Giới thiệu quy trình chăn nuôi heo - gà an toàn

Ngày đăng: 2016-02-25 10:28:49


Chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra gây hại đến con người, gia súc và hệ sinh thái.

Hay là” Tổng thể các biện pháp ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh”

 

Nguyên tắc của chăn nuôi an toàn:

1. Giữ đàn vật nuôi trong môi trường được bảo vệ:

+ Khu vực chăn nuôi phải cách xa nhà ở;

+ Có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác;

+ Hạn chế tối đa người lạ đi vào khu vực chăn nuôi;

+ Trước cổng, trước mỗi dãy chuồng phải có hố sát trùng;

+ Phải thường xuyên định kỳ tiêu độc khử trùng dụng cụ và khu vực chăn nuôi;

+ Chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp.

 

2. Chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn vật nuôi

+ Cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt;

+ Nước uống sạch cho gia súc;

+ Chuồng nuôi đúng quy cách và đảm bảo mật độ nuôi hợp lý;

+ Định kỳ tiêm phòng và tẩy giun sán cho vật nuôi.

 

3. Kiểm soát mọi thứ ra vào khu vực chăn nuôi

+ Phải biết rõ lai lịch nguồn gốc, tình trạng bệnh tật của đàn vật nuôi mới nhập

+ Vật nuôi mới mang về phải nuôi cách ly theo quy định

+ Kiểm soát thức ăn chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi đưa vào trại

+ Không để chim hoang dã, các loài gặm nhấm, chó, mèo, chuột và người lạ vào khu vực chăn nuôi.

4. Sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn cho người sử dụng

+ Thời gian ngưng thuốc trước khi bán để giết mổ đúng quy định.

+ Có sổ sách ghi chép thời gian dùng vacin và thuốc phòng trị bệnh cụ thể của từng đàn, cá thể.

 

Giới thiệu quy trình chăn nuôi heo - gà an toàn


PHẦN I: BỐ TRÍ MẶT BẰNG CHUỒNG TRẠI

I. VỊ TRÍ XÂY DỰNG CHUỒNG TRẠI HEO

Để đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, hạn chế lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm tùy điều kiện cụ thể của từng hộ chăn nên chọn vị trí xây dựng chuồng trại cho phù hợp nhưng phải đảm bảo điều kiện cách xa nhà ở của gia đình, các hộ xung quanh và các khu công cộng khác.

- Trong khuôn viên đất của gia đình nên xây chuồng lệch so với nhà ở, không nên xây chuồng thẳng phía trước hoặc sau nhà. Khi xây dựng chuồng nên xây ở phía cuối mảnh đất để chuồng trại cách xa nhà nhất trong điều kiện có thể.

- Không nên xây chuồng lợn chung với chuồng nuôi gia súc gia cầm khác

- Địa hình khu chăn nuôi cao ráo, dễ thoát nước để tránh bị ngập úng khi mưa lớn.

- Có nguồn nước sạch và đủ trữ lượng cho chăn nuôi. Đảm bảo đủ diện tích chăn nuôi và xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

II. THIẾT KẾ CHUỒNG TRẠI NUÔI HEO

1. Thiết kế chuồng trại nuôi heo.

- Hướng chuồng nuôi heo:

Tuỳ thuộc vào vị trí và diện tích đất để bố trí hướng chuồng cho phù hợp.Tốt nhất là nên chọn hướng Nam hoặc Đông – Nam. Nếu là chuồng kín thì phải hướng chuồng không nhất thiết phải là 2 hướng trên.

- Kiểu chuồng nuôi heo:

Kiểu chuồng phù hợp với mục đích, điều kiện kinh tế của gia đình và diện tiachs mặt bằng.

Hiện nay có 2 kiểu chuồng chính: chuồng hở thì lưu thông không khí theo thông thoáng tự nhiên; chuồng kín điều tiết được nhiệt độ, độ ẩm theo hệ thống thiết bị phụ trợ (quạt, hệ thống làm mát…). Trong điều kiện chăn nuôi nông hộ hiện nay thì áp dụng kiểu chuồng thông thoáng tự nhiên là phù hợp.

- Nền chuồng nuôi heo:

Chuồng trại phải được xây dựng trên nền cao, sạch sẽ, không trơn láng, dễ thoát nước. nền chuồng cao hơn mặt đất 30-45cm để tránh ẩm ướt ngập úng.

- Mái chuồng nuôi heo:

Có dạng: 1 mái hoặc 2 mái; vật liệu làm mái có thể bằng ngói, tôn, fibro-ximăng, lá. Chiều cao mái nơi giọt ranh tối thiểu là 2,2m.

-  Vách chuồng nuôi heo:

Có thể làm bằng song sắt, lưới sắt hay inox hoặc xây gạch, bê tông đảm bảo thông thoáng tự nhiên.( đảm bảo có 1/2 – 3/4 vách chuồng là lưới sắt hoặc song sắt)

- Diện tích chuồng heo:

Kích thước chuồng nuôi phụ thuộc vào số lượng và từng đối tượng vật nuôi:

+ Đối với gà trung bình 5 -6 con/m2.

+ Đối với lợn thịt diện tích tối thiểu chuồng nuôi là 0,7 m2/con

+ Đối với chuồng nuôi lợn nái thiết kế chuồng để đảm bảo từ 6- 8 m2 chuồng nuôi cho một đầu lợn nái.

Trong chuồng nuôi lợn nái nên thiết kế các ô nuôi nái chờ phối, nái chửa, ô nuôi nái nuôi con (trong đó có ngăn 1-2m2để úm lợn con khi mới sinh) và ô nuôi lợn con sau cai sữa.

Trong chuồng nuôi nên thiết kế vòi uống tự động cho vật nuôi luôn được uống nước sạch.

- Thiết kế hệ thống xử lý chất thải và vệ sinh sát trùng:

- Tùy thuộc vào vị trí, diện tích đất và quy mô chăn nuôi để lựa chọn xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho phù hợp. Tốt nhất là xây bể bioga, nếu quy mô ít thì phải xây hố ủ phân.

- Ở các cổng ra vào cửa các khu chuồng trại và ở đầu mỗi chuồng phải bố trí hố khử trùng để đảm bảo vô trùng trước khi vào khu chăn nuôi và chuồng trại.

Khu vực chăn nuôi phải có tường rào bao quanh để ngăn cách với các khu vực khác nhằm hạn chế tối đa các tác nhân lây nhiễm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào.

2. Thiết kế kho.

- Kho chứa thức ăn phải đảm bảo thông thoáng, có hệ thống thông gió tốt, không bị dột, tạt nước khi mưa gió để đảm bảo không bị ẩm mốc.

- Kho phải có các bệ kê để thức ăn và nguyên liệu không tiếp xúc xuống sàn nhà. Thức ăn, nguyên liệu được chất thành từng lô, chiều cao lô vừa phải để thuận tiện trong việc sử dụng và phòng cháy, chữa cháy.

- Các loại hoá chất như dầu máy, thuốc diệt chuột, thuốc sát trùng, thuốc thú y…không được để lẫn trong kho chứa chứa thức ăn.

- Các dụng cụ chăn nuôi chưa sử dụng cần được bảo quản trong kho sạch sẽ, tránh lây nhiễm trước khi sử dụng.

 

 

PHẦN II: KỸ THUẬT CHĂN NUÔI AN TOÀN SINH HỌC

Trong buổi tập huấn hôm nay xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học và kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

I. KỸ THUẬT CHĂN NUÔI GÀ THỊT AN TOÀN SINH HỌC.

1. Chọn giống gà:

- Phải mua con giống có nguồn gốc rõ ràng tại địa chỉ tin cậy

- Con giống phải khoẻ mạnh, có đặc điểm phù hợp với tiêu chuẩn giống

- Đối với gà con 1 ngày tuổi có tiêu chuẩn về ngoại hình như sau: có khối lượng phù hợp với từng giống, mắt sáng, chân bóng mập, đứng vững, nhanh nhẹn, lông bông, không khèo chân, không vẹo mỏ, không hở rốn.

- Con giống mua về phải có giấy kiểm dịch của nơi sản xuất

- Con giống mới mua về phải được nuôi (úm) ở một chuồng hoàn toàn riêng biệt, phải có chế độ chăm sóc, phòng bệnh hợp lý.

2. Mật độ gà nuôi

Mật độ nuôi tuỳ thuộc vào từng giống, lứa tuổi và phương thức chăn nuôi, đối với gà thịt nuôi công nghiệp mật độ nuôi như sau:

- Khi úm gà con 1 ngày tuổi: 50-70 con/m2, đảm bảo 100-150 con/quây, sau mỗi tuần nới dần quây gà ra, quây gà có chiều cao khoảng 50cm, lớp độn chuồng dày 10-15 cm tuỳ theo mùa (mùa Đông thì dầy hơn để giữ nhiệt).
- Từ 1-3 tuần: 8-10 con/m2
- Từ tuần thứ tư đến xuất: 5-6 con/m2

(mật độ nuôi có thể thay đổi tuỳ theo mùa, mùa hè nuôi ít hơn, mùa đông nuôi nhiều hơn nhưng không quá 20%)

Giới thiệu quy trình chăn nuôi gà an toàn

 

3. Nhiệt độ và độ ẩm

Nhiệt độ và độ ẩm là yếu tố rất quan trọng trong chăn nuôi gà thịt, khi nhiệt độ, độ ẩm quá cao đều gây bất lợi cho đàn gà.

Đối với gà con cần sưởi ấm trong ba tuần đầu với nhiệt độ giảm dần từ 330C xuống 280C. Về mùa Đông cần che chắn tránh gió lùa. Nếu nhiệt đó quá thấp gà sẽ tụ lại từng đám, đè lên nhau và chết.

* Khi nhiệt độ quá thấp:

- Chết rét thường xảy ra ở gà con khi chưa mọc đủ lông vũ, sức đề kháng yếu. Vì vậy phải đặc biệt chú ý đến hệ thống sưởi nhiệt khi mùa đông để đảm bảo giữ ấm cho gà con. Biện pháp chống rét cho gà là xung quanh chuồng nuôi phải được che kín tránh gió lùa, và trong chuồng dùng hệ thống tăng nhiệt bằng bóng điện sưởi, tránh dùng bếp than vì khói than ảnh hưởng lớn tới hệ thống hô hấp ở gà.

- Đặc biệt gà chết rét rất nhanh khi trời lạnh kết hợp với độ ẩm chuồng nuôi cao, vì vậy phải giữ cho chất độn chuồng luôn khô ráo khi trời rét, không đun nấu trong chuồng gà vì hơi nước bốc ra làm độ ẩm tăng và gà chết rất nhanh.

- Khi trời rét phải cho lớp độn chuồng dày vì lớp độn chuồng khi đó giữ nhiệt tốt làm cho chuồng luôn luôn ấm, độ dày của đệm lót trong quây gà khoảng 20 – 30cm

* Khi nhiệt độ quá cao:

- Khi nhiệt độ chuồng nuôi cao gà kém ăn và uống nước nhiều, gà tăng trọng chậm, chi phí thức ăn cho 1 kg tăng trọng cao.

- Nếu nhiệt độ cao quá gà sẽ tăng cường hô hấp, hô hấp mạnh dần và nếu kéo dài sẽ dẫn đến chết.

- Khi nhiệt độ chuồng nuôi từ 34oC trở lên là gà bắt đầu thở mạnh (trừ gà dưới 1 tuần tuổi) nếu nhiệt độ cao hơn và kéo dài gà há mồm ra để thở. Nếu nhiệt độ 37o trở lên kéo dài là gà có thể chết hàng loạt. Vì vậy cần có hệ thống làm mát cho gà vào mùa hè.

- Biện pháp chống nóng gồm: đơn giản nhất là phun nước lên mái khi nắng nóng, biện pháp này sẽ làm giảm nhiệt độ chuồng nuôi xuống 2 oC – 3oC; đồng thời khi nhiệt độ cao cần phải tăng cường sức đề kháng cho gà bằng cách cho uống vitamin C hoặc chất điện giải; cho gà ăn lúc vào buổi sáng và chiều tối, không cho ăn vào buổi trưa; nuôi gà với mật độ thưa, luôn luôn đủ lượng nước trong máng uống và nước uống không nóng.

- Đối tượng chết nóng nhiều nhất là gà có khối lượng từ 1 kg trở lên. Thời gian gà xảy ra chết nóng là từ 12h đến 17h vào những ngày nhiệt độ ngoài trời từ 34oC trở lên, đặc biệt là những ngày trời âm u không có gió.

4. Ánh sáng

- Ánh sáng có tác dụng diệt khuẩn, tạo vitamin D tăng cường hấp thu can xi kích thích sinh trưởng cho gà. Vì vậy, chuồng nuôi, sân bãi chăn thả cần có đủ ánh sáng chiếu vào.

- Đối với các giống công nghiệp cần chiếu sáng liên tục cả ngày đêm (tối thiểu 21h/ngày).

5. Cho ăn, uống

- Thức ăn thường chiếm 70% trong giá thành chăn nuôi. Sử dụng trên nguyên tắc phải đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng theo giống, lứa tuổi của gà.

- Thức ăn phải được để trong máng, có thể dùng máng dài hay máng tròn. Hàng ngày vệ sinh, lau chùi máng ăn. Nên có cơ số máng gấp đôi để có thời gian cọ rửa, phơi và thay đổi máng.

- Đối với gà con giai đoạn úm cho ăn bằng khay, phải thay thức ăn trong khay 8 lần/ngày đêm. Thức ăn cho gà úm phải chất lượng cao, dễ hấp thu và tiêu hoá.

- Đối với gà thịt chế độ ăn tự do cả ngày lẫn đêm theo nhu cầu

- Đối với gà dưới 3 tuần tuổi: Máng ăn phải đảm bảo 50 con/máng ăn có kích thước 50 x 50 x 3 cm; máng uống loại 1 lít đảm bảo 50con/máng

- Đối với gà trên 3 tuần tuổi: Máng ăn phải đảm bảo 30 con/máng ăn có kích thước 50 x 50 x 3 cm; máng uống loại 1 lít đảm bảo 30con/máng

- Phải dùng nước sạch cho gà uống, không cho gà uống nước bẩn, không để đọng nước trong khu chăn nuôi làm mất vệ sinh và để gà uống nước bẩn. Trong những ngày nắng nóng nên cho gà uống nước có pha thêm vitamin C,B và đường glucoza

- Một ngày phải thay và bổ sung nước uống cho gà 2-3 lần

6. Phòng trừ bệnh cho gà nuôi

- Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vacxin đối với từng giống gà.

- Vacxin dùng cho gà cần được mua tại cơ sở có uy tín, có phương tiện bảo quản trong quá trình vận chuyển và lưu trữ

- Vacxin phải được làm theo đúng độ tuổi của gà, trong trường hợp gà đang bị bệnh có thể lùi lại sau 1-2 ngày nhưng không lùi lại quá xa vì nó sẽ làm giảm hiệu lực phòng bệnh của vacxin

Lịch tiêm phòng vacxin cho gà thịt

Ngày thứ

Loại vacin

Cách dùng

Phòng bệnh

1

Lasota +IB Nhỏ mắt mũi Niucatxơn và viêm phế quản truyền nhiễm

5

Gumboro lần 1  Nhỏ mồm Gumboro

7

Lasota +IB

Chủng đậu

Nhỏ mắt mũi

Chủng vào cánh

Niucatxơn và viêm phế quản truyền nhiễm và Đậu gà

10-12

Gumboro lần 2  Nhỏ mồm Gumboro

18-21

H5N1 Tiêm Cúm gia cầm

 

 

 

II. KỸ THUẬT CHĂN NUÔI LỢN AN TOÀN SINH HỌC

A. CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG LỢN NÁI

1.  Chọn lợn cái giống hậu bị

Chọn lần 1 vào thời điểm chọn từ 2- 3 tháng tuổi; chọn lần 2 khi lợn 6-8 tháng tuổi

Nguyên tắc chọn: dựa vào đặc điểm ngoại hình, thể chất và nguồn gốc.

*Về ngoại hình thể chất:

- Có ngoại hình đặc trưng của giống

- Khối lượng đạt chuẩn theo yêu cầu của giống theo từng giai đoạn.

- Lông da mượt, dáng đi nhanh nhẹn, mắt tinh nhanh.

- Không có khuyết tật, thân hình cân đối, có sự liên kết hài hòa giữa các phần của cơ thể: đầu – cổ, vai- ngực, lưng sườn bụng và mông

- Bốn chân thẳng khỏe, không dị tật, chân đi bằng móng không đi bằng bàn chân.

- Có từ 12 vú trở lên, phân bố cách đều. Đầu vú lộ rõ( núm vú dài)

- Âm hộ phát triển bình thường không có dị tật.

* Về nguồn gốc

- Chọn những con của cặp bố mẹ có năng suất cao (mẹ đẻ trên 10 con / lứa, mắn đẻ, tốt sữa, nuôi con khéo). Tốt nhất là mua từ các công ty giống có chất lượng tốt và an toàn dịch bệnh

  * Sinh lý động dục: Tuổi động dục lần đầu phù hợp với đặc trưng của giống.

2. Chăm sóc nuôi dưỡng lợn hậu bị

  a. Mục tiêu

  Mục tiêu nuôi  lợn hậu bị để đạt được các yêu cầu sau:

- Lợn cái thành thục tính dục đúng độ tuổi, tuổi đẻ lứa đầu đúng độ tuổi

- Lợn nái đẻ sai con ngay từ lứa đầu

- Lợn nái khai thác sử dụng được lâu.

b. Yêu cầu

- Lợn cái hậu bị được tính từ lần chọn đầu tiên lúc 2-3 tháng tuổi đến ngày phối giống lần đầu.

- Lợn cái phải đạt tiêu chuẩn ngoại hình, khỏe mạnh.

- Lợn cái không quá gầy hoặc quá béo, đạt khối lượng chuẩn theo yêu cầu của từng giống.

- Lợn nái được tiêm phòng đầy đủ các loại vacin theo quy định.

c. Nuôi dưỡng, chăm sóc

*Mức ăn cho lợn cái hậu bị /ngày

          Loại lợn

Khối lượng lợn(kg)

Thức ăn hỗn hợp

Lợn cái hậu bị nội

10-20

0,5-0,9

21-40

1,0-1,3

41- phối giống

1,4-1,5

Lợn cái hậu bi lai F1

15-30

0,8-1,3

31-50

1,4-1,8

51- phối giống

1,9-2,2

Nếu cho ăn nhiều quá: Lợn quá béo sẽ động dục thất thường hoặc không động dục, khó thụ thai, tỷ lệ chết phôi cao, đẻ ít con.

Nếu cho ăn ít quá: Lợn gầy, chậm động  dục, thiếu sữa để nuôi con ở lứa đẻ đầu, hao mòn lợn nái sau cai sữa cao.

* Vệ sinh phòng bệnh:

- Tẩy giun sán khi lợn 15kg

- Tiêm phòng đầy đủ các bệnh như: Tụ huyết trùng, Đóng dấu, Dịch tả. LMLM

 

Giới thiệu quy trình chăn nuôi heo an toàn

 

d.  Phát hiện lợn nái động dục và phối giống

Các giống lợn khác nhau có tuổi động dục lần đầu khác nhau

Các giống lợn nội như Móng Cái, Mường Khương… có tuổi động dục sớm. Lợn móng cái động dục lần đầu ở lúc 4-5 tháng tuổi, khối lượng 30-40 kg.

Các giống lợn nái lai ngoại với nội có tuổi động dục lần đầu muộn hơn so với lợn nội và thường có tuổi động dục là 6 tháng tuổi, khối lượng 70-75 kg.

Chu kỳ động dục ở lợn nái thường là 21 ngày( dao động từ 17- 23 ngày). Thời gian động dục 3-4 ngày.

Lợn nái sau khi cai sữa lợn con khoảng 4 đến 6 ngày sẽ động dục trở lại.

Phát hiện lợn nái động dục là việc quan trọng nhất trong công tác phối giống.

Cần kiểm tra mỗi ngày ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ. Nên kiểm tra động dục vào lúc 5- 6 giờ sáng và lúc 5-6 giờ chiều là lúc lợn thường có biểu hiện triệu chứng động dục rõ rệt nhất

Để phát hiện chính xác thời điểm lợn nái động dục, cần nắm vững chu kỳ động dục và các quan sát biểu hiện của lợn nái

* Biểu hiện động dục ở lợn nái như sau:

+ Ngày động dục thứ nhất

Lợn nái đi lại kêu rít muốn nhảy ra khỏi chuồng.

Lợn nái kém ăn hoặc bỏ ăn, phá máng.

Nếu sờ vào nó nó sẽ né tránh, bỏ chạy.

Âm hộ sưng mọng, đỏ hồng, căng bóng. Nước nhờn chảy ra ngoài âm hộ lỏng, trong và chưa keo dính.

+ Ngày động dục thứ hai

Buổi sáng, lợn nái ở trạng thái yên tĩnh hơn, ít kêu rít, thỉnh thoảng nhảy lên lưng con khác, nhưng chưa chịu đứng im khi con khác nhảy lên lưng.

Đến chiều, trạng thái yên tĩnh càng rõ nét hơn và chịu cho con khác nhảy lên lưng. Khi dùng tay ấn hoặc cưỡi lên lưng lợn, lợn sẽ đứng yên (Trạng thái mê ì).

Âm hộ bớt sưng, chuyển sang màu hồng nhạt, có vết nhăn mờ. Nước nhờn đã chuyển sang trạng thái keo dính.

Vào thời điểm này cho phối giống hoặc dẫn tinh là đạt kết quả tốt nhất.  + Ngày động dục thứ ba

Trạng thái mê ì giảm dần, càng về cuối ngày lợn nái càng không thích gần lợn đực nữa.

Âm hộ teo dần trỏ về bình thường, nước nhờn chảy ra ít , màu trắng đục, không dính,

Đuôi úp che âm hộ.

*Cách phối giống

Với mục tiêu là:

Lợn nái đạt tỷ lệ đậu thai cao

Lợn nái đẻ sai con.

Cần quan tâm đến các yếu tố sau

+ Phối giống lần đầu (Phối giống cho lợn cái hậu bị)

Điều kiện cần và đủ để phối giống cho lợn cái hậu bị là lợn phải đủ tháng tuổi và khối lượng cần thiết.

Tuổi phối giống lần đầu với lợn cái giống nội là 7-7,5 tháng tuổi và giống lai (ngoại x nội) là 7,5-8 tháng tuổi, nái ngoại 7,5- 8,5 tháng tuổi.

Lợn hậu bị cần đạt đến khối lượng phù hợp khi phối giống:

Lợn móng cái 50-55 kg

Lợn F1 ( Landracce x MC) 75-85kg

Lợn F1 ( Yorshire x MC) 75-85kg

Lợn ngoại 115-120kg

Đối với tất cả các giống lợn không bao giờ cho phối ngay ở lần động dục đầu tiên, vì cơ thể lợn phát triển chưa hoàn thiện, số trứng rụng lần đầu it… nếu phối giống thì số lượng con đẻ ra ít. Vì vậy nên phối giống những con lợn đã qua 2 lần động dục trở lên.

Đối với lợn cái phối giống lần đầu nên phối giống trực tiếp là tốt nhất.

Cần xác định chính xác thời điểm mê ì ở lợn cái hậu bị để cho phối giống ngay. Sau đó phối lại lần thứ 2 cách lần đầu 10-12 giờ.

Cần phải ghi lại ngày phối giống để tính ngày lợn đẻ.

+ Phối giống cho lợn nái rạ( lợn đẻ từ lứa 2 trở đi)

Đối với lợn nái rạ, phối giống theo phương pháp nhân tạo không ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai và số con đẻ ra.

Lợn mẹ sau cai sữa 3- 6 ngày sẽ động dục trở lại.

Khi phát hiện lợn nái mê ì không phối ngay như ở lợn cái hậu bị mà phối giống lần 1 trong vòng 10-12 giờ kể từ khi phát hiện lợn mê ì.

Để lợn nái đẻ sai con nên phối giống lặp lại lần 2 sau lần đầu 10-12 giờ.

Cần ghi chép ngày phối giống để tính ngày lợn đẻ.

3. Chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái chửa

a. Đặc điểm của lợn nái trong thời gian có chửa

Thời gian có chửa kéo dài 114 ngày (3 tháng 3 tuần 3 ngày, dao động từ 110 – 118 ngày). Căn cứ vào mức độ phát triển của bào thai, thời gian có chửa được chia làm 2 giai đoạn

Chửa kỳ 1: từ ngày phối giống có chửa đến ngày thứ 84. Đây là giai đoạn đầu nái mang thai, nếu thức ăn bị mốc dễ gây lên hỏng thai.

Chửa kỳ 2: từ ngày chửa thứ 85 đến khi đẻ, giai đoạn này bào thai phát triển rất mạnh, chiếm ¾ khối lượng sơ sinh.

Nhu cầu thức ăn của lợn nái không những phải đáp ứng cho lợn mẹ mà còn phải nuôi thai phát triển.

Lợn nái chửa rất nhạy cảm bởi yếu tố ngoại cảnh, do đó đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc cẩn thận.
b. Chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái chửa:

Mục tiêu nuôi dưỡng là thai phát triển bình thường, không sảy thai, chết thai. Lợn nái đủ dinh dưỡng để tiết sữa tốt và ít bị hao mòn trong thời kỳ nuôi con. Lợn con sinh ra đồng đều và đạt khối lượng sơ sinh theo tiêu chuẩn của giống.

Bảng mức ăn cho lợn nái chửa

Khối lượng lợn nái đầu kỳ chửa

Thức ăn hỗn hợp/nái/ngày(kg)

Số bữa ăn/ ngày

 

Chửa kỳ 1

Chửa kỳ 2

 

Giống nội      
55-65

1-1,2

1,4-1,5

2

65-85

1,2-1,3

1,5-1,7

2

Giống lai F1

 

 

 

80-100

1,3-1,4

1,5-1,7

2

100-120

1,4-1,5

1,7-1,9

2

120-140

1,5-1,8

1,9-2,2

2

140-160

1,8-2,0

2,2-2,5

2

Giống ngoại

1,8 – 2,5

2,5 – 3,0

2

Nái gầy

2,5

3,0

2

Nái bình thường

2,0

2,5-2,8

2

Nái béo

1,8

2,5

2

Lưu ý : số lượng thức ăn của lợn nái chửa kỳ 2 tăng hơn 25-30% so với chửa kỳ 1. Trước khi đẻ 2 ngày giảm lượng thức ăn của lợn nái.
* Thức ăn và cách cho ăn:

Thức ăn đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng không ôi thiu, mốc. Cho lợn nái ăn thức ăn mốc sẽ gây tiêu thai, sảy thai hoặc lợn con đẻ  ra yếu
Cung cấp đủ nước sạch cho lợn con uống.

Mức ăn cho lợn nái chửa còn phụ thuộc thể trạng của lợn nái (gầy béo hay bình thường). Lợn nái gầy tăng thức ăn, lợn nái quá béo giảm thức ăn.

Vào mùa đông khi nhiệt độ trong chuồng nuôi dưới 15oC lợn nái cần được ăn tăng thêm (0,2-0,3kg thức ăn/nái/ngày) để bù vào năng lượng mất đi do chống lạnh.
* Chăm sóc vú cho lợn nái chửa

- Mục đích để kích thích thông tia sữa. Trước khi đẻ cần kích thích đầu vú cho lợn nái 1-2 lần ngày.

- Nếu vú bị xây xước hoặc nứt nẻ cần bôi thuốc vadơlin và kháng sinh phòng chống nhiễm trùng.
* Những vấn đề cần lưu ý trong chăn nuôi lợn nái chửa

- Không cho lợn nái chửa  ăn quá nhiều vì lợn nái béo sẽ dẫn đến khó đẻ, có thể đè chết con, tiết sữa kém.

- Không để lợn nái chửa ăn quá ít, lợn sẽ bị gầy dẫn đến: Dễ mắc bệnh, thiếu sữa nuôi con, lợn nái hao mòn nhiều trong giai đoạn nuôi và sẽ lâu động dục trở lại sau khi cai sữa lợn con.

- Đảm bảo đủ vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn: Thiếu vitamin lợn con sẽ phát triển chậm, sức sống kém dễ chết yểu. Thiếu chất khoáng, xương lợn con kém phát triển, lợn nái chửa có nguy cơ bại liệt hai chân sau.

- Một số loại thức ăn không nên dùng cho lợn nái chửa, bỗng, bã rượu tốt cho lợn thịt nhưng không tốt cho lợn nái, nếu ăn nhiều sẽ gây kích thích sảy thai. Khô dầu bông có thể gây chết thai. Lá đu đủ tốt với nái nuôi con nhưng không tốt cho nái chửa vì làm giảm nhịp đập của tim gây khả nằng nuôi thai kém.

4. Chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái đẻ, và lợn con

a. Chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái đẻ

*Xác định thời gian nái đẻ   

- Để làm tốt việc chuẩn bị cho lợn nái đẻ, cần dự tính ngày lợn đẻ bằng cách cộng thêm 114 ngày kể từ ngày phối giống có kết quả.

* Đặc điểm của lợn nái đẻ:

- Những ngày gần đẻ, lợn nái chửa bụng căng to, vú căng ra hai bên. Có hiện tượng sụt mông (do giãn khớp xương chậu). trước khi đẻ lợn nái đi lại nhiều, cào ổ, đái dắt; âm hộ tiết dịch nhờn và nở to; vú có thể có sữa chảy ra…

b. Chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái nuôi con

- Mục tiêu nuôi dưỡng là lợn nái tiết sữa tốt, lợn con phát triển tốt, đồng đều; tỷ lệ hao hụt lợn con thấp nhất; lợn mẹ hao mòn ít sau khi cai sữa lợn con.

Bảng mức ăn cho lợn nái nuôi con ở tuần đầu

Giai đoạn nuôi con

Lượng thức ăn hỗn hợp/ con/ ngày đêm

Nái ngoại

Nái nội

Nái lai

Ngày cắn ổ đẻ

0,5

0,3-0,5

0,3-0,5

Sau đẻ

 

 

 

Ngày thứ 1

1,0

1,0

1,1

Ngày thứ 2

2,0

1,5

1,7

Ngày thứ 3

3,0

2,0

2,3

Ngày thứ 4 đến thứ 7

4,0 -5,0

2,5

2,7

Khẩu phần ăn cho lợn nái phụ thuộc vào số lợn con theo mẹ và thể trạng của lợn nái.

Lượng thức ăn cho lợn nái sau đẻ tăng dần từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 7. Từ ngày thứ 8 trở đi cho lợn ăn theo khả năng, không hạn chế. Nếu lợn nái nuôi từ 8-10 con thường nái ăn từ 3,5- 4 kg/ ngày. Lợn nái nuôi trên 10 lợn con cho ăn 4- 4,5 kg/ngày. Cho lợn nái ăn 3-4 bữa ngày giúp nái ăn được nhiều hơn và tiêu hóa tốt hơn. Mùa hè nên ăn nhiều vào sáng sớm và chiều muộn, hạn chế cho ăn nhiều vào buổi trưa nắng nóng.

Có máng ăn máng uống riêng và cung cấp đủ nước sạch cho lợn mẹ uống

c. Chăm sóc lợn con theo mẹ

* Cho lợn con bú

- Cho lợn con bú sữa đầu càng sớm càng tốt (sữa đầu là sữa của lợn nái 3 ngày đầu sau đẻ) vì sữa đầu là nguồn cung cấp kháng thể giúp cho lợn con đề kháng bênh tật, đặc biệt là trong 3 tuần đầu.

- Cố định vú bú, giữ cho con yếu, nhỏ trong đàn được bú 2 cặp vú đầu liên tục trong 2-3 ngày đầu để giúp đàn lợn con phát triển đồng đều.

- Nếu số lợn con đẻ ra nhiều hơn số vú của lợn mẹ thì nên chia làm 2  thực hiện cho bú luân phiên. Nhóm 1 bú xong cho vào ổ ấm, chờ 1-2 tiếng sau cho nhóm 2 vào.

* Tiêm sắt cho lợn con

- Cần bổ sung sắt để chống thiếu máu cho lợn con

- Tiêm vào bắp cổ hoặc cơ đùi dung dịch sắt (Dextran Fe).

- Lợn nội cần được tiêm 2 lần. Tiêm lần thứ nhất vào ngày thứ 3 sau đẻ liều 1ml(100mg), lần tiêm thứ 2 vào ngày thứ 10 sau đẻ, liều 1ml(100mg)

- Lợn lai F1 chỉ cần tiêm 1 lần 2ml(200mg) vào ngày thứ 3 sau đẻ.

* Thiến lợn con

- Lợn đực không làm giống thiến vào ngày thứ 10-14 sau đẻ

- Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ: dao thiến sắc, không rỉ, panh kẹp, kim khâu, chỉ, bông và cồn I – ôt 2,5%, thuốc kháng sinh dạng bột

- Đề phòng nhiễm trùng sau khi thiến:

+ Sát trùng dụng cụ trước khi thiến;

+ Sát trùng vị trí mổ trên bao tinh hoàn bằng cồn I-ốt, rắc kháng sinh bột vào chỗ mổ trước khi khâu.

* Cho lợn con tập ăn sớm

- Để đảm bảo lợn con phát triển b&

- Thức ăn cho lợn con tập ăn phải có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tiêu, ngon miệng và đảm bảo vệ sinh. Thức ăn tự phối chế phải nấu chín, không dùng thức ăn ôi, thiu.

- Cách tập ăn là khi lợn con được 10- 15 ngày tuổi bôi thức ăn vào bầu vú và miệng lợn con.

- Cho lợn con ăn nhiều lần trong ngày

- Vệ sinh máng ăn, máng uống thường xuyên (2-3 lần ngày) không giữ thức ăn lâu trong máng gây lên men chua dễ tiêu chảy.

* Cai sữa cho lợn con

Chỉ cai sữa cho lợn khi lợn con đã quen thức ăn tập ăn. Không cai sữa khi trong đàn có lợn con ốm, lợn con có thể cai sữa sớm hoặc muộn phụ thuộc vào thể trạng của lợn mẹ và lợn con. Nên cai sữa cho lợn con khi 4 đến 5 tuần tuổi.

Trong thời gian 3-5 ngày trước khi cai sữa, hạn chế lượng thức ăn nước uống hàng ngày của lợn mẹ.

Trước khi cai sữa 3-5 ngày hạn chế số lần cho bú. Thời điểm tách mẹ tốt nhất là vào ban ngày.

Khi cai sữa  nên để lợn con ở lại chuồng một thời gian để tránh lợn con  bị thay đổi môi trường đột ngột và chuyển lợn mẹ đi nơi khác nếu có điều kiện.

Giảm lượng thức ăn của lợn con trong 3-4 ngày đầu để tránh lợn bị tiêu chảy, không nên thay đổi thức ăn cho lợn con trong ngày cai sữa. Tiếp tục cho lợn con ăn thức ăn chất lượng cao trong 20 ngày sau cai sữa.

Khi lợn mẹ đã cạn sữa, cho ăn thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, tăng lượng thức ăn trong 3-5 ngày để chuẩn bị phối giống.

*Đặc điểm và yêu cầu kỹ thuật đối với lợn con sau cai sữa

Lợn con dễ bị Stress vì thiếu lợn mẹ, và chuyển từ sữa sang hoàn toàn cám

Bộ máy của lợn con vẫn chưa phát triển đầy đủ. Lợn rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

Khả năng điều hòa thân nhiệt của lợn con còn kém, Sức đề kháng của cơ thể còn chưa cao. Cần chú ý chăm sóc lợn con cẩn thận, cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để lợn phát triển.

*Chăm sóc nuôi dưỡng lợn con sau cai sữa

Mục tiêu nuôi dưỡng là lợn con khỏe mạnh lớn nhanh, đàn lợn có độ đồng đều cao.

-     Về thức ăn phải là thức ăn dễ tiêu có hàm lượng dinh dưỡng cao, đủ chất không ôi thiu, mốc…

Cách cho ăn:

Ngày cai sữa

Lượng cho ăn

Ngày thứ 1 Bằng ½ lượng thức ăn của ngày trước cai sữa
Ngày thứ 2 Bằng 3/4 lượng thức ăn của ngày trước cai sữa
Ngày thứ 3 Bằng lượng thức ăn của ngày trước cai sữa

Sau đó cho lợn ăn tự do

* Về máng ăn, máng uống

- Cần có máng ăn máng uống riêng, nên dùng vòi nước tự động cho lợn uống     – Chiều dài máng ăn khảng 20 cm/ đầu lợn, và nên chia ngăn để tất cả lợn con được ăn cùng lúc, chiều cao máng khoảng 12- 13cm, chiều rộng đáy khoảng 20- 22cm.

* Điều kiện nuôi

Không nên nuôi 2 ổ lợn khác nhau trong cùng ô chuồng để tránh hiện tượng cắn nhau

Chuồng nuôi phải khô ráo, ấm áp, được che chắn để tránh gió lùa.

* Phòng bệnh cho lợn

- Lợn con sau cai sữa thường gặp 2 bệnh chính là bệnh tiêu chảy và viêm phổi, cần phòng tránh, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời khi bị bệnh.

Tiêm phòng đầy đủ cho lợn con.

5. Chăm sóc lợn nái sau khi tách con     

Khi cai sữa lợn con phải giảm ngay khẩu phần của lợn mẹ. Có thể ngày cai sữa không cho lợn mẹ ăn và ngày hôm sau thì bắt đầu cho ăn.

Sau cai sữa 3- 5 ngày tăng lượng thức ăn cho lợn nái.

Theo dõi chặt chẽ để phát hiện đông dục và phối giống cho lợn.

Trong giai đoạn này tiêm phòng các loại vacin cho lợn nái.

B. CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG LỢN THỊT

1. Đặc điểm và yêu cầu kỹ thuật đối với lợn nuôi thịt.

- Sản phẩm dùng để giết thịt

- Tăng khối lượng và tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng là 2 chỉ tiêu quan trọng nhất.

- Lợn thịt tăng khối lượng khác nhau ở các giai đoạn khác nhau, nên cần đáp úng nhu cầu dinh dưỡng cụ thể cho từng giai đoạn.

2. Mục tiêu nuôi dưỡng

- Tốn ít thức ăn, lợn khỏe mạnh, lớn nhanh.

- Chất lượng thịt tốt tỷ lệ thịt móc hàm cao

- Chi phí thức ăn thấp nhất

3. Nhập lợn

- Lợn nhập vào trang trại phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, tiêm phòng vắc xin, thuốc điều trị đã sử dụng (nếu có). Tốt nhất nên nhập từ các trại đã có chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.Chỉ nên mua lợn mới từ 1-2 trại đảm bảo an toàn dịch, hạn chế nguy cơ mang bệnh vào trại.

- Khi lợn về đến trại, phải chuyển lợn xuống ngay, đưa vào khu cách ly để nuôi thích nghi. Ghi nhận lại tất cả các biểu hiện bệnh tật của lợn trong quá trình nuôi thích nghi.

- Sau khi nhập lợn phải lên kế hoạch tiêm phòng cho đàn lợn, quan tâm đến một số bệnh như; lở mồm long móng, dịch tả, hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS),….

- Cử người thường trực để kịp thời cách ly lợn bị bệnh, nghi có bệnh và điều trị những con bị tổn thương do cắn nhau, bị bệnh.

- Tập cho lợn đi vệ sinh đúng chỗ vào vị trí quy định trong một vài ngày đầu.

4. Cách cho ăn, uống

- Có thể cho lợn ăn tự do hoặc theo bữa.

- Đối với lợn nhỏ dưới 30 kg cho ăn 3 bữa/ngày, lợn lớn hơn cho ăn 2 bữa/ngày.

- Lợn được cung cấp đầy đủ nước sạch bằng vòi uống tự động.

- Cho lợn ăn đúng và đủ khẩu phần đối với từng giai đoạn lợn.

- Cách tính lượng thức ăn cho lợn thịt

Giai đoạn

Cách tính lượng thức ăn/ ngày

Số bữa/ngày

10-30 kg

5% x Khối lượng lợn

3

31-60 kg

4% x Khối lượng lợn

2

61- xuất chuồng

3% x Khối lượng lợn

2

Ví dụ lợn có khối lượng 40 kg lượng thức ăn cần 1 ngày là 40 x 5% = 2 kg

* Về chuồng nuôi và mật độ nuôi

- Không nên nuôi lợn với mật độ quá dày, tối đa là 1 con/m2

- Nền chuồng cần chắc chắn không trơn trượt, có độ dốc 2-3% để thoát nước thải

- Chuồng có máng ăn và vòi uống tự động cho lợn

* Vệ sinh thú y

- Tẩy giun sán cho lợn khi 18-22kg

- Kết thúc nuôi 1 lứa lợn cần vệ sinh chuồng trại bằng nước vôi pha loãng hoặc các chất sát trùng và để trống chuồng trong thời gian 1 tuần mới nuôi lứa khác.

 - Tiêm phòng đầy đủ các loại vacin theo quy định

Lịch tiêm phòng cho lợn con và lợn thịt

Loại tiêm phòng

Thời gian tiêm(ngày tuổi)

Tiêm sắt lần 1

2-3

Tiêm sắt lần 2

10-13

Vacin dịch tả lợn lần 1

20

Vacin dịch tả lợn lần 2

45

Vacin phó thương hàn lần 1

20

Vacin phó thương hàn lần 2

28-34

Vacin Phù đầu lợn con

28-35

Vacin Tụ – Dấu

60

 

 

Từ khóa: quy trình chăn nuôi heo an toàn, quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn an toàn, kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học, mô hình nuôi lợn an toàn sinh học, chăn nuôi heo an toàn sinh học, trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, trại chăn nuôi heo, chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP


Theo Kỹ thuật nuôi gia súc - Cty VMC





TIN TỨC KHÁC :