Những quan điểm hiện nay về dinh dưỡng cho heo con (phần 2)

Ngày đăng: 2016-09-06 15:04:15


Trong phần trước Tiến sĩ Ioannis Mavromichalis đã mở đầu bằng việc cập nhật “Những quan điểm hiện nay về dinh dưỡng ở heo con”, đồng thời bàn về những đặc điểm kỹ thuật của khẩu phần heo con. Trong phần này, tác giả tiếp tục cập nhật về dinh dưỡng của heo con, với 2 vấn đề chính là nguyên liệu và quá trình sản xuất.

 

Những quan điểm hiện nay về dinh dưỡng cho heo con (phần 2) - hình ảnh minh họa

NGUYÊN LIỆU

Nguyên liệu Cung năng lượng

Ngô, lúa mì, và lúa miến tạo thành nguồn năng lượng chính trong hầu hết các khẩu phần ăn của heo con khắp thế giới. Lúa mạch và yến mạch cũng thường được sử dụng, trong khi đó lúa mạch đen và tiểu hắc mạch không phổ biến lắm vì chúng giàu các yếu tố kháng dinh dưỡng. Sắn cũng là một nguồn năng lượng tuyệt vời và có thể sử dụng thay ngũ cốc đối với những nơi có giá ngũ cốc cao. Gạo, đặc biệt là gạo tấm được sử dụng chủ yếu ở Châu Á. Các sản phẩm phụ từ ngũ cốc, như phụ phẩm của quá trình sản xuất bột mì hoặc bột ngô ướt cũng được dùng trong khẩu phần heo con nhưng không được cho ăn ngay sau khi cai sữa.

Dầu thực vật được ưa chuộng hơn dầu động vật vì heo con dễ tiêu hóa hơn. Do vậy, các loại dầu chiết xuất từ đậu nành, ngô, và hướng dương thường được dùng trong hai tuần đầu sau cai sữa, trong khi dầu động vật (vẫn được cho phép) như mỡ heo và mỡ động vật được dùng trong các giai đoạn sau của chu kỳ heo con. Gần đây, dầu cá đã nhận được nhiều sự quan tâm do đặc tính thúc đẩy hệ miễn dịch từ việc tăng cường tỷ lệ axit béo n6:n3, nhưng các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được câu trả lời xác thực cuối cùng.

Các sản phẩm sữa luôn được sử dụng trong khẩu phần heo con để cung cấp lactose và protein dễ tiêu hóa. Whey và sữa gầy là những sản phẩm sữa chính được dùng trên toàn thế giới. Những sản phẩm cùng với whey (whey co-products) và lactose cũng hiệu quả trong việc tăng cường sự phát triển sau cai sữa, mặc dù chúng đắt hơn whey khô.

Nguyên liệu Cung đạm

Bột cá là một nguồn protein tuyệt vời cho heo con, nhưng giá thành và tính sẵn có là những mặt hạn chế của sản phẩm này. Quy định gần đây của EU tạo ra nhiều rào cản trong việc sử dụng bột cá, dẫn đến nhiều nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi không sử sụng nữa.

Những nguồn protein khác có nguồn gốc chính từ động vật bao gồm protein sữa (như casein và đạm whey đậm đặc), sản phẩm phụ từ gia cầm, và bột thịt xương, và các sản phẩm máu (ở những nơi được phép). Protein huyết tương là một thành phần chủ chốt trong khẩu phần heo con vì nó cải thiện đến 50% hiệu quả tăng trưởng trong vài tuần đầu sau cai sữa, tuy nhiên mức độ phản ứng còn tùy thuộc vào thành phần dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi. Protein thực vật thường được sử dụng trong khẩu phần heo con gồm bã nành, sản phẩm protein đậu nành, gluten lúa mì, protein khoai tây, đậu Hà Lan, đậu lupin, khô dầu hướng dương (đã xay), đậu fava, và đậu lăng, tùy thuộc vào giá cả và tính sẵn có ở địa phương. Đậu nành và hầu hết các nguồn protein thực vật giàu các yếu tố kháng dinh dưỡng. Do đó, cần xử lý nhiệt để làm cho các thành phần này phù hợp với heo con. Protein thực vật thường bị hạn chế dùng trong hai tuần đầu sau cai sữa để tránh các phản ứng viêm nhiễm với protein kháng nguyên có trong các thành phần này. Nhưng vượt qua giai đoạn đầu sau cai sữa, nguồn protein thực vật cung cấp phần lớn các axit amin trong khẩu phần heo con.

Khoáng hỗ trợ tăng trưởng

Đồng sunphat và kẽm oxit là các nguồn khoáng giúp cải thiện hiệu quả tăng trưởng và giảm các triệu chứng tiêu chảy ở heo sau cai sữa. Trong vài tuần đầu sau cai sữa, khẩu phần thường được thêm lên đến 3000 ppm kẽm từ kẽm oxit để nâng cao năng suất tăng trưởng và giảm các triệu chứng tiêu chảy. Ngoài ra, trong các giai đoạn còn lại của chu kỳ heo con có thể bổ sung đến 250 ppm đồng từ đồng sunfat. Các muối khoáng này không phải là chất phụ gia, mà tác dụng của chúng hỗ trợ cho các tác nhân kháng khuẩn khác.

SẢN XUẤT THỨC ĂN

Quá trình nghiền

Độ nghiền mịn của các thành phần trong khẩu phần heo con đã nhận được sự chú ý đáng kể. Nói chung kích cỡ hạt mịn giúp tăng diện tích bề mặt thực liệu khả dụng cho quá trình tiêu hóa của enzyme, và giúp các chất dễ phân tán hơn, do đó pha trộn tốt hơn. Một nghiên cứu tổng quan cho rằng khi giảm kích cỡ hạt mỗi 100 micron sẽ cải thiện được 1.3% hiệu quả thức ăn.

Tuy nhiên kích thước hạt bã nành lại cho ra kết quả mâu thuẫn. Trong một nghiên cứu gần đây, việc giảm kích thước hạt từ 900 xuống 600 micron giúp cải thiện khả năng tiêu hóa axit amin, nhưng không cải thiện chuyển hóa năng lượng, ngoài ra không còn sự cải thiện nào hơn nữa khi tiếp tục giảm kích thước hạt đến 150 micron .

Chất lượng viên thức ăn

Ngày nay, người ta đã công nhận rằng việc ép viên thức ăn cải thiện khoảng 10% tỷ lệ tăng trưởng và hiệu quả thức ăn ở heo con. Bởi vì hiệu quả của việc ép viên viên dường như sẽ giảm dần trong các giai đoạn sau của heo con, do đó chi phí ép viên phải được cân nhắc để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi và có thể giảm bài tiết chất dinh dưỡng.

Chất lượng thức ăn viên thường đi với độ bền viên, một đặc tính mong muốn trong thức ăn viên cho heo con. Hiện nay, đạt chỉ số độ bền cao hơn 90% là mục tiêu của ngành thức ăn chăn nuôi. Tăng mật độ hạt mịn trong thức ăn không chỉ làm tăng khả năng lưu thông thức ăn, mà còn tăng lượng hao hụt, do đó hạn chế hiệu quả tăng trưởng (Bảng 1).

Trong một nghiên cứu gần đây, lượng ăn vào (-13%) và tăng trọng (-11%) giảm rõ rệt ở heo trong vài tuần đầu sau cai sữa khi chúng được ăn thức ăn viên cứng so với viên mềm có chứa hơn 30% hạt mịn (Hình 1), cho thấy chỉ số độ bền viên không phải là một tiêu chí đầy đủ về chất lượng thức ăn viên cho heo con.

Một tiêu chí chất lượng khác là kích thước của viên thức ăn, nói chính xác hơn là đường kính viên. Quan niệm cho rằng heo nhỏ cần viên thức ăn nhỏ để nhanh lớn. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng heo con 14-21 ngày tuổi có thể dễ dàng ăn bất kỳ loại kích thước viên nào từ 1-12 mm, tuy nhiên có thể gây lãng phí nếu dạng viên lớn hơn 3-4 mm (Bảng 2).

Mức độ trộn đồng đều

Mức độ trộn đều được tính bằng hệ số biến dị (CV) của một chất dinh dưỡng hoặc thành phần (thường là muối) cụ thể, dùng để đánh giá sự phân tán hợp lý các thành phần trong một lô thức ăn.

Hệ số biến dị dưới 10% được xem như quá trình trộn đều đạt yêu cầu. Trong một nghiên cứu trước đó, heo ăn khẩu phần được trộn trong 0.5 phút có hiệu quả tăng trưởng cao hơn so với heo ăn khẩu phần không trộn. Tuy nhiên, năng suất đã không được cải thiện khi trộn thức ăn trong thời gian bốn phút. Trong nghiên cứu này, hệ số biến dị giảm từ 107 xuống 28 và 12% tương ứng với thời gian trộn khi tăng từ 0 đến 0.5 và 4 phút.

Kết luận

Dinh dưỡng heo con vẫn còn là một vấn đề đầy thách thức. Một khẩu phần ăn sau cai sữa đạt chất lượng là rất cần thiết trong việc giảm sốc và giảm ảnh hưởng của việc cai sữa sớm. Giảm chi phí khẩu phần bằng cách giảm chất lượng chỉ làm kéo dài các triệu chứng  chậm phát triển sau cai sữa với những tác động tiêu cực đến hiệu quả tăng trưởng và sức khỏe. Một công thức cải tiến, sản suất trong điều kiện cơ sở tốt, kết hợp với chuyên gia quản lý việc cho heo ăn là các yếu tố mấu chốt trong chăn nuôi heo con tại các cơ sở sản xuất thương mại hiện đại.

Bảng 1. Ảnh hưởng của độ mịn đối với năng suất heo con
Chỉ tiêu Độ mịn tối thiểu Thêm 30% độ mịn Chênh lệch (%)
Tăng trọng (g/ngày) 469a 454b -3
Lượng ăn vào (g/ngày) 772 771 0
Thức ăn/tăng trọng 1.65a 1.70b +3
Thí nghiệm được tiến hành từ 7-21 ngày sau cai sữa (Stark và những người khác, 1994)a, b P < 0.05

 

Bảng 2. Ảnh hưởng của đường kính viên thức ăn đối với năng suất heo con
Chỉ tiêu Bột 2 mm 4 mm 6 mm 12 mm
Tăng trọng (g/ngày) 358 362 371 362 364
Lượng ăn vào (g/ngày) 537 510 516 541 532
Thức ăn/tăng trọng 1.50 1.41 1.39 1.49 1.46
Thí nghiệm kéo dài 29 ngày sau cai sữa (Traylor và những người khác, 1996)a, b P < 0.05

Nguồn: http://www.pigprogress.net/Home/General/2009/10/Current-thinking-in-piglet-nutrition–ingredients-PP005972W/


Theo Biên dịch: Ecovet team (theo Pigprogress) / Nguồn tin: Ecovet





TIN TỨC KHÁC :