Lâm nghiệp

Đường tồn kho cao kỷ lục, Hiệp hội Mía đường nói gì?

Ngày đăng: 2017-05-12 08:37:47


Hiệp hội Mía đường Việt Nam nói rằng nguyên nhân chủ yếu của việc đường tồn kho hiện nay là do tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại đường ngày càng phức tạp.

 

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến ngày 3.5, các nhà máy đường đã ép được 11,3 triệu tấn mía, sản xuất được 1,04 triệu tấn đường; trong đó đường RE là 314.000 tấn.

Đáng chú ý, lượng đường tồn kho hiện đã ở mức trên 717.000 tấn, riêng tồn kho tại nhà máy đã là 675.000 tấn. Trong đó, đường trắng tồn kho 337.000 tấn, đường luyện 313.000 tấn và đường vàng thô gần 67.000 tấn. Hiện vẫn còn 21/38 nhà máy tiếp tục sản xuất.

Đông Nam Bộ là khu vực đang có lượng đường tồn kho lớn nhất với 235.500 tấn, tiếp đó là miền Trung 222.000 tấn, miền Bắc 154.000 tấn và đồng bằng sông Cửu Long là 61.000 tấn.

Buôn lậu như chỗ không người

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA cho biết năm nào cũng có đường tồn kho, nhưng lượng tồn kho năm nay là quá cao và có nhiều nguyên nhân.

Theo ông Doanh, nguyên nhân đầu tiên là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết nên hầu hết các nhà máy đường năm nay vào vụ muộn so với các năm trước 15 ngày đến 1 tháng. Thậm chí, có những nhà máy ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long vào vụ nhưng không chạy liên tục, phải nghỉ giữa chừng nên lượng đường sản xuất ra dồn nhiều ở giai đoạn cuối.

Ông Doanh nói thêm một nguyên nhân có tác động khá lớn nữa là tình trạng buôn lậu đường và gian lận thương mại năm nay có diễn biến phức tạp hơn so với mọi năm. Hơn nữa, tạm nhập tái xuất và nhập không chính thức cũng chiếm một lượng khá lớn vào nước ta.

“Chúng tôi đến cửa khẩu Lao Bảo, việc buôn lậu diễn ra gần như công khai. Họ sang bao, xếp hàng lên xe tải và đem đi phân phối tự nhiên như chỗ không người”, ông Doanh nói.

Giá đường lậu hiện thấp hơn khá nhiều so với giá đường trong nước. Theo khảo sát của VSSA ngày 3.5, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội từ 15.600 - 16.300 đồng/kg, miền Trung từ 15.000 - 15.400 đồng/kg, TP.HCM từ 15.600 - 16.400 đồng/kg. Thế nhưng, giá đường Thái Lan nhập lậu ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) trong ngày 3.5 thì chỉ có 14.000 đồng/kg, ở Đông Hà 14.500 đồng/kg, ở biên giới Tây Nam 14.500 đồng/kg và ở TP.HCM là 15.000 đồng/kg.

Đáng chú ý là khoảng cách giữa giá đường trong nước với giá lậu đang được nới ra. Nếu như ngày 27.3, giá đường lậu ở TP.HCM thấp hơn đường nội từ 500 - 1.000 đồng/kg thì hơn 1 tháng sau đó (ngày 3.5), giá đường lậu thấp hơn từ 600 - 1.400 đồng/kg.

Còn ông Nguyễn Văn Hải, Tổng thư ký VSSA, nhận định không chỉ đường nhập lậu, đường tạm nhập tái xuất nhưng lại tuồn vào thị trường nội địa cũng đang được bán ở nhiều tỉnh phía Bắc với giá thấp hơn so với giá bán buôn của đường trong nước.

Theo ông Hải, tình trạng này xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Khi tàu chở đường từ Thái Lan tạm nhập qua cảng Hải Phòng để tái xuất sang Trung Quốc thì được lén đưa ra tiêu thụ ở Việt Nam với số lượng không nhỏ, giá thấp hơn nên gây khó khăn cho các nhà máy.

Khó cạnh tranh với đường Thái Lan

Một lý do nữa khiến đường tồn kho tăng là do chênh lệch giữa giá đường tiêu thụ trong nước và giá đường của Thái Lan. Giá đường tiêu thụ trong nước của Thái Lan không thấp hơn so với Việt Nam nhưng vì được bảo hộ nên giá đường xuất khẩu thấp hơn hẳn.

Còn về thị trường Trung Quốc, ông thông tin, Trung Quốc mặc dù có nhu cầu lớn về đường nhưng gần như họ đóng cửa thị trường nhập khẩu tiểu ngạch. Đường Trung Quốc nhập chủ yếu từ chính ngạch của Thái Lan, Úc là chính. Việt Nam chưa có đường nhập chính ngạch sang Trung Quốc.

Lý giải điều này, ông cho rằng chất lượng đường Việt Nam không thua kém so với Thái Lan. Lý do chủ yếu không thể cạnh tranh với Thái Lan khi vào thị trường Trung Quốc là yếu tố giá. Thái Lan trợ giá xuất khẩu đường thông qua hạn ngạch.

 

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng đường tồn kho là do nhập lậu - Ảnh: Trí Lâm

“Hội đồng mía đường Thái Lan cấp 3 hạn ngạch. Hạn ngạch A để sản xuất tiêu dùng trong nước cho các nhà máy, hạn ngạch B để xuất khẩu theo kế hoạch và C để xuất khẩu ngoài kế hoạch. Giá đường trong nước tiêu thụ theo giá thị trường, còn giá xuất khẩu thì được trợ giá. Do đó, giá đường xuất khẩu luôn luôn thấp hơn giá đường tiêu thụ trong nước và cũng thấp hơn so với giá của Việt Nam. Điều này khiến đường Việt Nam không thể cạnh tranh được. Hiện nay, một số quốc gia cũng đang có ý kiến về việc trợ giá của Thái Lan”, ông Doanh nhấn mạnh.

Theo vị này, ở Thái Lan, sản xuất đầu vào có chính sách rõ ràng. Họ hỗ trợ toàn bộ khâu giống cho người trồng mía. Ngân sách của Thái Lan hằng năm cấp kinh phí cho Bộ Nông nghiệp và các hợp tác xã của Thái Lan để họ ký kết hợp đồng với các viện và các trường để nghiên cứu ra giống mía chất lượng cao. Khi giống mía được công nhận thì họ cấp không giống đó cho nông dân.

Đối với lãi suất, quỹ mía đường Thái Lan hỗ trợ 1-2% lãi suất cho nông dân Thái Lan mua máy móc, thiết bị, vật tư. Giá mía của Thái Lan các nhà máy chỉ phải mua 500.000 – 600.000 đồng/tấn. Còn hiện nay, các nhà máy Việt Nam phải mua từ 1 - 1,1 triệu đồng/tấn. Riêng chi phí đầu vào đã cao hơn rất nhiều so với Thái Lan.

Giải pháp nào cho đường tồn kho?

Theo ông Doanh, để giải quyết tình trạng này, Nhà nước phải tăng cường biện pháp giảm lậu, giảm gian lận thương mại. Hiện nay, hàng buôn lậu chiếm gần một nửa lượng đường sản xuất trong nước là hết sức nguy hiểm.

Bên cạnh đó, các nhà máy đường cần phải điều chỉnh lại giá bán trong nước để không tạo ra khoảng chênh lệch quá lớn giữa giá tiêu dùng trong nước và giá nhập lậu. Cụ thể là các nhà máy đường phải hạ giá bán, khi khoảng cách này thu hẹp cũng hạn chế đường lậu và kích thích người tiêu dùng.

Tuy nhiên, giải pháp hạ giá đường cũng rất khó đối với các nhà máy. Trả lời tờ Tin Tức, bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường cồn Long Mỹ Phát cho hay, các doanh nghiệp không thể hạ giá bán thấp hơn hay tương đương với giá đường lậu để đẩy mạnh tiêu thụ, bởi trước đó, các doanh nghiệp đã phải nâng giá thu mua mía nguyên liệu để hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất.

“Chi phí thu mua nguyên liệu cao, kèm theo năng suất chất lượng giảm nên doanh nghiệp không thể hạ giá bán hơn nữa. Với giá thành sản xuất đường của Việt Nam như hiện nay thì khó có thể cạnh tranh được về giá bán so với đường Thái Lan hay Brazil”, bà Quy cho biết.

Ông Doanh cũng cho hay, khi vào mùa hè, lượng đường sử dụng sẽ nhiều lên và đến tháng 6 năm nay, các nhà máy đường cũng dừng sản xuất nên sẽ giảm cung và tăng cầu, điều này cũng sẽ góp một phần trong việc giảm lượng đường tồn kho trong thời gian tới.


Theo Hoài Phong / Một thế giới





TIN TỨC KHÁC :