Thủy hải sản

Khó khoanh nợ cho người nuôi tôm hùm

Ngày đăng: 2017-12-19 07:32:11


Việc khoanh nợ, cho vay mới để người dân phục hồi sản xuất sau bão số 12 sẽ không dễ triển khai

Ngày 18-12, tại cuộc họp triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do bão số 12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến đã có buổi làm việc với chính quyền, các tổ chức tín dụng (TCTD), NH Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa.

Trắng tay vẫn gồng mình trả lãi

Phơi mình giữa nắng, mồ hôi nhễ nhại, ông Phạm Kỉnh (tổ 8, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) đang tự đóng lại bè tôm hùm của mình. Sau bão số 12, gia đình ông Kỉnh trắng tay vì hơn 1.000 lồng nuôi tôm hùm ở giai đoạn thu hoạch tan theo bọt biển. Ông Kỉnh cho biết thiệt hại trên 2 tỉ đồng, trong số đó ông phải vay NH khoảng 200 triệu đồng. "Mất trắng không lấy lại được gì nhưng tiền nợ NH đến hạn phải vay mượn để trả. Tôi có làm các thủ tục để giãn nợ, khoanh nợ mà vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng có ý kiến gì. Không biết chờ đến bao giờ" - ông Kỉnh buồn bã.

Khó khoanh nợ cho người nuôi tôm hùm - Ảnh 1.

Ông Phạm Kỉnh, ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa thiệt hại toàn bộ tài sản, phải vay nóng để trả nợ ngân hàng và đóng bè sản xuất

Theo ông Kỉnh, giai đoạn vào mùa đông rất thuận lợi để mua giống tôm hùm, nếu qua giai đoạn "vàng" này thì rất khó phục hồi việc nuôi tôm. Do đó, dù không còn đồng vốn nào ông cũng phải chạy vạy, mượn họ hàng làm 3 lồng bè để mua giống về thả. "Chi phí làm bè thì chỉ khoảng 10 triệu đồng/lồng nhưng tiền giống và tiền thức ăn cho tôm rất lớn. Mỗi con giống từ 300.000-500.000 đồng nếu không có vốn thì không thể nuôi nhiều được" - ông Kỉnh cho biết.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu, nhân công đang tăng cao chóng mặt. Ông Nguyễn Thanh Phong (thị trấn Vạn Giã) không có nhân công nên phải đi thuê 3 người để làm 70 ô lồng cho kịp vụ sản xuất. Ước tính ông phải mất 1 tháng để hoàn thành, riêng tiền thợ khoảng 60 triệu đồng, tiền lồng khoảng 700 triệu đồng.

Báo cáo của Chi nhánh NHNN Khánh Hòa cho thấy toàn tỉnh có gần 13.000 khách hàng vay bị thiệt hại do ảnh hưởng bão số 12, các TCTD bị thiệt hại ước tính khoảng 1.645 tỉ đồng. Cụ thể, khách hàng vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn theo Nghị định 55/CP có gần 5.000 khách hàng, vốn vay NH bị thiệt hại khoảng 693 tỉ đồng. Chi nhánh NH Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa có gần 7.000 khách hàng bị thiệt hại với khoảng 157 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn có gần 1.000 khách hàng vay vốn sản xuất - kinh doanh thuộc các lĩnh vực công thương nghiệp, dịch vụ, du lịch và xây dựng với vốn vay thiệt hại gần 800 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp trong nhóm này bị sập nhà xưởng, hư hại máy móc, trang thiết bị… không thể phục hồi sản xuất.

Đề nghị chính sách hỗ trợ

Ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, cho biết đã yêu cầu các TCTD phối hợp hỗ trợ khách hàng. Đến nay, các NH đã cho 261 khách hàng vay mới với tổng số tiền 832 tỉ đồng. Có gần 1.300 khách hàng được gia hạn nợ với số tiền 432 tỉ đồng. "Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp đang nợ các TCTD rất lớn, chúng tôi đề nghị Chính phủ có chính sách tín dụng đặc thù với lãi suất và điều kiện cho vay ưu đãi: cho phép TCTD khoanh nợ 2 năm cho các cá nhân, doanh nghiệp không thuộc Nghị định 55/CP bị thiệt hại 50% trở lên hoặc dưới 50% nhưng trên 10 tỉ đồng" - ông Chiểu đề xuất.

Đại diện một NH nhận định: "Việc khoanh nợ thực chất là dùng nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền lãi suất phát sinh của các khách hàng. Tuy nhiên, có được tiền của ngân sách không phải dễ, phải mất thời gian hoàn thành các thủ tục khoanh nợ. Bản thân các NH cũng tự thân vận động để hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp".

Ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị NHNN tạo điều kiện rút ngắn thủ tục hồ sơ, quy trình khoanh nợ, xóa nợ vì mỗi ngành có số liệu, cách thẩm định khác nhau. Trong khi UBND các cấp không đủ cơ sở xác nhận mức thiệt hại, cần có hội đồng thẩm định, có mẫu thống nhất hoặc cho phép tổ chức độc lập tham gia và sử dụng chung cho nhiều ngành.

 

Trong khi đó, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng chính sách của Chính phủ chỉ tập trung cho một số lĩnh vực, một số ngành nhất định, không thể bao trùm tất cả lĩnh vực. Trong thẩm quyền, NHNN đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp cho vay mới, khoanh nợ, giãn nợ với sự hỗ trợ cao nhất. NH Chính sách xã hội đề nghị xóa nợ cho các hộ nghèo cũng hợp lý nhưng đang vướng cơ chế. "NHNN sẽ tiếp thu và báo cáo Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc. Nếu chưa có chỉ đạo của Chính phủ thì hệ thống NH sẽ cố gắng làm trong khả năng của mình" - ông Tiến nói.

Về các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, nhất là nuôi trồng thủy sản và đóng tàu, ông Tiến đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xác định nhu cầu cụ thể gửi NHNN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý theo cơ chế hiện hành và xác định tiếp theo cần cơ chế gì.

"Việc cho vay tín chấp thuộc về ngành NH nhưng cho vay hỗ trợ lãi suất phụ thuộc nguồn lực nhà nước và phân bổ của Bộ Tài chính để cấp bù. Vấn đề này chúng tôi sẽ báo cáo nếu có nguồn lực sẽ giao cho NH Chính sách xã hội triển khai" - Phó Thống đốc nói.

Thiệt hại thực tế 14.700 tỉ đồng

Theo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, thống kê của cơ quan này chỉ là những khách hàng nợ tiền các TCTD, còn thực tế số thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Bão số 12 đã làm tỉnh Khánh Hòa thiệt hại 14.700 tỉ đồng. Ngành thủy sản thế mạnh của Khánh Hòa bị thiệt hại hết sức nghiêm trọng với trên 1.600 tàu chìm, hư hỏng; trên 35.000 lồng bè và 1.750 ha ao hồ thủy sản bị hư hại hoàn toàn.


Theo Kỳ Nam / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :