Lâm nghiệp

Hà Tĩnh: Ứ đọng hàng ngàn khối gỗ Lào, hiệp hội doanh nghiệp cầu cứu Chính phủ

Ngày đăng: 2017-05-31 08:22:41


Gánh khoản nợ từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng do vốn bị ứ đọng từ sau khi chính sách chấm dứt xuất khẩu gỗ chưa thành phẩm của Chính phủ Lào và do vướng nhiều thủ tục trong nước khiến hàng nhập về không thể xuất bán, nên hàng chục doanh nghiệp tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Từ lá đơn cầu cứu của Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hương Khê tới Chính phủ trong hoạt động kinh doanh gỗ có nguồn từ Lào, PV Dân trí đã vào cuộc tìm hiểu. Có thể nói một cuộc khủng hoảng trầm trọng đang xẩy ra đối với các doanh nghiệp tại đây, kéo theo vô số hệ lụy sẽ xẩy ra nếu thực trạng này không có hướng tháo gỡ

Nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng tại Lào

Hơn một năm nay Công ty Quỳnh Nga, một trong những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ Lào tại thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) rơi vào cảnh điêu đứng, nợ nần chồng chất. Một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn là do hệ lụy từ sau Chỉ thị cấm xuất khẩu các mặt hàng gỗ chưa thành phẩm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên của Chính phủ Lào.

Đơn cầu cứu của Hiệp hội doanh nghiệp Hương Khê gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương đề nghị tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Đơn cầu cứu của Hiệp hội doanh nghiệp Hương Khê gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương đề nghị tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Trần Phát Đạt, Giám đốc Công ty Quỳnh Nga, trước khi Chỉ thị số 15/CT-TTg cấm xuất khẩu các mặt hàng gỗ chưa thành phẩm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên của Thủ tướng Lào được ban hành ngày 13/5/2016, Công ty Quỳnh Nga đã ký hợp đồng nhiều lô gỗ thương mại với các đối tác là doanh nghiệp Lào trị giá hơn 2 triệu USD. Các hợp đồng thương mại này là phù hợp với pháp luật trong nước và quốc tế. Sau khi kí kết Công ty Quỳnh Nga đã chuyển toàn bộ số tiền trên cho đối tác, đã tập kết hàng, chuẩn bị làm thủ tục chuyên chở về Việt Nam.

Tuy nhiên,sau khi Chỉ thị của Thủ tướng Lào ra đời đã khiến hợp đồng giữa Công ty Quỳnh Nga với các đối tác của Lào bị ách tắc, toàn bộ lô gỗ của công ty không thể xuất đưa về Việt Nam.

Từ tháng 5/2016 đến nay, doanh nghiệp của tôi không thể nhập hàng về Việt Nam, cũng không được các doanh nghiệp Lào hoàn trả vốn. Tất cả nguồn đầu tư này doanh nghiệp chúng tôi vay từ các ngân hàng thương mại với mức lãi suất cao nên hoạt động của công ty gặp quá nhiều khó khăn. Xe máy ngưng hoạt động, phần lớn công nhân đều đã nghỉ việc. Tình cảnh này chắc chúng tôi chỉ còn nước phá sản”- ông Đạt nói.

Hơn một năm nay hoạt động kinh doanh của Công ty Quỳnh Nga của ông Trần Phát Đạt tại thị trấn Hương Khê gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đạt cho biết doanh nghiệp đang có nguy cơ mất trắng 2 triệu USD do vướng Chỉ thị số 15/CT-TTg cấm xuất khẩu các mặt hàng gỗ chưa thành phẩm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên của Thủ tướng Lào.
Hơn một năm nay hoạt động kinh doanh của Công ty Quỳnh Nga của ông Trần Phát Đạt tại thị trấn Hương Khê gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đạt cho biết doanh nghiệp đang có nguy cơ mất trắng 2 triệu USD do vướng Chỉ thị số 15/CT-TTg cấm xuất khẩu các mặt hàng gỗ chưa thành phẩm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên của Thủ tướng Lào.

Là Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp huyện Hương Khê, nên ông Đạt càng rất hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh gỗ nơi đây. Theo ông Đạt, tại huyện Hương Khê ngoài doanh nghiệp của ông hiện có gần 40 doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu gỗ từ Lào, với số vốn lưu động xấp xỉ 47 triệu USD (gần 1000 tỷ đồng). Trong số này hiện các doanh nghiệp đang kẹt vốn tại Lào do hàng hóa bị ách tắc lên đến hàng trăm tỷ đồng.

“Các doanh nghiệp ở đây hiện hết sức khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ mất vốn ở Lào, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Nếu Chính phủ và các bộ ngành liên quan không can thiệp để Chính phủ Lào cho phép các doanh nghiệp của Lào xuất hàng cho doanh nghiệp Việt Nam đối với số gỗ đã ký hợp đồng và tập kết trước khi Chỉ thị 15 ngày 13/5/2016 ra đời thì nhiều doanh nghiệp như chúng tôi chắc chắn sẽ mất trắng vốn đầu tư” – ông Đạt nói.

"Ôm" gỗ chờ phá sản vì vướng giấy phép?

Trong điều kiện việc nhập khẩu gỗ bị ách tắc, nguy cơ mất vốn ở nước bạn Lào là rất cao, theo Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Hương Khê, các doanh nghiệp kinh doanh gỗ Lào hiện cũng đang khốn khổ với hàng loạt thủ tục rườm rà, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình xuất bán hàng hóa đã đưa về Việt Nam từ nhiều năm trước.

Một trong những thủ tục như thế, theo ông Đạt, đó là Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ NN&PTNT ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã cần bảo vệ theo công ước của Tổ chức bảo vệ động thực vật hoang dã quốc tế, gọi tắt là CITES. "Thực chất công ước CITES ra đời nhằm quản lý động thực vật hoang dã nguy cấp, quản lí tại gốc, do nước sở tại cấp phép. Đằng này gỗ của chúng tôi là gỗ hợp pháp, được Chính phủ Lào cho phép xuất bán trước đó, có thủ tục rõ ràng. Gỗ đã trở thành hàng hóa hợp pháp thì việc cấp giấy phép CITES không còn đúng mục đích quản lý động thực vật hoang dã nguy cấp nữa. Các doanh nghiệp muốn làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng gỗ trắc, cẩm, hương phải ra tận Bộ NN&PTNT để xin giấy phép này. Đây thực sự là điều rất bất hợp lí, nó như “sợi dây thòng lọng” đẩy doanh nghiệp chúng tôi đến tận cùng của khó khăn” – ông Đạt bức xúc.

Nhiều kho gỗ như thế này đang bị tắc tại thị trấn Hương Khê do vướng thủ tục. Thực trạng này càng khiến các doanh nghiệp thêm điêu đứng.
Nhiều kho gỗ như thế này đang bị tắc tại thị trấn Hương Khê do vướng thủ tục. Thực trạng này càng khiến các doanh nghiệp thêm điêu đứng.

Làm việc với Dân trí, ông Đặng Tất Đạt, Trưởng bộ phận pháp chế Hạt kiểm lâm huyện Hương Khê xác nhận tại huyện Hương Khê hiện tồn tại hàng ngàn m3 gỗ có nguồn gốc từ Lào không thể tiêu thụ do vướng giấy phép CITES.

“Gỗ các doanh nghiệp nhập về cách đây mấy năm có hồ sơ đầy đủ theo quy định, thời điểm đó không bị hạn chế bởi Cites. Nay lại phải có thêm giấy phép mới được xuất bán ra sẽ tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Đạt nói.

Ông Đinh Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết, Cục Hải quan Hà Tĩnh đã nhận được văn bản phản ánh của Hiệp hội doanh nghiệp Hương Khê về những vướng mắc trong việc xuất bán mặt hàng gỗ có nguồn gốc từ Lào. "Thực tế trong thời gian vừa qua doanh nghiệp kinh doanh gỗ gặp nhiều khó khăn do nhập hàng về không tiêu thụ được. Quy định là vậy nhưng nhiều khi trong quá trình thực hiện lại xảy ra nhiều bất cập. Chúng tôi đang xem xét và sẽ có đề xuất với các cơ quan chức năng liên quan”, ông Hòa nói.


Theo Văn Dũng / Dân Trí





TIN TỨC KHÁC :