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu thốn, hàng năm chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa bão và lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Nhiều khu vực trồng lúa không chủ động trong vấn đề thủy lợi, một số khu vực đất phèn ảnh hưởng đến năng suất và tính bền vững của cây lúa..

"Nếu cứ bám lấy cây lúa giá cả thấp, bấp bênh biết khi nào nông dân giàu lên. Bây giờ, nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác với lợi thế thu nhập tốt hơn thì phải để họ làm”.

Ông Trần Văn Thành

Theo UBND huyện Tân Thạnh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa là cần thiết, nhưng không hề đơn giản, bà con nông dân không nên làm ồ ạt theo kiểu "phong trào". Về lâu dài sẽ phá vỡ quy luật cung - cầu trong sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Ông Nguyễn Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo tăng cường quản lý việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa. Theo đó, ưu tiên chuyển đổi trên đất kém hiệu quả, nhưng phải phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cây trồng, vật nuôi chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ, lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa; không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, thủy lợi nội đồng của địa phương; hạn chế đầu tư lớn và gắn chặt với công tác xây dựng nông thôn mới.

Ông Sáu Thành cũng cho biết, chính quyền đang trong thế khó khi xử lý những sai phạm của nông dân chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác. “Nếu cứ bám lấy cây lúa giá cả thấp, bấp bênh biết khi nào nông dân giàu lên. Bây giờ, nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác với lợi thế thu nhập tốt hơn thì phải để họ làm” - ông Sáu Thành chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, việc nông dân vùng Đồng Tháp Mười đang tiếp cận công nghệ cao để trồng cây ăn trái là tín hiệu đáng mừng trong xu thế tỉnh Long An đang khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng này. “Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương sẽ cho nông dân chuyển sang sản xuất cây trồng khác trên đất lúa nếu có thị trường tiêu thụ, lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa” - ông Thiện khẳng định. 


Theo Trần Trần Đáng / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :