Thủy hải sản

Kỹ thuật nuôi ếch

Ngày đăng: 2016-02-13 03:51:30


I. CHỌN GIỐNG:

1. Sản xuất giống:

1.1. Phân biệt ếch đực ếch cái Ếch đực:

Hai bàn chân trước có mấu thịt ráp gọi là “chai sinh dục”, có hai chấm đen ở hàm dưới, bụng nhỏ và cứng. Ếch cái: Không có “chai sinh dục”, thường có bụng to mềm hơn ếch đực, da mịn và bóng.

1.2. Chọn ếch bố mẹ: 

Trước mùa sinh sản một tháng, cho ếch ăn tích cực để phát dục tốt. Chọn con to khỏe, không bị xây xát. Tỷ lệ: 1 đực - 1 cái hay 1 đực - 1,5 cái. Sau lần thụ tinh thứ nhất, nếu nuôi vỗ tốt ếch đực lại có tinh dịch.

1.3. Ao cho đẻ:

 Ao  tĩnh, cấp, thoát nước thuận tiện, có hình chữ nhật, rộng khoảng 10 - 15 m2,  1/3 diện tích ao có mức nước sâu 10 - 15 cm làm nơi ếch đẻ; phần còn lại có mức nước sâu 30 - 40 cm, sau đó thả 1/2 diện tích bèo tây. Bờ lưu thông rộng 80 - 100 cm, trên trồng cỏ, cây bóng mát. Trên bờ lưu thông làm một số rơm rạ cho ếch trú ẩn.

- Vườn cho ếch đẻ: có thể dùng những mảnh vườn  có diện tích 10 - 20 m2, đào rãnh nước dọc theo vườn, rộng 50 - 60 cm, sâu 30 - 40 cm, mức nước 10 - 15 cm. Hai bờ rãnh có mái thoai thoải để ếch đẻ trứng trong rãnh. Trồng cây ăn quả lấy bóng mát, làm ụ rơm cho ếch trú đẻ trên phần đất còn lại của vườn. Cửa lấy nước ra vào phải chắn kỹ, nước đảm bảo trong sạch, không có cá dữ.

Toàn bộ khu ao, vườn cho đẻ phải xây tường gạch, hoặc dùng cót, tấm nhựa quây kín có độ cao 1 m, để ếch không nhảy ra ngoài, phía trong ao phải nhẵn để ếch không bị xây sát. Mật độ ếch đẻ: 10 - 12 con/m2, thường đẻ vào gần sáng. Phải giữ thật yên tĩnh để thời gian ếch đẻ được dài. Thường xuyên kiểm tra bờ ao, rãnh, để vớt trứng và chuyển vào các dụng cụ ấp.


Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ếch công nghiệp trong bể xi măng

 

2. Ấp trứng

a. Dụng cụ:

 Dùng đĩa, vá, chậu,... để vớt cả mảng trứng đưa về ấp, chú ý cực động vật hướng về phía trên.

- Ấp ở bể xi măng: Bể có chiều dài 1 - 2 m, rộng 0,8 m, sâu 0,2 m, đáy dốc về phía tháo nước. Mức nước sâu 10 - 15 cm có vòi nước ra vào để nước lưu thông. Mật độ ấp 2 - 3 vạn trứng/m2.

- Dùng giai (lưới) ni lông:

Cỡ 60 mắt/cm2, căng giai trên khung gỗ và đặt  trong bể, ao, giữ mức nước sâu 15 - 20 cm. Trong thời gian ấp, tạo nước lưu thông nhẹ, cứ 3 - 4 giờ đảo nhẹ nước quanh giai 1 lần.

- Dùng chậu nhựa: (hay lót ni lông trên sân gạch quây thành bể). Cứ 4 - 5 giờ thay nước 1 lần, nước sâu 20 cm. Mật độ ấp 1 - 2 vạn trứng/m2

b. Điều kiện ấp trứng:

 Phải đảm bảo nước sạch, pH = 7 - 8, oxy hòa tan trong nước 3 - 5 mg/l, nhiệt độ nước 25 - 27oC, không dùng nước máy trực tiếp để ấp vì trong nước máy có chứa chất Clo.

Ấp ở ngoài trời phải che ánh nắng. Ấp ở nhiệt độ 25 - 30oC, sau 18 - 24 giờ trứng nở. Khi trứng nở hết, thay nước mới vào. Lúc đầu nòng nọc sống bằng noãn hoàng thường nằm sát đáy. Cho nòng nọc ăn 2 quả trứng/vạn nòng nọc/ngày đêm, cho ăn 4 - 5 lần/ngày.

Có thể cho ăn thêm cá tươi xay nhão hay lòng đỏ, lòng trắng trứng sống hòa nhuyễn trộn với cám ngô, cám gạo đã nấu chín để nguội.


Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ếch công nghiệp trong lồng lưới 

 

3. Ương nòng nọc thành ếch con

3.1. Ao ương:

 Hình chữ nhật rộng 5 - 7 m2, dài 15 - 20 m. Mức nước sâu: 40 - 50 cm, cần vài ao ương để nuôi san nòng nọc cùng cỡ.

- Chuẩn bị ao: Ao phải tẩy vôi trừ tạp và bón lót phân hữu cơ để tạo màu nước làm thức ăn cho nòng nọc.

- Tẩy ao: Dùng 10 -  20 kg vôi sống/100 m2 ao.

- Bón lót: Dùng 20 - 30 kg phân chuồng/100 m2 ao.

Mật độ ương: 1.000 - 3.000 con/m2.

Khi nước ao có màu xanh hơi nâu thì thả nòng nọc xuống ao.

3.2. Chăm sóc quản lý:

Cho nòng nọc ăn thức ăn hỗn hợp gồm bột bắp, cám nấu chín để nguội trộn với lòng đỏ, lòng trắng trứng sống trong 10 ngày đầu, có thể cho ăn thêm giun đỏ, cá hay ốc xay nhuyễn. Trung bình 1 kg thức ăn/vạn nòng nọc, cho ăn 2 lần/ngày vào sáng và chiều. Thức ăn để trong sàn ăn đặt  dưới mặt nước, gần bờ để dễ quan sát.

Khi thấy nòng nọc xuất hiện hai chân sau, rồi đến hai chân trước, cần thả bèo ở dọc ao cho nòng nọc bám. Khi nòng nọc biến thái thành ếch con, lượng thức ăn giảm đi 50% vì sử dụng chất dinh dưỡng ở đuôi cho đến khi đuôi mất đi.

Từ lúc nòng nọc thành ếch con phải mất 18 - 22 ngày. Sự biến thái nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiệt độ, chất lượng thức ăn. Tùy theo sức lớn của nòng nọc mà tăng mức nước ở ao dần dần từ 10 cm đến 50 cm. Trời nắng cần mái che cho ao. Tỉ lệ thức ăn có protein không dưới 40%, chất béo dưới 5%. 5 - 10 ngày thay nước một lần. Số lượng thức ăn khoảng 2,5 - 8% trọng lượng ếch nuôi.

Kỹ thuật nuôi ếch

 

II. KỸ THUẬT NUÔI

II.1. KỸ THUẬT NUÔI ẾCH GIỐNG

1. Diện tích:

Diện tích vườn: 50 m2, hoặc  ao: 5 - 10 m2. Mức nước sâu 40 - 50 cm. Bờ ao dốc thoải để ếch dễ nhảy. 1/4 ao thả bèo tây cho ếch nghỉ. Trồng cây bóng mát ở bờ lưu thông. Mật độ thả: 500 - 1.000 con/m2, cỡ 2 - 5 g/con.

2. Chăm sóc quản lý

- Cho ếch con ăn cá, ốc xay nhuyễn, kết hợp luyện cho ếch ăn thức ăn hỗn hợp đạm động vật  30%, đạm thực vật 70%.

- Tuần đầu cho ăn tỉ lệ 3 phần cá xay nhuyễn, 1 phần thức ăn hỗn hợp.

- Tuần thứ 2 - 3 giảm tỉ lệ cá xay còn 2 phần, thức ăn hỗn hợp 1 phần.

- Sàn cho ăn: Dài 50 - 60 cm, rộng 20 cm, đáy là lưới ni lông hay gỗ. Thức ăn đặt trên sàn gần mép bờ hay trên mô đất trống ở giữa ao để ếch lên ăn, cho ăn 1 - 2 lần/ngày.

- Lượng thức ăn bằng 10% trọng lượng thân ếch, kiểm tra sàn hàng ngày để điều chỉnh lượng cho ăn. Trung bình 1 kg thức ăn cho 1.000 con/ngày.

- Một tuần thay nước 1 - 2 lần, vệ sinh sàn ăn.

- Ếch con lớn lên phải kịp thời san vì nòng nọc, ếch con cùng nở, sẽ ăn thịt lẫn nhau. Có thể dùng lưới xăm 6 - 9 mắt/cm2 để ngăn thành các khu nuôi riêng. Lưới ngăn cao 1 m, phần trên lưới ngả vào trong 1 góc 40o cho ếch không nhảy ra, chân lưới cắm sâu trong đất 5 - 10 cm. Trong khu nuôi cũng cần có rãnh nước, cây che bóng mát, ụ rơm cho ếch trú ẩn.

- Ếch đạt được 20 - 25 g/con sau 1 tháng nuôi. Thu hoạch vào lúc trời mát, dùng lưới gom lại rồi dùng vợt để bắt.

II.2. KỸ THUẬT NUÔI ẾCH THỊT

Diện tích ao hoặc vườn lớn hơn ao ương ếch giống. Mật độ thả: 40 -  60 con/m2.

Thức ăn:

Thức ăn thích hợp là cá, tôm, cua, giun, côn trùng,... cá chết và thức ăn hỗn hợp. Thức ăn đặt trên sàn ăn, cho ăn 1 lần/ngày, lượng thức ăn bằng 10 - 12% trọng lượng thân ếch. Ban đêm thắp đèn ở khu vườn ao để nhử côn trùng cho ếch ăn.

Ếch đạt trọng lượng 80 - 100 g/con. Sau 3 - 4 tháng nuôi phải thường xuyên san ếch to, nhỏ, kiểm tra tường rào, đăng chắn ở cống, để giảm tỉ lệ hao hụt của ếch.

Vận chuyển:

Trước khi vận chuyển phải ngừng cho ăn và luyện cho quen với môi trường chật hẹp. Ếch giống, ếch thịt phải gom lại nuôi trong mật độ dày để cho ếch quen dần và bài tiết hết phân.

Lúc đánh bắt phải nhẹ nhàng, tránh xây sát để hạn chế khả năng nhiễm bệnh.

Nhiệt độ thích hợp để vận chuyển: dưới 30oC.

- Vận chuyển nòng nọc: Dùng túi ni lông có bơm oxy, mật độ 1.000 con/lít nước.

- Ếch con: Vận chuyển vào lúc trời mát. Dùng rổ, xô, hộp gỗ có lót bèo tây.

Mật độ 200 - 400 con/10 lít nước. Chú ý  khi vận chuyển khô, phải giữ độ ẩm bằng rễ bèo, có tưới nước.

- Ếch thịt: Vận chuyển gần, dùng bao tải, túi lưới có mắt thưa nhúng nước rồi cho ếch vào vận chuyển.

Vận chuyển xa, cho ếch vào túi lưới thưa, xếp vào hộp hoặc khay làm bằng tôn, gổ hoặc nhựa cao 15 cm, trên có nắp đậy. Nắp và xung quanh hộp có lỗ thông khí. Các hộp, khay có thể chồng lên nhau thành nhiều tầng. Khi vận chuyển, xếp 1 lớp ếch kín mặt khay, không chồng lên nhau, vảy nước cho da ếch giữ được ẩm.

 

III. PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH CHO ẾCH

1. Phòng bệnh:

 Nguyên nhân gây bệnh do: nước bẩn, bệnh ngoài da, bị chướng bụng, da tái đi, ếch không ăn và chết. Cách phòng tốt nhất là:

- Luôn giữ nước sạch. Nước ao không bị chua, thối, đục, không có các hóa chất hay thuốc trừ sâu, diệt cỏ làm ếch ngạt thở, nổ mắt, trúng độc chết.

- Cho ăn thức ăn sạch không có vi trùng gây bệnh.

- Có bóng mát che nắng, che mưa. Chú ý không để chim, chuột quấy phá, ăn thịt ếch.

- Vệ sinh ao nuôi trước lúc thả cũng như sau mỗi đợt thu hoạch phải tẩy vôi, phơi nắng đáy ao.

2. Một số bệnh thường gặp

2.1. Bệnh chướng hơi: 

Nòng nọc có bụng trương to và ngửa bụng lên mặt nước, bệnh này do nước thối bẩn, thức ăn thiu thối. Phải thay nước, đảm bảo vệ sinh cho ăn.

2.2. Bệnh đường ruột: 

Khi bị bệnh, ếch thường ỉa phân trắng và phân sống. Khi bị bệnh kiết, hậu môn ếch bị đỏ, bóp hậu môn có máu chảy ra.

2.3. Bệnh đốm đỏ ở đùi: 

Thường thấy ở ếch giống. Bệnh gây bởi vi khuẩn Aeromonas hydrophyla.  Bệnh này có thể lây lan sang ao khác.

2.4. Bệnh trùng bánh xe: 

Ký sinh ở da nòng nọc. Khi bị ký sinh, da ếch tiết ra nhiều dịch nhờn, tạo nên những điểm màu trắng bạc.

2.5. Diệt chuột, diệt kiến: 

Trước khi thả ếch phải đánh bả ở gần ngoài khu nuôi ếch. Diệt kiến bằng cách phun thuốc Dipterex. Có thể thả ghép thêm một ít con ễnh ương vì nước tiểu của ễnh ương có thể trị bệnh ngoài da cho ếch.
 


Theo Trung tâm thông tin tư liệu QG





TIN TỨC KHÁC :