Chăn nuôi

Hà Nội lo cúm gia cầm H7N9 ập đến bất cứ lúc nào

Ngày đăng: 2018-03-27 07:00:39


Theo kinh nghiệm của các nhà chuyên môn, thời điểm chuyển mùa (từ đông xuân sang hè) là thời điểm lý tưởng để nhiều loại dịch bệnh có cơ hội bùng phát, trong đó có bệnh cúm gia cầm. Là địa phương có đàn gia cầm đứng đầu cả nước nên thời điểm này, TP. Hà Nội đã có nhiều hoạt động để phòng chống cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác trên gia cầm, thủy cầm.

 
 

CúmA/H7N9: Nhanh và nguy hiểm

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, thành phố hiện có gần 29 triệu con gia cầm với nhiều vùng chăn nuôi lớn như khu vực chăn nuôi gà đồi ở Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Thụy An (Ba Vì), khu vực chăn nuôi gia cầm ở huyện Chương Mỹ (khoảng 4,7 triệu con), tập trung ở một số xã như Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ. Chăn nuôi thủy cầm (vịt, ngan) chủ yếu ở huyện Ứng Hòa (khoảng hơn 1 triệu con).

ha noi lo cum gia cam h7n9 ap den bat cu luc nao hinh anh 1

Các hộ buôn bán gia cầm tự phát ngay trước cổng chợ Hà Vỹ.

 Đặc biệt, Hà Nội có 2 chợ đầu mối gia cầm lớn là chợ Hà Vĩ (Thường Tín) và Hải Bối (Đông Anh). Chỉ tính riêng chợ đầu mối Hà Vĩ tiêu thụ đến 40 - 60 tấn gia cầm/ngày đêm (khoảng 20.000 - 30.000 con), đến từ nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và một số tỉnh miền Nam (Bình Định, Bình Dương, Bình Phước,TP Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long, …).  

Chợ Hài Bối (huyện Đông Anh) tiêu thụ khoảng trên 3.000 con gia cầm/ngày đêm. Điều đáng nói là, tại chợ này có tới 19 hộ kinh doanh giết mổ trực tiếp gà sống ngay tại khu vực chợ, bình quân khoảng 2.000 con/ngày, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trong khi đó, những năm gần đây, bệnh cúm gia cầm đã có nhiều biến chủng rất nguy hiểm, trong đó phải kể đến chủng cúm A/H7N9. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), gần đây dịch bệnh cúm A trên người có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc. Các chuyên gia khuyến cáo, nguy cơ dịch bệnh cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong giai đoạn này là rất cao nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ngay từ cơ sở.

Mặt khác, chủng virus cúm A/H7N9 vẫn luôn nguy hiểm ở chỗ chỉ mang trùng trên gia cầm nhưng lại không gây chết gà (giống như cúm A/H5N1) nên rất khó phát hiện. Trong khi đó, nếu người ăn phải gia cầm sống và tiếp súc với gia cầm mang bệnh lai bị lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và gây tử vong cho người.

Một khó khăn nữa là đến nay chưa có vaccine phòng bệnh với chủng virus cúm này trên gia cầm và người. Nếu đàn gia cầm mang trùng chưa có khả năng gây bệnh thì cũng rất có khả năng kế phát các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt làm con vật suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của con vật.

Trên địa bàn nhiều huyện chưa có cơ sở giết mổ tập trung nên việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vận động người kinh doanh lấy sản phẩm từ lò mổ còn gặp nhiều khó khăn.

Chủ động các biện pháp phòng tránh

Ông Sơn đánh giá, với tốc độ phát triển và lưu lượng lưu thông hàng ngày về gia cầm như trên thì nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H7N9 và các chủng cúm gia cầm khác trên địa bàn thành phố là rất lớn.

Vì vậy, để chủ động phòng chống và ngăn chặn dịch, Chi cục Thú y Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp. Theo đó, trong quý I/2018 các quận huyện đã kiện toàn xong Ban chỉ đạo từ cấp huyện đến các phường, xã, thị trấn.

Ngoài ra, Chi cục cũng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của dịch cúm A/H7N9 và các chủng cúm gia cầm khác trên các phương tiện thông tin. Thực hiện tốt việc chia sẻ thông tin, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi. Nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng bắt buộc vaccine cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y.

Đồng thời thực hiện việc tốt việc vệ sinh cơ giới, tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn.Tập huấn các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm cho hệ thống thú y cơ sở và các đối tượng có liên quan như người tiêu dùng, chủ hộ kinh doanh. Nâng cao năng lực cho mạng lưới thú y cơ sở để đáp ứng yêu cầu thực tiễn chuyên môn tại cơ sở, sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra. Chuẩn bị các điều kiện tổ chức diễn tập các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt cúm gia cầm A/H7N9, chủ động đưa ra các tình huống để diễn tập ứng phó.

Tham mưu để UBND thành phố và các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn kiểm tra để tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn quản lý. Phối hợp với Chi cục Thú y/Chi cục chăn nuôi và Thú y các tỉnh thành phố lân cận để kịp thời thông tin về dịch bệnh nhằm tăng cường quản lý dịch bệnh về thành phố Hà Nội.

“Chúng tôi cũng đẩy mạnh việc lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút khác trên đàn gia cầm và môi trường nhằm phát hiện sớm để khoanh vùng xử lý nhanh gọn, không để lây lan ra diện rộng” - ông Sơn nói.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 60 mẫu swabs gộp, 74 mẫu môi trường, 600 mẫu swab đơn để giám sát lưu hành virus cúm;giám sát virus lở mồm long móng gia súc trên bò với 180 mẫu huyết thanh, 180 mẫu probang.

Đợt 1/2018, tổng diện tích phun phòng tiêu độc đạt 74 triệu mét vuông; các quận, huyện, thị xã hỗ trợ khoảng 294 tấn vôi bột để phục vụ cho công tác xử lý môi trường; tổ chức tiêm phòng vaccine cúm gia cầm tại tất cả các huyện, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn trong diện tiêm trở lên.

 


Theo Anh Thơ / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :