Quy trình kỹ thuật nuôi thỏ New Zealand thâm canh

Ngày đăng: 2016-07-05 04:09:44


I. Tổng quan về Thỏ new zealand

– Thỏ là loại động vật gặm nhấm, có ưu điểm dễ nuôi, không tranh chấp lương thực với người và gia súc khác, có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp, cỏ, lá tự nhiên.

– Thịt thỏ có giá trị dinh dưỡng cao, mà con người dễ hấp thụ, hàm lượng Protein và nước cao, hàm lượng mỡ lại thấp hơn các động vật khác.

– Đầu tư chuồng trại thấp, cần ít diện tích, tận dụng được các nguyên vật liệu của địa phương và công lao động gia đình.

Thỏ New Zealand trắng:
+ Đây là giống thỏ tầm trung được nhập vào nước ta từ New Zealand, nhập lần 1 vào năm 1978 và lần 2 vào năm 2000.
+Đặc điểm: Màu lông trắng tuyền, mắt hồng, mắn đẻ, sinh trưởng nhanh, thành thục sớm, khối lượng trưởng thành nặng từ 4,5 – 5,5 kg. Tuổi động dục lần đầu từ 4 – 4,5 tháng, tuổi phối giống lần đầu từ 5 – 5,5 tháng, khối lượng phối giống lần đầu khoảng 3 – 3,2kg/con, đẻ 6 – 7 lứa/ năm, mỗi lứa 6 – 8 con. Tỷ lệ thịt xẻ 55%, thích nghi với điều kiện sống ở nước ta.

Quy trình kỹ thuật nuôi thỏ New Zealand thâm canh cho năng suất cao

 

II. Kỹ thuật chọn lọc, chọn phối và quản lý thỏ giống

2.1 Kỹ thuật chọn thỏ giống

a) Chọn lọc theo ngoại hình và hoạt tính sinh dục

Chọn thỏ đực làm giống nên chọn những con:
– Đầu to và thô hơn, hai má phình ra, hai tai dày, cứng, dựng đứng khép thành hình chữ V; Mắt sáng tinh nhanh; lưng dài, rộng, bụng thon; Hai mông và đùi sau nở nang, rắn chắc; Bốn chân khỏe không bị loét gan bàn chân; Hai dịch hoàn to đều, dương vật hiện rõ, thẳng, có niêm mạc màu hồng nhạt, không bị lở loét hoặc có vảy rộp.

– Chọn thỏ cái làm giống nên chọn những con: Đầu nhỏ, mặt thon dài, mắt tinh nhanh, tai thẳng lưng dài, mông nở, hông rộng, bụng to. Hai hàng vú phải song song và cách đều, mỗi hàng có 5 vú cách đều…

b) Chọn lọc theo khả năng sinh sản

Trong vòng 1 năm đầu tính từ khi cho phối giống có chửa, thỏ cái phải đẻ tối thiểu 5-6 lứa, mỗi lứa 6 con trở lên, tỷ lệ thụ thai đạt trên 70% (con đực tốt)… Con đực cho phối ít nhất 10 con thỏ cái, 70-80% có chửa và đẻ từ 6 con trở lên. Cá thể nào không đạt thì kiên quyết loại bỏ.


Hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi thỏ cho hiệu quả kinh tế cao

 

2.2 Các loại thức ăn dùng cho thỏ

Có rất nhiều loại thức ăn dùng cho thỏ mà ta có thể tận dụng được.
– Thức ăn xanh gồm: Các sản phẩm cây trồng, cỏ tự nhiên ngoài đồng, các loại lá tự nhiên sẵn có, lá dâm bụt, lá sắn, lá chè, lá ổi…

– Thức ăn tinh gồm: các loại lương thực, hạt ngũ cốc, khoai, sắn khô và các phụ phẩm nông nghiệp.
Ta có thể tận dụng các phụ phẩm để chế biến thức ăn tinh cho thỏ đảm bảo khẩu phần đủ dinh dưỡng. Hiện nay đã có cám viên dành cho thỏ, thành phần thức ăn viên cần đạt:
+ Năng lượng trao đổi: 2.500 Kcal/kg                – Ca 1,1 – 1,4 %
+ Protein thô > 16 %                                        – P > 0,7 %
+ Chất béo > 3%                                              – Lyzin > 0,7 %
+ Xơ thô > 11 %                                               – Methionin > 0,25 %

 

 

III. Kỹ thuật làm chuồng trại nuôi thỏ new zealand

Lồng chuồng thỏ có thể làm tận dụng bằng các nguyên liệu sẵn có của địa phương: tre, gỗ, sắt nhưng phải đảm bảo các loại tre, gỗ phải chắc và bố trí sao cho thỏ không gặm được vỡ thỏ là loại động vật gặm nhấm.

– Quy cách làm chuồng: Mỗi ô dài 60 cm, rộng 60 cm, cao 33 cm, 4 chân cao 55 cm (chuồng sắt), một chuồng có thể làm nhiều ô như vậy, mỗi ô có thể nhốt được một thỏ giống sinh sản, 5 – 6 con sau cai sữa hoặc 2 con hậu bị giống.

– Đáy lồng phải nhẵn, phẳng, sao cho thỏ không gặm được, phải có lỗ hoặc khe hở để thoát phân và nước tiểu.

* Lưu ý: Làm đáy lồng có thể tháo lắp ra được để thuận lợi cho việc vệ sinh.

– Trong mỗi ô lồng bố trí một giá để thức ăn xanh, một máng thức ăn tinh có thể làm bằng sành sứ, tôn, sắt. Dụng cụ uống nước có thể là máng chậu đổ bằng xi măng cao 8 – 10 cm, rộng 10 – 15 cm để thỏ không lật đổ được.

– Ổ để cho thỏ đẻ có thể làm bằng gỗ mỏng có khung nẹp chắc chắn quy cách dài 33 cm, rộng 28 cm, cao 15 cm.

 

Quy trình kỹ thuật nuôi thỏ New Zealand thâm canh cho năng suất cao

 

IV. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng

4.1 Nuôi dưỡng thỏ hậu bị giống và thỏ chửa

– Chọn thỏ đực, thỏ cái làm giống trên cơ sở các chỉ tiêu chọn lọc phẩm cấp giống và chọn lọc ngoại hình. Lúc thỏ 3 tháng tuổi phải nhốt riêng từng ngăn, lồng chuồng để tránh cắn nhau và giao phối tự do. Thời gian này không nên cho thỏ ăn nhiều tinh bột hoặc các thức ăn giàu năng lượng dễ làm cho thỏ quá béo dẫn đến thỏ cái không động dục.

– Tỷ lệ thỏ đực, thỏ cái trong đàn: Để bảo đảm tỷ lệ thụ thai cao thông thường trong đàn nuôi ghép 1 thỏ đực với 5 – 10 thỏ cái.

– Nên phối giống cho thỏ vào sáng sớm bằng cách đưa thỏ cái sang lồng thỏ đực. Muốn đạt được tỷ lệ thụ thai cao, cho thỏ phối lại lần thứ 2 sau lần thứ nhất 6 tiếng.

– Thời gian chửa của thỏ là 28 – 32 ngày có thể xác định thỏ chửa bằng quan sát ngoại hình, khám thai hoặc cho thỏ đực phối thử sau 12 – 14 ngày.

4.2 Kỹ thuật phối giống và khám thai

– Phải bắt thỏ cái sang chuồng thỏ đực, nếu bắt ngược lại thì thỏ đực lạ chỗ khó làm quen với thỏ cái thường kháng lại thỏ đực.

– Khi bắt thỏ cái thao tác tay như sau: Tay phải nắm da gáy thỏ cái nhấc ra khỏi chuồng, tay trái đỡ lấy mông và đưa đến chuồng thỏ đực, sau ít phút làm quen mùi của con đực con cái sẽ bị kích thích cao độ tạo điều kiện tốt cho phối giống đạt kết quả. Con đực chồm lên lưng con cái, con cái đứng yên mình vươn dài ra phía trước, hai chân sau kiễng lên, mông nâng cao, cho thỏ đực giao phối. Khác với tất cả các gia súc khác là thỏ động dục mà không rụng trứng, chỉ khi nào con đực nhảy lên lưng con cái gây kích thích thì thỏ cái mới rụng trứng. Vì vậy, phải phối 2 lần, lần 2 cách lần 1 khoảng 6 tiếng để nâng cao khả năng rụng trứng và tăng số con đẻ ra.

– Thời gian phối chỉ kéo dài 15 – 20 giây. Khi kết thúc giao phối, con đực co mình ngã lăn cạnh con cái hoặc ngã ngồi xuống sàn chuồng phía sau con cái và phát ra một tiếng kêu nhỏ báo hiệu việc giao phối kết thúc thoải mái của con đực.

– Sau khi phối 10 – 12 ngày cần kiểm tra để biết thỏ có chửa hay không, có 2 phương pháp:
+ Cho thỏ cái vào chuồng thỏ đực như khi đem phối, nếu không chịu đực, chạy trốn thì có chửa
+ Khám bằng tay: Nắn vuốt thai nhẹ nhàng trong tử cung qua thành bụng ở vùng xương chậu, gần cột sống. Nếu có chửa thì thấy thai mềm ở dạng hòn cục nhỏ bằng đầu ngón tay cái di chuyển qua lại trong tử cung. Cần chú ý phân biệt với những viên phân cứng ở trực tràng cùng vị trí đó.

– Trong thời gian thỏ chửa cần cho ăn thức ăn nhiều sinh tố A, D, E và tăng thức ăn giàu Protein để dưỡng thai tốt.

4.3 Nuôi dưỡng thỏ đẻ và thỏ nuôi con

– Cần chuẩn bị ổ đẻ cho thỏ chu đáo vệ sinh đưa vào lồng trước 2 – 3 ngày.

– Thỏ thường đẻ vào ban đêm, trước khi đẻ có hiện tượng nhổ lông bụng làm ổ, ta nên tác động hỗ trợ thu gọn ổ, lấy giẻ sạch mềm, cỏ khô… lót làm ổ cho thỏ.

– Thỏ mẹ sau đẻ khoảng 3-4 ngày là có thể động dục và phối giống (tùy điều kiện cho phối).

– Thời gian này thỏ đẻ và tiết sữa nuôi con, cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng tốt, nước uống đầy đủ, nên bổ xung cho thỏ mẹ uống nước đường hoặc ăn mía để phục hồi sức khoẻ nhanh và tiết sữa nhiều.

4.4 Nuôi dưỡng thỏ con theo mẹ

– Thỏ con sau đẻ 15h mới bắt đầu bú mẹ, trong 18 ngày đầu thỏ sống và phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào sữa mẹ.

– Trong giai đoạn này thường xuyên kiểm tra thỏ con bú no hay không, nếu bú no thỏ da căng, phẳng, nằm yên tĩnh trong ổ ấm, nếu thỏ đói da nhăn nheo nằm cựa quậy liên tục. Trong trường hợp này cần xem xét kỹ để có biện pháp khắc phục.

– Lúc 23 – 25 ngày tuổi có thể hấp thu được 50% nhu cầu dinh dưỡng từ thức ăn của mẹ. Từ ngày thứ 26 sữa mẹ chỉ đáp ứng 20 – 30% nhu cầu dinh dưỡng của thỏ con. Vì vậy khi thỏ con ra ổ cần chú ý tới đàn con bú mẹ và ăn được thức ăn bao nhiêu để cung cấp thêm khẩu phần cho thỏ mẹ để đảm bảo dinh dưỡng cho thỏ con, thức ăn thô xanh giai đoạn này phải là loại rau cỏ non để thỏ con tập ăn.

– Sản lượng sữa của thỏ mẹ cao nhất vào ngày 15 – 21 của chu kỳ và giảm dần đến ngày thứ 35 – 42 thỏ cạn hẳn. Cho nên có thể cai sữa thỏ con vào lúc 28 – 32 ngày tuổi.

Phân biệt thỏ đực, cái: Khi chọn giống, việc phân biệt thỏ đực cái từ lúc 20 -30 ngày là cần thiết. Cách xác định như sau: một tay cầm da gáy nhấc thỏ lên, tay kia kẹp đuôi thỏ vào giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa, ngón tay cái ấn nhẹ vào lỗ sinh dục vuốt ngược lên phía bụng. Nếu thấy lỗ sinh dục tròn, hình trụ nổi lên và xa lỗ hậu môn là con đực. Nếu lỗ sinh dục kéo dài thành khe rãnh gần lỗ hậu môn là con cái.

Quy trình kỹ thuật nuôi thỏ New Zealand thâm canh cho năng suất cao

 

V. Một số bệnh thường găp ỏ thỏ New Zealand

5.1 Bệnh ghẻ thỏ

– Đàn thỏ con theo mẹ và thỏ 1 -2 tháng tuổi có thể đã nhiễm ghẻ nhưng ít biểu hiện ra triệu trứng lâm sàng. Từ hai tháng tuổi trở đi bệnh mới phát triển nhanh, tỷ lệ mắc bệnh ghẻ ở mùa mưa thường cao hơn mùa khô.

Quy trình kỹ thuật nuôi thỏ New Zealand thâm canh, Bệnh ghẻ thỏ

 

– Biểu hiện lâm sàng: thỏ ngứa, rụng lông và đóng vảy. Thỏ ngứa thì lấy hai chân trước cào vuốt tai vào mồm cắn, lắc đầu, dụi đầu vào thành lồng hoặc đồ vật xung quanh, hai chân trước vẩy vẩy, hai chân sau dậm dật xuống đáy lồng. Ở các điểm ghẻ lúc đầu thấy rụng lông, sau đó thấy các vẩy rộp trắng xám, dầy cộp dần lên và khô cứng lại. Nhiều khi ở dưới vảy ghẻ có mủ do nhiễm trùng gây viêm da. Cơ thể bị nhiễm độc do ghẻ tiết ra, mất máu, thỏ không yên tĩnh, mất ngủ, kém ăn, gầy dần và chết.

– Thuốc điều trị bệnh ghẻ có thể dùng: Biomectin, Hanmectin…cứ 2 tuần lại phải kiểm tra từng con ở các điểm hay mắc ghẻ. Nếu thấy con nào bị ghẻ thì phải cách ly điều trị kịp thời

5.2 Bệnh xuất huyết thỏ

– Bệnh chủ yếu xảy ra ở thỏ lớn từ 1,5 tháng tuổi trở lên.

– Triệu chứng lâm sàng: Thỏ vẫn ăn uống bình thường, đôi khi thỏ bỏ ăn trong thời gian ngắn rồi chết hàng loạt. Trước khi chết thỏ giãy giụa, quay vòng, máu ộc ra ở mũi; gan sưng to, bở; vành tim, phổi, khí quản xuất huyết.

– Phòng trị:
+ Việc điều trị không có kết quả, chủ yếu phòng là chính bằng cách: Tiêm phòng định kỳ bằng vaccin xuất huyết với liều lượng 1ml/con; phòng thường xuyên 6 – 8 tháng 1 lần.
+ Cùng với việc tiêm phòng phải thường xuyên vệ sinh sát trùng chuồng trại để tránh sự tồn tại và xâm nhập của mầm bệnh.
+ Thực chất của bệnh này là do rối loạn tiêu hoá do chuyển tiếp thức ăn đột ngột; thức ăn, nước uống bị dính tạp chất bẩn, dính nước mưa, nước hồ ao bẩn, uống nước lạnh hoặc thỏ nằm trên đáy lồng cao bị gió lùa vào bụng… Ở lứa tuổi sau khi cai sữa một tuần đến khi được 3 tháng là hay bị mắc bệnh này.
+ Phân thỏ lúc đầu hơi nhão, sau đó lỏng dần, thấm dính bết lông quanh hậu môn. Thỏ kém ăn, lờ đờ, uống nước nhiều, gầy yếu rồi chết.
+ Khi thấy phân nhão cần đình chỉ ngay các loại thức ăn, nước uống hoặc yếu tố khác mất vệ sinh. Đồng thời cho uống ngay nước chiết xuất đặc của cây cỏ mực, búp chè, búp lá ổi, cỏ sữa… có thể cho uống Colinorgen hoặc Sulfaganidin với liều 0,1 g/kg thể trọng, uống trong 3 ngày liền.

5.3 Bệnh chướng bụng đầy hơi ở thỏ

– Bệnh này xảy ra ở những gia đình nuôi thỏ chủ yếu bằng rau lá, củ quả chứa nhiều nước; có khi do thức ăn bị thối, mốc hoặc chuyển tiếp thức ăn quá đột ngột từ thức ăn thô sang thức ăn xanh với lượng lớn. Mùa mưa khi thỏ khát nước mà cho uống nước cùng với thức ăn thô xanh, củ quả cũng có thể gây bệnh.

– Thỏ bị chướng hơi thể hiện bụng to, phình ra, căng như quả bóng bay, thỏ không yên tĩnh, khó thở và chảy nước miếng, ướt lông quanh hai mép. Nếu không điều trị kịp thời các cơ quan tiêu hoá sẽ căng to hơn chèn ép các cơ quan nội tạng như phổi và sẽ làm thỏ chết ngạt.

– Khi thấy thỏ chướng hơi cần đình chỉ thức ăn xanh và nước uống, chỉ cho ăn ít lá chát, lá chè, lá ổi, lá sắn dây đồng thời cho uống 1-2 muỗng nhỏ dầu thầu dầu, ép cho thỏ chạy nhảy và hoạt động nhiều.

– Cần đề phòng bệnh này bằng cách phơi các loại rau lá chứa nhiều nước trước khi cho ăn, phải chuyển tiếp thức ăn dần dần và cho ăn thức ăn sạch có chất lượng tốt, không cho ăn rau xanh chứa nhiều nước ngay sau khi cho uống nước.


Theo Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN





TIN TỨC KHÁC :