Sử dụng thảo dược trong thức ăn chăn nuôi

Ngày đăng: 2016-12-13 13:59:07


Nghệ, tỏi, gừng, gấc, cam thảo… các thảo dược có thể sử dụng trong thức ăn chăn nuôi

Chăn nuôi phát triển mạnh đã kéo theo sự phát triển của thức ăn công nghiệp, sản lượng thức ăn công nghiệp hàng năm tăng 16% tính từ 2001-2008 và đạt 8,9 triệu tấn năm 2008. Sản lượng thức ăn công nghiệp tăng thì phụ gia TACN cũng tăng. Hàng trăm loại phụ gia TACN (feed additives) đã được nhập vào Việt Nam, trong đó có nhiều loại phụ gia nguồn gốc thảo dược như như APEX của Công ty BFI – Anh, NUTRAFITO PLUS của Công ty Desert King – Hoa kỳ, CTK KOCA  của Công ty CTCBIO – Hàn quốc…

APEX là phụ gia chứa các thảo dược như  lá và tinh dầu cây hương thảo, củ và tinh dầu tỏi, lá hoa và tinh dầu cây xạ hương, quả và tinh dầu hồi, vỏ và tinh dầu quế. Các hoạt chất trong các thảo dược này hoạt động như các chất kháng khuẩn và các chất chống oxy hóa. Các chất hoạt chất trong APEX có khả năng ức chế nhiều loại vi khuẩn gram (-) và gram (+), kể cả vi khuẩn đã kháng với nhiều loại kháng sinh. Nó có thể thay thế nhiều loại kháng sinh như tylosin, chlotetracycline, sulfametazine, penicillin… bổ sung vào thức ăn. Chế phẩm còn có đặc điểm là không ức chế những vi khuẩn có ích trong đường ruột và còn có tác dụng kích thích tính thèm ăn, tăng sự tiết dịch tiêu hóa, cải thiện tỷ lệ tiêu hóa hấp thu thức ăn.


Mô hình kinh nghiệm nuôi gà thảo dược cho chất lượng thịt ngon ngọt thơm và dai

 

Các thí nghiệm bổ sung APEX  tại Anh, Bỉ hay Đan mạch đã cho thấy APEX  hoàn toàn có thể thay thế được kháng sinh bổ sung vào thức ăn, ngoài ra còn có tác dụng làm tăng sức lớn của lợn (tăng 20%), giảm chi phí thức ăn cho 1 kg tăng trọng (giảm 9%). Đặc biệt, APEX đã được chứng minh là có thể thay thế hiệu quả kháng sinh trong việc ngăn ngừa các bệnh của cá gây ra bởi các vi khuẩn như Aeromonas hydrophilaVibrio alginolyticusVibrio parahaemolyticusVibrio harveyi.

NUTRAFITO PLUS là chế phẩm của các cây  Quillaja (Quillaja saponaria) và Yucca (Yucca schidigera),các cây này mọc nhiều ở vùng nóng và khô của Bắc và Trung Mỹ, Chilê và Mexico.

Hoạt chất chính trong chế phẩm này là saponin (steroid saponin, triterpenoid saponin) có tác dụng kiểm soát ammonia và mùi hôi của chất thải, chống lại các bệnh gây ra bởi  protozoa, nâng cao khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn, nâng cao đáp ứng miễn dịch, cải thiện năng suất sinh sản, hạn chế tỷ lệ đẻ non ở lợn. Các thí nghiệm đã chứng minh NUTRAFITO PLUS không những hoàn toàn có thể thay thế kháng sinh trong việc ngăn ngừa các bệnh nhiễm khuẩn của lợn, gà, tôm, cá mà còn giúp kích thích tăng trưởng (tăng 10%), giảm chi phí thức ăn (giảm 10-20%) và hạn chế khí ammonia và mùi hôi trong chuồng cũng như ammonia trong ao nuôi.

CTK KOKA là phụ gia dạng lỏng chứa hoạt chất glycyrrhizin của cam thảo có mùi thơm và vị ngọt, giúp tăng khả năng ăn, phòng ngừa stress do chuyển mùa, chuyển đổi thức ăn, tiêm phòng vaccine, giúp tăng cường miễn dịch, giải độc gan.

Sử dụng thảo dược làm phụ gia TACN được thế giới hiện đại coi là một hướng đi quan trọng của chăn nuôi sạch và thân thiện với môi trường.

Các nguồn thảo dược của nước ta chứa tất cả các hoạt chất cần cho các chức năng của phụ gia TACN:

– Chức năng diệt vi khuẩn, virus, nấm và protozoa

– Chức năng chống ôxy hóa (antioxidant)

– Chức năng tăng cường hệ miễn dịch

– Chức năng kích thích tiêu hóa và hấp thu, tăng tính ngon miệng, tăng hiệu suất chuyển hóa thức ăn

– Chức năng thay thế kháng sinh và các chất kích thích tăng trưởng, góp phần sản xuất thực phẩm sạch và an toàn

– Chức năng tăng năng suất chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Có thể kể ra đây một số thảo dược chứa các hoạt chất có một hoặc nhiều các tính chất trên:

 

Nghệ:

Nghệ là một thành phần của thuốc Ayuvedic của Ấn độ có từ 1900 trước công nguyên, nó cũng là gia vị quan trọng của người Ấn độ, Trung hoa và nhiều dân tộc ở châu Á. Nghệ chứa hoạt chất chính có tên là curcumin, chất này làm cho nghệ có mầu vàng. Curcumin được các nhà khoa học phương Tây phân lập lần đầu tiên vào năm 1815 và xác định cấu trúc hóa học vào năm 1910.

Curcumin có vai trò kích thích hệ miễn dịch, giúp cho hệ tiêu hóa, hệ xương khớp khỏe, giúp duy trì cholesterol máu ở mức bình thường. Curcumin của nghệ cùng với kháng sinh có tác dụng hiệp đồng với nhau. Các nhà khoa học Iran đã chỉ ra rằng curcumin đã làm tăng tác dụng diệt khuẩn của cefixime, cefotaxime, vancomycin và tetracycline khi cho curcumin phối hợp với các kháng sinh này (vùng diệt khuẩn của kháng sinh đồ tăng lên từ 24,4% đến 52,6%). Curcumin hoạt động như một chất chống oxy hóa, ngăn ngừa sự tấn công của các gốc tự do làm tổn hại màng và nhân tế bào, ngăn ngừa nguy cơ ung thư (tác dụng chống oxy hóa của curcumin mạnh hơn vitamin E 5-8 lần).

Tỏi:

Tỏi đuợc trồng ở nhiều nơi trên thế giới, Trung quốc là nước sản xuất lớn nhất, sản lượng chiếm 77% toàn thế giới (10,5 triệu tấn/năm), sau đó là Ấn độ, Hàn quốc, Nga, Mỹ. Cứ 100g tỏi có 623 KJ (149 Kcal), các vitamin thấy trong tỏi là carotene, B1, B2, B3, B5, B6, B9, vitamin C, các chất khoáng như can xi, sắt, magiê, phospho, kali, natri, mangan, kẽm và selen. Tỏi có 3 hoạt chất chính là allicin, alliin và ajoene. Allicin không hiện diện trong tỏi, nó chỉ sinh ra khi tỏi bị đập dập. Allicin là một chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh hơn cả pencillin. Nước tỏi pha loãng 125.000 lần vẫn có dấu hiệu ức chế nhiều loại vi khuẩn gram âm và gram dương như Staphylococcus, Streptococcus, Samonella, V.cholerae, B. dysenteriae, Mycobacterium tuberculosis. Tỏi cũng ức chế sự phát triển của nhiều loại virus như virus bại liệt, cúm và một số loại nấm ở da hoặc bộ phận sinh dục của phụ nữ như candida. Cùng với tác dụng diệt khuẩn, tỏi còn có hiệu lực ngăn chặn sự phát triển của nhiều loại khối u ung thư. Ngoài ra tỏi đã được thấy là có tác dụng ngăn chặn sự ngưng kết tiểu cầu và tăng mỡ máu, điều hòa lượng đường huyết, hạ cholesterol máu, giảm cholesterol xấu (LDL) tăng cholesterol tốt (HDL), ngăn cản các mảng bám lòng mạch, gây hẹp và cứng động mạch, giảm nguy cơ huyết áp và đột quỵ. Gần đây các nhà y học còn thấy tỏi có tác dụng tẩy giun sán và diệt các ký sinh trùng đường ruột khác.

 

Gừng:

Sản lượng gừng toàn thế giới đạt gần 1,4 triệu tấn; Ấn độ là nước có sản lượng đứng đầu thế giới (30%), tiếp theo là Trung quốc, Indonesia, Nepan và Nigeria.

Mùi và vị của gừng là do một hỗn hợp dễ bay hơi có tên là zingerone, shogaols và gingerols. Vị cay của gừng là do các dẫn chất phenylpropanoid không bay hơi của gingerols khi gừng được làm khô hay nấu chín. Gingerols trên động vật thí nghiệm thấy có tác dụng kích thích nhu động ruột, tăng tiết nước bọt, giảm đau, an thần, giải nhiệt và kháng khuẩn. Dầu gừng có khả năng ngăn ngừa ung thư da ở chuột và diệt được tế bào ung thư buồng trứng.

Trong y học gừng được dùng để trị chứng khó tiêu, ruột nhu động yếu, táo bón, đau bụng  nôn ói, cảm lạnh.  Zingerone trong gừng có tác dụng ngăn ngừa hiệu quả tiêu chảy gây ra do nội độc tố của E.coli.

 

Actisô: 

Ac ti sô có tên khoa học là Cyanara carducunlus, nguồn gốc ở vùng Địa Trung Hải, ở nước ta ac ti sô được trồng nhiều ở Đà lạt. Cứ 100g ac ti sô có 220 KJ (53 Kcal), có các vitamin là B1, B2, B3, B5, B6, B9, C và các chất khoáng là canxi, magiê, phospho, kali, mangan và kẽm.

Các hoạt chất trong ac ti sô có tên là cynarin, apigenin, luteolin có tác dụng tăng cường chức năng gan, mật, tăng tỷ lệ HDL/LDL. Chiết chất của lá ac ti sô được thấy là có tác dụng giảm cholesterol (do ức chế HMG-CoA reductase) và giảm mỡ máu.

Trong y học ac ti sô được dùng để trị các bệnh về gan như viêm gan mãn tính, xơ gan cổ chướng, suy mật, da vàng, phù thũng, tiểu tiện khó, kém ăn, gầy yếu.

 

Gấc: 

Quả gấc có hai sản phẩm là tinh dầu gấc và khô bã gấc, cả hai sản phẩm này đều rất giầu   các chất chống oxy hóa, đó là β- carotene, lycopene và α-tocopherol. Lycopene trong quả gấc giầu hơn lycopene của cà chua 70 lần, β- carotene giầu hơn của ca rốt 10 lần. Hoạt tính chống oxy hóa của lycopene cao hơn của α- tocopherol 10 lần, cao hơn của β-carotene 2 lần. Các nhà khoa học chứng minh rằng lycopene có hoạt tính chống oxy hóa cao nhất trong nhóm các chất thuộc nhóm carotenoid. Các chất chống oxy hóa trong gấc còn có độ lợi dụng sinh học cao hơn so với độ lợi dụng sinh học của các rau quả khác vì gấc có một lượng dầu khá cao (màng đỏ bao quanh hạt gấc sấy khô có gần 28% chất béo), chất béo nâng cao độ lợi dụng sinh học của carotenoid, ưu điểm này không có trong các loại rau quả khác.

Các carotenoid tự nhiên trong quả gấc, đặc biệt là lycopene đã được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa rất nhiều bệnh, bao gồm:

– Các bệnh về mắt như tăng nhãn áp, thoái hóa hoàng điểm, đục thủy tinh thể; các rối loạn này dẫn đến nguy cơ mù lòa.

– Ung thư như ung thư kết tràng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vòm họng, ung thư da (lycopene tự nhiên được chứng minh là có tác dụng đặc biệt ấn tượng đối với việc ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt và dạ dày).

– Bệnh về tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đột quỵ.

– Bệnh tiểu đường (tiểu đường không phụ thuộc insulin).

– Vô sinh do suy giảm chất lượng tinh dịch.

– Ngoài ra, các hoạt chất trong quả gấc còn có tác dụng ngăn ngừa sự lão hóa, suy giảm trí nhớ (bệnh Alzheimer), liệt rung (bệnh Parkinson), viêm khớp mãn và cải thiện tình trạng da, giúp chống khô da, nhám và tróc vẩy.

 

Cây cam thảo: 

Cây cam thảo có tên khoa học là Glychyrrhiza glaba chứa hoạt chất glycyrrhizin. Glycyrrhizin là một saponin triterpenoid có vị ngọt gấp 50 lần so với đường sucrose, không giống như aspartame, vị ngọt của nó vẫn duy trì sau khi xử lý nhiệt. Khi vào đường tiêu hóa, glycyrrhizin ít hấp thu, vi khuẩn đường ruột phân giải nó thành một hợp chất có tên là acid glycyrrhetic rất dễ hấp thu và có tác động dược học.

Glycyrrhizin có tác dụng bảo vệ gan chống lại hóa chất độc hại như carbon tetrachloride, tác dụng kháng viêm, kháng virus, ngăn ngừa cúm A, B, viêm gan B và C. Cam thảo đã được dùng làm phụ gia TACN với mục đích tăng tính ham ăn, giải độc gan, tăng chức năng miễn dịch và chống lại stress do chuyển mùa, thay đổi thức ăn, tiêm phòng vaccine…

 

Cây bạch tật lệ : 

Bạch tật lệ có tên khoa học là Tribulus terrestris L. thuộc loài cây thân thảo, mọc quanh năm hoặc lưỡng niên, phân bố rải rác ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở nước ta, cây này mọc hoang ở những vùng đất khô, đất cát dọc ven biển miền Trung.
Các saponin steroid là thành phần hoá học chính của cây Bạch tật lê, các saponin  này  là những  dẫn  xuất  đa  dạng của  các  sapogenin  như : tigogenin, neotigogenin, gitogenin, neogitogenin, hecogenin, neohecogenin, diosgenin… Các saponin này có tác dụng làm tăng sinh tổng hợp testosteron trong cơ thể nam giới (hàm lượng testosteron trong máu được nâng cao lên 30 – 40%) giúp tăng cường thể lực, kích thích tình dục, ngoài ra cũng có tác dụng kháng khuẩn.

Ngoài các loại thực vật kể trên nước ta còn rất nhiều loại thảo mộc và dược liệu khác có thể chế tạo phụ gia TACN với các vai trò kháng khuẩn, chống oxy hóa, kích thích chức năng miễn dịch, tăng cường hoạt động tiêu hóa và chuyển hóa… Các thảo dược được phối hợp với nhau có lựa chọn thì có tính hiệp đồng đối với một hay nhiều chức năng dược học. Ví dụ phối hợp tỏi với hồi, quế… thì tăng cường được chức năng kháng khuẩn, nghệ phối hợp với gấc thì tăng cường được vai trò chống oxy hóa, ac ti sô phối hợp với cam thảo thì tăng cường được chức năng bảo vệ gan (động vật nuôi bằng thức ăn công nghiệp, gan chịu gánh nặng lớn trong việc giải độc, rất cần được hỗ trợ và bảo vệ)…

 

Kết luận

Trong khi nước ta có một nguồn thảo dược vô cùng dồi dào và đa dạng thì việc nghiên cứu và sản xuất phụ gia TACN từ nguồn thảo dược này lại chưa được chú ý. Phải nói rằng gần như một trăm phần trăm phụ gia dùng trong TACN của nước ta đã phải nhập từ nước ngoài. Cũng đã có một số phụ gia TACN do kết quả nghiên cứu của các cơ quan khoa học trong nước đang được đưa vào sản xuất như các chế phẩm enzyme, probiotic, prebiotic, kháng thể…, tuy nhiên khả năng cạnh tranh của những phụ gia này so với của nước ngoài còn rất thấp.

Sử dụng nguồn dược thảo nước nhà trong việc nghiên cứu và sản xuất phụ gia TACN không những tiếp cận được với xu thế hiện đại của thế giới về phụ gia TACN mà còn khai thác được thế mạnh của Việt Nam.

 

 

tag: Sử dung thảo dược trong chăn nuôi, nuôi heo bằng thảo dược, các bài thuốc nuôi heo bằng thảo dược, nuôi lợn bằng thuốc bắc, nuôi lợn bằng trà xanh, thịt lợn thảo dược, nuôi heo bằng thảo dược, nuôi lợn rừng bằng thảo dược, các loại thảo dược dùng trong chăn nuôi


Theo GS Vũ Duy Giảng – Đại Học Nông nghiệp Hà Nội





TIN TỨC KHÁC :