Thủy hải sản

Thương lái trả giá "xởi lởi", giá tôm quay đầu tăng nhẹ

Ngày đăng: 2018-07-04 07:13:52


Sau thời gian giảm giá “chạm đáy”, giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL đã có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Nguyên nhân là do nguồn tôm dự trữ trên thế giới đã gần cạn nên nhiều nhà nhập khẩu bắt đầu mua vào, phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm sắp tới.

 
 

Ông Nguyễn Một – hộ nuôi tôm tại huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) cho biết, hơn một tuần nay, giá thu mua tôm thẻ ở vùng này đã bắt đầu tăng nhẹ. Một số thương lái cũng “xởi lởi” hơn trong việc trả giá mua tôm của bà con nông dân.

Cụ thể, nếu hồi tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, giá tôm thẻ chân trắng giảm sâu, tôm cỡ 100 con/kg chỉ còn ở mức 70.000 – 75.000 đồng/kg thì nay, giá tôm này đã tăng lên mức khoảng 80.000 đồng/kg, có nơi chào mua giá 82.000 đồng/kg đối với tôm đẹp, sạch kháng sinh.

Còn đối với tôm cỡ lớn hơn, 60 – 70 con/kg, giá thu mua cũng đã tăng khoảng 10.000 đồng/kg, ở mức từ 120.000 – 130.000 đồng/kg.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm chân trắng hiện tăng bình quân khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước ở một số tỉnh ĐBSCL. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm 2018.

thuong lai tra gia xoi loi, gia tom quay dau tang nhe hinh anh 1

Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL đã tăng nhẹ so với thời điểm tháng 5, tháng 6 vừa qua. Ảnh: Thuận Hải.

VASEP dự báo, giá tôm nguyên liệu sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới, vào khoảng tháng 8 và 9.2018 khi các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và một số nước có sản lượng tôm nuôi lớn đã qua thời điểm thu hoạch rộ.

Hơn nữa, do giá giảm sâu trong thời gian qua nên nông dân các nước này cũng rơi vào tình trạng thua lỗ nặng và hạn chế thả nuôi vụ mới, do đó, khả năng nguồn tôm nguyên liệu trên thế giới sẽ giảm trong quý 3 và quý 4.2018.

Trong nước, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm bắt đầu ký được các hợp đồng xuất khẩu tôm với số lượng lớn. Nhu cầu nhập khẩu để chuẩn bị phục vụ cho mùa lễ hội dịp cuối năm tại các thị trường cũng đang bắt đầu nóng dần lên.

Ví dụ như Tập đoàn Minh Phú đã ký được hợp đồng xuất khẩu tôm kỷ lục lên tới gần 10.200 tấn tôm, giá trị khoảng 110 triệu USD. Thời gian thực hiện hợp đồng này chỉ trong vòng 1 tháng.

Do đó, để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho đơn hàng này, Minh Phú đã tăng giá thu mua tôm nguyên liệu lên hơn 10% so với thời điểm tháng 5. Nhiều nhà máy khác ở ĐBSCL hiện cũng bắt đầu nâng giá thu mua tôm nguyên liệu.

Với đà này, một số thương nhân kinh doanh tôm cho rằng, có thể đến cuối tháng 8, giá tôm thẻ sẽ tăng 30% so với hồi tháng 5, giá tôm thẻ loại 100 con/kg màu sắc đẹp, không dư lượng kháng sinh, có thể đạt mức giá từ 95.000 - 100.000 đồng/kg.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cho biết, thông thường, từ tháng 1 – 5 hằng năm, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm tôm các loại còn ở mức thấp, các nhà nhập khẩu thường chờ giá giảm sâu mới bắt đầu mua vào.

Trong khi, một số nước như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia năm nay vào vụ thu hoạch sớm, sản lượng dồi dào nên họ buộc phải giảm giá để bán được hàng khiến giá tôm càng giảm sâu, tác động đến giá tôm trong nước.thuong lai tra gia xoi loi, gia tom quay dau tang nhe hinh anh 2

Trong bối cảnh giá tôm giảm sâu, cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân thả nuôi với mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi và giảm thiểu rủi ro. Ảnh: Thuận Hải.

Trong bối cảnh giá tôm hiện tại, VASEP khuyến cáo nông dân nên duy trì thả nuôi tôm ngay từ cuối tháng 6, tuy nhiên chú trọng thả với mật độ thưa để giảm thiểu rủi ro, kéo dài thời gian thu hoạch.

Bên cạnh đó, người nuôi nên áp dụng công nghệ nuôi mới, nuôi theo chuẩn quốc tế, tập trung sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị từ vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất.

Còn đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nên tập trung phát triển hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chất lượng cao để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp vì các sản phẩm này bán được giá cao hơn và thị trường tiêu thụ ổn định hơn.

Theo VASEP, dù giảm liên tục trong những tháng đầu năm nhưng xuất khẩu tôm trong tháng 6 đầu năm 2018 vẫn đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm chân trắng vẫn duy trì tăng mạnh 18% với kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tôm sú giảm gần 7%, chỉ đạt 382 triệu USD.

VASEP dự báo xuất khẩu tôm sẽ hồi phục trong tháng 7 và những tháng tiếp theo vì nhu cầu trên thị trường đang tăng trở lại, giá tôm nguyên liệu trong nước cũng có xu hướng tăng, nông dân sẽ lại an tâm đầu tư nuôi tôm.

 


Theo Khải Huyền / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :