Thủy hải sản

Kỹ thuật nuôi Cua đồng

Ngày đăng: 2016-04-28 02:22:27


Cua đồng là đối tượng thủy sản quen thuộc, gắn bó với bà con nông dân của chúng ta từ xưa đến nay. Nuôi cua đang là một nghề mới rất hấp dẫn người dân và rất có tiềm năng. Cua sống hoang dã, rất ít bệnh tật nhưng khi đưa vào nuôi với mật độ cao hơn so với ngoài tự nhiên; cũng cần một số biện pháp kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao.

 

con cua đồng, Kỹ thuật nuôi cua đồng hiệu quả cao
Kỹ thuật nuôi cua đồng

Xin giới thiệu mô hình nuôi cua trong ao và trong ruộng lúa; tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng hộ mà chúng ta áp dụng:

 

Chuẩn bị ao, ruộng nuôi:

Nguồn nước phải chủ động, không ô nhiễm.

Có cống cấp và cống thoát nước riêng biệt.

Đáy ao tốt nhất là đất thịt, có lớp bùn dày 20cm là vừa.

Ao nuôi có diện tích từ 300 - 1.000 m2, độ sâu 0,8 - 1,2 m.

Xung quanh bờ phải rào bằng đăng tre, tấm nhựa hoặc lưới cước đặt nghiêng về phía ao không cho cua thoát ra được.

Đối với ruộng nuôi:

- Diện tích ruộng nuôi từ 1/3 đến 2/3 ha là vừa, ruộng phải bằng phẳng. Chất đất tốt nhất là đất thịt.


Kinh nghiệm kỹ thuật nuôi cua đồng thương phẩm - Mô hình nuôi cua đồng trong ao bèo

 

Thiết kế xây dựng ruộng nuôi cua đồng

- Xung quanh bờ ruộng phải có rào chắn ngăn không cho cua bò đi khỏi ruộng nuôi. Rào chắn có thể làm bằng Fibro - ximăng hay bạt cao su, rào chắn cao ít nhất là 40cm so với mặt bờ, rào nên cho nghiêng về phía ruộng nuôi không cho cua trốn đi.

- Đào mương nuôi: có hai cách:

Đào mương nuôi cua ở góc ruộng, diện tích mương nuôi bằng 5% diện tích ruộng, mương nuôi rộng 4 - 6 m, sâu 1 - 1,5 m.

Đào mương bao quanh và mương giữa.

Tổng diện tích các mương bằng 15 - 20 % diện tích ruộng.

Các cống thoát nước đều phải được chắn bằng đăng tre hoặc lưới cước phù hợp, đầm chắc nơi đặt cống để hạn chế cua đào hang.

 

Cách cải tạo ao, ruộng nuôi cua đồng

Trước khi nuôi 1 - 2 tuần, tiến hành tát cạn nước để diệt hết địch hại của cua và tiêu diệt mầm bệnh, bằng cách bón vôi 7 - 10 kg/100 m2, phơi nắng 3 - 5 ngày sau đó cấp nước vào ao, đối với ruộng thì cấp nước vào nhưng không cho nước tràn lên ruộng, chỉ khi nào đến thời kỳ lúa sắp làm đòng mới cấp nước lên ruộng cho cua lên ruộng tìm thức ăn.

- Tiến hành gây màu nước cho ao bằng phân chuồng hoặc phân hóa học để tạo nguồn động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cua giống mới thả.

- Trong ao, ruộng nuôi nên chất chà làm nơi trú ngụ cho cua lúc cua lột xác tránh bị hao hụt, có thể thả thêm bèo, rau muống, rau dừa nước… để che phủ ao vào những ngày nắng gắt. Độ che phủ khoảng 1/3 diện tích mặt ao.

 

Chọn và thả giống cua đồng

- Thời vụ thả giống thường từ tháng 2 - 4 hàng năm

- Chọn con giống khỏe mạnh, không bị bệnh tật, đầy đủ càng và chân, màu sắc tươi sáng không bị đóng rong có thể chọn cua đực để nuôi góp phần tăng năng suất và giá trị thương phẩm.

- Mật độ : nuôi ao: 10 - 15 con/m2, nuôi ruộng: 5 - 7 con/m2.

- Thả cua ta không nên thả trực tiếp xuống ao mà phải thả từ mé bờ ao cho cua tự bò xuống ao, ruộng tránh hiện tượng cua bị sốc môi trường.

 

Hướng dẫn cách chăm sóc cua đồng

- Thức ăn cho cua rất đa dạng thiên về động vật bao gồm cá tạp, ốc, hến, khoai lang, khoai mì…thức ăn nên bằm nhỏ vừa cỡ miệng cua.

- Khẩu phần ăn từ 5 - 8 % trọng lượng cua/ngày và được chia làm 2 lần trong ngày, sáng sớm ăn 20 - 40 % và chiều ăn 60 - 80 % trọng lượng thân. Thức ăn phải còn tươi không bị ôi thiu, nấm mốc.

- Cần cho cua ăn thức ăn vừa đủ để đảm bảo chất lượng nước vừa giúp cua tiêu hóa tốt thức ăn và hạn chế hao phí thức ăn, hạ giá thành nuôi. Trong ao ruộng nuôi cần bố trí một số sàng ăn để đánh giá tình trạng bắt mồi của cua và đồng thời căn cứ vào điều kiện thời tiết mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

 

Quản lý cua đồng

- Thường xuyên thay nước cho ao, ruộng nuôi khoảng 1 tuần/lần để kích thích cua lột xác và bắt mồi mạnh, mỗi lần thay nước từ 1/4 - 1/3 lượng nước trong ao, mương.

- Định kỳ bón vôi cho ao ruộng nuôi 15 ngày/lần với liều lượng 2 - 3 kg/100 m2 hòa vào nước, lấy nước trong tạt đều khắp ao.

- Thường xuyên kiểm tra đăng chắn cống, bờ rào chắn để tránh cua thất thoát ra ngoài.

 

Thu hoạch cua đồng

- Khi cua đạt kích thước thương phẩm được giá cao có thể tiến hành thu hoạch.

- Thu tỉa bằng cách đặt lờ, lợp… tát cạn, bắt bằng tay nếu thu toàn bộ.

- Cua nhỏ không đủ cỡ thương phẩm được để lại nuôi tiếp cho vụ sau.

 


Theo Khoa Học Cho Nhà Nông, 29/11/2012





TIN TỨC KHÁC :