Thủy hải sản

Cần xây dựng thương hiệu cho thủy sản xuất khẩu

Ngày đăng: 2018-06-13 07:19:44


Ngày 12/6, tại hội nghị toàn thể Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Trần Thanh Nam khuyến nghị cần phải xây dựng thương hiệu cho mặt hàng tôm và cá tra xuất khẩu. 
 

Nguồn nguyên liệu thủy sản là mối quan tâm lớn của các DN xuất khẩu. Ảnh: T.H

Nhiều khó khăn về nguyên liệu chế biến

Theo các doanh nghiệp thủy sản, năm 2018, có một số yếu tố tiếp tục tác động, ảnh hưởng không tích cực đến xuất khẩu thủy sản, như: Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ; Thuế chống bán phá giá giá tôm và cá tra; "Thẻ vàng" IUU; và một vấn đề nội tại như nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản không ổn định, vấn đề kháng sinh tạp chất trong nguyên liệu mặc dù đã giảm song vẫn còn tồn tại, vấn đề truy xuất nguồn gốc... vẫn còn đang trong quá trình cải thiện. 

Nhận định về nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn. Do những biến động của thị trường và kết quả dự báo nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến thủy sản luôn thiếu tính chính xác, dẫn đến sự mất cân đối cung cầu. Bên cạnh đó, biến đổi khi hậu, xâm nhập mặn và dịch bệnh cũng là nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu thủy sản...  

Đứng ở góc độ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn cho rằng, ngành cá tra đang phát triển nóng về giá nguyên liệu trong hơn 20 năm qua. Người nuôi cá hiện rất quan ngại khi giá nguyên liệu không ổn định. Giá lên cao đã thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực lân cận, tác động không nhỏ đến chế biến, xuất khẩu cá tra.

Các doanh nghiệp lo ngại giá cá tra cao có thể các nước nhập khẩu sẽ thay thế cá tra bằng loại cá khác. Việc tăng giá cá tra đã tiềm ẩn sự không ổn định về nguyên liệu chế biến. Để khắc phục tình trạng này, các DN cá tra nên ngồi lại để nhận diện được các mối nguy để có giải pháp cụ thể, căn cơ, đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững, phục vụ cho chế biến xuất khẩu. 

Bà Nguyễn Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho biết, để hạn chế việc bơm tạp chất vào tôm, cần phải hình thành chợ tôm, có quy định cụ thể tất cả nguyên liệu tôm phải giao dịch qua chợ, nuôi trồng thủy sản áp dụng phương thức quản lý bằng thiết bị thông minh mới hạn chế, tiến tới chấm dứt việc bơm tạp chất vào tôm, cũng như sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản... 

Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất, phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã ảnh hưởng đến giá thành nguyên liệu thủy sản nuôi, khiến thủy sản Việt Nam kém cạnh tranh và phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường nguyên liêu nhập khẩu...

Đảm bảo truy xuất nguồn gốc

Theo đánh giá của các doanh nghiệp thủy sản, xu hướng hiện đại mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện là tăng cường kiểm soát theo chuỗi sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chú trọng vào các khâu trước chế biến.

Nhưng hiện tại việc kiểm soát chất lượng, an toàn thủy sản xuất khẩu ở Việt Nam, bản thân doanh nghiệp không đủ khả năng để kiểm soát quá trình sản xuất nguyên liệu như: Chất lượng con giống, việc sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi, cũng như việc bơm tạp chất.

Việc xuất khẩu đầy rủi ro trong xu thế các nước nhập khẩu Mỹ, Nhật, EU ngày càng tăng cường và thắt chặt các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Thu Sắc, đại diện Ủy ban Hải sản (VASEP) cho rằng, “Thẻ vàng” thủy sản đối với Việt Nam vừa qua là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn để ngành thủy hải sản Việt Nam với nhiều lợi thế về biển có những thay đổi căn bản trong việc đánh bắt, chế biến nguyên liệu thủy sản để vượt qua "thẻ vàng", lấy lại "thẻ xanh". 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Trần Thanh Nam cho rằng, nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản là một trong vấn đề được quan tâm trong chế biến, xuất khẩu thủy sản. Với vai trò của mình, VASEP cần tăng cường quan hệ với các hiệp hội ngành hàng quốc tế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các DN thủy sản Việt Nam, có phòng kiểm tra chất lượng để giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Đối với các doanh nghiệp thủy sản cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp. Xây dựng vùng nguyên liệu an toàn bằng cách tăng cường liên kết giữa sản xuất và nuôi trồng để cùng phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng sàn giao dịch đấu giá thủy sản, có như vậy mới giải quyết căn cơ việc truy xuất nguồn gốc nguồn nguyên liệu. 

“Đặc biệt, muốn xuất khẩu thủy sản bền vững phải phát triển thương hiệu. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng thành công thương hiệu gạo xuất khẩu, còn 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra, cần xúc tiến xây dựng và phát triển thương hiệu cho 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực này”- Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh. 
 

Tại hội nghị, VASEP cũng kỷ niệm 20 năm thành lập. Các doanh nghiệp thủy sản đã đánh giá cao vai trò của VASEP trong vai trò “cầu nối” giữa Nhà nước với các DN thủy sản. VASEP đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan nhà nước kịp thời tháo gỡ những vướng mắc giúp các doanh nghiệp thủy sản vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu.

VASEP được lãnh đạo Bộ NN&PTNN đánh giá là hiệp hội ngành hàng làm việc với tinh thần chuyên nghiệp, có nhiều ý tưởng, đề xuất, kiến nghị, góp ý tham vấn cho cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ NN&PTNT trong quá trình hoạch định chính sách để thúc đẩy sản xuất và XK của ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng.

Trong thời gian qua, VASEP cũng đã rất chủ động trong việc đưa ra các đề xuất cụ thể đối với các bộ, ngành trong việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp thủy sản góp phần ổn định sản xuất, duy trì và mở rộng thị trường XK của thủy sản Việt Nam.

 


Theo Lê Thu / Báo hải quan





TIN TỨC KHÁC :