Trồng có 100 cây quýt cổ, dân Miền Đồi thu ngay 100 triệu

Ngày đăng: 2018-05-03 06:58:37


Trước đây, nhắc đến cây quýt "hôi” (hay còn gọi là quýt cổ - PV), người dân xã Miền Đồi (Lạc Sơn - Hòa Bình) nghĩ ngay đến những vỏ quýt thơm nức, vừa là gia vị trong ẩm thực, vừa là thuốc trị ho cho trẻ nhỏ. Còn giờ đây, với những giá trị kinh tế đem lại, quýt "hôi” đang mở lối cho hành trình xóa đói - giảm nghèo ở mảnh đất vùng cao này.

 
 

Trung tuần tháng 4, tiết trời đã ấm áp nhưng ở Miền Đồi sương trắng vẫn bao trùm trên các thửa ruộng bậc thang. Đường về xóm Thăn Trên - nơi được coi là vựa quýt của Miền Đồi cũng mịt mù sương. Chúng tôi đến thăm vườn quýt của gia đình ông Bùi Văn Hưng. Vườn quýt rộng và có tuổi thọ "già” nhất ở Miền Đồi.

Mục sở thị vườn quýt "già” nhất Miền Đồi

Con đường về Thăn Trên - 1 trong 36 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh nay đã được bê tông. Đặt chân đến xóm, hình ảnh cây quýt cổ thấp thoáng bên những mái nhà sàn. Quả đúng như lời giới thiệu, vườn quýt với hơn 100 cây của gia đình ông Bùi Văn Hưng xứng danh "già” và đẹp nhất ở Miền Đồi. Thời điểm này, quýt đang nảy lộc, khắp vườn phủ sắc xanh mỡ màng, dưới tán lá là những quả quýt non mới đậu.

trong co 100 cay quyt co, dan mien doi thu ngay 100 trieu hinh anh 1

Vườn quýt cổ hàng chục năm tuổi của gia đình ông Bùi Văn Hưng, xóm Thăn Trên, xã Miền Đồi (Lạc Sơn).

Về làm dâu gần 30 năm, ngay từ những ngày đầu, bà Bùi Thị Nhương (vợ ông Hưng) đã thấy trong vườn nhà những cây quýt sai trĩu quả. Với giống quýt cổ này, đây là số tuổi ấn tượng, bởi lẽ trước đây, quýt tự mọc, tự phát triển, không có bàn tay chăm sóc của con người nên chỉ độ 5 - 10 tuổi là cây bị sâu đục thân rồi chết. Còn vườn quýt của gia đình bà Nhương sinh trưởng ở mảnh đất màu mỡ, sức đề kháng tốt nên qua mấy chục năm vẫn phát triển tươi tốt.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn quýt, bà Nhương chia sẻ: "Trước đây chẳng chăm bón gì, cành cây cũng không tỉa, cây tự phát triển. Thế nên cây trồng chẳng có hàng lối, những cây nhỏ là cây to rụng quả xuống rồi mọc lên. Ba năm trở lại đây, khi mọi người biết đến quýt Miền Đồi, nhiều người làm đám cưới tìm mua nên không còn phải mang ra chợ bán nữa. Giá bán cũng ổn định, quả to 30.000 đồng/kg, quả nhỏ thì từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Nhận thấy giá trị kinh tế, gia đình tôi mới tỉa cành, chăm bón nên năng suất ngày một cao”.

Giá trị kinh tế đem lại đã rõ, 3 vụ quýt gần đây, mỗi vụ gia đình bà Nhương thu được gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, tiền bán cành giống cũng đem lại nguồn thu không nhỏ. Ngoài gia đình bà Nhương, ở xóm Thăn Trên còn một số hộ cũng có vườn quýt cổ nhưng số lượng cây ít hơn. Ví như gia đình ông Bùi Văn Chiện hay Bùi Văn Khánh.

Nhận thấy những giá trị kinh tế cây quýt đem lại, cuối năm 2017, BQL Dự án giảm nghèo huyện Lạc Sơn đã hỗ trợ trên 6.000 cây giống (mắt ghép là giống quýt cổ của Miền Đồi) cho 45 hộ dân ở xóm Thăn Trên.

Kỳ vọng sản phẩm "quýt dược liệu” của Miền Đồi

"Là xóm đặc biệt khó khăn nên được Nhà nước hỗ trợ nhiều nhưng phải đến cây quýt cổ này mới thấy thật sự phù hợp”, ông Bùi Văn Đép, xóm Thăn Trên phấn khởi chia sẻ.

Ông Đép lý giải sự phù hợp rằng, cây quýt đã quá quen thuộc với người dân Miền Đồi. Từ bao đời nay, những xiên vỏ quýt khô lúc nào cũng có trên gác bếp của người dân. Rồi thì một gia vị không thể thiếu để chế biến món dồi lợn chính là vỏ quýt. Vỏ quýt còn được dùng để pha nước uống, thức uống này đặc biệt tốt cho hệ hô hấp, nhất là vào mùa đông.

trong co 100 cay quyt co, dan mien doi thu ngay 100 trieu hinh anh 2

Vỏ quýt hôi có thể dùng làm thuốc và gia vị chế biến nhiều món ăn. Ảnh minh họa

Từ sự hỗ trợ của cấp trên, cuối năm 2017, gia đình ông Đét đã trồng hơn 100 cây quýt. Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên vườn quýt của gia đình ông Đét cùng các hộ khác đều phát triển khá tốt.

Đồng chí Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, Miền Đồi có khoảng 2.000 cây quýt đã cho thu hoạch, trên 1 vạn cây mới trồng, phần lớn tập trung ở xóm Thăn Trên. Ngoài Thăn Trên, các xóm khác của xã vùng thượng này đều có tiềm năng phát triển trồng quýt cổ.

Giống quýt cổ Miền Đồi có hai loại, cả hai khi chín đều có vị chua dôn dốt. Trong đó, loại quýt vỏ dày là có giá trị hơn cả, vì vỏ quả quýt phơi khô có thể dùng làm thuốc và gia vị chế biến các món ăn.

Là xã đặc biệt khó khăn, những năm qua, Miền Đồi đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Với cây quýt cổ, chính quyền và người dân nơi đây đang đặt niềm tin lớn trong hành trình xóa đói, giảm nghèo.

"Cây quýt cổ phát triển khá tốt, với vị chua đặc trưng và vỏ quýt có nhiều tác dụng, chúng tôi tin tưởng tương lai sẽ có đầu ra ổn định. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ vườn tạp để trồng quýt. Sau khi có lượng sản phẩm lớn, chúng tôi sẽ liên kết với doanh nghiệp. Có thể, nếu phát triển tốt, được nghiên cứu kỹ lưỡng, sau này sẽ đổi tên từ quýt cổ thành quýt dược liệu”, đồng chí Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Miền Đồi chia sẻ.


Theo Đào Viết (Báo Hòa Bình)





TIN TỨC KHÁC :