Lâm nghiệp

Lãnh đạo Quảng Nam nói gì việc phát hiện phá rừng thì rừng đã mất?

Ngày đăng: 2017-10-06 07:47:43


Rừng ở Quảng Nam đang dần bị thu hẹp. Hậu quả là người dân phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, lũ lụt.

 

Liên tiếp các vụ phá rừng ở các tỉnh miền Trung thời gian gần đây gióng lên hồi chuông báo động về suy thoái tài nguyên, giảm đa dạng sinh thái, suy thoái môi trường. Hậu quả là người dân phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, lũ lụt.

Trong khi vụ phá gần 70 héc ta rừng ở tỉnh Bình Định chưa lắng xuống thì tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, cả trăm héc ta rừng đầu nguồn sông Tranh bị chặt phá không thương tiếc. Rừng ở Quảng Nam dần bị thu hẹp. Câu hỏi đặt ra: ai là người chịu trách nhiệm chính trong các vụ phá rừng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng?

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về vấn đề này.

 

lanh dao quang nam noi gi viec phat hien pha rung thi rung da mat hinh 1
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo xử lý nghiêm vụ phá rừng ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước.

PV: Thưa ông, liên tiếp các vụ phá rừng ở tỉnh Quảng Nam những năm gần đây được phát hiện khi rừng đã bị mất. Chúng ta có cả bộ máy chính quyền từ tỉnh đến thôn, các ban, ngành và đặc biệt là lực lượng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Vậy sao không ngăn chặn từ đầu? 

Ông Lê Trí Thanh: Tất nhiên khi phát hiện ra là rừng đã mất. Vấn đề ở đây là khi rừng mất thì chúng ta phải tìm ra các nguyên nhân, các biện pháp, lý do làm sao mà dẫn đến việc phá rừng như thế. Trong từng vụ việc như thế đều có phân tích, mổ xẻ, quy trách nhiệm và đều có hướng xử lý đối với từng vụ việc.

Về độ che phủ rừng thì Quảng Nam cũng cao nhất trong khu vực Duyên hải miền Trung. Về diện tích rừng tự nhiên Quảng Nam cũng cao nhất khu vực rừng miền Trung. Về địa hình phức tạp, hiểm trở, biên giới thì Quảng Nam cũng đặc biệt nhất ở khu vực miền Trung. Do đó, thỉnh thoảng xảy ra phá rừng.

PV: Khi các vụ phá rừng xảy ra thì dư luận luôn đặt câu hỏi có hay không lực lượng đứng đằng sau bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng phá rừng. Ông lý giải như thế nào về ý kiến này?

Ông Lê Trí Thanh: Khi vụ việc phá rừng xảy ra thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ. Với trách nhiệm quản lý nhà nước thì chúng tôi cũng đã giao cho cơ quan công an tiến hành điều tra, xem xét những vụ việc như thế có sự thông đồng, tiếp tay, sự bảo kê nào hay không? Tôi cũng đã nhiều lần khẳng định rồi, đối với Quảng Nam, nếu phát hiện ra những vụ việc bảo kê như thế thì dứt khoát phải xử lý. Tôi nói điển hình như vụ phá rừng pơmu, tỉnh Quảng Nam làm rất là nhanh để điều tra, khởi tố vụ án. Đến nay, nhiều đối tượng trong ngành cũng đã bị xử lý bằng nhiều hình thức cả về mặt Đảng, cả bên chính quyền.

lanh dao quang nam noi gi viec phat hien pha rung thi rung da mat hinh 2
Rừng ở xã Tiên Lãnh bị tàn phá để trồng keo.

PV: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rõ, địa phương nào để mất rừng thì người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm. Sau các vụ phá rừng thời gian qua ở tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là vụ phá hơn 140 héc ta rừng ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước vừa rồi thì trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đến đâu, thưa ông?

Ông Lê Trí Thanh: Khi mà có các vụ việc xảy ra như tôi đã nói thì phải có trách nhiệm liên đới. Còn trách nhiệm của từng cơ quan, từng đơn vị và từng thủ trưởng của cơ quan, đơn vị đó như thế nào thì phải được làm rõ, được phân tích rõ. Anh thiếu tinh thần trách nhiệm hay anh buông lỏng quản lý, không sâu sát cơ sở, không có biện pháp xử lý kịp thời…

Tất cả những nội dung này sẽ được đánh giá rất cụ thể để quy trách nhiệm của từng tổ chức, từng cá nhân. Tất nhiên chúng ta không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm nhưng phải làm rõ đúng người, đúng việc, đúng tội thì cái đó mới thật sự giải quyết được vấn đề quản lý, bảo vệ rừng.

PV: Xin cảm ơn ông!/.


Theo Hoài Nam/VOV-Miền Trung





TIN TỨC KHÁC :