Kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng Muồng đen

Ngày đăng: 2015-12-21 10:11:42


Tên Việt Nam: MUỒNG ĐEN

Tên khoa học: Cassia siamea

Họ: Fabaceae

I. Đặc điểm hình thái

- Cây gỗ cao 15 – 20 m, đường kính 30 – 35 cm, vỏ thân gần nhẵn. Cành non có khía, phủ lông mịn. Tán dài, rộng.

- Lá kép lông chim 1 lần chẵn, mọc cách. Lá kèm nhỏ, dễ rụng.

- Cụm hoa chùy lớn ở đầu cành. Quả đậu, dẹt, nhẵn. Hạt dẹt, hình bầu dục rộng, màu nâu nhạt.

II. Phân bố địa lý

- Cây có nguồn gốc ở Đông Nam châu Á, mọc ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippin….

- Ở Việt Nam, cây mọc trong rừng từ Quảng Bình trở vào các tỉnh phía Nam như Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đồng Nai.

- Cây thích hợp ở những nơi có lượng mưa từ 600 mm/năm trở lên, nhiệt độ trung bình tháng lạnh 15oC, tháng nóng nhất 26 – 29oC, thích hợp với đất feralite đỏ vàng phát triển trên bazan, phiến thạch mica, đá vôi, thành phần cơ giới cát pha đến thịt nhẹ. Cây có thể mọc được trên đất khô cằn.

III. Giá trị kinh tế

Muồng đen thường được trồng theo hàng để che nắng, chắn gió cho các vườn cà phê.

Gỗ có dác lõi phân biệt, dác màu trắng vàng đến trắng, lõi màu nâu đậm đến đen tím. Thớ thẳng, kết cấu hơi thô, chất gỗ nặng. Lõi khó mục, không bị mối mọt, dùng trong xây dựng, đóng đồ gia đình cao cấp, đồ mỹ nghệ, …

IV. Một số thông số kỹ thuật hạt giống

- Nơi thu hái: Bình Phước.

- Phương thức bảo quản:

+ Điều kiện thông thường, khô, thoáng mát, ở nhiệt độ 25 – 30oC, phương thức này có thể duy trì sức sống của hạt 1 năm.

+ Bảo quản khô mát ở nhiệt độ 5 – 10oC,  có thể duy trì sức sống hạt được 3 – 4 năm.

- Trọng lượng 1.000 hạt: Khoảng 30 gram.

- Số hạt/1kg: Khoảng 33.000 hạt.

V. Kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng

V.1 Chuẩn bị đất trồng

- San ủi thực bì, đốt dọn, cày phá lâm phần bằng cày chảo 3.

- San bằng các gốc cây, gò mối, cày bằng cày chảo 7 hai lần để đạt độ tơi của đất.

Những nơi có độ dốc lớn, địa hình phức tạp không cày được thì tiến hành cuốc hố cục bộ.

7.2 Thiết kế mật độ trồng rừng

Tùy theo mục đích trồng và điều kiện khí hậu ở mỗi địa phương mà có mật độ trồng khác nhau (1.100 cây/ha, 883 cây/ha hoặc 550 cây/ha) để sau này cơ giới hóa được trong khâu chăm sóc và phòng chống cháy rừng. Muồng đen  thường được trồng xen với nhiều lòai cây gỗ khác họăc trồng xen với cây phụ trợ là các lòai cây họ đậu.

V.3 Đào hố

- Kích thước hố đào 40 x 40 x 40 cm.

- Hố được đào trước khi trồng rừng 7 – 10 ngày. Trường hợp đất được cày bừa thì hố đào được thực hiện cùng với quá trình trồng rừng. Bón phân NPK (15 – 15 – 15) từ 100 – 150 gram/hố hoặc phân hữu cơ sinh học từ 1,0 – 1,5 kg. Sau khi bón phân xong phủ một lớp đất mịn dày từ 2 – 3 cm.

V.4 Trồng cây

- Trước khi bỏ cây xuống hố phải xé túi bầu.

- Cho cây vào giữa hố, giữ cây thẳng đứng, dùng tay vun lớp đất mịn ở xung quanh vào gốc cây, vừa vun vừa nén chặt gốc, lấp đất cao hơn cổ rễ từ 2 – 3 cm, hố lấp hình mu rùa.

V.5 Chăm sóc

- Sau khi trồng 7 đến 10 ngày, những vị trí có cây con chết phải được trồng dặm ngay.

- Làm cỏ vun gốc 1 tháng sau khi trồng.

- Hàng năm định ký 6 tháng làm cỏ, bón phân, vun gốc một lần, lượng phân bón là 150- 200 gram NPK/lần bón. Bón phân trong 3 năm đầu.

- Sử dụng cơ giới để cày sạch cỏ giữa 2 hàng cây từ năm thứ nhất đến năm thứ 3, thực hiện 2 lần/năm.

V.6 Bảo vệ, phòng chống cháy rừng

- Ngăn chặn trâu bò vào phá hoại cây trồng, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân xung quanh vùng về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng.

- Phòng chống cháy rừng bằng cách cày làm sạch cỏ theo băng.

- Trên mỗi hàng cây cần dãy sạch cỏ, làm đường ranh ngăn lửa, đặt biển báo cấm đốt lửa trong rừng ngay ngoài bìa rừng.

 

 

Trích nguồn: Giống cây trồng Nam Bộ






TIN TỨC KHÁC :