Thủy hải sản

Đặc điểm sinh học cá Hồi Vân

Ngày đăng: 2015-11-17 09:48:26


Thời gian gần đây, kết quả bước đầu nuôi thử nghiệm cá Hồi vân tại Lâm Đồng đã được một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải. Nhiều bà con nông dân đã liên hệ với chúng tôi bày tỏ nguyện vọng muốn nuôi đối tượng này. Tuy nhiên, đây là giống cá nước lạnh có nguồn gốc ôn đới nên chúng chỉ có thể nuôi được tại một số vùng có khí hậu lạnh của tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi xin giới thiệu một số đặc điểm sinh học để bà con nông dân tham khảo, so sánh với điều kiện thực tế của mình để có định hướng phù hợp khi quyết định nuôi đối tượng này.

1. Phân loại cá hồi vân


Cá hồi vân là loài cá nhập nội hiện đang được ương nuôi tại một số vùng của nước ta, được phân loại như sau:
- Bộ: Salmoniformes;
- Họ: Salmonidae;
- Giống: Oncorhynchus;
- Loài: O. Mykiss.
Tên tiếng Anh: Rainbow trout, tên khoa học: Oncorhynchus mykiss.

2. Phân bố của cá Hồi Vân

Cá hồi bao gồm một số nhóm có đặc điểm sinh sống khác nhau. Có nhóm sinh trưởng và phát triển ở các thủy vực nước ngọt sông hồ, có nhóm sống ngoài biển. Cá hồi vân Oncorhynchus mykiss, có nguồn gốc từ vùng biển Thái Bình Dương khu vực Bắc Mỹ, được di nhập vào nuôi ở nhiều nước châu Âu từ những năm 1890… Là loài cá được gia hoá và nuôi thành công sớm nhất trong các thủy vực nước ngọt.

3. Đặc điểm hình thái, sinh lý

- Cá hồi vân trên mình có các chấm màu đen hình cánh sao. Khi thành thục, trên lườn cá xuất hiện các vân màu hồng, đặc trưng ở những cá đực khi đến mùa sinh sản. Thông thường mùa sinh sản xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 5, có thể kéo dài đến tháng 8.
Giới hạn nhiệt độ: Cá hồi vân sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ nước từ 10 – 20 độ C. Chúng cũng có khả năng chịu nhiệt độ cao hơn tới 24 độ C trong một thời gian ngắn. Chúng không thể sống được khi nhiệt độ nước tăng.

- Ngưỡng ôxy hoà tan: Cá hồi vân sinh trưởng và phát triển tốt khi hàm lượng ôxy 7 mg/l. Tuy nhiên, chúng có thể chịu đựng được lượng ôxy hoà tan trong nước đạt ngưỡng ở mức 6 mg/l. Do vậy, hàm lượng ôxy hoà tan là một trong những yếu tố hết sức quan trọng khi chọn thủy vực để nuôi cá hồi. Thường cá hồi vân được nuôi ở các thủy vực tự nhiên và trong các hệ thống nước chảy.

- Độ pH: pH thích hợp cho cá hồi vân là 6,7 – 8,6.

4. Đặc điểm dinh dưỡng, sinh trưởng

- Dinh dưỡng: ở ngoài tự nhiên, khi còn nhỏ cá hồi vân ăn ấu trùng côn trùng, giáp xác nhỏ, động vật phù du. Khi trưởng thành chúng ăn giáp xác (ốc, trai…), côn trùng nước và cả cá con, nuôi trồng cá hồi vân thức ăn sử dụng chủ yếu là thức ăn công nghiệp.

- Sinh trưởng: Tỷ lệ sống của cá hồi vân trong giai đoạn ương cá con đạt cao hơn so với các loài cá hồi khác. Theo một số tài liệu cho thấy, trong điều kiện nuôi, từ cỡ cá khi thả là 30g, cá có thể đạt khối lượng bình quân 250 – 300g/con sau 8 tháng nuôi, 600 – 1.000g sau 2 năm nuôi và 2.000g sau 3 năm nuôi. Tuy nhiên, kết quả nuôi thử nghiệm bước đầu tại Lâm Đồng cho thấy cá nuôi 1 năm có thể đạt trọng lượng 1.000 – 1.500gam/con,. Cá hồi vân thành thục sau 2 đến 3 năm tuổi. Cá hồi vân lại có khả năng thích nghi cao trong các môi trường nuôi khác nhau. Vì thế cá hồi vân Oncorhynchus mykiss được di nhập vào nhiều nước trên thế giới để nuôi ở trong ao, lồng bè trên sông, hồ.

- Nguồn nước nuôi cá hồi: Có thể sử dụng các nguồn nước sau đây để nuôi cá hồi vân: Nước suối chảy từ núi cao hay từ mạch ngầm, hồ tự nhiên và hồ chứa. Các nguồn nước này phải sạch, đạt các chỉ tiêu về ôxy hoà tan, nhiệt độ, pH như trình bày trên. Đối với nguồn nước ngầm tự chảy thì cần phải làm giầu ôxy trước khi đưa vào hệ thống nuôi.
Sinh sản và nuôi thương phẩm

5. Đặc điểm sinh sản

- Cá hồi vân sinh sản tự nhiên trong các thủy vực nước lạnh. Chúng có tập tính đào tổ đẻ trứng. Một con cái có thể đẻ từ 700 – 4000 trứng/lứa đẻ.

- Sau khi đẻ, trứng được thụ tinh và ấp trong tổ.

- Gần đây cá hồi đã được nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo thành công. Cá bố mẹ được thu gom ngoài tự nhiên về nuôi vỗ tiến hành cho sinh sản. Cá bố mẹ có thể được thu từ tự nhiên hoặc thu từ các trại nuôi cá thịt. Cá hồi nuôi có đặc điểm là lớn nhanh, thành thục sớm, kích cỡ trứng lớn. Cá bố mẹ thường được nuôi vỗ riêng trong ao nước chảy. Mật độ thả thích hợp là 8.000 con/ha. Trong nuôi vỗ thành thục, tạo ăn thức ăn tự nhiên trong ao nuôi được đặc biệt chú ý. Tuy nhiên khi không đủ thức ăn tự nhiên thì cần phải cung cấp thức ăn nhân tạo, bổ sung chất dinh dưỡng theo yêu cầu của cá. Thông thường cá đực bắt đầu phát dục sau hai năm tuổi, còn cá cái thành thục muộn hơn khi chúng đạt ba tuổi. Cá đực ở lứa tuổi từ hai đến bốn năm là thích hợp nhất để cho sinh sản. Số lượng trứng hoặc sẹ sẽ tăng theo cỡ cá bố mẹ. Cá cái cỡ lớn hơn thì đẻ nhiều trứng hơn, kích thước trứng lớn hơn và ấu trùng cá nở ra cũng to hơn. Mùa sinh sản thường tập trung từ tháng 3 – 7 hàng năm.

- Trứng cá hồi vân có kích thước khá lớn, không dính và chìm trong nước. Thời gian trứng nở phụ thuộc vào nhiệt độ nước và dao động trong khoảng 100 ngày ở 3,9 độ C và 21 ngày ở 14,4 độ C. Giai đoạn điểm mắt (có thể nhìn thấy mắt qua vỏ trứng) đến khi nở là khoảng thời gian dài nên trứng có thể vận chuyển từ nơi này đến nơi khác để ấp nở.

 

Trích nguồn: nuôi trồng thủy hải sản






TIN TỨC KHÁC :