Chăn nuôi

Dại mà khôn, khôn mà dại: chàng trai K'ho bỏ phố về với buôn làng

Ngày đăng: 2018-02-23 07:15:32


Trong lúc đâu đâu cũng nghe người ta nói đến nông nghiệp công nghệ cao thì có một chàng trai trẻ người dân tộc K’ho, 27 tuổi, lại bỏ việc, bỏ phố về rừng làm nông nghiệp truyền thống. Thế có là hướng đi đúng không? Trả lời thắc mắc của tôi, K’Brooke chỉ cười hiền nói “dại mà khôn, khôn mà dại”.

 

Từ con heo đen bản địa

Tôi cần một địa chỉ tốt để triển khai tour tri thức bản địa của người K’ho, hỏi anh K’Vâng, hướng dẫn viên - nhà nghiên cứu văn hóa K’ho, anh chỉ tôi gặp K’Brooke. Vào trang facebook theo hướng dẫn, tôi thấy những dòng giới thiệu ấn tượng: “CEO của trang Koho.vn, giới thiệu sản phẩm đan lát, nhạc cụ, thổ cẩm, thịt heo đen người đồng bào K’ho. Cuộc sống thuận tự nhiên tại Koho farm.” Lang thang trong ngôi nhà ảo ấy một hồi, tôi cảm nhận được ngay chủ nhân của nó là một chàng trai can đảm, vui tính, hiểu biết.

Và chúng tôi gặp nhau để “nhâm nhi” về chuyện con heo đen, về nông nghiệp thuận tự nhiên...

K’Brooke người thôn Lăng Cú, xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Anh được xem như người thành đạt ở thôn bởi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên ngành quản lý đất đai và sớm có việc làm ổn định với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng ở một công ty cổ phần về giải pháp công nghệ và trắc địa.

Nhưng làn sóng khởi nghiệp đã bứt Brooke về rừng. Vượt lên nhiều lời khuyên ngăn của gia đình, anh tham gia cuộc thi dự án khởi nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Brooke là cái tên duy nhất người dân tộc K’ho lọt vào chung kết cuộc thi cùng với sáu dự án của các bạn ở nhiều dân tộc khác nhau.

nông nghiệp công nghệ cao,nông nghiệp truyền thống,nông nghiệp thuận thiên,lợn rừng,dân tộc K’ho,Lâm Đồng,K’Brooke,nuôi lợn
45 con heo đen của K’Brooke đang trong giai đoạn sinh sản Ảnh: Ngọc Ngà

Dự án khởi nghiệp của Brooke là mô hình nuôi heo đen sinh thái. Ý tưởng này xuất phát từ nhu cầu của thị trường về thực phẩm sạch và những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn nguồn heo đen - đặc sản trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là giống heo được người dân bản địa thuần hóa từ heo rừng, có sức đề kháng cao với môi trường chăn thả tự nhiên, heo khỏe, ít dịch bệnh có khả năng phát triển và sinh sản ổn định trong điều kiện dinh dưỡng kém. Thực tại việc nuôi heo đen trong các buôn làng cũng đang tồn tại nhưng với quy mô nhỏ, rải rác và không đủ đáp ứng cho thị trường. Bà con chủ yếu nuôi thả rông, gây ô nhiễm môi trường. Đó là lý do mà nhiều địa phương trong đó có Di Linh, khuyến khích bà con chăn nuôi tập trung trong chuồng trại.

Đầu năm 2017, K’Brooke thành lập tổ hợp tác nuôi heo đen tập trung với số vốn ban đầu là hơn 300 triệu đồng. Tổ hợp tác với năm thành viên thường trực và trên dưới 10 nhân công theo thời vụ. Theo K’Brooke, nuôi heo đen theo dạng sinh thái sẽ đem lại sự khác biệt trong chăn nuôi tạo ra một lợi thế cạnh tranh tốt về chất lượng và giá cả.

Việc chăn nuôi heo được thực hiện tại một rẫy cà phê giáp bìa rừng thuộc thôn Bơ Nơm, xã Sơn Điền. Nơi đây có suối nước chảy quanh năm; có chuối rừng, măng tre, lá bép và cây cỏ tự nhiên là nguồn thức ăn chính cho đàn heo. Ngoài ra, K’Brooke còn cho heo ăn bổ sung cám gạo, cám bắp (không sử dụng cám tổng hợp),... Heo được thả trong một rẫy cà phê rộng. Chẳng những heo không làm ảnh hưởng đến gốc cà phê mà trong quá trình kiếm ăn, chúng dùng móng chân, mõm cày dũi góp phần làm tơi xốp đất, nước tiểu, phân của chúng giúp bồi bổ đất để cây cà phê phát triển tốt.

K’Brooke đã khéo tập cho heo thói quen nghe tiếng kẻng để tối đến hoặc khi nào cần tụ tập đàn heo cho chúng ăn hoặc kiểm tra đàn, chỉ cần đánh kẻng là cả bầy từ lớn tới bé đều thi nhau chạy về chuồng. Nước suối được sử dụng để phát điện (2 kW) vừa thắp sáng vừa sưởi ấm cho heo con vào ban đêm. K’Brooke đã đầu tư hệ thống máy xén thức ăn cho heo, dùng men vi sinh để ủ thức ăn cũng như xử lí phân và chất thải, sử dụng vaccine để tiêm phòng...

K’Brooke nói với tôi bài toán mà anh đã tính nằm lòng rằng: Với số lượng 45 con trong giai đoạn sinh sản như hiện tại, bình quân một năm sẽ sản sinh ít nhất trên 300 heo con/hai lứa. Trại sẽ xuất heo hơi từ 15kg trở lên, giá heo hơi trung bình là 100.000 đồng/kg. Tổng doanh thu từ trang trại trong một năm sẽ là 450 triệu đồng, trừ chi phí 307 triệu đồng còn lãi ròng 143 triệu đồng.

Chiều về, khi tiếng kẻng gọi heo vang lên keng keng còn có 50 con dê trong độ tuổi sinh sản và rất nhiều dê con cũng lao từ triền núi về chuồng. Con nào con nấy bụng căng tròn. “Dê hoàn toàn không ăn cám, chỉ ăn rau rừng nên gần như mình không tốn bất cứ chi phí nào ngoài tiền giống,” K’Brooke nói.  

Bên cạnh đó, cũng trong khu vực chăn nuôi này, Brooke còn tận dụng chăn nuôi gà với số lượng lớn cũng từ nguyên liệu tự nhiên. Chứng kiến bao nhiêu heo, dê, gà và nhất là cảnh sau mỗi lần đi học hay đi xa về phát hiện ra một số con heo, dê, gà vừa được sinh ra, thật vui và ấm áp.

nông nghiệp công nghệ cao,nông nghiệp truyền thống,nông nghiệp thuận thiên,lợn rừng,dân tộc K’ho,Lâm Đồng,K’Brooke,nuôi lợn
Đàn dê 50 con chăn thả trên rẫy, hầu như không tốn bất cứ chi phí nào. Ảnh: Ngọc Ngà

Đến nông nghiệp thuận thiên

Chăn nuôi thuận theo tự nhiên là cách mà người K’ho đã làm bao đời nay nhưng rồi dần quên lãng. Không chỉ có vật nuôi bản địa, K’Brooke còn đang theo đuổi một giấc mơ lớn hơn với cách trồng cà phê và những cây trái bản địa. “Với riêng mình nông nghiệp là cuộc sống,” K’Brooke nói.

Theo anh, trong ba lĩnh vực chính của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay có công nghệ sinh học. Trong đó, tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả nông nghiệp mà cốt lõi là làm sạch, ăn sạch, đi đôi với bảo vệ môi trường.

Cách mạng trong nông nghiệp, theo như cách của K’Brooke, đã được thực hiện ngay trong chính vườn cà phê của gia đình. Mùa khô, khi trời nắng lên đến đỉnh điểm, thiếu nước xảy ra trầm trọng trên hầu khắp diện tích cà phê ở vùng Di Linh. Để giảm thiểu điều này, từ ba năm trước, K’Brooke đã thuyết phục bố mẹ cho trồng xen cây muồng vào vườn cà phê.

“Mình nghĩ trồng xen cây muồng có cho thu nhập gì đâu, phí đất. Nhưng Brooke cứ năn nỉ mãi nên cũng để cho nó trồng”, bà Ka Phiu - mẹ Brooke - nhớ lại. Chàng kỹ sư đã ươm thành công cây muồng và trồng xen để che bóng, chắn gió cho cây cà phê. “Ba năm thôi cây đã lớn rồi, nắng (người) trốn nắng, mưa (người) trú mưa mà cũng đỡ lo cà phê đổ ngày bão”, bà Ka Phiu phấn khởi nói.

Một thói quen làm cà phê mà K’Brooke vẫn nhớ như in trong cả tuổi thơ là phải siêng xạc cỏ: “10 tuổi thôi mình đã biết đi xạc cỏ đổi công. Ngày ấy, không xạc cỏ là không giỏi, không siêng nên người ta chê”. Nhưng sau này, với sự ham tìm hiểu, nhất là được truyền cảm hứng từ các cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm và Gieo mầm trên sa mạc của Masanobu Fukuoka, K’Brooke nhận ra giá trị của một số loại cỏ nhất định đối với đất. Bởi thế, anh không cần phải xạc cỏ mà chuyển sang quản lý sự phát triển của cỏ để vừa giữ độ ẩm cho đất, vừa bớt chi phí mua phân bón. Hiện điều này đã được bà con cả thôn Lăng Cú học tập từ rẫy cà phê nhà ông K’Díp - bố của K’Brooke.

nông nghiệp công nghệ cao,nông nghiệp truyền thống,nông nghiệp thuận thiên,lợn rừng,dân tộc K’ho,Lâm Đồng,K’Brooke,nuôi lợn
Vườn cà phê trĩu quả như thành quả ngọt ngào của mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên mà K’Brooke đam mê theo đuổi. Ảnh: Ngọc Ngà

Không chỉ vậy, bốn sào đất bố mẹ cho Brooke sở hữu ở Đinh Trang Thượng là đất dốc đứng, anh đã chấp nhận không thu cà phê mấy năm để tập trung cải tạo đất và trồng cà phê theo hướng nông - lâm kết hợp. Đây là phương thức canh tác mà cây thân gỗ được trồng và khai thác trên cùng một diện tích với cây cà phê.

Theo anh, hiện nay bà con chủ yếu canh tác theo hướng thâm canh thuần loài. Nghĩa là chặt phá rừng để mở rộng diện tích canh tác, chú trọng sản lượng, thuốc trừ sâu được tận dụng triệt để. Điều này làm đất dần cạn kiệt dinh dưỡng, thiên tai mà nhất là lũ quét, hạn hán đe dọa thường xuyên dẫn tới mất mùa,... Thâm canh thuần loài đồng nghĩa với không có tương lai.

Nông, lâm kết hợp là giải pháp từ tự nhiên, cây thân gỗ sẽ điều tiết, ngăn dòng chảy của nước vào mùa mưa, giữ nước thấm dần vào đất tăng độ ẩm, độ phì nhiêu. Đồng thời cải thiện khí hậu tiểu vùng, thích ứng với những biến đổi khí hậu. Tạo sự đa dạng sinh học với những côn trùng có ích. Việc đa dạng các loại cây còn phục hồi các hệ sinh thái, tạo thêm thu nhập cho người dân.

“Cuộc sống có ấm no người ta mới lo tới chuyện bảo tồn văn hóa. Bởi thế nông nghiệp không đơn thuần chỉ là sản xuất mà đó còn là cuộc sống,” K’Brooke tâm tình.

Hiện anh đang sử dụng phương pháp này trên diện tích của gia đình, nhưng trong chàng trai trẻ vẫn luôn ấp ủ kế hoạch nhân rộng trên một vùng cà phê rộng lớn bởi với Brooke “đó là giấc mơ của cuộc đời.”

Thế nên từ chuyện cây cà chua thân gỗ giá trị cao đang được bà con nông dân trồng xen canh với cà phê, anh hào hứng nói rộng về đa canh cây trồng. Anh bảo đây là việc tốt đem lại sự bền vững trong nông nghiệp. Trước khi trồng cây gì mới thì chúng ta nên tìm hiểu cây đó đem lại lợi ích cho đất hay đem lại hiệu quả kinh tế nhiều hơn. Đây là một điều sống còn trong sản xuất nông nghiệp. Khi bạn luôn chăm lo về hiệu quả kinh tế đồng nghĩa bạn đang hủy hoại sự sống khác cũng như bạn khát khao. Rừng là vàng vì rừng có đất tốt nên bạn hãy chú ý nên trồng xen cây gì cho hiệu quả và hướng đến bền vững. Trong một vườn bạn nên chọn hai cây công nghiệp chính và một cây rừng. Điều này sẽ tạo ra sự cân bằng sinh thái. Một cánh rừng luôn có những thảm thực vật phân tầng lớp và đất đai cũng thế. Hiện nay chúng ta đang độc canh quá nhiều. Việc này đồng nghĩa là chết. Sẽ chết sự sống của đất. Sẽ chết khi giá cả xuống đáy...

Thuận tự nhiên là một cụm từ đang cần chung tay xây dựng một sự cân bằng sinh thái mà Koho farm đang theo đuổi từng ngày. Chim ăn chuối chín không hẳn là thảm kịch mà là tín hiệu đáng mừng vì khu vườn luôn thu hút nhiều chim chóc và các loại động vật khác cùng sinh sống hài hòa. Một vật chất không thể mất đi mà chuyển từ dạng này sang dạng khác để đem lại một quá trình sinh tồn và phát triển. Cuộc sống chúng ta cũng vậy, phải biết cho đi rồi sẽ nhận lại thông qua một vật chất khác. Một nền nông nghiệp bền vững là bạn phải hiểu tự nhiên, hiểu quy luật của vũ trụ và một tư duy thông thái. Koho farm đang gây dựng khu rừng, một trang trại thuận tự nhiên chính là tạo ra những sản phẩm an toàn - ngon và bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta...

Không chỉ kinh doanh cho riêng mình, K’Brooke còn làm tư vấn, hỗ trợ tận tình bất cứ ai có nhu cầu làm nông nghiệp bền vững và làm giàu bằng tri thức bản địa. Đó chính là cách vận hành của nền kinh tế chia sẻ. Anh triết lý: “Nếu bạn muốn đi nhanh thì hãy đi một mình. Còn nếu muốn đi trên con đường lâu dài thì hãy đi chung với những người khác.”

“Nhiều năm trời ròng rã ấp ủ đam mê, mày mò nghiên cứu, chuẩn bị tất cả kỹ lưỡng nhất nên mình không một chút ngại ngần khi quyết định dấn thân vào cách làm nông nghiệp này. Trải qua không ít khó khăn nhưng cũng thu về được rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Cũng bởi vì thế mình luôn ấp ủ khát khao khẳng định con đường làm nông nghiệp mình đang đi là đúng,” K’Brooke tự tin tâm sự.

Cũng bởi lý do đó mà anh đã tiếp tục tham gia chương trình “Thách thức công nghệ nông nghiệp vùng Mekong” nhằm tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp dành cho các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar để tiếp cận học hỏi và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

 


Theo Đỗ Quang - Tuấn Hoàng / Vietnamnet





TIN TỨC KHÁC :