Thủy hải sản

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá rô đồng

Ngày đăng: 2016-03-19 08:54:49


Đặc tính cá rô đồng dễ nuôi, thịt thơm ngon, hiện nay đang có xu hướng phát triển ở Tây Ninh. Cá có thể nuôi ở nhiều loại hình mặt nước: Ao, mương vườn, nuôi kết hợp lúa… Nuôi lúa cá có thể đạt năng suất 200-400 kg/ha; nuôi cá ao: 20-40 tấn/ha.

 

I. Tập tính sinh học của cá rô đồng

     - Cá rô đồng là loài cá nước ngọt, tốc độ sinh trưởng tương đối chậm. Trong tự nhiên kích thước lớn nhất khoảng 20cm chiều dài.

     - Cá có cơ quan hô hấp phụ nên có thể sống được trong điều kiện thiếu oxy tạm thời nhưng mặt nước phải thoáng. Cá có thể di chuyển trên cạn tương đối xa.

     - Cá có thể sống được ở pH thấp (không nhỏ hơn 4), vì vậy có thể nuôi được ở vùng đất nhiễm phèn.

     - Cá rô đồng là loài cá ăn tạp và dễ tính trong lựa chọn thức ăn. Cá có thể ăn nổi trên mặt nước, trong tầng nước và cả ở đáy ao như: Các loại hạt, mầm hạt, thực vật non mềm, các loại động vật hợp cỡ có thể ăn như tép, giun, cào cào… Các rất thích thức ăn hỗn hợp ở dạng viên.

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá rô đồng

 

II. Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá rô đồng

1. Điều kiện ao nuôi cá rô đồng

    Cá có thể phát triển ở các dạng ao, nhưng có điều kiện bà con nên xây dựng ao như sau:

      Nguồn nước, chất đất: Ao có thể thiết kế ở vùng nhiễm phèn nhẹ, nguồn nước nên chủ động

      Diện tích ao: 100 – 2000m2

      Độ sâu: 1 – 2,5 m

            pH > 4

    Bờ ao chắc chắn, đủ độ cao an toàn trong mùa lũ (vùng có lũ); trên bờ ao phải có tường chắn cao 0,3-0,5m hoặc rào lưới để chống cá vượt bờ. Đáy ao nên nghiêng về cống thoát, cống được thiết kế dạng tràn tự động phòng khi mưa lớn.

2. Chuẩn bị ao nuôi cá rô đồng

a/ Đối với ao mới:

   Ao được xây chỗ thoáng, có ánh nắng, bờ ao sang bằng phẳng, có hệ số mái ít nhất 1,5 ( tuỳ chất đất) và được trồng cỏ để chống sạt lở, mặt bờ ao hơi nghiên để trút nước mưa ra ngoài.

b/ Các biện pháp chung (ao mới và cũ)

   - Tháo cạn nước, dọn cỏ bở, đắp bờ liền lạc, lấp hang hốc, lỗ mội để hạn chế nơi trú ẩn của địch hại và giữ nước tốt.

   - Vét bùn, chỉ chừa lại lớp bùn 10-15cm.

   Dùng vôi bột rải đều khắp bờ, đáy ao với liều lượng 7-10Kg/10m2. Đối với vùng nhiễm phèn có thể lên tới 15-20Kg/100m2.

   - Phơi nắng 2 - 3 ngày, sau đó bón phân chuồng ủ hoại với liều lượng: 30-50kg/1OOm2.

   - Cho nước vào khoảng 30-40 cm.

   - Sau 4 -5 ngày, khi nước có màu xanh lá chuối non thì cho nước vào đủ và thả giống.

lưu ý:

   - Toàn bộ nước đưa vào ao phải được lọc để loại bỏ cá tạp, địch hại...

   - Nếu sau khi bón phân lấy nước lần đầu từ 4-5 ngày, trời nắng tốt mà nước vẫn không có màu như yêu cầu, phải bón thêm phân urê hoặc DAP; nhất thiết ao phải có màu đạt yêu cầu mới thả nuôi.

 

3. Cách chọn cá rô đồng giống:

   - Cá phải đạt cỡ cá giống: 300-350 con/kg, không dị hình hoặc xây xát, màu sắc tươi, phản ứng nhanh nhẹn.

   - Cá giống thu, vận chuyển không bị xây xát và được chuyển đến ao bằng túi nilon bơm ôxy.

   - Thả cá cá giống được tắm nước nuối 3% l-2 phút, trước khi thả phải qua giai đoạn thuần nhiệt như sau: Thả túi chứa cá xuống ao 10- 15 phút, cho nước vào từ từ và thả ra ao.

   - Nên thả cá ở đầu gió.

 

4. Mùa vụ - mật độ nuôi cá rô đồng

   - Cá rô đồng có thể nuôi quanh năm, nhưng tốt nhất là vào khoảng tháng 5- l l. Mật độ: Nuôi cá kết hợp ruộng lúa nên thả từ 5-7con /m2 cho toàn điện tích, nuôi cá ao chuyên cá rô đồng có thể từ 30-50 con/m2.

 

5. Hướng dẫn cách quản lý chăm sóc cá rô đồng

a. Quản lý ao nuôi cá rô đồng

   Cần quản lý mức nước sâu ít nhất 1m để tạo không gian sống cho cá và ổn định nhiệt độ. Riêng màu nước là chỉ thị phản ánh chất lượng nước rất quan trọng. Bất cứ sự thay đổi bất thường nào của màu nước đều phản ánh sự thay đổi sâu sắc yếu tố thủy hóa, thủy sinh trong ao và ảnh hưởng trực tiếp đến cá nuôi.

Dù sức chịu đựng của cá rô đồng rất tốt nhưng khi màu nước quá đậm, bốc mùi hoặc chuyển sang màu xì dầu, bà con nên lưu ý xử lý để màu nước ao trở lại bình thường.

b. Quản lý trạng thái cá cá rô đồng

   - Hằng ngày cần quan sát nhẹ nhàng, thận trọng các hoạt động của cá khắp ao, kịp thời phát hiện những hoạt động bất thường của cá như : Tấp dạt vào bờ, bơi lờ đờ màu sắc, dấu vết bất thường trên thân cá để có hướng xử lý.

c/ Quản lý thức ăn của cá rô đồng

* Chất lượng thức án:

   Tuy trong tự nhiên cá rô đồng là loài ăn tạp nhưng lại thiên về động vật (ruột ngắn) nên về nguyên tắc thức ăn cá rô đồng có lượng đạm cân đối và hàm lượng đạm khá , hiện nay thức ăn công nghiệp dạng viên có hàm lượng đạm : 20-30% được thực tế chấp nhận, vì vậy khi tự chế biến thức ăn, bà con nên lưu ý hàm lượng nầy.

   Bà con nên tham khảo cỡ thức ăn phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cá mà nhà sản xuất có ghi trên bao bì.

   Ngoài ra, do cá rô đồng không ăn bằng phương thức lọc, nên đối với thức ăn tự chế biến, bà con nên có phụ liệu kết dính thức ăn, tránh lãng phí.

* Lượng thức ăn - cách cho ăn – Đối với thức ăn công nghiệp:

   Tháng thứ nhất: 7- 10% trọng lượng đàn cá.

   Tháng thứ hai-ba: 5-7% trọng lượng đàn cá.

   Tháng thứ ba-tư: 3-5% trọng lượng đàn cá.

- Đối với thức ăn tự chế biến: Nên xem như là thức ăn bổ sung và được cho ăn trên sàn ăn cố định quanh bờ ao (khoảng 3m l sàn), cho ăn xen kẽ thức ăn công nghiệp với lượng 5-7% trọng lượng đàn cá , cần kiểm tra sàn ăn trước khi cho ăn để điều chỉnh phù hợp (công thức đề nghị: 30% bột cá lạt, 60% cám gạo, 10% tinh bột trộn đều, nấu chín vắt viên, hoặc ép viên).

Hiện nay, hệ số thức ăn đối với thức ăn công nghiệp trung bình là: 2,3 (tức là cứ cho ăn 2,3kg thức ăn cá tăng trọng lkg).

Vì vậy khi cho ăn, đặc biệt thức ăn tự chế biến bà con nên qui ra thức ăn công nghiệp (chủ yếu theo lượng đạm) và ghi chép cẩn thận số lượng để ước sản phẩm và có những cải tiến phù hợp hơn cho các vụ sau.

 

6. Thu hoạch cá rô đồng

Cá sau 4 tháng nuôi có thể thu hoạch. Tuy nhiên, cần đánh giá sự tăng trướng của cá và thị trường để có quyết định hiệu quả .


Theo Hội Nông dân Tây Ninh





TIN TỨC KHÁC :