Các biện pháp phòng bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi

Ngày đăng: 2016-02-08 06:33:22


1. PHƯƠNG PHÁP PHÒNG BỆNH ĐỐM TRẮNG Ở TÔM NUÔI(White Spot Disease - WSD)

 Dấu hiệu bệnh đốm trắng ở Tôm nuôi

Bệnh đốm trắng có thể sảy ra ở tất cả các giai đoạn phát triển của tôm, nhưng mẫn cảm nhất là giai đoạn 60 ngày tuổi (Nguyễn Văn Hảo vào ctv 2004). Tôm bệnh có thể có một số dấu hiệu như bơi nổi trên tầng mặt, lờ đờ, giảm ăn hoặc bỏ ăn, hoạt động yếu và đôi khi đi kèm đỏ thân. Dấu hiệu bệnh lý đặc trưng là những đốm trắng có tâm, kích thước từ 0,5 – 3,0 mm trên lớp vỏ cutin đặc biệt ở phần đầu ngực và đuôi (Lightner, 1996). Tỷ lệ chết của tôm lên đến 100% trong vòng 3-5 ngày.

Các biện pháp phòng bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi

Hình 1: Đốm trắng trên vỏ đầu ngực tôm

Tác nhân gây bệnh đốm trắng ở Tôm nuôi

Bệnh đốm trắng do virus có cấu trúc nhân là chuỗi xoắn kép ADN thuộc giốngWhispovirustrong họ Nimaviridae gây ra (Mayo, 2002). Virus có  envelope và có dạng hình que đến hình trứng với kích thước 80-120 nm x 250-380 nm và có một đuôi phụ ở đầu (OIE, 2012). Virus này tồn tại trong các thể vùi nội nhân của tế bào của mang, tế bào máu, tổ chức lympho, biểu mô dưới vỏ, biểu mô dạ dày, tuyến anten, tổ chức heamatopoietic, tim, ruột giữa, thành buồng trứng và mô thần kinh (Lightner, 1996).

Các biện pháp phòng bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi

Hình 2: Biểu hiện mô học của tôm bị bệnh WSD

Cơ chế lây truyền bệnh đốm trắng ở Tôm nuôi

 WSSV có thể lây nhiễm theo cả hai chiều ngang từ vật mang, từ môi trường và theo chiều dọc tôm mẹ sang tôm giống (Chou et al., 1998). WSSV có rất nhiều vật chủ: hơn 18 loài tôm he, 8 loài tôm mang, 9 loài tôm hùm và 7 loài tôm nước ngọt; 44 loài cua, và một số loài giáp xác không thuộc bộ mười chân, một số loài thuộc ngành hàm tơ, luân trùng, giun nhiều tơ, nhuyễn thể và ấu trùng côn trùng cũng có thể nhiễm loài virus này (Lightner 1996, OIE 2012, Hameed 2003; Hossain, 2001). Đặc biệt, chúng còn hiện diện trong các loài là thức ăn cho ấu trùng tôm (Artemia), thức ăn cho tôm mẹ (giun nhiều tơ, ốc). Trong ao nuôi, WSSV có khả năng tồn tại ngoài môi trường trong một thời gian nhất định mà vẫn giữ nguyên đặc tính lây truyền và gây bệnh cho tôm. Cụ thể, chúng có thể tồn tại 12 ngày trong nước biển có độ mặn 27%o, pH 7,5, nhiệt độ 29-33oC và 19 ngày trong bùn đáy ở điều kiện phơi nắng đáy ao và 35 ngày trong điều kiện không phơi đáy ao (Kumar et al., 2013). Đường lây truyền dọc của virus được xác định khi chúng được tìm thấy trên tế bào trứng, nang trứng và tế bào mô liên kết của buồng trứng (Lo et al., 1997b; Mohan et al., 1997).

Phòng trị bệnh đốm trắng ở Tôm nuôi

Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu về các biện pháp phòng bệnh đốm trắng bằng thảo dược, bằng chất tăng cường miễn dịch, bằng vắc xin nhưng hiệu quả của chúng còn chưa được đánh giá nhiều trong thực nghiệm. Một số sản phẩm dù đã có trên thị trường như TA.BETA-GLUCA,Diệp Hạ Châu,… nhưng vẫn chưa được nhiều người nuôi tin tưởng, sử dụng rộng rãi trong phòng bệnh đốm trắng. Hiện nay, biện pháp phòng bệnh tổng hợp vẫn là biện pháp được khuyến cáo cho người nuôi trong việc phòng bệnh đốm trắng trên tôm nuôi. Biện pháp này nhấn mạnh vào việc dùng con giống sạch bệnh, hạn chế vật mang virus trong ao nuôi, cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi và chọn mùa vụ thích hợp để thả nuôi.

 

2. PHƯƠNG PHÁP PHÒNG BỆNH ĐẦU VÀNG Ở TÔM NUÔI(Yellow Head Disease - YHD)

Dấu hiệu bệnh đầu vàng ở tôm nuôi

Bệnh đầu vàng thường sảy ra trên tôm sau 20 ngày thả nuôi và phổ biến nhất là 50 - 70 tuổi. Khi nhiễm bệnh, tôm phát triển nhanh, ăn nhiều hơn mức bình thường trong một vài ngày, sau đó tôm đột ngột bỏ ăn. Toàn bộ phần mang và gan tuỵ tôm có màu vàng nhạt (Hình 3).

Các biện pháp phòng bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi

Hình 3: Tôm sú bị vàng đầu (Nguồn: Bùi Quang Tề)

Hình 4: Ấn bào của YHV trong tế bào mang tôm bệnh

Sau 2-3 ngày xuất hiện dấu hiệu bệnh lý, tôm có hiện tượng dạt vào bờ và chết, tỷ lệ tôm chết có thể lên đến 100%. Dấu hiệu vi thể là sự xuất hiện của nhiều thể vùi trong tế bào chất, hiện tượng kết đặc và phân mảnh của nhân tế bào bạch huyết, tế bào mang, tế bào biểu bì tuyến ruột (Bùi Quang Tề, 1998).

Tác nhân gây bệnh đầu vàng ở tôm nuôi

Bệnh đầu vàng do một phức hợp virus (Yellowhead complex virus – YHCV) có dạng hình que, cấu trúc di truyền là ARN gây ra, bao gồm Yellow Head Virus (YHV), Gill-Associated Virus (GAV) và Lymphoid Organ Virus (LOV).Trong đó, YHV thường được phát hiện trên tôm bị bệnh (không phát hiện trên tôm khỏe) và có thể gây chết với tỷ lệ cao trên tôm sú và tôm thẻ (Lightner, 1998).

Cơ chế lây truyền của bệnh đầu vàng ở tôm nuôi

Virus gây bệnh YHV có thể lan truyền theo chiều ngang từ môi trường và chiều dọc từ tôm bố mẹ. Virus gây bệnh YHV có thể tồn tại ở nước biển trên 72 giờ (Flegel, 1995); khi nhiễm vào tôm qua đường tiêu hóa chúng tấn công vào các mô có nguồn gốc ngoại bì và trung phôi bì bao gồm cơ quan lymphoid, mô tạo máu, phiến mang và mô liên kết của ruột, tuyến râu, tuyến sinh dục, bó dây và hoạch thần kinh (Lightner,1996).

Phòng trị bệnh đầu vàng ở tôm nuôi

Tương tự như bệnh đốm trắng, nhiều nghiên cứu về việc dùng thảo dược đã được công bố như việc dùng dịch triết từ cây Phyllanthus spp., cây P. urinaliavà P. amarus (Direkbusarakom 1995) có khả năng giúp tôm đã nhiễm virus YHV vẫn sống 100% trong khi đối chứng chết 100%. Song, đến nay hầu như vẫn chưa có sản phẩm thương mại được người dân sử dụng rộng rãi trong phòng bệnh đầu vàng trên tôm nuôi. Biện pháp phòng bệnh tổng hợp vẫn là biện pháp được khuyến cáo rộng rãi cho người nuôi; trong đó việc dùng con giống sạch bệnh, quản lý môi trường ao nuôi thích hợp và ổn định, kết hợp với việc phát hiện sớm bệnh được đặc biệt nhấn mạnh.

 

3.  HỘI CHỨNG TAURA Ở TÔM NUÔI

Dấu hiệu bệnh hội chứng taura ở tôm nuôi

Hội chứng Taura là bệnh thường gặp trên tôm thẻ ở giai đoạn ấu niên từ 14-40 ngày tuổi. Bệnh gồm 3 thời kỳ: Cấp tính, chuyển tiếp và mãn tính. Thời kỳ bệnh cấp tính: tôm có hiện tượng lờ đờ hoặc hôn mê, vỏ mềm, ruột không có thức ăn; chân bơi sung có màu đỏ hoặc kèm theo hiện tượng mềm vỏ và chết khi lột xác. Bệnh thường gây chết tôm trong vòng 5-20 ngày kể từ lúc nhiễm, với tỷ lệ chết từ 40-90% tuỳ theo lứa tuổi tôm nuôi.Thời kỳ chuyển tiếp: trên vỏ kitin của những tôm mang mầm bệnh thường có những chấm nâu đen, đuôi phồng và chuyển sang màu đỏ (bệnh đỏ đuôi). Sang giai đoạn mãn tính, virus tập trung ở các tổ chức lympho của tôm, trên thân tôm xuất hiện nhiều điểm bị melanin hóa có màu đen đặc trưng, nhiều con trở lại bình thường không có dấu hiệu đặc thù của tôm mang mầm bệnh.

Các biện pháp phòng bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi

Hình 5: Tôm thẻ P.vanamei bị hộ chứng Taura ở thời kỳ cấp tính (Nguồn: Bùi Quang Tề)

Tác nhân gây hội chứng taura ở tôm nuôi

Hội chứng Taura do Taura Syndrome Virus (TSV) thuộc giống Piconavirus, trong họ Picorraviridae gây ra. Virus dạng hình cầu, 20 mặt và có kích thước khoảng 31-32nm với nhân là ARN chuỗi đơn có kích thước phân tử 10,2kb.

Cơ chế lây truyền của hội chứng taura ở tôm nuôi

Bệnh có thể lây nhiễm theo 2 trục ngang và dọc, phổ biến nhất là lây nhiễm theo chiều dọc do những con tôm bị nhiễm virus ở thời kỳ mãn tính vẫn tồn tại, phát triển, thành thục bình thường và tham gia sinh sản cho ra những đàn tôm mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, nguồn nước thải từ ao tôm bệnh (virus có thể tồn tại ngoài vật chủ và vẫn giữ nguyên đặc tính gây bệnh trong khoảng nhiệt độ từ 0-1210C), yếu tố mang mầm bệnh (chim, côn trùng, con người) và tôm khoẻ ăn tôm bệnh là nguồn lây bệnh theo chiều ngang cần được chú ý.

Phòng trị bệnh hội chứng taura ở tôm nuôi

Để phòng bệnh TSV, trước tiên là áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp tương tự như bệnh đốm trắng và đầu vàng và thêm vào đó phải kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống nhập nội.

 

4. HỘI CHỨNG HOẠI TỬ GAN TUỴ CẤP  Ở TÔM NUÔI

Dấu hiệu bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp ở tôm nuôi

Hội chứng gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease - AHPND) sảy ra trên tôm thẻ và tôm sú trong suốt quá trình nuôi, tập trung nhiều ở giai đoạn từ 10 đến 45 ngày sau khi thả nuôi; tỉ lệ chết có thể đến 80%.

Giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh không rõ ràng: tôm lờ đờ, bỏ ăn, ruột rỗng, tôm tấp mé và chết ở đáy ao. Giai đoạn sau, tôm có màu sắc nhợt nhạt, gan mềm nhũn, trương to hoặc dai, teo nhỏ. Bệnh tích vi thể cho thấy tổ chức gan tụy thoái hóa, tiến triển cấp tính, thiếu hoạt động phân bào có nguồn gốc từ mô phôi. Các tế bào trung tâm (tế bào tiết, tế bào xơ và tế bào dự trữ) có sự biến đổi cấu trúc và rối loạn chức năng. Giai đoạn cuối, nhiều tế bào máu tập trung ở giữa các ống gan tuỵ và nhiễm khuẩn thứ cấp (Flegel, 2012).

Các biện pháp phòng bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi

Hình 6: Tôm gan tụy cấp (teo gan) và cấu trúc gan bị biến đổi

Tác nhân gây bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp ở tôm nuôi:

Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có gen gây độc.

Cơ chế lây truyền bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp ở tôm nuôi

Ba con đường lan truyền bệnh gan tụy cấp trên tôm đã được công bố: (1). Tôm khỏe ăn mô tươi tôm bệnh; (2). Nuôi tôm khỏe chung với tôm bệnh; (3). Ngâm tôm khỏe trong hỗn hợp vi khuẩn phân lập từ dạ dày tôm bệnh (Loc và ctv, 2013b).

V.parahaemolyticuskhông tấn công và xâm nhập vào máu tôm qua các vết thương mà chúng vào tôm qua đường miệng, rồi xâm nhập và phát triển trong dạ dày tôm. Trong dạ dày tôm, chúng tiết ra chất độc đổ vào gan tụy gây biến đổi cấu trúc, hoại tử gan tụy và rối loạn chức năng của gan tụy(Loc và ctv, 2013).

 V. parahaemolyticuskhi vào được dạ dày tôm chúng sẽ hình thành màng bao sinh học (biofilm) để bám chặt vào thành dạ dày tôm; sau đó chúng bắt đầu nhân lên. Màng bao sinh học có thể bảo vệ vi khuẩn trước tác dụng của các loại kháng sinh, chất khử trùng, các chất chiết xuất từ thảo dược và các phương pháp điều trị khác, trong khi các hoạt động trao đổi chất ở tế bào của chúng vẫn diễn ra bình thường. Vì vậy, vấn đề tiêu diệt hoặc kiểm soát mầm bệnh này trở nên rất phức tạp và khó khăn.

Phòng trị hội chứng hoại tử gan tụy cấp ở tôm nuôi

Tổng cục thủy sản (2012) đã đề xuất một số giải pháp phòng bệnh như: kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống, đưa Vibrio sp. là đối tượng kiểm soát chất lượng tôm giống, chọn mùa vụ nuôi thích hợp (tránh thả giống tháng 4-7), nuôi mật độ thấp (sú 10-15 con/m2; thẻ 40-60 con/m2); thiết kế hệ thống ao nuôi thích hợp (có ao lắng, ao xử lý, ao nuôi riêng rẽ), tẩy dọn ao triệt để, định kỳ diệt khuẩn cho ao nuôi,… . Trong quá trình nuôi cũng có thể dùng phương pháp cạnh tranh sinh học (vi khuẩn, tảo đối kháng vi khuẩn gây bệnh) để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh (Trần Hữu Lộc 2014).

 

5. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH PHÂN TRẮNG Ở TÔM NUÔI

Dấu hiệu bệnh phân trắng ở tôm nuôi

Dấu hiệu đầu tiên của tôm bệnh là ruột không có thức ăn nhưng chứa các chuỗi phân trắng. Gan tụy thay đổi sang màu trắng, màu xanh và teo bằng 1/3 thể tích gan bình thường, chai cứng, đôi khi có hiện tượng gan tụy bị hoại tử. Khi bị bệnh màu sắc thân tôm thường bị thay đổi, tôm giảm ăn, cơ thể bị ốp, có hiện tượng chết lác đác đến chết hàng loạt(Nguyễn Thị Hà, 2011).

Các biện pháp phòng bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi

Hình 7:  Phân trắng  (A) ở ao nuôi tôm bị bệnh và gan tôm bị bệnh phân trắng (B)

Tác nhân gây bệnh phân trắng ở tôm nuôi

Có nhiều tác giả đã đưa ra những kết luận khác nhau về tác nhân gây bệnh. Nói chung, bệnh có thể do các nguyên nhân, tác nhân sau:

(1). Sự kết hợp của nhiều tác nhân trong đó có vi khuẩn Vibrio  và trùng hai tế bào (Đặng Thị Hoàng Oanh, 2008; Bùi Quang Tề, 2003; Chalor Limsuwan, 2010).

(2). Bệnh do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaeiký sinh trong gan tụy tôm (Nguyễn Thị Hà, 2011).

(3). Bệnh do thức ăn bị nhiễm nấm mốc (Nguyễn Thị Hà, 2011).

(4). Tảo độc và các tác nhân khác (Nguyễn Khắc Lâm, 2004).

Cơ chế lây truyền

Bệnh phân trắng không lây lan thành dịch màtùy thuộc vào mùa vụcó thể xuất hiện tập trung ở một số ao nuôi thâm canh có mật độ nuôi cao và ít thay nước.Tùy từng loại tác nhân và nguyên nhân mà cơ chế gây bệnh khác nhau.

Phòng trị bệnh phân trắng ở tôm nuôi

Để phòng bệnh phân trắng Chalor Limsuwan (2010) đã đề nghị giảm mật độ mật độ trong mùa nóng để giảm chất hữu cơ dưới, giảm vi khuẩn (Vibrio spp.) và quản lý  môi trường nuôi thích hợp và phòng bệnh bằng cách sử dụng vitamin C và các chế phẩm sinh học thích hợp có chứa Bacillus subtilis.Bên cạnh đó, ao nuôi cần được dọn kỹ lưỡng trước mỗi vụ nuôi, và con giống cần kiểm tra kỹ chất lượng trước khi thả (Nguyễn Khắc Lâm, 2010).

 

Tiêu Thanh Tươi, Phân Viện Nghiên Cứu Thủy Sản Minh Hải






TIN TỨC KHÁC :