Lâm nghiệp

Ngành tiêu mang vạ bởi vụ nhuộm pin!

Ngày đăng: 2018-04-28 06:50:56


Ngành hồ tiêu lo sợ các nước đối thủ nhân cơ hội vụ tiêu nhuộm pin "dìm hàng" tiêu Việt Nam

Ngành hồ tiêu đã thiệt hại nặng nề vì cây tiêu liên tục chết, tiêu rớt giá nay thêm thông tin hồ tiêu bị trộn tạp chất cà phê nhuộm than pin khiến người dân, thương lái và cả doanh nghiệp (DN) choáng váng.

Lo ảnh hưởng thương hiệu

Bà Bùi Thị Vượt - thương lái thu mua tiêu tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai - cho biết những ngày qua, giá hồ tiêu lên xuống thất thường nhưng dao động từ 61.000-62.000 đồng/kg. "Thông tin hồ tiêu bị trộn tạp chất nhuộm pin ở Đắk Nông khiến chúng tôi rất lo lắng. Tôi không dám mua về trữ như trước mà chốt giá, bán cho các đại lý lớn ngay trong ngày" - bà Vượt chia sẻ.

Theo ông Hoàng Phước Bính, thành viên Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, đã từng xảy ra hiện tượng trộn tạp chất là cọng tiêu, mủ tiêu vào hồ tiêu nhưng nhuộm tạp chất với than pin rồi trộn vào thì lần đầu tiên nghe nói. "Trong mua bán hồ tiêu cho phép tỉ lệ tạp chất 1%. Với giá bán khoảng 60.000 đồng/kg tiêu như hiện nay, nếu kinh doanh số lượng lớn thì lợi nhuận bất chính từ 1% tạp chất này sẽ rất cao. Việc trộn thêm tạp chất không độc hại còn có thể tha thứ nhưng trộn than pin thì không thể chấp nhận được" - ông Bính nói.

Ngành tiêu mang vạ bởi vụ nhuộm pin! - Ảnh 1.

Người dân không vui vì giá tiêu giảm mạnh giờ lại thêm lo lắng vì thông tin hồ tiêu bị trộn tạp chất nhuộm than pin Ảnh: HOÀNG THANH

Cũng theo ông Bính, thông tin đang lan truyền hiện nay đang gây nhiều bất lợi không chỉ cho nông dân mà cả ngành hồ tiêu Việt Nam. "Chúng tôi không sợ những bạn hàng chính thống không mua hàng mà sợ nhất những nước sản xuất trực tiếp như Malaysia, Brazil... nhân cơ hội này tạo dư luận không tốt nhằm hạ giá trị thương hiệu hạt tiêu Việt Nam" - ông Bính lo ngại.

Cần sớm xử lý nghiêm

Cho rằng cả ngành cà phê và hồ tiêu đang bị vạ lây, ông Đặng Tấn Huynh, Chủ tịch HĐQT HTX Hồ tiêu Đồng Thuận (tỉnh Đắk Nông), chia sẻ giữa lúc giá hồ tiêu thấp như hiện nay, người mua đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn thực phẩm. Chỉ trong tháng 4, HTX của ông đã tiếp 4 đoàn khách nước ngoài tìm nguồn tiêu sạch nhưng HTX không đủ hàng để cung cấp. "Trong vụ này, nếu ở nước ngoài sẽ có 3 tổ chức có thể kiện nhóm người vi phạm đòi bồi thường thiệt hại: người tiêu dùng kiện vì bị ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần; người trồng tiêu, cà phê kiện do giá giảm và người buôn bán cà phê kiện do ảnh hưởng doanh thu. Ở Việt Nam chưa có tiền lệ kiện ra tòa thì cơ quan chức năng cần sớm xử lý nghiêm vụ việc, có trừng phạt thích đáng các đối tượng vi phạm" - ông Huynh nói.

Chiều 27-4, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có thông cáo đánh giá vụ việc nói trên là hành vi gian lận nghiêm trọng vì nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng. "VPA thay mặt cho cộng đồng nông dân và các DN sản xuất, kinh doanh hồ tiêu cực kỳ lên án đối với hành động vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của các đối tượng trong vụ việc. Dù toàn bộ hồ tiêu trộn hỗn hợp cũng như số lượng hỗn hợp chưa pha trộn đã được cơ quan điều tra thu giữ, ngăn chặn kịp thời, các đối tượng chưa kịp bán ra thị trường làm thực phẩm ăn uống nhưng sự việc này rõ ràng đã ảnh hưởng tới thương mại và hình ảnh của ngành hồ tiêu Việt Nam" - thông cáo nêu rõ. Tuy nhiên, theo VPA, sự việc nhỏ và mới xảy ra nên mức độ tác động không lớn. Hiện các nhà máy chế biến hạt tiêu đều có hệ thống máy móc hiện đại, quản lý tiên tiến có thể loại bỏ nhanh chóng các tạp chất trong hồ tiêu. Đồng thời, các DN hồ tiêu cũng có biện pháp kiểm soát nguồn nguyên liệu, có kinh nghiệm và giải pháp chống các hành vi gian lận thương mại của đại lý. Tuy vậy, qua sự việc này, các DN kinh doanh, xuất khẩu hồ tiêu cần cẩn trọng hơn khi mua bán hồ tiêu nguyên liệu từ các đại lý, không ham rẻ mua hàng kém chất lượng và không chấp nhận các hợp đồng xuất khẩu với giá quá thấp so với thị trường.

 

VPA cho biết đối với thị trường trong nước, các sản phẩm tiêu bán tại kênh phân phối hiện đại như siêu thị sẽ ít rủi ro do hệ thống này yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng; sản phẩm bán tại đây có hồ sơ truy xuất nguồn gốc, có thông tin về chất lượng trên bao bì rất rõ ràng. "VPA kiến nghị cơ quan quản lý thị trường các địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh với các cơ sở thu mua nông sản ở các địa phương. Đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, các chợ truyền thống, nơi hạt tiêu có thể bán cho người tiêu dùng trong nước" - VPA nhấn mạnh.

Phú Quốc: Bán đất, bán luôn vườn tiêu

Trong lúc giá tiêu sụt giảm, giá đất "sốt" liên tục, nhiều người dân Phú Quốc sẵn sàng bán cả tiêu và đất. Ông Trần Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Cửa Dương (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) - cho biết Cửa Dương có diện tích đất trồng tiêu lớn nhất huyện đảo này với khoảng 300/520 ha toàn huyện, sản lượng đạt khoảng 400 tấn. Tuy nhiên, mùa tiêu năm nay, sản lượng và diện tích giảm chỉ còn khoảng 22,5% vì người dân phá vườn hoặc bán đất, bán luôn tiêu đang chín mà không cần thu hoạch. Ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, cho rằng do giá tiêu giảm, người dân không còn mặn mà với cây tiêu nữa nên nhiều gia đình chặt phá vườn tiêu để bán đất. Theo chủ trương của huyện, thời gian tới sẽ không tăng diện tích cây tiêu mà chỉ thay đổi hình thức canh tác để tăng năng suất tiêu.

H.TUẤN


Theo Hoàng Thanh - Ngọc Ánh





TIN TỨC KHÁC :