Chăn nuôi

10 sự kiện hàng hóa nổi bật năm 2017

Ngày đăng: 2017-12-30 08:00:48


Năm 2017, thị trường hàng hóa chứng kiến nhiều tin vui như thịt gà chính thức xuất sang Nhật Bản, trái thanh long lần đầu tiên "đặt chân" lên đất Úc. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa vẫn còn nhiều tồn đọng và khó khăn trong năm vừa qua.

 

Dưới đây là 10 sự kiện hàng hóa nổi bật trong năm 2017

1. OPEC kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2 lần trong năm 2017

Cuối năm 2016, OPEC và 10 nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt khác ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày kéo dài đến hết tháng 6/2017. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ giúp rút lượng dầu thừa trên thị trường đồng thời đẩy giá lên cao hơn từ mức thấp nhất kể từ giữa năm 2014. Mặc dù thỏa thuận này đã phát huy tác dụng trong việc giúp giá dầu tăng cao hơn (lên mức trung bình 55 USD/thùng) tuy nhiên thị trường vẫn chưa cân bằng và OPEC cũng chưa đạt được mục tiêu đưa trữ lượng dầu thô xuống mức trung bình trong vòng 5 năm. Nguyên nhân là do nhiều quốc gia không tham gia thỏa thuận cắt giảm, đặc biệt là Mỹ lợi dụng đà tăng giá để tăng sản lượng khai thác.

 

Trước tình hình này, tháng 5/2017, OPEC và 10 nước xuất khẩu dầu khí đã quyết định kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết tháng 3/2018. Tuy nhiên đến cuối năm 2017, nhận thấy thị trường dầu thô vẫn chưa được tái cân bằng trong khi sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ liên tục tăng, tại cuộc họp diễn ra vào ngày 30/11 ở Vienna (Áo), OPEC và các nước tiếp tục kéo gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần 2 đến hết năm 2018.

Quyết định này nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa dầu thô và tránh tái diễn một đợt giá dầu "tụt dốc" thảm hại trong tương lai. Mặc dù vậy, Nga tỏ ra khá dè dặt trước quyết định này do họ có thể đánh mất thị phần vào tay Mỹ một khi thắt chặt nguồn cung dầu thô.

 

Giá dầu Brent tăng vọt trong năm 2017

 

Giá dầu WTI

 

Giá dầu bình quân các năm của các nước thuộc OPEC

2. Giá thép trong nước tăng mạnh

Giá thép xây dựng trong nước tháng 8,9 cao kỷ lục trong vòng 8 năm đạt 14,5 triệu/tấn. Giá thép cán nóng cũng dao động ở mức 590 - 620 USD/tấn, trong khi những tháng trước đó chỉ 420 - 450 USD/tấn.

Tại thời điểm 26/12, giá thép Trung Quốc tăng 43% so với đầu năm.Nguyên nhân đợt tăng giá mạnh là do nhu cầu tiêu thụ thép trên thế giới tăng, đặc biệt là Trung Quốc khi nước này đang tăng cường đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Bắc Kinh yêu cầu các nhà máy thép ở phía Bắc cắt giảm sản lượng và đóng cửa các nhà máy sản xuất thép không đạt tiêu chuẩn để bảo vệ môi trường và giảm lượng thép thừa trên thị trường.

 

Bên cạnh đó, giá vật liệu phôi thép tăng mạnh tới gần 31% chỉ trong vòng 2 tháng lên mức 340 USD/tấn cũng góp phần đẩy giá thép lên cao. Ngoài ra, sự cố cháy nổ một nhà máy rất lớn của Công ty Thép Steel Plates Bengang (Trung Quốc) đã đẩy giá thép cán nóng trên sàn giao dịch Tương lai Thượng Hải tăng lên mức kỷ lục khi đạt 4.400 nhân dân tệ/tấn (tương đương 674,48 USD/tấn).

3. Giải cứu thịt lợn

Tháng 8/2017, giá thịt lợn hơi giảm mạnh do nguồn cung trên thị trường vẫn rất dồi dào, trong khi đó xuất khẩu theo đường chính ngạch và tiểu ngạch đều chưa có dấu hiệu khả quan. Cụ thể, trong tháng 8/2017, giá thịt lợn hơi "chạm đáy" 10 năm xuống còn 30.000-32.000 đồng/kg. Cơn bão giá thịt lợn này khiến người nông dân đứng ngồi không yên và phải chịu lỗ lớn. Giải thích nguyên giá thịt lợn lao dốc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ông Nguyễn Xuân Cường cho biết do sức sản xuất quá lớn, tăng trưởng quá nhanh, tăng trên 3,6 lần trong vòng 10 năm. Bên cạnh đó, khâu tiêu thụ còn yếu, mới chỉ xuất khẩu được lợn sữa sang 3 nước với số lượng 120 nghìn tấn/năm.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát động chiến dịch giải cứu lợn kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên ăn thịt lợn giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam vừa mới gửi “tâm thư” lên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để kêu cứu cho ngành chăn nuôi trong nước, nhất là khi khủng hoảng về cung cầu thị trường thịt lợn vừa qua đã khiến cho người chăn nuôi mất lãi đáng lẽ được hưởng trên tổng số tiền đầu từ kinh doanh của ngành khoảng trên 100 ngàn tỷ đồng.

4. Thanh long Việt chính thức "đặt chân" lên đất Australia sau 9 năm đàm phán

Sau 9 năm đàm phán và làm thủ tục, tháng 1/2017 Australia chấp nhận nhập khẩu thanh long từ Việt Nam. Ngày 20/9 lô hàng thanh long đầu tiên của Công ty TNHH MTV Hoàng Phát (Long An) chính thức xuất sang Australia dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cùng bà Karen Lanyon - Tổng lãnh sự quán Australia.

 

Hiện tại cả nước có 32 tỉnh, thành trồng thanh long với diện tích hơn 25.000 ha, sản lượng trên 460.000 tấn/ năm tập trung nhiều nhất ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Kim ngạch xuất khẩu thanh long năm 2016 đạt hơn 895 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3% trong xuất khẩu trái cây tươi. Trái thanh long của Việt Nam hiện đã có hể đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của nhiều thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ ...

5. Việt Nam chính thức xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản

Ngày 22/6 Nhật Bản chính thức đồng ý nhập khẩu thịt gà từ Việt Nam. Cụ thể, Nhật Bản đồng ý nhập khẩu thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm chế biến của Công ty TNHH Koyu & Unitek có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai kể từ ngày 22/6. Lô sản phẩm chế biến từ ức gà đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với số lượng 300 tấn.

Ngày 9/9, lô gà thịt đầu tiên của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang Nhật. Lô hàng này minh chứng nỗ lực của chuỗi liên kết từ con giống, thức ăn, trang trại, giết mổ và phân phối với các đơn vị Bel Gà, Hùng Nhơn, De Heus và Koyo&Unitek. Đây được coi là bước đi lịch sử của ngành chăn nuôi bởi thị trường Nhật vốn nổi tiếng rất khó tính.

6. EVN đề xuất ngưng mua than của Vinacomin

Tháng 7/2017, EVN đề nghị Chính phủ để được cho phép không mua 2 triệu tấn than của Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Nếu cộng thêm 2 triệu tấn than sản xuất thêm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, tồn kho than của Vinacomin lên đến trên 13 triệu tấn. Như vậy, 4.000 công nhân của tập đoàn này sẽ đứng trước nguy cơ mất việc. Trước tình hình trên, lãnh đạo Vinacomin đề nghị Chính phủ chỉ đạo EVN ưu tiên mua than của tập đoàn trong năm nay để ổn định sản xuất. Vinacomin cam kết từ năm 2018, nếu các tập đoàn lớn không mua than của Vinacomin thì họ sẽ cân đối lại hoạt động điều hành.

7. Cá tra bị chặn đường sang Mỹ

Từ ngày 2/8, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này. Quyết định của USDA căn cứ vào chương trình thanh tra cá da trơn (hay còn gọi cá thuộc bộ Siluriformes) theo đạo luật Farm Bill. Trước thông tin trên nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ phải chịu thêm nhiều khoản phí như phí kiểm tra, chi phí lưu kho...và có thể bị lỗ.

 

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cảnh báo nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ, sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam có nguy cơ cao sẽ bị ngừng nhập khẩu vào thị này từ tháng 3.2018.

8. Thay xăng RON92 bằng xăng E5

Theo quyết định của Bộ Công Thương, xăng RON 92 chỉ tồn tại đến hết ngày 31/12/2017 và xăng E5 sẽ bắt đầu được đưa vào sử dụng từ ngày 1/1/2018. Xăng sinh học E5 được nhiều nhà khoa học và các hãng xe nổi tiếng trên thế giới khuyên dùng bởi tính ưu việt của sản phẩm này đối với môi trường.

 

Hiện nay cả nước có 7 nhà máy ethanol với năng lực pha chế 8,6 triệu tấn xăng E5. Trong đó có 4 nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất ethanol để phối trộn xăng sinh học E5. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nếu chuyển toàn bộ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5, tổng lượng xăng E5 cần có vào khoảng 5,357 triệu m3. Như vậy, với công suất của các nhà máy nhiên liệu trong nước hiện nay, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu xăng E5 khi thay thế xăng khoáng RON 92 từ ngày 1/1/2018.

9. Bộ Công Thương bất ngờ tăng giá điện 6,08%

Ngày 30/11, Bộ Công Thương thông báo về việc tăng giá điện 6,08% lên mức bình quân 1.720 đồng/kWh. Mức giá này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12. Nhiều người tỏ ra bất ngờ vì Bộ Công Thương tăng giá điện một cách quá đột ngột, thông báo chiều hôm trước, sáng hôm sau tăng giá. Mức giá điện mới được dự báo sẽ làm CPI tăng 0,15% và tác động 0,66% đến GDP năm 2018.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nếu chuyển toàn bộ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018 tới, thì tổng lượng xăng E5 cần có vào khoảng 5,357 triệu m3. Như vậy, với công suất của các nhà máy nhiên liệu trong nước hiện nay, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu xăng E5 khi thay thế xăng khoáng RON 92 từ ngày 1/1/2018.

Doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đ/kWh). Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng.

10. Khaisilk bán lụa "made in China"

Hồi tháng 10, người tiêu dùng không khỏi bàng hoàng trước thông tin hãng lụa nổi tiếng Khaisilk bán hàng "made in China". Theo đó, hãng này nhập khăn Trung Quốc rồi cắt nhãn và thay bằng nhãn made in Vietnam. Vụ việc này đã gây mất tin của người tiêu dùng về một hãng lụa được cho là uy tín và bán hàng chất lượng cao.

Trong một lần phỏng vấn Zing.vn, doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khải Silk thừa nhận nhập khăn Trung Quốc từ những năm 90 do nguồn hàng trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Hiện tại Bộ Công Thương chỉ đạo chuyển hồ sơ, vật chứng của vụ việc cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý đồng thời theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của Công ty theo thẩm quyền.


Theo Đức Quỳnh / Người đồng hành





TIN TỨC KHÁC :