Lâm nghiệp

Hạ rừng thông 20 năm tuổi để trồng mắc ca

Ngày đăng: 2017-08-28 07:30:06


Tỉnh Kon Tum đang cho khai thác hàng trăm ha rừng thông trên 20 năm để thực hiện các dự án trồng cây mắc ca, cây sim…

 

Mặc dù chính quyền địa phương khẳng định phần diện tích được chuyển đổi nằm ngoài quy hoạch du lịch nhưng nhiều người lo ngại việc này sẽ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, khí hậu không chỉ ở Măng Đen mà cả huyện Kon Plông.

Đã mất 312 ha rừng thông

Ngày 24-8, tại xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, những cây thông đường kính từ 15-30 cm bị đốn hạ nằm la liệt bên các triền đồi, nhiều nơi chỉ còn trơ lại cành, gốc. Ở nhiều quả đồi, rừng thông bị san phẳng, cây bị cắt nhỏ tập kết thành bãi chờ vận chuyển đi nơi khác. Một quả đồi sau khi đã tận thu hết gỗ bị đốt trụi. Cũng có quả đồi mới khai thác, cành lá đang còn tươi, nhựa thông đang rỉ ra.

Hạ rừng thông 20 năm tuổi để trồng mắc ca - Ảnh 1.

Nhiều diện tích rừng thông bị phá để trồng mắc ca ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

Theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, 198 ha rừng thông này thuộc tiểu khu 481, xã Đắk Long. UBND tỉnh Kon Tum đã thu hồi, chuyển mục đích sử dụng để cho Công ty TNHH Đăng Vinh (trụ sở tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) triển khai dự án trồng cây mắc ca. Hiện dự án này đã khai thác, tận thu gỗ được 91 ha.

Ngoài diện tích này, trên địa bàn huyện Kon Plông, nhiều khu vực khác cũng đang được chuyển đổi như hai bên đường dẫn vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một số cánh rừng thông đã bị đốn hạ, một số nơi đã đào hết gốc thông để san ủi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông có trên 2.000 ha rừng thông. Tỉnh chủ trương khai thác 800 ha rừng thông để thực hiện dự án, còn lại để tạo cảnh quan. Hiện đã cho chuyển đổi 312/800 ha rừng thông.

312 ha rừng thông được chuyển đổi để thực hiện dự án trồng cây mắc ca do Công ty TNHH Đăng Vinh làm chủ đầu tư; dự án bảo tồn sim rừng và xây dựng nhà máy chế biến rượu vang sim của Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn; dự án trồng rau, hoa, cây ăn quả, dược liệu dưới tán rừng của HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông...

Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết diện tích rừng thông chuyển đổi là khu vực đất cằn cỗi. "Quan điểm của tỉnh là làm sao để thu hút đầu tư và làm sao để rừng sản xuất phải đem lại hiệu quả kinh tế. Nếu không có dự án trồng mắc ca thì cũng phải khai thác diện tích thông trên vì cằn cỗi và trồng lại loại cây khác cho phù hợp" - ông Tuy nói.

Rủi ro với dự án mắc ca

Theo báo cáo 187/BC-SNN ngày 30-5-2017 của Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có hơn 146 ha mắc ca. Qua kiểm tra vào năm 2016, cây mắc ca sinh trưởng, phát triển kém đến trung bình. Sở cũng đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét chưa thực hiện phát triển nhân rộng sản xuất mắc ca trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2017-2020.

Vào tháng 4-2015, UBND tỉnh Kon Tum cũng có văn bản nhấn mạnh mắc ca là loại cây mới, Bộ NN-PTNT chưa quy hoạch phát triển. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau, ngày 17-8-2015, UBND tỉnh Kon Tum ra văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH Đăng Vinh thực hiện dự án trồng mắc ca. Đến tháng 1-2017, UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho công ty này thuê đất để thực hiện dự án trên.

 

Bà Trần Thị Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Đăng Vinh, thừa nhận ban đầu dự án chỉ trồng cây mắc ca. Tuy nhiên, do khuyến cáo của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Kon Tum cũng nhắc nhở về việc trồng cây mắc ca không đạt hiệu quả cao nên sau đó, công ty trồng theo hướng mới là xen canh giữa cây mắc ca với các loại cây khác như sầu riêng, bơ và cam.

"Chúng tôi đã gửi tờ trình đến UBND tỉnh Kon Tum. UBND tỉnh cũng động viên chuyển đổi loại cây trồng vì sợ cây mắc ca hiệu quả không tốt" - bà Tùng nói.

Mất sản phẩm du lịch

Ông Phạm Phúc, hướng dẫn viên du lịch ở Gia Lai, thường đưa các đoàn khách từ TP HCM và Hà Nội lên thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông tham quan du lịch vì khí hậu mát mẻ và những cánh rừng thông đẹp.

"Măng Đen không có sản phẩm du lịch gì nổi bật. Khách đến Măng Đen chủ yếu là đổi gió, tận hưởng khí hậu mát mẻ. Tôi nghĩ phá rừng thông thì sẽ mất cảnh quan, khách không đến nữa. Thực tế khi tôi đưa khách đi qua những cánh rừng thông bị phá thì khách cũng tỏ vẻ rất tiếc nuối" - ông Phúc nói.


Theo Hoàng Thanh / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :