Thủy hải sản

Điều tra khuất tất vụ tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng ở Bình Định

Ngày đăng: 2017-06-12 07:00:10


Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định vừa chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc điều tra những khuất tất về vụ tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng phải nằm bờ.

Sau khi phát hiện các cơ sở đóng tàu làm ăn gian dối, nhiều chủ tàu cá nộp đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng, sau đó rút đơn rồi lại nộp đơn trở lại vào ngày 9/6 gây ra nhiều hoài nghi trong dư luận.

dieu tra nhung khuat tat vu tau vo thep moi dong da hong o binh dinh hinh 1
Những con tàu vỏ thép rỉ sét thê thảm dù mới đi 1-2 chuyến biển

Nhiều chủ tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định cho rằng, các nhà máy đóng tàu đã chi tiền và đề nghị ngư dân rút đơn khiếu nại.

Ông Trần Đình Sơn, chủ tàu cá BĐ 99245TS, ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ cho biết, tàu của ông do Công ty trách nhiệm một thành viên Nam Triệu thuộc Bộ Công an đóng mới. Con tàu này đi được 2 chuyến biển, chuyến nào cũng bị hỏng máy. Chuyến thứ 2 thì bị gãy trục chính phải thuê 2 tàu khác kéo về tốn hơn 100 triệu đồng, hiện phải nằm bờ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, vừa qua, có 7 chủ tàu cá làm đơn xin rút khiếu nại Công ty Nam Triệu và đề nghị không thẩm định độc lập tàu của họ. Tuy nhiên, đến sáng 9/6, lại có 6 chủ tàu cá không rút đơn nữa và đề nghị Tổ kiểm định tiếp tục kiểm tra tàu.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định, cho biết, toàn tỉnh đóng 44 tàu vỏ thép theo chương trình của Nghị định 67 thì 18 chiếc hư hỏng. Các tàu hư hỏng đều do 2 Công ty Nam Triệu của Bộ Công an và Đại Nguyên Dương đóng mới. Ông Trần Châu rất bất ngờ khi thấy một số ngư dân có tàu cá bị hỏng lại rút đơn đề nghị không thẩm định độc lập tàu cá bị hư nữa.

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại tỉnh Bình Định, 18 tàu cá mới đóng đã hỏng chủ yếu do 2 cơ sở đóng tàu là Nam Triệu và Đại Nguyên Dương. Đây là những câu hỏi cần sớm là  rõ.

Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tạm đình chỉ nhận thêm hợp đồng đóng mới của 2 doanh nghiệp này yêu cầu các cơ sở này có trách nhiệm khắc phục sự cố lỗi của 18 con tàu. Những con tàu vỏ thép rỉ sét, chất lượng thép không đúng theo hợp đồng thì phải thay bằng thép mới, đúng với hợp đồng và quy chuẩn. Máy tàu không đúng quy chuẩn thì cũng phải thay bằng máy mới. Sau khi khắc phục xong, sẽ xem xét có để trong danh sách những cơ sở đóng tàu đủ điều kiện và năng lực hay không.

Vừa qua có một số ngư dân làm đơn khiếu nại nhưng không biết do tác động như thế nào họ lại rút đơn? Dù ngư dân có rút đơn hay không cũng phải kiểm tra tất cả các tàu cá bị hư hỏng để xác định trách nhiệm các bên liên quan. Ông Vũ Văn Tám đề nghị tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ có chính sách giúp đỡ ngư dân.

"Đóng tàu có rất nhiều công đoạn, trách nhiệm lớn nhất và bao trùm là của cơ sở đóng tàu. Phải chịu trách nhiệm về chất lượng con tàu cũng như hoạt động, kể cả đào tạo, huấn luyện ngư dân vận hành con tàu này", Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh./.


Theo Thái Bình /VOV-miền Trung





TIN TỨC KHÁC :