Kỹ Thuật gieo ươm cây bạch đàn đỏ

Ngày đăng: 2015-04-15 11:44:24


Tên Việt Nam: CÂY BẠCH ĐÀN ĐỎ

Tên khoa học: Eucalyptus robusta

Họ: Myrtaceae

I. Đặc điểm hình thái

- Cây gỗ lớn, nơi nguyên sản có thể cao 20 – 30 m, đường kính 1 m. Thân hình trụ thẳng. Vỏ màu xám, dày, nứt dọc sâu, nhiều sơ. Cành non màu đỏ tím.

- Lá đơn mọc cách. Phiến lá hình trứng đến ngọn giáo rộng nhọn dài về phía đầu, gốc gần tròn hoặc hình nêm.

- Hoa màu trắng vàng, gồm 4 – 12 hoa hợp thành tán ở nách lá.

- Quả nang hình trụ hay hình trứng ngược.

II. Phân bố địa lý

- Cây nguyên sản ở Australia. Cây được nhâp trồng vào Việt Nam trồng ở Nghệ An (Cầu Cấm), Quảng Ninh (Cửa Ông), và các tỉnh Nam Bộ.

- Cây ưa khí hậu nóng, ẩm, đất tính acid, tầng đất sâu, độ phì cao, thoát nước. Trên đất nghèo xấu sinh trưởng rất kém. Cây sinh trưởng nhanh trong 10 – 15 năm đầu, sau chậm dần.

III. Giá trị kinh tế

Gỗ có dác lõi phân biệt, dác màu đỏ nhạt, lõi màu đỏ sẫm, vòng năm không rõ ràng, rộng hẹp không đều, cứng, thớ vặn. Gỗ dùng trong xây dựng, làm cột điện, trụ mỏ, thùng xe, đóng thuyền, ván sàn và đồ dùng thông thường. Gỗ dưới 15 tuổi có thể làm giấy, lá và cành non chứa 0,1% tinh dầu. Vỏ thân có nhiều tanin (20,5%).

IV. Một số thông số kỹ thuật về hạt giống

- Phương thức bảo quản:

+ Điều kiện thông thường, khô, thoáng mát, ở nhiệt độ 25 – 30oC, giữ hạt được khoảng 1 năm.

+ Bảo quản khô mát ở nhiệt độ 5 – 10oC, hạt giữ được 2 – 3 năm.

Không để hạt nơi ẩm, thấp, dễ thấm nước.

- Số hạt trong 1 kg khoảng 400.000 hạt.

V. Kỹ thuật thu hái, chế biến, bảo quản, gieo ươm tạo cây con

1. Thu hái, chế biến và bảo quản hạt giống

- Thu hái hạt giống trên những cây mẹ từ 8 tuổi trở lên. Cây mẹ được chọn phải có hình dáng đẹp, thân thẳng, chiều cao dưới cành từ 6 m trở lên, tán lá đều, không sâu bệnh, cụt ngọn, cây có sức sinh trưởng khá, chỉ thu hái những quả đã chín. Mùa ra hoa tháng 9 – 12, quả chín tháng 7 – 10 năm sau, thường ra hoa không đồng loạt.

- Quả sau khi thu hái đem về phải chế biến ngay. Phân loại quả, những quả chưa chín được ủ lại thành từng đống (đống cao không quá 50 cm và phải thông gió) từ 2 – 3 ngày cho quả chín đều, mỗi ngày đảo 1 lần. Quả chín đem rải đều phơi dưới nắng nhẹ (2 -3 nắng) để tách hạt ra khỏi quả. Sau khi hạt tách ra khỏi quả phải thu ngay để tránh ảnh hưởng của nhiệt độ cao, loại bỏ tạp chất. Khi phơi phải đảo trộn nhiều lần trong ngày. Không phơi quả trên nền xi măng; chỉ phơi trên vải, cót, nong, nia, … Hạt sau khi thu tiếp tục được phơi 1 – 2 nắng cho khô, đem sàng sảy hết tạp vật, thu hạt tốt cho vào bao vải hoặc chum, vại đem đi bảo quản.

2. Tạo cây con

2.1Làm đất gieo

Chọn đất cát pha nhẹ, mịn, kích thước hạt dưới 2 mm, mặt luống rộng 1m, gờ luống cao 15 – 20 cm, chân luống rộng 1,2 m. Sau khi sang phẳng mặt luống, tưới nước cho đất đủ ẩm để gieo hạt. Khử trùng đất trước khi gieo hạt 1 ngày bằng Benlat (6g Benlat hòa tan trong 10 lít nước phun đều cho 100 m2) hoặc dung dịch Boocđo 1% để phun lên mặt luống ươm cây với liều lượng 1 lít/4 m2.

2.2 Xử lý hạt giống

Hạt giống trước khi gieo được ngâm trong thuốc tím (KMnO4) nồng độ 0,05% trong 10 phút, sau đó vớt ra rửa sạch và cho vào túi vải ủ (mỗi túi từ 20 – 30 gram), mỗi ngày rửa lại trong nước ấm 1 lần và ủ lại, sau 3 – 4 ngày hạt nứt nanh đem gieo vào luống đã chuẩn bị sẵn.

2.3 Gieo hạt

Trộn đều hạt với cát khô theo tỷ lệ: 1 phần hạt + 3 phần cát. Khi gieo phải gieo từ từ, nhẹ nhàng để đảm bảo hạt được rải đều trên mặt luống. Sau khi gieo xong phủ 1 lớp (3 – 4 mm) cát mịn phủ lên trên. Tưới nhẹ một ít nước bằng bình có gắn vòi hoa sen cho đủ ẩm để hạt nảy mầm. Dùng rơm (hoặc cỏ khô, lá khô) đã qua khử trùng bằng nước vôi trong để che phủ mặt luống. Hàng ngày tưới nước đều (sáng sớm và chiều tối), đủ ẩm. Sau 3 – 4 ngày, cây mạ mọc đều thì bỏ lớp vật liệu che phủ (rơm, rạ, cỏ, lá khô).

2.4 Chuẩn bị bầu đất

Dùng túi bầu PE 7 x 12 cm đựng hỗn hợp ruột bầu, thành phần ruột bầu gồm 80% đất tầng AB + 20% phân hữu cơ đã hoai. Đất làm ruột bầu được đập sàn nhỏ trộn đều với phân và tiến hành đóng bầu. Bầu đất đóng xong được xếp đứng, thẳng hàng theo từng luống có chiều rộng 0,8 – 1 m, chiều dài tùy ý, khoảng cách giữa 2 luống là 0,4 m.

2.5 Cấy cây  và chăm sóc cây con

Sau khi gieo 4 – 5 tuần, cây mạ cao 5 – 7 cm thì nhổ để cấy vào bầu. Trước khi nhổ cây cấy vào bầu cần tưới đẫm nước cho luống gieo và luống bầu trước 1 giờ. Cấy xong che nắng 100% từ 4 – 5 ngày. Khi cây con bén rễ thì tháo dỡ dần dàn che ra, đến khi cây con được 1 – 1,5 tháng thì dỡ bỏ hoàn toàn và tiến hành đảo bầu.

Chăm sóc cây: Luôn đảm bảo cho cây đủ ẩm trong 03 tháng đầu, mỗi ngày tưới 4 – 5 lít/m2/1 lần, 15 ngày làm cỏ phá váng 1 lần và  tưới nước phân chuồng hoai hoặc phân NPK pha loãng 1%. Nếu cây bị vàng còi hoặc bạc lá dùng sulphát đạm và supe lân để tưới cho cây, pha nồng độ 0,1% - 0,2% tưới 2,5 lít/m2 hai ngày tưới 1 lần, sau khi tưới nước phân phải tưới rửa sạch bằng nước lã.

Phòng trừ bệnh thối cổ rễ cho cây con bằng dung dịch Boocđo 1% họăc thuốc Benlate (1g/1lít) phun đều trên mặt luống. Nếu bệnh xuất hiện pha nồng độ 6g/10 lít nước phun cho 100 m2, tuần hai lần, phun liên tục trong 2 – 3 tuần.

Thời gian nuôi cây trong vườn ươm từ 3 - 4  tháng, cây có chiều cao từ 35 – 40 cm, đường kính cổ rễ  3 – 4 mm thì có thể đem xuất vườn.

 

Trích nguồn: Giống cây trồng Nam Bộ






TIN TỨC KHÁC :