Thủy hải sản

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao đất

Ngày đăng: 2016-07-05 04:01:07


I. Chọn địa điểm xây dựng ao nuôi tôm càng xanh

Địa điểm gần nguồn cung cấp nước tốt, nếu bị nhiễm mặn thì độ mặn không quá cao và thời gian mặn trong năm không quá dài (< 6 tháng).

- Chất đất xây dựng tốt nhất là đất sét hoặc sét pha cát tránh các vùng  đất phèn.

- Vị trí xây dựng ao tốt nhất là gần đường giao thông lưới điện, xa các khu công nghiệp, tránh các vùng ô nhiễm, có trật tự, an ninh tốt.

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao đất

 

 

II. Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng ao đất nuôi tôm càng xanh

- Ao có hình chữ nhật là thích hợp nhất.

- Kích thước: Vừa phải, tốt nhất nên có chiều rộng 15-30m, dài gầp 2-3 lần rộng.

- Diện tích ao: Tùy thuộc và qui mô của trại, có thể từ vài trăm m2 /ao đến vài nghìn m2/ao. Tốt nhất 2.000-5.000m2.

- Bờ ao: Phải đủ cao và chắc chắn, đảm bảo giữ được mực nước trong ao từ 1-1,5m tạo không gian rộng lớn để tôm hoạt động, ổn định môi trường nước. Bờ ao phải đảm bảo cao hơn mực nước cao ít nhất 0,5m. Khi xây dựng bờ tốt nhất nên đầm nén để tăng khả năng giữ nước. Trên bờ ao nên trồng cỏ phủ bề mặt để chống xói mòn do mưa. Không nên trồng các loại cây cao, nhiều lá, tránh rụng lá làm bẩn nước. Hoặc tán cây chống gió làm giảm lượng khí (oxy) hoà tan vào nước, hoặc rễ cây làm nứt bờ gây rò rỉ...

- Nền đáy ao: Mặt đáy ao cần có độ nghiên theo chiều dài ao về phía cống thoát, để tháo nước dễ. Đáy ao cần bằng phẳng để dễ kéo lưới khi thi hoạch hoặc có thể xẻ một rãnh nhỏ để tôm tập trung khi xả cạn để thu hoạch. Khi xây dựng đáy ao tốt nhất nên đầm nén thật kỹ để đảm bảo độ cứng chắc và giữ được nước, tránh sự sinh khí độc sau này và chỉ nên có một lớp bùn mỏng  5-10cm tạo điều kiện cho động vật đáy phát triển.

- Cống cấp tiêu nước: Nên có 2 cống cấp và thoát riêng biệt đặt chéo nhau ở 2 bờ đối diện. Cống thoát đặt sát đáy ao, cống thoát đặt ở vị trí ngang với mực nước trung bình cần thiết trong ao. Cống có thể làm đơn sơ (bọng dừa, cao, gỗ) hay kiên cố, khẩu độ lớn nhỏ tùy diện tích ao.

- Hệ thống phòng chống địch hại: Trước các hệ thống cống lấy nước cần có lưới, đăng che chắn. Chung quanh ao cũng có thể làm lưới, đăng chắn  trên mặt bờ ao hoặc đắp các bờ mương nhỏ. Hệ thống cấp nước phải có lưới lọc, mắt lưới thường là         2a = 0,5-1mm.

- Hệ thống quạt nước tăng cường oxy cho ao: Nên có nhằm tăng mật độ nuôi, có thể sử dụng hệ thống quạt nước trục ngắn hoặc trục dài, kéo bằng moteur điện hoặc động cơ Diesel.

 

III. Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao đất

1. Chuẩn bị ao đất nuôi tôm càng xanh

Sửa lại bờ, cống, đắp hang mọi, rò rỉ và sửa thiết bị chống địch hại. Nếu lớp bùn đáy không vượt quá 10-15cm thì chỉ cần xả cạn nước, phơi khô. Nếu bùn đáy quá dày (> 15cm) nên vét bỏ bớt rồi phơi khô. Cần diệt hết cua, rắn, cá, tôm tạp...

Ao  nuôi mới xây dựng còn nhiều dinh dưỡng có thể trồng cỏ, lúa ở đáy cho lên xanh rồi đưa nước vào ngập mới sử dụng. Ao có pH thấp (5-6,5) bón từ 2-3tấn vôi/ha. Ao cũ bón 1-2 tấn vôi/ha.

Sau khi bón vôi 2-3ngày, dùng phân chuồng ủ hoai bón cho ao. Ao cũ 3-5tấn/ha, ao mới 5-10tấn/ha. Sau đó cho nước vào tráng đáy ao để 15 - 20ngày rồi mới lấy đầy nước, lúc này có thể bón thêm phân NPK với lượng 50kg/ha. Nước lấy vào ao chú ý phải qua hệ thống lưới lọc ở cống.

 

2. Tôm giống :

Có thể sử dụng tôm giống tự nhiên hoặc tôm giống sản xuất nhân tạo. Tôm giống nhất thiết phải đều cỡ, khỏe mạnh không bị thương tích, ký sinh, nhiễm bệnh. Mật độ thả giống thích hợp đối với hình thức nuôi bán thâm canh là 5-10con/m2. Giống trước khi thả xuống ao nuôi cần phải được làm thích nghi với môi trường mới một cách từ từ ( lưu ý sự chênh lệch giữa nhiệt độ và độ pH của ao nuôi và nước chuyển tôm, để cho cân bằng nhiệt độ trong 10-15phút mới thả tôm ra ao. Thời gian thả tôm tốt nhất là từ 7-10giờ sáng hoặc 16-18giờ chiều.)

 

3. Thức ăn và cách cho ăn nuôi tôm càng xanh

Tốt nhất nên cho tôm ăn thức ăn tổng hợp (tự chế biến hay mua các loại thức ăn viên cho tôm do các nhà máy chế biến thức ăn chế biến sẵn) sẽ có đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng hơn, phù hợp với nhu cầu của tôm. Ở đây xin giới thiệu một số nguồn nguyên liệu và tỉ lệ pha trộn :

 

Nguyên liệu

Tỷ lệ pha trộn (%)

Bột cá

20

Bột xương, thịt

10

Cám gạo, mì

15 - 20

Bã rượu (hèm)

2

Bắp

20 - 25

Bã đậu (đậu nành)

15 - 25

Dầu cá

1

Chất kết dính

1

 

Pha các thành phần nguyên liệu theo tỉ lệ trên có thể được thức ăn tôm có hàm lượng đạm từ 25-30%. Thức ăn nên chế biến thành viên có đường kính 2,5-5mm, thời gian tan hết trong nước từ 6-10 giờ. Thức ăn đã chế biến không nên để quá ba tháng để tránh ngộ độc tôm khi cho ăn. lượng thức ăn nên căn cứ vào trọng lượng tôm, có thể tham khảo bảng sau:

Bảng: Các cách cho tôm ăn căn cứ vào trọng lượng tôm.

Tháng nuôi

1

2

3

4

5

6

7

8

Tỷ lệ % thức ăn/trọng lượng tôm nuôi

Cách I

30

20

15

10

8

6

4

2

Cách II

25

20

15

10

8

6

4

2

Cách III

20

15

10

8

7

6

4

1,5

Cho tôm ăn có thể rải đều khắp ao và có một số sàng ăn cố định. Cho tôm ăn có thể vào lúc sáng sớm (5-7giờ sáng) và chiều tối (16-18giờ). Tuy nhiên, nếu chỉ cho tôm ăn vào lúc chiều tối cũng đạt hiệu quả cao lại giảm được công lao động. Phải thường xuyên kiểm tra sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý.

 

4. Quản lý ao nuôi tôm càng xanh trong ao đất

+ Thay nước mới thường xuyên, giữ mực nước sâu ít nhất từ 0,8-1m, mặt nước ao phải thông thoáng có thể dùng chân vịt máy bơm để đảo nước trong ao.

+ Lưu ý đến độ phèn (pH) của ao tôm, nhất là trong mùa mưa nên dùng vôi pha nước ngọt rải khắp ao (1-1,5kg/100m2) nếu pH<7. Ngoài ra còn dùng 8-10kg vôi/100m2 để rải quanh bờ trước những cơn mưa lớn.

+ Giữ nước ao có màu xanh đọt chuối, độ trong 20-40cm. Nếu màu đậm hơn nên tiến hành thay nước. Nếu nước trong hơn nên bón thêm phân và vôi để tảo phát triển.

+ Thường xuyên phát hoang cỏ dại, bụi rậm để loại trừ địch hại. Nếu phát hiện trong ao nuôi tôm có cá dữ, có thể sử dụng thuốc diệt cá (dây thuốc cá, Saponin, hạt bồ hòn) để diệt cá dữ mà không ảnh hưởng đến tôm.

+ Thường xuyên kiểm tra tôm để theo dõi tốc độ sinh trưởng, tình hình tôm bắt mồi và tình hình sức khỏe, bệnh tật cua tôm để có hướng điều chỉnh, khắc phục kịp thời.

 

5. Thu hoạch tôm càng xanh trong ao đất

Sau thời gian nuôi 4-5 tháng có thể dùng lưới đánh tỉa có mắt lưới 2a= 5cm để thu tỉa các tôm lớn. Đến thời điểm thu hoạch toàn bộ có thể xả cạn nước còn 40-50cm, dùng lưới kéo sát đáy ao và di chuyển chậm, sau đó gom lại và dùng vợt bắt tôm cho vào các giỏ chứa đặt nơi có nước sạch hoặc dòng nước chảy.

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao đất
Thu hoạch tôm càng xanh
 

Nếu ao nuôi theo phương pháp đánh con lớn thì dùng lưới thu tỉa (2a = 5cm) để bắt tôm lớn và sau đó thả bù tôm nhỏ, cứ bắt 1 tôm lớn thả bù 2 tôm nhỏ, khoảng cách mỗi lần đánh tỉa từ 15-30ngày, sau 18-24tháng nuôi có thể thu hoạch toàn bộ (xả cạn ao).


Theo Ks K.D / Cty Thủy Sản Ninh Thuận





TIN TỨC KHÁC :