Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò thịt

Ngày đăng: 2016-02-24 08:20:20


1. QUY HOẠCH CHUNG CÁC HẠNG MỤC CÔNG TRÌNH

Trong chăn nuôi bò thịt quy mô trang trại cần quy hoạch thành hai khu vực: khu vực các công trình trung tâm bao gồm chuồng nuôi và các công trình phụ trợ (nhà kho, văn phòng làm việc…) và khu vực đồng cỏ. Diện tích dành cho khu xây dựng các công trình trung tâm chiếm khoảng 25% diện tích toàn trại, phần còn lại dùng làm diện tích đồng cỏ.

Chuồng nuôi bò

Trong một trại chăn nuôi thường có các loại bò khác nhau. Như vậy, cần thiết kế các kiểu chuồng riêng cho từng loại bò. Thông thường có các loại chuồng cho bò cái sinh sản, bò tơ, bò đực giống, bê và chuồng cách ly (nhốt gia súc ốm).

Vị trí chuồng cho các loại bò bảo đảm hợp lý, thuận tiện cho việc vận hành cả trại. Chuồng bò đực giống nên đặt cuối dãy chuồng nuôi bò cái để tạo kích thích. Chuồng bò cách ly bắt buộc đặt cuối hướng gió, cuối nguồn nước và có khoảng cách với khu nuôi bò khỏe.

Khu chuồng nuôi phải cao hơn đồng cỏ và vùng xung quanh để dễ thoát nước mưa, nước thải.

Khoảng cách giữa các dãy chuồng nuôi bò cần cách xa nhau ít nhất bằng hai lần chiều cao của chuồng để bảo đảm thông thoáng. Trồng cây bóng mát vào các khoảng trống và dọc theo lối đi để cải tạo điều kiện khí hậu.

Từ số đầu con mỗi loại và yêu cầu diện tích chuồng nuôi cho mỗi con (tính bằng m2/con) mà tính ra diện tích chuồng nuôi cần xây dựng cho mỗi loại gia súc trong trại và tổng diện tích chuồng nuôi của trại.

Các công trình phụ trợ

Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò thịt, kho chứa cỏ cho bò thịt

Kho chứa thức ăn và thiết bị chăn nuôi

Các công trình phụ trợ bao gồm: nhà kho chứa rơm khô, cỏ khô, kho chứa thức ăn tinh, nơi chế biến thức ăn, kho chứa công cụ, thiết bị, phân bón…

Diện tích xây dựng mỗi hạng mục tùy thuộc vào kế hoạch sản xuất, quy mô số đầu con và kế hoạch sử dụng thức ăn của trại.

Trong chăn nuôi gia súc nhai lại nói chung và bò thịt nói riêng kho chứa cỏ khô và rơm khô rất quan trọng. Người ta có thể tính được diện tích kho chứa trên cơ sở số đầu gia súc và lượng cỏ khô, rơm khô cần dự trữ cho mỗi con. Ví dụ: cần dự trữ cho mỗi con bò trưởng thành 400 kg rơm khô, mỗi con bê từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi 200 kg. Biết rằng 1 m3 rơm khô có khối lượng 300 kg. Như vậy, nhu cầu xây dựng kho chứa rơm khô cho một trại bò 100 con (trong đó có 50 con trưởng thành và 50 con bê) là: Lượng rơm dự trữ: (50 con x 400 kg/con) + (50 con x 200 kg/con) = 30.000 kg Thể tích kho chứa: 30.000 kg : 300 kg/m3 = 100 m3 Diện tích kho cần xây được tính toán trên cơ sở kho rơm chất cao bao nhiêu mét. Nếu kho rơm chất cao 4 m thì trong trường hợp này diện tích kho chứa là 25 m2.

Các công trình phụ trợ khác

Đó là văn phòng trại, phòng bảo vệ, nhà tắm, nhà vệ sinh… Diện tích xây dựng tùy thuộc vào số người có nhu cầu. Ngoài ra, cần xây dựng các hạng mục công trình khác như: tường bao, đường đi, cổng, nơi chứa phân, đường dẫn cho bò lên xuống xe khi xuất bán hoặc nhập về, nơi cân gia súc, bể chứa nước và tháp nước, trạm biến áp… Khi xây dựng các hạng mục công trình trong trại cần tính toán khoa học, bảo đảm tính thẩm mỹ, vệ sinh, tiện ích và khả năng mở rộng trại.

 

2.TƯ VẤN THIẾT KẾ, XÂY DỰNG CHUỒNG NUÔI BÒ

Yêu cầu chung khi thiết kế, xây dựng chuồng nuôi bò

– Chuồng nuôi phải đảm bảo cho bò sống an toàn, thoái mái, thoáng mát, đủ diện tích để bò ăn, uống, nằm nghỉ trong điều kiện tốt nhất.

– Chuồng nuôi phải đảm bảo vận hành, sử dụng thuận tiện, dễ dàng: thuận tiện cho việc cung cấp thức ăn, nước uống; dễ dàng thu dọn phân, nước thải, thức ăn dư thừa.

– Giá cả xây dựng hợp lý và chuồng bền, sử dụng được lâu dài.

Yêu cầu kỹ thuật cụ thể đối với chuồng nuôi

– Nền chuồng: Nền chuồng phải cao hơn mặt đất bên ngoài để nước mưa không thể tràn vào chuồng. Nền chuồng có thể được lát bằng gạch hoặc láng bê tông, bảo đảm là không được gồ ghề, nhưng cũng không trơn trượt. Nếu làm bằng bê tông thì bề mặt phải rạch khía hay đánh nhám để tránh cho bò bị trượt ngã.

Nền chuồng phải có độ dốc hợp lý (khoảng 2,5 – 3,0%), thoai thoải hướng về rãnh thoát nước để bảo đảm thoát nước dễ dàng. Trước khi lát hay láng nền chuồng cần lưu ý đầm nện kỹ nền chuồng, đặc biệt là phần rãnh thoát nước để nền chuồng không bị nứt lún và chiều sâu của rãnh không bị thay đổi trong quá trình sử dụng.

– Mái che chuồng: Có thể dùng các tấm lợp fibro xi-măng, tôn mạ kẽm, ngói hoặc tre lá. Khung đỡ mái có thể làm bằng sắt cạnh, tre, gỗ. Mái chuồng có độ cao tối thiểu 3 m và độ dốc từ 33 – 450 để dễ thoát nước và chìa ra khỏi tường vừa phải, tránh nước mưa hắt vào tường và chuồng nuôi.

– Máng ăn: Tốt nhất là xây bằng gạch láng bê-tông. Các góc của máng phải lượn tròn và trơn nhẵn. Đáy máng có lỗ thoát nước để thuận tiện cho việc vệ sinh máng.

Máng xây dọc theo lối đi cho bò ăn, mỗi bò có 60 – 75 cm chiều dài máng. Chiều rộng 60 – 70 cm.

Thành máng phía trong (phía bò ăn) cao 25 cm, phía ngoài cao 50 cm.

Cũng có thể không cần xây máng ăn mà cho bò ăn ngay trên lối đi.

– Máng uống: Bố trí máng uống giữa hai chỗ đứng của hai con bò. Nếu nuôi thả tự do thì cứ 8 con bò xây 1 máng uống. Có thể dùng loại máng uống xây trát xi-măng nhưng phải bảo đảm trơn nhẵn và có độ cao vừa phải, để bò có thể uống nước dễ dàng mà không thể bước cả chân vào máng.

Trong chăn nuôi trang trại, nếu có điều kiện, nên dùng máng uống tự động, với nguồn nước từ tháp chứa dẫn tới. Cũng có thể lợi dụng nguyên tắc bình thông nhau để xây máng uống bán tự động: nước từ tháp chứa được dẫn tới một bể nhỏ xây ở đầu chuồng nuôi, đầu ống dẫn có lắp một phao tự đóng mở nước. Từ bể này có hệ thống ống dẫn tới các máng uống ở các ô chuồng. Khi bò uống nước, mực nước trong máng hạ xuống. Nước từ bể chảy đến máng và do mực nước hạ nên phao mở ra, nước từ tháp chảy vào bể cho đến khi đầy thì phao tự đóng lại.

– Đường đi cho ăn trong chuồng: Tuỳ thuộc vào điều kiện chuồng trại (vị trí, kiểu chuồng…), phương thức chăn nuôi và phương thức, phương tiện vận chuyển thức ăn cho bò mà bố trí đường đi cho ăn trong chuồng cũng như chiều rộng của nó. Nếu là kiểu chuồng một dãy thì có một đường đi cho ăn phía trước máng ăn. Đối với kiểu chuồng hai dãy, đường đi cho ăn ở giữa hoặc bố trí hai đường đi cho ăn kề hai dãy trước máng ăn.

Nếu chỉ nuôi số lượng ít và chuyển thức ăn vào chuồng hoàn toàn thủ công thì chiều rộng đường đi khoảng 1,2 – 1,4 m. Trong trường hợp nuôi nhiều bò thịt, theo quy mô trang trại, thường phải dùng các phương tiện để vận chuyển thức ăn vào chuồng.

Khi đó, bố trí đường đi rộng 1,4 – 1,6 m (nếu dùng xe cải tiến để vận chuyển thức ăn) hoặc rộng 1,6 – 1,8 m (nếu dùng xe bò kéo) và 2,2 – 2,4 m (nếu dùng máy kéo).

– Rãnh thoát nước, phân, nước tiểu: Được bố trí chạy dọc theo chuồng, phía sau chỗ bò đứng. Lòng rãnh không sâu và xây lượn tròn, chiều rộng làm sao vừa đủ lọt xẻng to (22 – 25cm).

Độ dốc từ đầu này đến đầu kia khoảng 2 – 3% để bảo đảm dễ thoát nước tiểu và nước thải khi rửa chuồng. Rãnh thoát nước, phân, nước tiểu được nối với hệ thống cống thoát nước, bảo đảm tiêu thoát dễ dàng đến nơi chứa.

Yêu cầu về diện tích

– Đối với bò trưởng thành: trung bình 8 m2/con (bao gồm diện tích chuồng và sân chơi), trong đó phần có mái lợp 3 m2.

– Đối với bò hậu bị: diện tích chuồng và sân chơi 6 – 7 m2/con, phần có mái lợp 2,5 m2.

– Đối với bê sau cai sữa: trung bình 4 m2.

– Bê con theo mẹ: nuôi trên cũi, kích thước 150 cm x 100 cm x 120 cm.

 

Một số kiểu chuồng nuôi phổ biến

Kiểu chuồng hai dãy

Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò thịt, kiểu chuồng nuôi hai dãy

Chuồng hai dãy có thể bố trí lối đi cho ăn ở giữa hoặc hai phía. Máng ăn và máng uống bố trí dọc theo lối đi.

Kiểu chuồng này thích hợp với quy mô chăn nuôi trang trại. Ưu điểm là tiết kiệm được diện tích xây dựng, chứa được nhiều đầu con trên một đơn vị diện tích, ít tốn nguyên vật liệu nhưng đòi hỏi vật liệu chất lượng tốt.

Kiểu chuồng một dãy

Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò thịt, kiểu chuồng nuôi bò một dãy

Thích hợp cho quy mô trung bình và nhỏ ở nông hộ. Nó có ưu điểm là có thể tận dụng, tiết kiệm được nguyên vật liệu, dễ đặt vị trí (thậm chí có thể tận dụng chuồng lợn cũ, cải tạo thành chuồng nuôi bò thịt). Nhược điểm của kiểu chuồng này là tốn nhiều diện tích xây dựng và nguyên vật liệu.

Kiểu chuồng này có thể có lối đi phía trước dành cho người và phương tiện vận chuyển. Máng ăn và máng uống bố trí dọc theo lối đi này.

Kiểu chuồng nhiệt đới

Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò thịt, sân vận động cho bò thịt

Chuồng chỉ có mái che mưa nắng mà không có tường bao quanh, có xây máng ăn và máng uống trong chuồng. Kiểu chuồng này phù hợp với những nơi có đồng bãi chăn thả rộng rãi, nuôi theo quy mô trang trại và với phương thức quảng canh. Những vùng chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc thì không nên xây kiểu chuồng này■


Theo Nghề Nông





TIN TỨC KHÁC :