Một số biện pháp khắc phục vô sinh trên đàn heo nái

Ngày đăng: 2016-03-12 03:45:31


Tổng đàn heo nái tại tỉnh Phú Yên hiện nay có khoảng 10.000 con. Đa số là các giống heo lai Yorkshire, Landrat, Pietrain… được nuôi trong nông hộ, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng không đầy đủ, nguồn giống không đảm bảo do đó xuất hiện nhiều trường hợp sinh sản kém như: Chậm sinh, vô sinh, không có biểu hiện động dục hoặc động dục thầm lặng… phối giống nhiều lần không đậu, chửa giả, tỷ lệ thụ thai thấp, thai kém phát triển hay xẩy thai, quái thai, chất lượng và số lượng heo con sơ sinh thấp. Những biểu hiện này là do một số nguyên nhân chính sau:

 

- Do thức ăn có giá trị dinh dưỡng kém, mất cân đối các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn. Nếu nuôi heo nái cho ăn nhiều chất bột, đường sẽ béo mập, nhiều mỡ. Nếu trong thức ăn thiếu các loại vitamin A, D, E sẽ làm cho buồng trứng chậm phát triển do đó gây nên chậm động dục hoặc không động dục. Khi heo nái có chửa, thai yếu hoặc quái thai. Thức ăn không đảm bảo dinh dưỡng còn do bị ẩm mốc, ôi, thối sản sinh ra độc tố Aflatocin là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc xẩy thai, đẻ ít con ở heo nái
- Do chuồng trại chăn nuôi được xây dựng không hợp lý, chật hẹp, heo không được vận động nên dễ béo, mập quá. Trong chuồng nuôi nhiều heo gặp thời tiết nắng nóng cũng là một trong những nguyên nhân gây nên rối loạn sinh sản ở heo.
- Do con giống không được lựa chọn ở những cơ sở giống đảm bảo uy tín, chất lượng, thường chọn ở các đàn nuôi tại nông hộ trong vùng là một trong những nguyên nhân gây đồng huyết, cận huyết làm cho giống heo bị thoái hóa dẫn đến chậm sinh, vô sinh, trứng không rụng hoặc rụng ít hiệu quả, thụ thai kém.
- Do rối loạn nội tiết: các chất kích tố của heo phát triển không bình thường vì vậy buồng trứng phát triển không tốt, trứng không rụng hay rụng ít là một trong những nguyên nhân gây nên việc thụ thai kém.
- Do vi rút gây nên hội chứng rối loạn hô hấp sinh sản (bệnh heo tai xanh) cũng làm cho heo nái bị xẩy thai, thai bị chết lưu.
Để khắc phục những nguyên nhân trên, người chăn nuôi phải thường xuyên kiểm tra thức ăn, nước uống của đàn heo có đảm bảo chất lượng không?. Thành phần dinh dưỡng trong thức ăn có đầy đủ và cân đối các chất bột, đường, đạm, vitamin, khoáng…không?.
- Nếu heo bị nhiễm độc do thức ăn, nước uống, ăn phải thức ăn ôi thiu, mốc, nấm… bị ỉa chảy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của heo nái đang mang thai và ảnh hưởng đến thai, chất lượng, số lượng của heo sơ sinh.
- Xây dựng chuồng trại phải hợp lý, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Tốt nhất là hướng nam hoặc đông nam. Có thể xây dựng chuồng cho heo nái phía dưới hướng gió chuồng heo đực để lợi dụng mùi của heo đực kích thích heo nái động dục.
- Thường xuyên cho heo vận động để tránh tình trạng béo phì. Hàng ngày phải vệ sinh sạch sẽ, tắm chải cho heo lúc 8-9 giờ sáng (vào mùa hè) và 9-10 giờ sáng (vào mùa đông).
- Tiêm phòng đây đủ các loại vắc xin Dịch tả, Tụ huyết trùng, thương hàn, Lở mồm long móng, heo tai xanh…
- Nếu heo chậm động dục có thể tiêm kích dục tố cho heo như huyết thanh ngựa chửa, liều dùng 10 đơn vị/ 1 kg thể trọng; I C D (Cai Lậy), Otrarion liều 5ml/100-150kg trọng lượng.
- Nếu phối lần 1 heo nái không chửa có thể phối lần 2, nếu đã qua 2 lần phối giống mà heo vẫn không đậu thai thì nên loại thải. 


Theo Nguyễn Thị Tính - PGĐ Trung tâm KN-KN Phú Yên





TIN TỨC KHÁC :