Chăn nuôi

Giá thịt lợn: Cần người đàm phán đủ mạnh với phía Trung Quốc

Ngày đăng: 2017-05-06 07:16:21


Để tránh được những rủi ro thị trường nói chung và từ thị trường Trung Quốc nói riêng, cần tăng cường vai trò của các hiệp hội đại diện cho quyền lợi của người chăn nuôi, đặc biệt trong việc đàm phán với các đối tác.


TS Đào Thế Anh cho rằng cần tăng cường vai trò của các hiệp hội đại diện cho người chăn nuôi.

TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – cây thực phẩm kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp đưa ra một góc nhìn về nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề giá thịt lợn hiện nay.

Vì sao khủng hoảng thừa?

Khác với một số ý kiến, TS Đào Thế Anh cho rằng không phải vì 3 triệu hộ nông dân nhỏ mà đàn lợn tăng nhanh, dẫn tới “khủng hoảng thừa” thời điểm hiện tại. Bởi các hộ này tăng đàn rất chậm. Chính việc xuất hiện nhiều trang trại hiện đại theo hướng công nghiệp mới khiến cho mức độ thâm canh tăng lên nhanh, nhất là ở những địa phương như Đồng Nai - được xem là “thủ phủ” của thịt lợn hoặc Hà Nam, Thái Bình.

Ông Đào Thế Anh cũng cho rằng người thiệt hại nhất không phải các hộ kinh doanh nhỏ lẻ - những người có khả năng thích ứng cao với tín hiệu thị trường. Thiệt hại lớn nhất chính là các trang trại lớn, ‘càng đầu tư to thì càng rủi ro nhiều’, nếu thiệt hại ở lứa này quá lớn thậm chí họ có thể đứng trước nguy cơ vỡ nợ và đóng cửa.

“Nếu cứ kéo dài như vậy, chỉ khoảng 6 tháng sau Việt Nam lại rơi vào tình trạng thiếu thịt”, TS Đào Thế Anh cảnh báo.

Vị chuyên gia cũng nhận định, trong khi thị trường trong nước tiêu thụ thịt lợn tương đối ổn định, thì thị trường Trung Quốc lại rất rủi ro, phần lớn việc mua bán không có hợp đồng cụ thể. Thời gian qua, trên thực tế, các thương lái Trung Quốc đã đột ngột dừng mua mà không hề thông báo trước. Thêm vào đó, do chúng ta chưa xuất khẩu chính ngạch thịt lợn vào Trung Quốc, nên khi phía Trung Quốc kiểm soát gắt gao việc xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay thì người chăn nuôi lợn lao đao.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc có một đặc thù là tiêu thụ lợn rất to và béo, với trọng lượng từ 120 – 160 kg. Còn người tiêu dùng trong nước chỉ ưa chuộng lợn nạc từ 100 - 120 kg. Nên khi Trung Quốc ngừng nhập, việc tiêu thụ trong nước khá khó khăn.

Một nguyên nhân nữa là do không có phương án dự phòng nên khi có biến cố thị trường thì “trở tay” không kịp. Các phương án đó có thể là phân phối đi các bếp ăn tập thể, các nhà hàng, đáng lẽ phải được thực hiện song song với xuất khẩu sang Trung Quốc, thì bây giờ khi “vỡ trận” mới lo đi tiếp cận.

Ngoài ra, chúng ta cũng thiếu vắng các dịch vụ để giảm rủi ro như bảo hiểm. Ở hầu hết các nước, mô hình trang trại luôn được mua bảo hiểm để đề phòng khi biến cố xảy ra vẫn có đủ nguồn lực tài chính để tái đàn.

Đặc biệt, theo TS Đào Thế Anh, khâu phân phối thịt lợn trong nước chưa hình thành được các chuỗi giá trị, có quá nhiều khâu trung gian nhưng hầu như đều có quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, tự phát. Khâu “lãi” nhất là bán lẻ trong các kênh truyền thống chứ không phải kênh phân phối hiện đại như siêu thị hay trung tâm thương mại, do siêu thị còn phải đảm bảo nhiều loại chi phí khác. Mặt khác, ở các chợ bán lẻ, các tiểu thương thường “liên kết” với nhau để áp giá.

Tăng cường vai trò các hiệp hội

Vị chuyên gia nông nghiệp đề xuất, biện pháp tình thế hiện tại là giãn nợ cho người nuôi. Bộ NN&PTNT cũng đã vận động một số công ty chế biến thức ăn chuyển hướng nhập thịt lợn của bà con.

Tuy nhiên, để tránh những rủi ro thị trường, dứt khoát cần phải tăng cường vai trò của các hiệp hội đại diện quyền lợi của người sản xuất. Các thành viên hiệp hội sẽ tự dàn xếp với nhau trước biến động thị trường, chẳng hạn khi thị trường nước ngoài giảm nhu cầu, mỗi trang trại, mỗi hộ chủ động thu hẹp đàn, thay vì 150 con thì chỉ sản xuất 100 con.

Một mô hình đang hoạt động khá tốt là Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, là tập hợp của một số hợp tác xã và trang trại lớn. Hiệp hội có nhiệm vụ “mặc cả” thị trường với các khâu trung gian và các doanh nghiệp để hỗ trợ cho các thành viên. Hiệp hội này đang đề nghị với tỉnh Đồng Nai cho phép sử dụng một chợ bỏ không trên địa bàn tỉnh để xây dựng một chợ bán buôn thịt lợn sạch, tổ chức đấu giá theo chất lượng thịt học tập từ mô hình nước ngoài.

TS Đào Thế Anh cho biết ở các nước tiên tiến, các hiệp hội chăn nuôi tự lên quota sản xuất tùy theo quy mô, năng lực và nhất là dựa vào thông tin thị trường để đảm bảo cung ứng phù hợp với nhu cầu. Mặc dù đi là đơn vị đi đầu nhưng Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vẫn chưa thực hiện tốt trong việc này.

Việc tăng cường vai trò của các hiệp hội là hoàn toàn theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ đóng vai trò tạo ra “sân chơi” và tư vấn, đưa ra những chính sách để hỗ trợ, đào tạo tăng cường nhân lực, thực hiện các nghiên cứu thị trường hoặc tăng cường hiệu quả của các cơ quan giám sát, kiểm định chứ không thể “làm thay”.

Ông Đào Thế Anh cũng đề xuất nên thành lập các “hiệp hội thịt” thay vì “hiệp hội chăn nuôi”. “Thịt” mới là sản phẩm hàng hóa, còn chăn nuôi mới chỉ dừng lại khâu sản xuất, không bao gồm tiếp cận, điều tiết thị trường. Hiệp hội thịt có thể có sự tham gia của những đơn vị giết mổ, chế biến thịt, vừa liên kết được sức mạnh của từng bộ phận vừa giảm bớt được các khâu trung gian.

Lời giải chung cho nông sản Việt

Nhìn rộng hơn, ông Đào Thế Anh cho rằng thị trường của nông sản Việt Nam chủ yếu vẫn là thị trường tiểu ngạch nên càng đầu tư lớn hoặc càng được mùa thì mức độ rủi ro càng tăng. Do đó, rất cần có các hiệp hội để điều tiết thị trường.

Các hiệp hội cần biết cách tận dụng và khai thác thị trường Trung Quốc thông qua đường xuất khẩu chính ngạch, nơi có thông tin thị trường rõ ràng hơn. Hiệp hội cũng có thể dàn xếp được với các khâu trung gian đưa ra mức lợi ích tối thiểu cho người nuôi, hiện lợi nhuận đang dành quá nhiều cho người bán lẻ.

Ngoài hình thức sản xuất theo hướng công nghiệp, chúng ta cũng nên phát triển theo hướng đặc biệt hóa những sản phẩm địa phương. Theo TS Đào Thế Anh, các tỉnh miền núi nên xem xét phát triển những sản phẩm mang bản sắc địa phương, xây dựng thương hiệu độc quyền được bảo hộ sau đó tìm nguồn cung cấp vào các nhà hàng hoặc xuất khẩu.

Còn đối với khu vực đồng bằng nên theo hướng công nghiệp và phải đảm bảo thực phẩm “sạch”, điều đó không chỉ phụ thuộc vào người nuôi trồng mà còn cần các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh kiểm tra.


Theo Thu Hương / Báo chính phủ





TIN TỨC KHÁC :