Thủy hải sản

Xuất khẩu thủy sản vươn đến mục tiêu 9 tỷ USD

Ngày đăng: 2018-01-25 07:22:09


Việc thay đổi mục tiêu XK thủy sản năm 2018 từ 8,5 tỷ USD ban đầu lên mức 9 tỷ USD đặt thêm cho ngành thủy sản không ít áp lực. Để “hiện thực hóa” con số này, năm nay toàn ngành định hướng đổi thay tư duy mạnh mẽ cả trong khai thác lẫn nuôi trồng, tập trung vào hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra.

Đẩy mạnh nuôi tôm công nghệ cao là một trong những định hướng quan trọng của ngành thủy sản trong năm 2018. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Giảm lượng, tăng giá trị

 

Theo Bộ NN&PTNT: Giá trị XK thủy sản năm 2017 ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2017, chiếm 55,3% tổng giá trị XK thủy sản. Trong 11 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị XK thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (64,4%), Hà Lan (48,6%), Anh (36,4%), Hàn Quốc (29,1%), Canada (22,3%) và Nhật Bản (20%).

 

Nói về XK thủy sản năm nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay: Mục tiêu đặt ra ít nhất là 9 tỷ USD, bởi với con số này, tăng trưởng XK mới đạt khoảng 10% so với năm 2017, trong khi tăng trưởng XK năm 2017 đạt tới 18% so với năm 2016. Theo Thứ trưởng Tám, với khai thác thủy sản, 2018 cũng như những năm tiếp theo, điểm quan trọng là phải thay đổi tư duy theo hướng giảm sản lượng khai thác, nâng cao giá trị gia tăng, thay vì chủ yếu chạy theo sản lượng như thời gian trước. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng giá trị khai thác được triển khai thông qua việc nâng cao bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) phân tích: Muốn tăng giá trị sản lượng sau thu hoạch, có hai nút thắt cần tháo gỡ.

Thứ nhất, về mặt chính sách, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đi vào đời sống khá nhỏ lẻ. Phải là DN mới đủ điều kiện vay tiền ưu đãi theo Quyết định 68. Nếu các hộ cá nhân muốn vay tiền theo Quyết định 68 thì phải ký hợp đồng dài hạn với các cơ sở chế biến. Đây là điều kiện không đáp ứng được trong thực tế. Bởi vậy, ngư dân muốn vay tiền theo Quyết định 68 phục vụ đầu tư, nâng cấp công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu sau khi khai thác không tiếp cận được ưu đãi.

Thứ hai, việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào bảo quản sản phẩm hiện cũng gặp những vướng mắc nhất định. Năm 2017, đã có 2-3 mô hình được thử nghiệm, song khó khăn là các ứng dụng này đều chưa được công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong bảo quản sản phẩm. Thực tế, các tiến bộ phải được công nhận thì mới có thể chuyển giao triển khai trong thực tế để cơ sở tín dụng cho vay vốn. Việc công nhận tiến bộ kỹ thuật này do chính Tổng cục Thủy sản trình Bộ NN&PTTN, sau đó Bộ NN&PTNT công nhận. Nếu thúc đẩy gỡ vướng được, tin rằng ứng dụng công nghệ trong bảo quản sản phẩm sẽ gia tăng.

Đẩy mạnh nuôi tôm, cá tra

Ngoài chú ý tới bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, trong năm nay, về mặt nuôi trồng cần tăng sản lượng ở tôm, cá tra.

“Nuôi tôm đột phá bằng hai còn đường gồm nuôi tôm công nghệ cao và tôm sú quảng canh. Cụ thể, phải tăng nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao lên, trong đó làm thế nào để vừa tăng sản lượng vừa phải đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Với nuôi tôm sú quảng canh, ngoài kết nối với các trung tâm giống tôm sú để đảm bảo tốt nguồn giống, cần phải làm tốt công tác gieo giống nhằm cung cấp tới tận tay các hộ nuôi. Không làm được điều này, các hộ nuôi tôm sú vẫn sẽ ra chợ mua giống trôi nổi, năng suất thấp”, Thứ trưởng Tám nói.

Đối với cá tra, theo Thứ trưởng Tám, mấu chốt là làm tốt khâu thị trường và con giống.

Góp ý thêm về lĩnh vực cá tra, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: Sau 10 năm phát triển, ngành cá tra mới có thành tích tốt như năm 2017 khi XK ghi nhận liên tục tăng từ tháng 2 đến tháng 12 với mức giá cao. Hiện, giá cá tra cũng đang ở mức cao là 31.000 đồng/kg nguyên liệu. Năm 2017, trong khi thị trường XK cá tra gặp khó khăn tại Hoa Kỳ và EU thì Trung Quốc và Nhật Bản chính là “cứu cánh” của cá tra. Năm 2018, XK cá tra còn khá nhiều tiềm năng để thúc đẩy sang các thị trường này, nhất là Nhật Bản. “Để tiếp tục gặt hái thành tích XK tốt như năm 2017, giải pháp của năm 2018 là tiếp tục duy trì chất lượng sản phẩm, tránh tụt giá. Muốn vậy, phải kiểm soát chặt tất cả các điều kiện ở từng khâu như giống, nuôi trồng, chế biến… Nói tới phát triển của ngành cá tra nói chung, ngoài XK, năm 2017 đã thúc đẩy phát triển thị trường nội địa thì năm nay cần tiếp tục, duy trì hiệu quả sản xuất”, ông Cẩn nhấn mạnh.

Xoay quanh câu chuyện XK thủy sản 2018, đại diện Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) bày tỏ quan điểm: Với nuôi trồng thủy sản, bên cạnh thanh kiểm tra vật tư đầu vào, chất lượng con giống, đề nghị Tổng cục Thủy sản tăng cường chỉ đạo địa phương về cơ sở giống, cơ sở nuôi. Thời gian qua, kết quả kiểm tra của địa phương về vấn đề này chưa nhiều.

Liên quan tới rào cản kỹ thuật tại thị trường XK, vị đại diện này cho hay: Hiện, phần lớn các thị trường đưa ra rào cản về an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc. Năm 2017, Tổng cục Thủy sản và Nafiqad đã phối hợp khá tốt trong tiếp đón các đoàn thanh tra nước ngoài như Nga, Nhật, Hàn Quốc… vào thanh tra. Năm 2018, Nafiqad mong muốn sự phối hợp này được tiếp tục duy trì chặt chẽ. Cụ thể, nội dung các đoàn thanh tra vào thanh tra chủ yếu là tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản; triển khai đáp ứng đánh giá tương đương của Chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ…


Theo Thanh Nguyễn / Báo hải quan





TIN TỨC KHÁC :