Thủy hải sản

Cá, tôm, mực... Việt Nam chính thức bị phạt thẻ vàng

Ngày đăng: 2017-10-25 07:10:37


Ngành hải sản Việt Nam có sáu tháng để lấy lại thẻ xanh từ Liên minh châu Âu.

Liên minh châu Âu (EU) vừa "phạt" thẻ vàng về chống khai thác bất hợp pháp (IUU) đối với hải sản Việt Nam. Lý do EU "phạt" thẻ vàng là Việt Nam chưa quản lý tốt ngành khai thác hải sản hoặc khai thác thiếu bền vững, bất hợp pháp và không có báo cáo.

EU ban hành quy định IUU nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Khi EU rút thẻ đỏ đồng nghĩa với việc cấm các hoạt động xuất khẩu của quốc gia đó vào thị trường của họ.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết đến lúc này vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về việc giơ thẻ vàng của EU đối với hải sản Việt Nam.

Trước đó ngày 20-10, trong chuyến công tác sắp tới tại TP.HCM của Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đại diện phái đoàn đã có một buổi làm việc với lãnh đạo VASEP và Ban điều hành IUU VASEP để cùng trao đổi kỹ hơn về “IUU” và vấn đề thẻ vàng.

VASEP và cộng đồng DN Việt Nam đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm đáp ứng quy định IUU của EU.

Theo VASEP, khi EU giơ thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của DN qua khu vực này sẽ giảm do các khách hàng rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU, thậm chí họ sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng.

Ngoài ra, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.

Điều này sẽ khiến DN Việt mất thời gian, chi phí. Riêng phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng.

Đáng lo ngại nhất là nếu bị thẻ vàng nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng)/container. Nếu bị thẻ đỏ coi như hải sản Việt bị cấm xuất khẩu vào EU thì thiệt hại còn khủng khiếp hơn.

Theo VASEP, sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, Việt Nam sẽ có sáu tháng để khắc phục các thiếu sót. Nếu sáu tháng không có cải thiện theo đánh giá của EU sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU. Khi đó DN hải sản bị thiệt hại nặng nề.

Thị trường Mỹ cũng đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhập khẩu nhằm chống lại nạn khai thác bất hợp pháp (IUU) từ ngày 1-1-2018.

Trước những quy định mới của thị trường liên quan đến vấn đề IUU, cộng đồng DN hải sản đang thể hiện sự quyết tâm khi tham gia vào chương trình cam kết chống khai thác IUU do VASEP đề xướng.

Tính đến đầu tháng 10-2017, đã có 59 DN cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp.

Không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm…

Đại diện VASEP cho rằng Việt Nam sẽ phấn đấu đảo ngược tình hình lấy lại thẻ xanh về IUU trong thời gian tới.


Theo Quang Huy / Pháp luật Tp Hồ Chí Minh





TIN TỨC KHÁC :