Chăn nuôi

Làm chuồng kỳ dị nuôi loài thú bay như chim, thu 45 triệu/tháng

Ngày đăng: 2019-07-03 06:45:35


Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) phát triển mô hình nuôi dơi lấy phân. Phân của loài thú biết bay ngủ ngày kiếm ăn ban đêm này bán cho các nhà vườn để bón cây trồng. Mô hình này khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình bà Trương Thị Quyên, ở ấp Đồng Sơn, xã Minh Thạnh đi tiên phong thực hiện mô hình này của huyện.

 
 

Cách đây 6 năm, khi giá mủ cao su xuống thấp gia đình bà Trương Thị Quyên đã thanh lý toàn bộ 3 ha cao su để trồng cây ăn quả, gồm 260 cây sầu riêng giống monthong và 1.000 cây quýt đường.

Sau một thời gian xuống giống, nhu cầu vốn để chăm sóc vườn cây tăng lên trong khi vốn của gia đình không nhiều nên vợ chồng bà gặp không ít khó khăn.

lam chuong ky di nuoi loai thu bay nhu chim, thu 45 trieu/thang hinh anh 1

Chuồng dơi của gia đình bà Trương Thị Quyên. Ảnh: HỒNG NGA

Trong một lần đi chơi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vợ chồng bà được tiếp cận mô hình làm chuồng dẫn dụ dơi về trú ngụ để lấy phân bón cho vườn cây ăn trái rất hiệu quả nên đã quyết định đầu tư thực hiện mô hình này.

Lần đầu thử nghiệm mô hình, gia đình bà chỉ làm 1 chòi, sau một thời gian thấy hiệu quả gia đình đầu tư thêm 3 chòi dẫn dụ dơi. Đến nay, ngoài việc phục vụ bón phân cho vườn sầu riêng, quýt của gia đình, gia đình bà đưa phân dơi về tiêu thụ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Quyên chia sẻ, dơi có tầm hoạt động trong phạm vi rộng, đi kiếm ăn khá xa nên muốn thu hút đàn dơi về ở thì điều trước tiên là người nuôi dơi phải bảo đảm độ an toàn ở khu vực bên trong và xung quanh chuồng dơi.

Vào mùa nắng nóng, người nuôi dơi cần bỏ bớt lá thốt nốt trong ổ ra để dơi được thoáng mát. Dơi rất sợ rắn lục, rệp, vì vậy cứ 5 - 6 tháng người nuôi cần thay lá ổ một lần vào ban đêm lúc dơi rời ổ đi ăn. Mỗi lần thay lá không quá 30 phút. Nếu chậm trễ, dơi trở về biết có người trong chuồng chúng sẽ bỏ chuồng đi luôn.

Loài dơi này sống theo đàn với số lượng lớn và chỉ ăn muỗi, bướm, rầy, thiêu thân... Tại cơ sở của gia đình bà Quyên, chuồng dơi được thiết kế theo hình lục giác, có 6 trụ cao từ 8 - 10m trở lên; nền chuồng dài 7 - 10m, ngang 3 - 5m.

Nóc chuồng dơi lợp bằng lá dừa nước, trên trần được lắp một cái sàn bằng cây để chịu từ 400 - 500 tàu lá thốt nốt (lá treo làm ổ cho dơi ở). Chi phí cho một chuồng dơi như vậy khoảng hơn 80 triệu đồng.

Trong quá trình nuôi dơi, người nuôi cần chăm sóc thường xuyên chuồng dơi, vào mùa mưa phải che kín bằng lá chầm bốn bên vách chuồng vừa làm ấm dơi vừa tránh được mưa tạt vào làm ướt dơi, ướt lá ổ.

Hiện phân dơi tươi được gia đình bà bán cho nông dân trồng cây ăn trái và hoa màu với giá 55.000 đồng/kg. Bình quân mỗi tháng, gia đình bà thu được 15 triệu đồng/1 chuồng dơi (45 triệu đồng/3 chuồng).

Mỗi năm, vườn quýt mang lại cho gia đình bà Quyên thu nhập trên 600 triệu đồng; đối với cây sầu riêng dự kiến trong vụ này doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. Ngoài thu nhập từ việc bán phân dơi, gia đình bà cũng không tốn nhiều chi phí phân bón cho vườn cây.

Theo ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Thạnh, đối với các loại cây như sầu riêng, bưởi da xanh, cam sành…nếu được bón phân dơi đầy đủ thì tuổi thọ kéo dài đến gần 20 năm và cho trái rất sai. Vì vậy, hiện phân dơi rất được nông dân trên địa bàn ưa chuộng và đang “cháy hàng” vì số lượng đặt hàng ngày càng nhiều trong khi nguồn cung thì có hạn

Ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Thạnh, cho biết hiện toàn xã có 20 chòi nuôi dơi, chủ yếu nằm ở các khu vườn rẫy xa khu dân cư nên không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

"Từ mô hình nuôi dơi lấy phân để chăm sóc cây trồng đã giúp nông dân trong xã giảm bón phân hóa học, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, giảm chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm vàtạo ra nông sản sạch. Ngoài ra, một lợi ích nữa là dơi cũng diệt được các loài côn trùng có hại cho cây trồng...", ông Trần Trung Dũng.

 


Theo Hồng Nga-Duy Phúc (Báo Bình Dương)





TIN TỨC KHÁC :