Thủy hải sản

Kỹ thuật nuôi cá Trắm cỏ trong lồng

Ngày đăng: 2015-11-20 07:38:11


Huyện Quảng Điền có hai nhánh sông Bồ chảy qua địa phận của huyện có chiều dài khá lớn. Bên cạnh đó có diện tích đầm phá Tam Giang kéo dài từ Quảng Thái đến Quảng Thành rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản.

 

Trong đó, diện tích mặt nước trên sông Bồ ở địa phận xã Quảng Phú rất thích hợp cho việc phát triển nuôi cá trắm cỏ trong lồng. Đến nay, toàn huyện có khoảng 826 lồng đưa vào nuôi trong đó lồng trên sông 426 lồng. Việc nuôi cá lồng có nhiều thuận lợi là: Tận dụng được diện tích mặt nước sẵn có để phát triển phong phú đối tượng nuôi. Chi phí làm lồng nuôi không cao, vật liệu sẵn có trên địa bàn. Bên cạnh đó, nuôi cá lồng trên sông, đầm phá giúp giải quyết một phần công lao động nhàn rỗi, để tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên việc nuôi cá lồng cũng gặp phải những khó khăn hạn chế là: Nuôi trong hệ sinh thái mở nên chịu hoàn toàn tác động của môi trường, dễ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước ở sông hồ, khả năng lây lan dịch bệnh nhanh.

 

I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA CÁ TRẮM CỎ

1. Đặc điểm hình thái cá trắm cỏ :

- Thân tròn dài, hơi dẹp bên, nhất là cuống đuôi. Bụng tròn, không có sống bụng.

Đầu tù hơi ngắn, miệng ở phía trước rộng, hình vòng cung không có râu. Hàm trên hơi dài hơn hàm dưới... Mắt bé ở hai bên đầu.

2. Tập tính sống của cá trắm cỏ :

- Là loài cá có khả năng thích ứng rộng với điều kiện môi trường, sống được trong môi trường nước tĩnh, nước chảy, sinh trưởng và phát triển bình thường trong môi trường có nồng độ muối từ 0 - 4 ‰

- Thích ứng với nhiệt độ:  13 - 30oC nhưng nhiệt độ tối ưu 22 - 28oC, pH thích hợp từ 6,5 - 7,5; ngưỡng ôxy 2 mg/l trở lên

- Cá thích sống ở tầng giữa và tầng dưới, nơi gần bờ có nhiều cỏ nước

3. Dinh dưỡng cho cá trắm cỏ :

- Ở giai đoạn nhỏ cá thường ăn tảo, chất vẩn, protozoa. Khi cá lớn cỡ 8 - 10cm thì chuyển sang ăn thức ăn thực vật bậc cao, nhất là cỏ.

- Thức ăn chủ yếu các loại thực vật ở dưới nước như bèo tấm, bèo cám, bèo hoa dâu, rong các loại. Các loại rau cỏ ở trên cạn như: lá lúa, cỏ, lá sắn, rau khoai, lá chuối,.... Ngoài ra cá còn sử dụng các loại thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, bột sắn...vv.

4. Sinh trưởng của cá trắm cỏ :

Cá có tốc độ sinh trưởng khá nhanh. Nuôi trong lồng cá 1 năm đạt trọng lượng trung bình đạt 0,8 - 1 kg, 2 năm đạt 3 - 4 kg.

Tốc độ phát dục của cá chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện môi trường. Cá đực thành thục sớm hơn cá cái 1 năm, Ở Việt Nam mùa vụ sinh sản cá trắm cỏ từ tháng 4 đến tháng 6 trong năm tập trung nhất vào tháng 5. Cá thành thục ở năm thứ 4 (3 tuổi +) .

 

II. VẬT LIỆU LÀM LỒNG VÀ CÁCH LẮP RÁP

lồng nuôi cá trắm cỏ, kỹ thuật nuôi cá Trắm cỏ trong lồng

1. Vật liệu làm lồng nuôi cá trắm cỏ :

+ Lồng được làm bằng tre (gỗ hoặc nhôm), lưới nylon, lưới B40, dây buộc và các cộc cố định lồng.

+ Tre làm lồng: Các loại tre già thẳng chắc, thường có đường kính 3 - 4 cm.

+ Vật liệu làm phao: thường được dùng các loại phi nhựa hay các loại can nhựa và phao để nâng lồng nuôi.

+ Lưới: kích thước mắc lưới 2a = 20 mm,

+ Lưới B40 dùng để bảo vệ lồng

+ Các loại dây buộc: thông thường được sử dụng bởi các dây thép dùng để cố định các vị trí buộc.

2. Kích thước lồng nuôi cá trắm cỏ :    

Lồng có hình hộp, kích cỡ phụ thuộc vào địa điểm nuôi

- Lồng nuôi cá trên sông: thường có chiều dài 6m, chiều rộng 4m, chiều cao 1,5 - 2m.

Tuỳ theo điều kiện của gia đình có thể làm lồng kích thước lớn hơn.

3. Cách lắp ráp lồng nuôi cá trắm cỏ :

- Khung lồng bằng tre hoặc bằng gỗ kích thước 6 x 4 x 1,5 m. Lắp khung đáy và khung nắp lồng có kích thuớc 6 x 4 m và 4 cọc đứng 1,5 m.

- Dùng lưới bao mặt đáy, nắp lồng và xung quanh 4 mặt lồng tạo thành hình hộp chữ nhật. Dùng dây buộc để cố định lưới vào khung lồng.

- Trên nắp lồng làm 1 cửa lồng để tiện chăm sóc và cho ăn.

- Dùng lưới B40 bao xung quanh lồng để bảo vệ lồng.

- Ráp phao vào khung lồng: Dùng các thùng phi, can nhựa hoặc phao nổi cố định vào 4 cạnh của nắp lồng. Ráp phao vào khung lồng sao cho nắp lồng cách mặt nuớc 10cm.  

4. Neo lồng:

Sau khi lắp ráp, đưa lồng xuống vị trí đặt lồng.

- Dùng dây gấc, mây hoặc dây thép cố định lồng bằng các neo trụ ở giữa sông hoặc nối lồng với dây buộc ở trên bờ (đóng cọc ở ven bờ để buộc dây).

 

III. CHỌN VỊ TRÍ ĐẶT LỒNG NUÔI CÁ TRẮM CỎ

1. Địa điểm đặt lồng nuôi cá trắm cỏ :

- Nuôi lồng trên sông phải có mức nước sâu trên 3m, lưu tốc dòng nước không quá 0,3 - 0,5 m/s.

- Vị trí đặt lồng có nguồn nước sạch không bị nhiễm bẫn bởi nước thải sinh hoạt hoặc nước thải công nghiệp để đảm bảo cá không chết do nhiễm khí độc.

- Lồng nuôi trên sông có đáy lồng phải cách đáy sông hồ ít nhất 0,5 m để phân cá và các chất dư thừa lắng xuống và trôi đi. Không đặt lồng gần bờ có nhiều bóng cây, rong cỏ làm cá dễ bị thiếu Oxy.

- Nếu gia đình có nhiều lồng thì đặt xen kẽ nhau 3 - 5m, đặt so le nhau để tăng lưu tốc dòng nước qua lồng.

- Nếu nhiều hộ nông dân tham gia nuôi cá lồng cần bố trí lồng này cách lồng kia ít nhất từ 10 – 15 m. Nếu đặt lồng theo cụm thì khoảng cách giữa các cụm lồng ít nhất từ 15 – 20 m. Lồng trong một cụm nên đặt so le để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

2. Môi trường nước nơi đặt lồng nuôi cá trắm cỏ .

- pH nước:

+ Đặt lồng trên sông có pH: 6,5 - 7.

- Hàm lượng oxy hoà tan: > 5 mg/l.

- Chất đáy nơi đặt lồng: đất cát pha bùn.

 

IV. KỸ THUẬT NUÔI CÁ TRẮM CỎ LỒNG

1. Chọn cá giống:

- Cá đồng đều kích cỡ, khoẻ mạnh không xây xát, không mất nhớt, không dị tật, bơi lội nhanh nhẹn, kích cỡ đạt trên 20 cm.

- Không nên thả cá khi thấy có đốm đỏ, hoặc trắng, vây bị ăn mòn hoặc trầy xước.

2. Thả cá giống:

a. Mùa vụ thả:

- Lồng nuôi trên sông: tháng 2 - 3 hoặc thả sau lũ

Thời gian nuôi 1 năm lúc này cá đạt 1 kg có thể thu tỉa.

b. Mật độ thả:

Nuôi cá lồng trên sông: 30 - 35 con/m3.

c. Cách thả giống:

Khi vận chuyển giống cá về, ngâm bao cá trong lồng khoảng 10 - 15 phút nhằm cân bằng nhiệt độ, sau đó mở túi ra cho nước vào từ từ để cá tự bơi ra.

d. Thời gian thả giống:

Thời gian thả cá vào sáng sớm hoặc buổi chiều, thời gian thả tốt nhất là:

Buổi sáng: từ 6 - 8 giờ.

Buổi chiều: từ 16 - 18 giờ.

Tránh thả cá vào giữa trưa, trời sắp mưa và những ngày mưa lớn kéo dài.

3. Tắm cá giống trước khi thả:

Để đảm bảo cá giống trước khi thả đạt tỷ lệ sống cao, không bị ký sinh trùng và nấm phát triển trên cơ thể cần tắm cá bằng:

+ Hoà tan thuốc tím liều lượng 5 - 7 g/m3 nước. Tắm cá trong thau hoặc xô lớn trong vòng 5 phút.

+ Tắm bằng nuớc muối có độ mặn 5 - 7‰, trong thời gian 5 phút.

 

Chú ý: Khi cho cá tắm phải có máy sục khí để cá không bị ngột do thiếu oxy.

4. Thức ăn và khẩu phần ăn cho cá:

- Chủ yếu sử dụng các loại thức ăn xanh bao gồm: lá sắn, cỏ, rong các loại,...không chứa độc tố, luợng thức ăn xanh chiếm 40% luợng thức ăn trong ngày. 

- Cho ăn từ 5 - 7%  trọng lượng thân.

- Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn cho cá, có thể trồng thêm cỏ, sắn, rau các loại.

- Trong quá trình nuôi, cần bổ sung thêm thức ăn công nghiệp dạng bột nổi để cá tăng trưởng tốt.

5. Phương pháp cho cá trắm cỏ ăn:

- Thức ăn đưa xuống lồng nuôi thành nhiều đợt để tất cả cá đều được ăn.

- Quan sát hoạt động bắt mồi của cá, theo dõi mức tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

- Hàng ngày vớt thức ăn thừa ở trong lồng trước khi cho thức ăn mới.

6. Chăm sóc và quản lý lồng nuôi cá trắm cỏ :

a. Vệ sinh lồng:

- Trước khi thả và sau một đợt thu hoạch: Đem lồng lên cạn, dùng vôi quét mặt trong và ngoài lồng, sau đó phơi khô 1 – 2 ngày.

- Trong quá trình nuôi, định kỳ 2 lần/tuần vệ sinh, cọ rửa các tạp chất bám ở trong và ngoài lồng.

- Hàng ngày, trước khi cho ăn vớt bỏ thức ăn dư thừa trong lồng, cho cá ăn thức ăn sạch.

b. Môi trường nước nuôi:

-  Dùng vôi Nông nghiệp khử trùng và khử chua cho môi trường nước.

- Treo túi vôi 2 – 4 kg/túi ở vị trí đầu nguồn nước. Khi vôi tan hết tiếp tục treo túi khác.

- Định kỳ 7 – 10 ngày hoà tan 2 – 3 kg vôi  tạt trong lồng và khu vực nuôi để phòng bệnh cho cá, làm sạch môi trường nuôi xung quanh.

- Định kỳ 7 ngày/lần dùng vitamin C trộn vào thức ăn công nghiệp với liều luợng 2 - 3 g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.

7. Thu hoạch:

Sau thời gian nuôi 8 - 10 tháng cá đạt trọng lượng 1 - 1,5 kg/con thì tiến hành thu hoạch, tuỳ theo giá cả thị trường có thể thu tỉa hoặc thu hết một lần.

 

V. MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÁ VÀ CÁCH PHÒNG TRỪ

1. Bệnh xuất huyết do virus:

bệnh xuất huyết do virus, kỹ thuật nuôi cá Trắm cỏ trong lồng

* Dấu hiệu bệnh lý:

- Ðầu tiên cá yếu bơi lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn.

- Gốc vây, nắp mang, xoang miệng xuất huyết, mắt lồi xuất huyết, hậu môn, gốc vây chuyển sang màu đỏ.

- Cơ dưới da xuất huyết cục bộ hoặc xuất huyết toàn phần.

- Ruột xuất huyết nhưng không hoại tử.

- Cá bị bệnh từ 3 - 5 ngày có thể chết, tỷ lệ chết 60 - 80%, có khi chết đến 100%.

- Cá bị bệnh từ 6 - 25cm, thường giai đoạn dể cảm nhiểm từ 15 - 25cm (0,1-0,5 kg/con).

* Phòng bệnh:

- Tạt vôi nông nghiệp trong lồng và xung quanh vùng nuôi  với liều lượng 5 - 7kg/lồng.

- Dùng Erythromyxin: trộn vào thức ăn từ 3 - 7 ngày, dùng 2 - 5 g/100kg cá/ngày.Sau đó sang ngày thứ 2 trộn vào thức ăn 4 g/100kg cá, từ ngày thứ 3 - 5 giảm còn một nửa. Vitamin C liều dùng thường xuyên 2 - 3g/1kg cá /ngày, liên tục 7 - 10 ngày.

* Trị bệnh:

- Không có thuốc trị đặc hiệu cho bệnh này.

2. Bệnh viêm ruột:

* Dấu hiệu bệnh lý:

- Xuất hiện các đốm đỏ lở loét trên thân, vây bụng.

- Vây xuất huyết rách nát, cụt dần.

- Mang xuất huyết dính bùn hậu môn viêm đỏ.

- Ruột chứa đầy hơi và hoại tử, bệnh tích điển hình ruột trương to, chứa đầy hơi.

- Cá bị bệnh từ 1 - 2 tuần có thể chết, tỷ lệ chết 30 -  40%.

- Bệnh thường gặp ở giai đoạn cá giống.

* Phòng bệnh:

- Tạt vôi nông nghiệp trong lồng và xung quanh vùng nuôi  với liều lượng 5 - 7kg/lồng.

- Dùng 20 - 30g tỏi + 2kg cây chó đẻ /100kg cá trộn vào  thức ăn cho ăn 2 - 3 ngày

* Trị bệnh:

- Oxytetracyline HCl trị các bệnh nhiễm khuẩn như: đốm đỏ, hậu môn sưng đỏ trên cá nước ngọt.

3. Bệnh trùng bánh xe:

*Dấu hiệu bệnh lý

Khi mới mắc bệnh, trên thân, vây cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy, thường nổi từng đàn lên mặt nước. Một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi bệnh nặng trùng bám dày đặc ở vây, mang, phá huỷ các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội mất phương hướng. Cuối cùng cá lật bụng mấy vòng, chìm xuống đáy ao và chết.

*Phòng trị bệnh:

Dùng nước muối NaCl: 2 - 3 g/1lít nước tắm cho cá 5 - 15 phút.

4. Bệnh trùng mỏ neo:

* Dấu hiệu bệnh lý:

Da, mang, vây của cá bệnh có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể thấy rõ bằng mắt thường (người nuôi cá còn gọi là bệnh vẩy nhớt). Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt.

Cá bệnh nổi đầu trên tầng mặt, bơi lờ đờ yếu ớt. Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá yếu quá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.

* Phòng trị bệnh

Dùng lá xoan bó thành từng bó, ngâm xuống ao với liều lượng 1 - 2 kg/ 1000 m2 ao.

5. Bệnh rận cá trắm cỏ:

Bệnh rận cá trắm cỏ, kỹ thuật nuôi cá Trắm cỏ trong lồng

* Tác nhân gây bệnh: Argulus

- Cơ thể dẹp, rộng hình bầu dục. Cơ thể có màu sắc gần giống với màu sắc của ký chủ để dể bảo vệ.

- Phía đầu có dạng hình lá, dính liền với đốt ngực thứ nhất tạo thành phần đầu ngực. Ngoài ra có 5 đôi phần phụ.

- Không qua ký chủ trung gian

- Rận cá thường ký sinh ở vây, mang của cá, cào rách tổ chức da cá làm cho cá bị viêm loét tạo điều kiện cho các tác nhân khác xâm nhập. Rận cá dùng tuyến độc qua ống miệng tiết chất độc phá hoại ký chủ.

* Dấu hiệu bệnh lý:

- Cá ngứa ngáy, vận động mạnh, bơi cuồng dại, cường độ bắt mồi giảm.

- Nhìn thấy rận ký sinh trên cá bằng mắt thường.

* Phòng bệnh:

Dùng biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

Phòng bệnh bằng cách lách vụ nuôi.

* Trị bệnh:

- Thuốc tím tắm cho cá 10g/m3  trong 30 phút.

- Formalin nồng độ 20 – 25 ml/m3 nước, phun xuống ao.

 

TT Khuyến Nông Quảng Điền

 

Từ khóa: kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ trong ao, mô hình nuôi cá trắm cỏ, kỹ thuật nuôi cá trắm đen thương phẩm, nuôi cá trắm đen trong bể, hướng dẫn nuôi cá trắm đen, cách nuôi cá trắm đen, kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ trong ao, nuôi cá trắm cỏ bằng thức ăn công nghiệp






TIN TỨC KHÁC :