Đặc điểm sinh lý và khả năng sản xuất của Thỏ (Cẩm nang chăn nuôi thỏ Phần 1)

Ngày đăng: 2016-04-19 08:22:56


I. Đặc điểm sinh lý của Thỏ

   Thỏ là vật nuôi rất nhạy cảm với các yếu tố ngoại cảnh, khả năng thích ứng với môi trường kém. Thân nhiệt của thỏ thay đổi theo nhiệt độ không khí môi trường. Thỏ có ít tuyến mồ hôi dưới da, cơ thể thải nhiệt chủ yếu qua đường hô hấp. Thân nhiệt, tần số hô hấp và nhịp đập của tim thay đổi tỷ lệ thuận với nhiệt độ không khí môi trường. Cơ quan khứu giác của thỏ rất phát triển, thỏ mẹ có thể phân biệt được con đàn khác đưa đến bằng cách ngửi mùi. Thỏ rất thính tai và tinh mắt, trong bóng tối thỏ vẫn nhìn thấy để ăn uống bình thường và phát hiện được những tiếng động rất nhỏ. 

- Sinh lý tiêu hóa

   Thỏ là gia súc có dạ dày đơn, dạ dày thỏ co giãn tốt nhưng co bóp yếu. Các chất dinh dưỡng được phân giải nhờ các men tiêu hóa của dạ dày và ruột sẽ được hấp thụ chủ yếu qua ruột non. Ruột già chủ yếu hấp thụ các muối và nước. 
Manh tràng là đoạn đầu của ruột già có kích thước rất lớn. Đây là bộ phận chính tiêu hóa chất xơ (cỏ, lá cây,…) nhờ có hệ vi sinh vật cộng sinh. 

- Sinh lý sinh sản

   Thỏ rất mắn đẻ, tuổi thành thục sinh dục từ 5 – 6 tháng, mang thai trung bình 30 ngày và sau khi đẻ 1 - 3 ngày động dục trở lại. Chu kỳ động dục của thỏ thay đổi (10 – 16 ngày). Thỏ cái chỉ cho phối giống khi động dục và  9 – 10 giờ sau khi giao phối trứng mới rụng (Đinh Xuân Bình), đây là đặc điểm sinh sản khác với các loài gia súc khác. Trên cơ sở đặc điểm này, người ta thường ứng dụng phương pháp “phối kép”, “phối lặp” tức phối giống 2 lần, lần phối thứ hai cách lần phối thứ nhất từ 4 – 6 giờ, để tăng số lượng trứng được thụ tinh và số lượng con đẻ ra trong 1 lứa.  
Thỏ con mới sinh ra chưa có lông, sau 1 ngày tuổi bắt đầu mọc lông tơ, ba ngày tuổi thì có lông dày, ngắn 1 mm, năm ngày tuổi lông dài 5 - 6 mm và 20 - 25 ngày tuổi bộ lông được phát triển hoàn toàn. Thỏ con mở mắt vào 9 - 12 ngày tuổi. 
 

Đặc điểm sinh lý và khả năng sản xuất của Thỏ (Cẩm nang chăn nuôi thỏ Phần 1)

 

II.  Khả năng sản xuất của Thỏ nuôi

1. Khả năng sinh trưởng 

   Các giống thỏ lai ở Việt Nam có tầm vóc nhỏ hơn so với thỏ ngoại nhưng có khả năng chịu đựng được trong điều kiện chăn nuôi kham khổ và dinh dưỡng thấp, khối lượng trưởng thành đạt 3,5 - 5,5 kg/ con. 

Khối lượng cơ thể ở các giai đoạn tuổi

 

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thỏ lai

Thỏ ngoại

Khối lượng sơ sinh

gram

40-50

50 - 55

Khối lượng 21 ngày tuổi

gram

300-350

350 - 400

Khối lượng 30 ngày tuổi

gram

400-500

500 - 600

Khối lượng trưởng thành

kg

3,5-5,0

4,5 – 6,0

 

2. Khả năng sinh sản 

   Thỏ là vật nuôi mắn đẻ, một năm có thể đẻ 6 - 7 lứa nếu được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt. Thời gian động dục lại sau khi đẻ rất ngắn nên nếu nuôi dưỡng chăm sóc tốt và cho phối giống sớm sau khi đẻ thì khoảng cách hai lứa đẻ có thể rút ngắn còn 40 - 45 ngày. 

Một số chỉ tiêu về khả năng sinh sản của thỏ 

 

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Trung bình

Tuổi động dục lần đầu

Tháng

4 – 4,5

Tuổi phối giống lần đầu

Tháng

5 - 6

Chu kỳ động dục

Ngày

10 - 16

Thời gian kéo dài động dục

Ngày

3 - 5

Thời gian mang thai

Ngày

28 - 32

Số con đẻ ra/lứa

Con

6 - 9

Số lứa đẻ/năm

Lừa

6 - 7

 

3. Khả năng cho thịt 

   Thỏ mắn đẻ, chu kỳ sinh sản ngắn nên nếu được nuôi dưỡng tốt một thỏ cái mỗi năm đẻ 6 - 7 lứa, mỗi lứa 6 - 7 con. Sau 3 tháng nuôi khối lượng giết thịt 1,8 - 2,2 kg/con, như vậy một thỏ mẹ có thể sản xuất 80 -100 kg thịt thỏ/ năm. 
Thỏ cho tỷ lệ thịt xẻ 46 - 49%, tỷ lệ thịt lọc/ thịt xẻ là 85 - 86%.


Theo Khuyến nông TPHCM





TIN TỨC KHÁC :