Thủy hải sản

Kỹ thuật nuôi cá Bống tượng, cá Chình

Ngày đăng: 2015-09-18 10:20:23


Cá bống tượng (Oxyeleotris marmoratus Bleeker) và Cá chình (Anguilla sp) là 2 loài đặc sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao, ngoài tiêu thụ nội địa, chủ yếu để xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan…

I- THIẾT KẾ CẢI TẠO AO NUÔI CÁ BỐNG TƯỢNG, CÁ CHÌNH

1. Xây dựng ao nuôi cá Bống tượng, cá Chình

– Ao nuôi nên xây dựng vùng đất ít bị nhiễm phèn, gần nguồn nước để cấp và thoát nước dễ dàng.

– Vị trí của ao ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng và gần nhà để tiện chăm sóc, quản lý.

– Thiết kế ao hình chữ nhật, chiều dài gấp 2-3 lần chiều rộng, bờ bao chắc chắn, không bị sạt lỡ. Diện tích 200 – 500m2, độ sâu mực nước ao là 1,5- 2m.

2. Cải tạo ao nuôi cá Bống tượng, cá Chình

– Ao cũ: Trước mùa vụ nuôi, ao được tháo cạn nước, vét bùn đáy ao, lớp bùn đáy ao không dày quá 15cm, tu sửa bờ bao, san lấp các hang hốc. Khi mặt đáy ao còn ẩm tiến hành bón vôi CaO (vôi đá) từ 7 – 10kg/100m2. Phơi đáy ao nứt chân chim thì tiến hành cấp nước vào qua túi lọc bằng vải Katê, đạt mực nước 1,5m – 2m. Kiểm tra pH nước đạt 7- 8 thì tiến hành bón phân gây màu bằng phân vô cơ DAP + Urê (tỷ lệ 1:1) với liều lượng 2-3 kg/1.000 m2. Sau khi bón phân, khoảng 5-7 ngày thấy nước có màu xanh vỏ đậu (độ trong 40-50 cm thì tiến hành thả giống.

– Ao mới đào: Sau khi đào ao xong, cần tháo rữa nhiều lần (nếu ao bị nhiễm phèn nhiều). Các bước còn lại chuẩn bị như ao cũ.

 


Tổng hợp kỹ thuật nuôi cá chình trong lồng - ao đất - bể xi măng bằng thức ăn công nghiệp

 

II- KỸ THUẬT NUÔI CÁ BỐNG TƯỢNG, CÁ CHÌNH

1. Chọn giống và thả giống 

a) Mùa vụ:

Mùa vụ nuôi cá chình có thể quanh năm, nếu có nguồn giống tốt và đủ nguồn nước sạch để cung cấp trong suốt quá trình nuôi.

b) Chọn giống:

Cá bống tượng, cá chình khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sắctươi sáng, bơi lội linh hoạt, cơ thể không xây xát, dị tật,…

+ Đối với các bống tượng: chọn cá đồng cỡ: 50 – 70g/con, 80 – 100g/con, 110 – 150g/con, 160 – 200g/con.

+ Đối với cá chình: Chọn cá có trọng lượng trung bình 35 – 50g/con

c) Thả giống cá Bống tượng, cá Chình:

Thả giống lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Cá mới mua về trước khi thả cần tắm qua dung dịch muối có nồng độ 2% trong thời gian 5-10 phút hoặc thuốc tím (KMnO4) 20g/m3 nước với thời gian từ 15 – 20 phút (có sục khí) để loại trừ kí sinh và sát trùng vết thương do xây xát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển. Mật độ thả: 1 – 2con/m2.

2. Chăm sóc, quản lý cá Bống tượng, cá Chình

2.1. Chăm sóc cá Bống tượng, cá Chình

+ Đối với cá bống tượng:

– Thức ăn cho cá chủ yếu là các loại tôm, tép, cá tạp còn tươi. Cá tạp bỏ ruột và đầu, rữa sạch, cắt nhỏ vừa miệng cá.

– Lượng thức ăn cho ăn hàng ngày bằng 3 – 5% tổng trọng lượng đàn cá trong ao. Cho cá ăn ngày 1-2 lần (sáng sớm và chiều mát), thức ăn cho vào sàng đặt cố định trong ao. Sau khi cho cá ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ kiểm tra lại sàng ăn để xem khả năng cá ăn mồi, qua đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp ở lần kế tiếp.

– Nên vệ sinh sàng ăn sau mỗi lần cho ăn để tránh nấm, sinh vật kí sinh, vi khuẩn bám có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cá.

– Nếu có điều kiện thì nên thay nước định kỳ 15-20 ngày để duy trì chất lượng nước ao, lượng nước thay bằng 20 – 30% lượng nước trong ao/1 lần thay.

– Nếu không có đủ nguồn nước tốt để thay thì nên định kỳ 15 – 20 ngày sử dụng chế phẩm sinh học 1 lần để làm giảm ô nhiễm nguồn nước ao.

+ Đối với cá chình:

Là loài ăn tạp, thiên về động vật, vì vậy thức ăn cho cá chình bao gồm: giun, ếch, nhái, cá tạp.

– Cho cá ăn mỗi ngày 1 – 2 lần vào lúc 6 – 7 giờ sáng và 5 – 6 giờ chiều. Lượng thức ăn bằng 5 – 10% tổng trọng lượng đàn cá có trong ao/ngày. Thức ăn được cho vào sàng đặt cố định trong ao, cứ 20m2 ao đặt 1 sàng ăn.

– Khi cá đạt trọng lượng 120 – 200gr/con, lượng thức ăn cho ăn giảm xuống còn 5 – 7% tổng trọng lượng đàn cá/ngày.

– Khi cá đạt 400g trở lên, lượng thức ăn bằng 3 -5% tổng trọng lượng đàn cá trong ao/ngày.

– Định kỳ kiểm tra sinh trưởng của cá (10 – 15 ngày/lần) để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

– Sau 3 giờ cho ăn, nâng sàng lên xem còn thức ăn hay không, nếu còn nhiều thì giảm lượng thức ăn cho lần sau. Tránh để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm nước ao nuôi.

– Sàng cho cá ăn phải được rữa sạch và phơi khô sau mỗi lần ăn.

2.2. Quản lý môi trường

– Hàng ngày theo dõi các yếu tố môi trường nước (pH, nhiệt độ, độ trong, ôxy hòa tan) và điều chỉnh kịp thời về ngưỡng thích hợp.

– Thường xuyên kiểm tra bờ bao, ống bọng, lưới rào và tu sửa kịp thời tránh cá thoát ra ngoài.

– Nếu có nguồn nước tốt và sạch nên định kỳ 15 – 20 ngày thay nước một lần, mỗi lần thay 20 – 30% lượng nước có trong ao.

– Nếu không đủ nguồn nước thay nên định kỳ 15 – 20 ngày sử dụng chế phẩm sinh học một lần nhằm làm giảm ô nhiễm nguồn nước ao nuôi.

3. Thu hoạch cá Bống tượng, cá Chình

– Cá bống tượng: Sau 9-10 tháng nuôi cá có thể đạt cỡ thương phẩm (400-800g/con) thì tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên, trong cùng ao nuôi kích cỡ cá không đều, nên thu hoạch cá đạt kích cỡ thương phẩm, còn cá nhỏ để lại nuôi tiếp.

– Cá chình: Khi cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu bằng cách kéo lưới và tát cạn ao bắt hết lượng cá còn sót lại. Chọn thời điểm thu hoạch lúc nhu cầu thị trường cần và có giá cao. Cá sau khi thu hoạch phải được rửa sạch, thả vào túi chứa nước sạch và bơm ôxy để chuyển đi tiêu thụ ở dạng cá sống.

III- BỆNH CÁ VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ 

1. Cá bống tượng:

1.1. Bệnh đốm đỏ hay bệnh lở loét

– Nguyên nhân: Do cơ thể bị xây xát tổn thương, các loại vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào những vết thương gây bệnh lở loét.

– Triệu chứng: Trên thân có những đốm đỏ hay vết loét. Cá bỏ ăn, bơi lội lờ đờ, chậm chạp, khi bệnh nặng hậu môn của cá bị viêm loét, xuất huyết vây bụng, bụng tích nước trương phồng lên.

– Phòng bệnh: Tắm cá bằng Formol (25ml/m3), giữ môi trường nước ao nuôi cá trong sạch và thay nước thường xuyên.

– Trị bệnh: Dùng Osamet Fish (10 – 20g trộn vào 1 kg thức ăn) cho cá ăn liên tục 7 ngày. Cũng có thể tắm cho cá bằng nước muối với nồng độ 2-3% trong thời gian 3 – 5 phút, có thổi khí.

1.2. Bệnh tuột nhớt

– Nguyên nhân: Bệnh chưa rõ nguyên nhân, có thể là do cá bị xây xát, từ đó vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng xâm nhập gây nên bệnh này.

– Triệu chứng: Khi mới phát bệnh, đuôi cá có vệt màu trắng, sau đó lan dần khắp cơ thể, toàn thân có màu trắng do vẩy và da bị trốc ra. Khi bệnh nặng cá cắm đầu xuống dưới sau thời gian thì chết.

– Phòng bệnh: Quản lý tốt các yếu tố môi trường, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học 15-20 ngày/lần.

– Trị bệnh: Tắm cho cá bằng Iodine (2g/m3), dùng Osamet Fish (10 – 20g trộn vào 1 kg thức ăn) cho cá ăn liên tục 7 ngày.

1.3. Bệnh ký sinh trùng

Bệnh ký sinh trùng bao gồm có nội ký sinh và ngoại ký sinh, bệnh hầu như xuất hiện quanh năm.  Bệnh do ký sinh trùng thường gặp trên cá nuôi bao gồm:

a) Bệnh trùng mỏ neo

– Tác nhân gây bệnh: Trùng gây bệnh có tên Lernaea, có dạng giống mỏ neo, cơ thể có chiều dài 8-16mm, giống như cái que, đầu có mấu giống mỏ neo cắm sâu vào cơ thể cá.

– Triệu chứng: Cá nhiễm bệnh giảm ăn, gầy yếu, chung quanh các chỗ trùng bám viêm và xuất huyết. Nơi trùng mỏ neo bám  là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

– Tác hại và phân bố bệnh: Bệnh gây tác hại lớn cho cá giống và cá hương. Trùn mỏ neo thường ký sinh ở da, mang, vây, mắt, … trên các loài cá như: cá chình, cá lóc bông, cá bống tượng, cá chép, cá mè, cá tai tượng…

– Phòng bệnh: Kiểm tra cá trước khi thả nuôi, nếu phát hiện có trùng mỏ neo ký sinh dùng thuốc tím 10-25gr/m3 tắm trong một giờ.

– Trị bệnh:

+ Dùng lá xoan (cây sầu đâu tây) liều lượng 0,3 – 0,5kg/m3 nước.

+ Hoặc sử dụng Hadaclean A trộn vào thức ăn theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất để điều trị.

b) Bệnh rận ở cá Bống tượng, cá Chình

Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng thường tập trung vào mùa mưa. Giai đoạn còn nhỏ, chỉ cần 1-2 con rận ký sinh là có thể làm cá chết. Cá chình có tập quán sống chui rúc nên rất dễ bị rận cá tấn công.

Phòng và trị rận: bằng cách vệ sinh môi trường trước khi nuôi cá bằng vôi bột. Khi thấy có rận bám vào cá, cần tắm cho cá bằng thuốc tím trong một giờ, hoặc phun thuốc trực tiếp vào ao nuôi với liều lượng 20-25 g/m3 nước, cần kiểm tra độ pH của nước, tạo môi trường kiềm sẽ hạn chế rận cá.

c) Bệnh nấm thủy mi

– Tác nhận gây bệnh: Do 2 giống nấm là Saprolegnia và Achlya.

– Dấu hiệu bệnh lý: Trên da cá xuất hiện những vùng trắng xám, có những sợi nấm nhỏ nhìn trong nước giống như sợi bông trên thân cá.

– Phân bố và lan truyền bệnh: Các giai đoạn phát triển của các loài cá nước ngọt, baba, ếch… đều có thể nhiễm nấm khi nuôi với mật độ dày. Nhiệt độ nước 18-25oC, thích hợp cho nấm phát triển.

– Chẩn đoán bệnh: Nhìn bằng mắt thường có thể thấy các sợi nấm nhỏ như sợi bông, mềm, tua tủa.

– Phòng bệnh: Áp dụng các giải pháp phòng bệnh tổng hợp.

– Trị bệnh:

+ Nếu cá có vết thương có thể bôi trực tiếp dung dịch iodine.

+ Muối: 25 – 30kg/m3/10 – 15 phút hoặc 10 – 15 kg/m3/20 phút, hoặc 2 – 3kg/m3 không giới hạn thời gian.

+ Dung dịch thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 100gr/m3 thời gian kéo dài cho đến khi cá xuất hiện sốc.

d) Bệnh trùng bánh xe

– Nguyên nhân: Do trùng bánh xe Trichodina ký sinh ở da và mang cá, bệnh thường phát triển vào những ngày trời không nắng, âm u hoặc mưa kéo dài.

– Triệu chứng: Màu sắc cá nhợt nhạt, thân cá có nhiều nhớt màu trắng đục; đuôi, vây bị xơ mòn, bơi lội không định hướng, thân cọ vào cây cỏ như bị ngứa.

– Trị bệnh:

+ Tắm cá: Dùng muối ăn (NaCl) nồng độ 2-3% tắm cho cá 5-10 phút

+ Phun thuốc trực tiếp xuống ao: dùng Formol : 15-25ml/ m3

f) Bệnh sán lá đơn chủ

– Tác nhân gây bệnh: Do sán lá đơn chủ 16 móc (Dactylogyrus) hoặc 18 móc (Gyrodactylus) ký sinh vào da và mang cá.

– Triệu chứng: Cá bệnh thường hô hấp kém do mang và da tiết ra nhiều dịch nhờn; tổ chức da và mang bị sán ký sinh sẽ viêm loét, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số vi sinh vật khác gây bệnh.

– Trị bệnh: Sử dụng các hóa chất giống như điều trị trùng mỏ neo.

* Chú ý: Khi tắm thuốc cho cá cần phải sục khí trong khi tắm, nếu thấy cá có hiện tượng khác thường như đớp khí ở mặt nước, cá quậy hỗn loạn hay nhảy lên khỏi dụng cụ chứa thì phải vớt cá ra ngay.

2. Cá chình

2.1. Bệnh nhiễm khuẩn

a) Bệnh nhiễm khuẩn do Acromonas

– Dấu hiệu bệnh: Cá con mẫn cảm với bệnh hơn cá lớn, tỷ lệ cá chết do bệnh có thể đến 80%. Cá bị sẫm màu từng vùng, xuất hiện từng mảng đỏ trên cơ thể, hoại tử phần vây, mắt lồi mờ đục và sưng phù, xoang bụng chứa dịch, nội tạng bị hoại tử.

– Phòng bệnh: Tránh nhiễm ký sinh trùng (nhóm nguyên sinh động vật), làm xây xát cá, nước bị nhiễm bẩn, mật độ nuôi quá dầy, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp.

– Trị bệnh: Dùng dung dịch thuốc tím (KMnO4) liều lượng 1 – 2kg/1.000m3nước.

b) Bệnh nhiễm khuẩn do Pseudomonas

– Nguyên nhân: Do thả mật độ quá cao, dinh dưỡng kém, hàm lượng ôxy hòa tan thấp, ao quá giàu chất dinh dưỡng.

– Dấu hiệu bệnh lý:

+ Xuất huyết tạo thành những đốm nhỏ trên da, bề mặt cơ thể, phần bụng có thể chảy máu. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể phá hủy mô và các nội quan. Tỷ lệ cá chết do bệnh này có thể lên đến 70 – 80%.

– Phòng trị:

+ Giảm mật độ  nuôi bằng cách san thưa cá ra.

+ Cung cấp nguồn nước sạch.

+ Tắm cho cá bằng dung dịch thuốc tím (KMnO4) liều lượng 3 – 5gr/m3 nước đến khi cá có dấu hiệu sốc thì bắt cá ra.

2.2. Bệnh ký sinh trùng:

(giống như trên cá bống tượng bao gồm: Bệnh trùng mỏ neo, bệnh rận cá, bệnh nấm thủy mi, bệnh trùng bánh xe và bệnh sán lá đơn chủ)

 

Tag: nuôi cá bống tượng, kỹ thuật nuôi cá chình, mô hình nuôi cá bống tượng, giống cá bống tượng, giống cá chính, ao nuôi cá chình, nuôi cá chình bằng lồng, nuôi cá chính ao nuôi tự nhiên, nuôi cá bống tượng tự nhiên, cung cấp con giống, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt


Theo TTKNKN Cà Mau





TIN TỨC KHÁC :