Thủy hải sản

Quy trình sản xuất ghẹ giống và nuôi ghẹ thương phẩm

Ngày đăng: 2016-03-29 03:37:52


 A. Quy trình kỹ thuật sản xuất giống ghẹ xanh

1. Chọn vị trí xây dựng nhà trại sản xuất ghẹ giống

1.1. Nguồn nước :
* Vùng nước biển sử dụng cho sản xuất giống phải trong sạch, không bị nhiễm bẩn do các loại chất thải như công nghiệp, sinh hoạt... độ mặn ổn định từ 28 – 34%o, các chỉ tiêu thủy lý hoá đạt tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản.
* Nước ngọt phục vụ cho quá trình sản xuất giống cần trong sạch, không bị ô nhiễm.
 
1.2. Địa hình địa chất
Nên chọn vị trí xây dựng trại giống có cấu tạo địa chất ổn định, địa hình bằng phẳng để công trình xây dựng được vững chắc, hệ thống cấp, thoát nước thuận lợi và bảo đảm cho các khâu vệ sinh trại trong suốt quá trình sản xuất
 
1.3. Điện và giao thông
Vị trí xây dựng trại nên thuận lợi về giao thông và có thể sử dụng được điện lưới quốc gia nhằm bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho hoạt động của trại.
 

2. Thiết kế xây dựng khu vực trại sản xuất giốnggiống

2.1. Nhà sản xuất
Tuỳ theo từng vùng mà thiết kế nhà sản xuất cho phù hợp, nên chọn hướng xây nhà để bảo đảm thoáng mát trong mùa hè ; ấm và không bị gió lùa trong mùa đông.
 
 2.2. Hệ thống bể
Số lượng và diện tích bể trong trại sản xuất giống ghẹ xanh được thiết kế phụ thuộc hoàn toàn vào công xuất và quy mô sản xuất,  nhưng hệ thống các loại bể cần được bảo đảm như sau :
Bể lắng và xử lý nước biển ngoài trời : bể xi măng có thể tích 300 - 500 m3/bể.
Bể lọc trong nhà : bể xi măng có thể tích 15 - 25 m3/bể, lọc nước biển theo phương pháp lọc cơ học
Bể chứa nước đã xử lý trong nhà : bể xi măng hoặc compsit có thể tích 10 m3/cái
Bể nuôi giữ ghẹ mẹ: bể xi măng hoặc bể composit, thể tích 2 m3/bể
Bể nở : bể composit có tbể tích 300 - 400 lít/bể .
Bể ương ấu trùng : bể xi măng hoặc bể composit. Bể xi măng có thể hình tròn hoặc hình vuông nhưng phải bảo đảm khi sục khí không tạo ra các “góc chết” trong bể, thể tích bể 3 – 4 m3/bể. Bể composit có dạng hình bán cầu, thể tích 1 – 2 m3/bể.
Bể ấp artemia : bể xi măng hoặc bể composit có thể tích 100 – 200 lít/bể
Bể nuôi artemia sinh khối : bể xi măng hoặc bể composit, thể tích 0,5 – 1 m3/bể.
 
2.3. Máy và các trang thiết bị thiết yếu
Máy bơm, máy sục khí, kính hiển vi, tủ lạnh, que đun điện, xô, chậu, vợt các loại...
 

3. Kỹ thuật xử lý nước biển đạt tiêu chuẩn sản xuất giống thủy sản :

Chọn thời gian bơm nước biển vào bể chứa khi trời nắng và triều cường
Xử lý nước bằng Chlorine với lượng 20 ppm ngay sau khi bơm nước xong
Sục khí trong bể chứa nước sau 24 giờ xử lý Chlorine
Sau 4-6 ngày, tắt sục khí trong bể chứa
Bơm nước lên bể lọc nước sau 12 giờ tắt sục khí
 

4.Kỹ thuật chọn và nuôi giữ ghẹ mẹ ôm trứng

Ghẹ mẹ ôm trứng được chọn từ nguồn ghẹ khai thác tự nhiên
Chọn những con khoẻ, đủ các phần phụ, phôi tươi sáng, trọng lượng 100-200 g/con
Ghẹ mẹ được vận chuyển bằng thùng xốp với nước biển sạch và sục khí trong suốt thời gian vận chuyển
Thời gian vận chuyển không quá 4 tiếng/giờ
Thuần hoá ghẹ mẹ trong thời gian 30-60 phút trước khi thả vào bể nuôi
Tắm ghẹ mẹ trong nước biển sạch với Fomaline 34% nồng độ 50 ppm trong 30 phút
Kiểm tra phôi ghẹ mẹ để phân nhóm, nuôi ghẹ mẹ có cùng giai đoạn phôi với nhau
Mật độ nuôi 2-3 con/m2. Sục khí 24/24 giờ
Thức ăn cho ghẹ mẹ gồm các loại giáp xác, thân mềm nhỏ… được rửa sạch bằng nước sạch trước khi cho ăn
Cho ăn 2 lần/ngày với lượng thức ăn khoảng 3-5% khối lượng ghẹ nuôi. 
Thay nước bể nuôi 50-80%/ lần / ngày vào buổi chiều sau khi cho ăn từ 2-3 giờ
Kiểm tra phôi ghẹ mẹ trên kính hiển vi 1 lần/ngày để có kế hoạch chuẩn bị cho nở 
Bể nuôi được kiểm tra nhiệt độ nước và độ muối 1 lần/ngày
 

5. Kỹ thuật chọn ghẹ mẹ để cho nở và thu ấu trùng

Chọn những con ghẹ mẹ có khối phôi màu sắc xám đậm, tươi sáng, bề mặt phẳng mịn (được quan sát bằng mắt) để chuyển sang bể nở
Tắm ghẹ mẹ bằng Fomaline 34% với nồng độ 30 ppm trong 30 phút trước khi chuyển vào bể nở
Bể nở được chuẩn bị sẵn với nước biển sạch và xử lý 10 ppm ADTA
Mỗi ghẹ mẹ được giữ trong 1 bể nở với chế độ sục khí 24/24 giờ
Trong suốt thời gian trong bể nở, không cho ghẹ mẹ ăn và trực để theo dõi 
Trước khi thu ấu trùng, vặn van sục khí nhỏ lại và quan sát để chọn những bể ấu trùng khoẻ, quấn thành đám trên bề mặt bể để vớt chuyển sang bể ương
Dùng vợt để vớt ấu trùng, tắm trong nước có pha 10 ppm Tetraciline trong 1 phút trước khi chuyển vào bể ương ấu trùng 
 

6. Kỹ thuật ương nuôi ấu trùng (kỹ thuật ương ghẹ giống)

6.1. Chuẩn bị bể ương
Bể ương và bể chứa nước được vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng bột, Chlorine và fomaline
Cấp nước biển sạch vào bể chứa, sau đó xử lý bằng bột diệt khuẩn/nấm Shrimp-Friend với nồng độ 1 ppm 
Sau 2-3 ngày, cấp nước biển sạch đã xử lý vào các bể ương với sục khí 24/24 giờ
Nếu sản xuất giống vào mùa đông, các bể ương được che phủ bằng bạt nilon
 
Quy trình sản xuất ghẹ giống và nuôi ghẹ thương phẩm
Kỹ thuật sản xuất ghẹ xanh giống
 
6.2. Chuẩn bị thức ăn cho ấu trùng
Trứng artemia được rửa sạch và ngâm nước ngọt với 50 ppm Chlorine trong 1 giờ
Sau đó rửa sạch trứng và cho vào bể ấp với mật độ 0,5-1 g trứng /lít
Bể ấp trứng artemia được sục khí 24/24
Khối lượng trứng artemia ấp mỗi ngày tuỳ thuộc vào số lượng bể ương ấu trùng
Thu mầm phôi artemia sau 12-14 giờ, rửa sạch để làm thức ăn cho ấu trùng zoea1
Thu nauplius sau 16-18 giờ, rửa sạch để làm thức ăn cho ấu trùng zoea 2, zoea 3
Thu nauplius sau 20 giờ, rửa sạch chuyển sang bể nuôi sinh khối artemia. Cho artemia ăn 2-3 lần/ngày, gồm các loại tảo khô, bột tổng hợp (lansy, friback, No…) với lượng cho ăn 1-1,5 g/m3/lần
Thu hoạch artemia sinh khối sau 7-12 ngày nuôi
Tiếp tục nuôi artemia sinh khối để làm thức ăn cho các giai đoạn sau 
Thức ăn chế biến được xay nhỏ và hấp chín, bao gồm hỗn hợp của 30% thịt cá thu, 25% thịt hầu biển, 30% thịt tôm cua, 10% trứng gà và 5% vitamin tổng hợp
 
6.3. Quản lý và chăm sóc ấu trùng
Định lượng ấu trùng sau 2 giờ chuyển sang từ bể nở và trước khi cấp thức ăn vào bể ương
Mật độ ương nuôi ấu trùng trong bể là 80 – 120 con/lít
 
Đối với giai đoạn ấu trùng zoea 1:
Cấp thức ăn tổng hợp vào bể gồm tảo khô, friback và lansy, mỗi loại 0,5 g/m3 bể
Cấp mầm phôi artemia vào bể ương ở mật độ 1-2 cá thể /lít sau 12 giờ cấp thức ăn tổng hợp
Sau đó, cho ấu trùng ăn thức ăn tổng hợp 5 lần/ngày, mỗi loại 0,5-0,7 g/m3 bể
Mầm phôi artemia được duy trì trong bể ở mật độ 2-3 cá thể/lít
Siphon đáy và cấp nước vào bể ương 1 lần ở cuối giai đoạn zoea1(ngày ương thứ 3)
 
Đối với giai đoạn ấu trùng zoea 2 và zoea 3 :
Cho ấu trùng ăn thức ăn tổng hợp 5 lần/ngày, mỗi loại 0,4 - 0,5 g/m3 bể
Mầm phôi của trứng artemia được duy trì trong bể ở mật độ 2-3 cá thể/lít
Nauplius của trứng artemia được duy trì trong bể ở mật độ 1-5 cá thể/lít
Phòng bệnh nấm đỏ bằng Nystatin với liều lượng 0,5 ppm
Phòng bệnh phát sáng bằng Cephalexine, Erythromycine, Ciprofloxacin với liều lượng 0,85–1 ppm
Siphon đáy và cấp nước vào bể ương 1 lần ở cuối giai đoạn zoea 2 (ngày ương thứ 6-7)
Siphon đáy và cấp nước vào bể ương 1 lần ở cuối giai đoạn zoea 3 (ngày ương thứ 9-10)
 
Đối với giai đoạn ấu trùng zoea 4 :
Cho ấu trùng ăn thức ăn tổng hợp 2 lần/ngày, mỗi loại 0,5-1 g/m3 bể
Nauplius của artemia được duy trì trong bể ở mật độ 10-20 cá thể/lít
Thức ăn chế biến được cấp vào bể 4 lần/ngày với lượng 12-15 g/lần
Phòng bệnh nấm đỏ bằng Nystatin với liều lượng 1 ppm
Phòng bệnh phát sáng bằng Cephalexine, Erythromycine, Ciprofloxacin với liều lượng 1–1,5 ppm
Siphon đáy và cấp nước vào bể ương 1 lần ở cuối giai đoạn zoea 4 (ngày ương thứ 12-13)
 
Đối với giai đoạn ấu trùng megalopae :
ấu trùng được ăn thức ăn Flake 2 lần/ngày, mỗi lần 1,2-1,5 g/m3 bể
Artemia sinh khối được duy trì trong bể ở mật độ 7-10 cá thể/lít
Thức ăn chế biến được cấp vào bể 3-4 lần/ngày với lượng 15-20 g/lần
Phòng bệnh xù đầu bằng Steptomycine với liều lượng 1 – 1,5 ppm
Siphon đáy và cấp nước vào bể ương 1 lần ở cuối giai đoạn megalopae (ngày ương thứ 16-18)
 
Giai đoạn ghẹ bột :
Được ương nuôi trong bể từ 5-6 ngày
Artemia sinh khối được duy trì trong bể ở mật độ 5-10 cá thể/lít
Thức ăn chế biến được cấp vào bể 4-5 lần/ngày với lượng 15-20 g/lần
Phòng bệnh đường ruột bằng bột vi sinh TZ 002 với liều lượng 0,5 – 1 ppm
Siphon đáy và cấp nước vào bể ương 2 lần/ giai đoạn ghẹ bột
 
 
 

B. Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ghẹ xanh thương phẩm

1. Hình dạng đầm hoặc đìa nuôi ghẹ thương phẩm

Đìa hoặc đầm có thể thiết kế theo hình chữ nhật hoặc hình vuông, nhưng nhất thiết 4 góc đìa phải được đắp bo tròn để tạo dòng chảy trong ao.
 

2. Kích thước đầm đìa

Đìa có diện tích khoảng 0,2 – 0,5 ha/đìa
Đầm có diện tích khoảng 5 – 30 ha
Độ sâu khoảng 1,2 – 1,8 m
Độ đốc mái : tỷ lệ 1/1,5 m đối với vùng đất cát dễ bị xói lở (Hình 1a) và 1/1 đối với vùng đất ít xói lở (Hình 1b).
Bờ đầm đìa rộng khoảng 1,2 – 1,5 m
Đáy phải sạch, bằng phẳng, có độ dốc về phía cống thoát nước
 

3. Cống cấp nước và cống thoát nước

Cống nên xây bằng đá chẻ
Khẩu độ cống khoảng 0,8 – 1,5 m
Cống thoát nước phải thấp hơn đáy đầm đìa
Tuỳ theo diện tích đầm đìa, số lượng cống từ 1 – 4 cái
 

4. Chuẩn bị đầm đìa nuôi ghẹ thương phẩm

4.1. Cải tạo đầm đìa bằng phương pháp phơi khô : áp dụng đối với những đầm đìa có thể tháo cạn nước và phơi khô đáy trong mùa khô, tiến hành như sau :
Tháo cạn nước trong đầm đìa và phơi khô đáy khoảng 5 – 7 ngày
Dọn sạch lớp chất thải bề mặt đìa, đào xúc đi khoảng 6 – 12cm lớp bùn bẩn (chỉ đối với đìa nuôi)
 Rác vôi khắp mặt với lượng 10 kg/m2
Cày đáy và tiếp tục phơi ao 25 – 30 ngày (chỉ đối với đìa nuôi)
 
4.2. Phương pháp tẩy dọn đầm đìa không phơi khô được đáy
Dùng máy bừa hoặc trâu bò bừa cào khắp đáy đìa
Bơm hút hết lớp bùn bẩn trên măt đáy đìa bằng máy bơm
Tháo cạn tối đa nước trong đìa
Bơm hút nước liên tục bằng máy để phơi đáy đìa khoảng 10 – 15 ngày
Lấy nước vào ngập đáy đìa để kiểm tra pH
Bón rải vôi đều khắp đầm đìa theo định mức sau :
pH > 6, sử dụng 1-2 tấn vôi/ha
pH = 5-6, sử dụng 2-3 tấn vôi/ha
pH < 5, sử dụng 3-4 tấn vôi/ha
Rải đều phân trâu bò hoặc phân gà khắp đìa với lượng 0,5 – 1 tấn/ha
 
4.3. Xử lý nước và gây màu nước trong đìa nuôi
            Sau khi cải tạo đìa theo một trong hai phương pháp trên, xử lý và gây màu nước trong đìa được thực hiện như sau :
Lấy nước vào ao đìa khi có thủy triều cao và trời nắng
Lọc nguồn nước vào đìa qua lưới có kích cỡ a = 1mm
Mức nước trong đìa là 1-1,2 m
Để lắng nước nuôi 2-3 ngày
Xử lý nước bằng thuốc tím (KMnO4) 5 –10 ppm vào buổi tối
Gây màu nước sau 3-4 ngày xử lý nước :
Bón urê với liều lượng 0,5-1,0 ppm trong ngày thứ nhất
Bón NPK với liều lượng 0,5-1 ppm trong ngày thứ hai
Thả ghẹ giống sau 2-3 ngày khi nước ao lên màu xanh là chuối non
 
4.4. Chuẩn bị vật bám/chà cho đìa nuôi
Vật liệu được sử dụng làm vật bám/nơi trú ẩn khi ghẹ lột vỏ là lá dừa, cành cây, cót tre, ngói cũ. Được thực hiện như sau:       
Phơi khô lá dừa, cành cây và bó lại trước khi thả xuống đìa
Chà/vật bám được xếp trong đìa cách nhau khoảng 5m. Không để gần cống cấp-thoát nước
Thả chà trước khi lấy nước vào đìa
 
Quy trình sản xuất ghẹ giống và nuôi ghẹ thương phẩm
Kỹ thuật nuôi ghẹ thương phẩm
 

5.   Kỹ thuật quản lý và chăm sóc đầm đìa nuôi

5.1. Thả ghẹ giống

Định lượng ghẹ giống ở trại sản xuất giống 
Kích cỡ con giống : 5-6 mm chiều rộng vỏ/mai
Vận chuyển ghẹ giống bằng thùng xốp với nước biển sạch và rong biển
Sục khí trong thùng suốt thời gian vận chuyển
Vận chuyển bằng xe máy hoặc ô tô
Thời gian vận chuyển khoảng 2- 6 giờ
Thả ghẹ bột vào đầm đìa sau 30-40 phút thuần hoá ghẹ thích nghi với môi trường mới
Mật độ thả khoảng 3 - 5 con/m2
 
5.2. Quản lý và chăm sóc ghẹ nuôi trong 30 ngày đầu
 
5.2.1. Chuẩn bị thức ăn
Thức ăn chế biến cho ghẹ giống được chuẩn bị như sau:
Nguyên liệu : thịt cá 60%, thịt cua tôm ghẹ 25%, trứng gà 10, bột mì 5%
Được trộn đều, xay nhỏ, sau đó hấp cách thủy
Thức ăn được làm 3 ngày/lần, và được cất giữ trong tủ lạnh
 
5.2.2. Cho ăn và quản lý đầm đìa nuôi
Cho ghẹ giống ăn 4 lần/ngày
10 ngày đầu cho ăn khoảng 50-70% khối lượng ghẹ thả
10 ngày tiếp theo cho ăn khoảng 35-45% khối lượng ghẹ nuôi
10 ngày tiếp theo cho ăn khoảng 20-30 % khối lượng ghẹ nuôi
Thay nước đìa nuôi khoảng 7-10 ngày/lần
Kiểm tra ghẹ định kỳ 10 ngày/lần, gồm cân trọng lượng và đo kích thước ghẹ ương
Kiểm tra môi trường nuôi gồm nhiệt độ nước, độ muối : 1 lần/ngày
 
5.3. Quản lý và chăm sóc ghẹ nuôi trong 3 tháng sau
 
5.3.1. Chuẩn bị thức ăn
Thức ăn cho ghẹ lớn (từ giống đến kích cỡ thương phẩm) được chuẩn bị như sau:
Nguyên liệu : cá tạp, cua tôm ghẹ và thân mềm nhỏ
Được rửa sạch, sau đó hấp chín hoặc để tươi tuỳ thuộc vào thời gian nuôi
Thức ăn được làm 3 ngày/lần, và được cất giữ trong tủ lạnh
 
5.3.2. Cho ăn và quản lý đầm đìa nuôi
Cho ghẹ ăn 2-3 lần/ ngày.
Nuôi ghẹ bằng thức ăn chín hoặc thức ăn tươi, cho ăn như sau :
Tháng nuôi thứ nhất, cho ăn khoảng 15-20% khối lượng ghẹ nuôi
Tháng nuôi thứ hai và thứ ba, cho ăn khoảng 10-15% khối lượng ghẹ nuôi
Thay nước đìa nuôi phụ thuộc vào chế độ thuỷ triều, khoảng 2 –3 lần/tháng
Kiểm tra ghẹ định kỳ 15 ngày/lần, gồm cân trọng lượng và đo kích thước ghẹ
Kiểm tra môi trường nuôi gồm nhiệt độ nước, độ muối : 1 lần/ngày
Kiểm tra môi trường nuôi gồm oxy hoà tan, NH3, H2S : 1 lần/tháng
Thu hoạch ghẹ thương phẩm bằng 2 cách : thu tỉa bằng lưới/bẫy hoặc thu toàn bộ bằng cách tháo cạn đìa


Theo Viện NCNTTS 3





TIN TỨC KHÁC :