Giới thiệu phương pháp xác định độ mủ cao su

Ngày đăng: 2016-02-01 08:02:03


Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương có công văn số 01/HD-SKHCN về hướng dẫn áp dụng phương pháp xác định độ mủ cao su trong mủ nước để giao dịch, mua bán mủ nước trên địa bàn tỉnh như sau:

 

1. Lấy mẫu mủ cao su

a) Dụng cụ lấy mẫu

Dụng cụ lấy mẫu (cốc múc mủ có cán dài khoảng 1 m hoặc ống thủy tinh, ống nhựa có đường kính khoảng 10 mm đến 15 mm dài khoảng 1 m).

Cốc đựng mủ bằng thủy tinh hoặc bằng thép không rỉ có dung tích 1 000 ml và 100 ml.

b) Lấy mẫu

Mủ nước phải được khuấy hoặc trộn đều để tạo thành một khối đồng nhất trước khi lấy mẫu.

Dùng dụng cụ lấy mẫu lấy ở tất cả các phuy/bao/can đựng mủ nước. Mẫu mủ nước được lấy ở ba phần: lớp đáy, lớp giữa và trên, sao cho mẫu là đại diện cho cả phuy/bao/can. Mỗi phuy/bao/can lấy khoảng 100 ml cho vào cốc 1000 ml sau đó trộn đều thành một khối đồng nhất rồi lấy ra khoảng 50 ml cho vào cốc 100 ml để làm mẫu thử.

Mẫu sau khi lấy phải được chuyển ngay đến bộ phận xác định độ mủ.

 

2. Cách xác định độ mủ cao su

a) Thiết bị, dụng cụ

Bếp điện, bếp gas hoặc bếp dầu có thể điều chỉnh được nhiệt độ hoặc chiều cao ngọn lửa để tránh trình trạng cao su bị cháy.

Cân kỹ thuật chính xác đến 0,01 g (được kiểm định và còn hiệu lực).

Cốc cân mẫu bằng thủy tinh trong suốt hoặc bằng thép không rỉ hoặc bằng sứ có dung tích từ 20 ml đến 40 ml.

Chảo nhôm đáy phẳng, đường kính khoảng 15 cm có tay cầm.

Chài có tiết diện phẳng đường kính khoảng 4 cm.

Bình tia.

Đũa bằng thủy tinh hoặc bằng thép không rỉ để khuấy mẫu trước khi cân.

b) Cách tiến hành

Cân khoảng 10 g mẫu mủ nước được khối lượng m0 trong cốc cân, trên cân kỹ thuật chính xác đến 0,01 g.

Cho hết mẫu mủ nước vào chảo, tráng sạch cốc cân mẫu bằng khoảng 20 ml nước sạch, cho hết nước vào chảo.

Xoay đều chảo trên mặt phẳng cho mủ nước phân tán đều trên chảo.

Nướng mủ trong chảo trên bếp đồng thời xoay đều chảo cho đến khi nước bốc hơi hết (Mủ nổi phồng lên sau đó xẹp xuống). Nếu mẫu có nhiều đốm trắng nhỏ lấy chảo ra khỏi bếp dùng chài có tiết diện phẳng để ém các đốm trắng cho dính chặt vào chảo.

Tiếp tục nướng mủ trong chảo cho đến khi mủ có màu vàng trong đồng đều trong khắp chảo và có mùi thơm. (trường hợp mủ bị dính cục, có màu trắng sữa phía trong thì phải xác định lại).

Lấy chảo ra khỏi bếp và để nguội (có thể làm nguội chảo bằng cách đặt nhẹ chảo vào thau nước, không được để nước vào chảo).

Lột hết cao su trên chảo ra (Nếu cao su dính quá chặt vào chảo không thể lột hết, nghĩa là mủ đã bị nướng quá nhiệt độ và thời gian thì phải xác định lại).

Dùng cân kỹ thuật đã cân mẫu mủ nước để cân mẫu cao su khô sau khi nướng. Kết quả cân mẫu cao su khô được khối lượng m1 (tính bằng gram).

c) Tính toán kết quả

Độ mủ cao su được tính theo công thức sau:                      

Độ mủ (%) = m1 (g) : m0 (g) x 100                           

Trong đó:

m0: Khối lượng mẫu mủ nước trước khi nướng, tính bằng gram

m1: Khối lượng mẫu cao su khô sau khi nướng, tính bằng gram

Lưu ý: 

Trường hợp cân đúng 10 g mủ nước (nghĩa là khối lượng mủ nước trước khi nướng m0 = 10,00 g), áp dụng công thức rút gọn sau để tính: Độ mủ (%) = m1 (g)   X 10

Trong đó:

m1: Khối lượng mẫu cao su khô sau khi nướng, tính bằng gram

Trên đây là hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định độ mủ cao su trong mủ nước. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị tổ chức,cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Khoa học và Công nghệ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo.

 

UBND Bình Dương






TIN TỨC KHÁC :